Tại Hội thảo “Giới thiệu thực tiễn tốt trong hoạt động và bộ công cụ tự đánh giá năng lực của hiệp hội doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ của Quỹ châu Á (TAF) tổ chức mới đây, các doanh nghiệp đều cho rằng, năng lực hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp ngày càng trở thành vấn đề đáng được quan tâm khi các hiệp hội đang được coi là có vai trò quan trọng mang tính định hướng và liên kết cho các doanh nghiệp hội viên.

Hơn nữa, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, “97% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, trước bối cảnh hội nhập sâu rộng các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự liên kết nhằm gia tăng sức mạnh cạnh tranh qua đó tận dụng được những cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu".

Vì thế, đó là lý do cần phải nâng cao năng lực của hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam.

Cơ quan quản lý thực hiện Dự án là Quỹ châu Á cũng cho rằng, cần tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp nếu muốn đạt được sự phát triển năng động và toàn diện trong khu vực kinh doanh ở Việt Nam thông qua việc tăng cường năng lực cho các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời giúp các hiệp hội gần gũi, hỗ trợ hiệu quả hơn cho các thành viên, nâng cao vị thế và tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật.

Công cụ đánh giá năng lực hiệp hội doanh nghiệp được coi là bộ công cụ đầu tiên ở Việt Nam để các hiệp hội có thể tự đánh giá năng lực của mình, so sánh khoảng cách thực tế hoạt động của mình với các chuẩn mực quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng bộ công cụ và tập hợp các thực tiễn tốt, nhóm nghiên cứu (thuộc VCCI) đã tiến hành tham vấn chuyên gia và phỏng vấn sâu 16 hiệp hội doanh nghiệp ở 7 tỉnh thành trong cả nước.

Các bài học kinh nghiệm tốt xoay quanh 7 chủ đề bao gồm: cung cấp dịch vụ cho hội viên, phát triển mô hình tạo nguồn thu hiệu quả, áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông, quản trị hiệp hội, phản biện và góp ý chính sách pháp luật, liên kết quốc tế và xây dựng tiêu chuẩn ngành.

Trên cơ sở rà soát các nghiên cứu, các công bố có liên quan về đánh giá năng lực của các hiệp hội doanh nghiệp cả ở trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu của VCCI đã dự thảo bộ công cụ.

Bộ công cụ này đã được tham vấn ý kiến các chuyên gia, hiệp hội trên cả nước, và sau đó đã được áp dụng thử ở 10 hiệp hội trên cả nước để rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Bộ công cụ đưa ra hệ thống các chỉ tiêu đánh giá năng lực thực hiện những chức năng chính của các hiệp hội. Các chỉ tiêu được nhóm lại thành một số chỉ số thành phần. Các chỉ tiêu này được lượng hóa thành các cấp độ, phản ánh trình độ phát triển của các hiệp hội trên từng chỉ tiêu cụ thể.

Bộ công cụ tự đánh giá năng lực của các hiệp hội doanh nghiệp có 6 chỉ số thành phần, bao quát việc thực hiện những chức năng cơ bản của hiệp hội doanh nghiệp: năng lực định hướng chiến lược, năng lực lãnh đạo và quản trị, năng lực tài chính và cơ sở vật chất, năng lực phục vụ hội viên, năng lực tham gia ý kiến và đề xuất kiến nghị xây dựng chính sách, pháp luật, năng lực xây dựng và hỗ trợ phát triển cộng đồng doanh nghiệp.

Chia sẻ tại Hội thảo nói trên, ông Phạm Ngọc Thạch, Ban Pháp chế, VCCI, đây chỉ là những chỉ tiêu bao quát nên nếu áp dụng thực tiễn, các hiệp hội doanh nghiệp có nhu cầu vẫn có thể thay đổi.

Đánh giá cao về bộ công cụ này cũng như các chỉ tiêu mà bộ công cụ đưa ra, tuy nhiên TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cần có thêm một chỉ số thành phần nữa để thực sự có kết quả đo chính xác nhất. Đó là đánh giá năng lực của chính hội viên hiệp hội vì họ là hạt nhân quan trọng xây dựng nên năng lực của hiệp hội đó.

Trên thực tế, cũng đã có nhiều liên kết hiệp hội doanh nghiệp, ví dụ như tỉnh Tuyên Quang thực hiện chương trình cà phê doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh với chương trình sử dụng sản phẩm của các thành viên trong hiệp hội, nhằm tăng doanh thu cho hội viên, giải quyết khó khăn về tài chính cho hiệp hội cũng như doanh nghiệp…

Ngoài ra, các hiệp hội doanh nghiệp cũng tổ chức nhiều chương trình về đào tạo, tư vấn, hỗ trợ thông tin và xây dựng mạng lưới đối tác. Đây là những thực tiễn tốt mà các hiệp hội cần chia sẻ với nhau nhằm giúp cho các hiệp hội doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực và nắm được những thay đổi trong quá trình hội nhập của Việt Nam./.