Đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Từ năm 2009, Việt Nam đã ban hành Luật Quản lý Nợ công, đây là cơ sở pháp lý cực kỳ quan trọng cho các khuôn khổ về quản lý nợ công mà vốn dĩ trước đó Việt Nam chưa có. Luật Quản lý Nợ công không chỉ đưa ra các định nghĩa mang tính thống nhất về nợ công, nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương, mà cả nợ nước ngoài của quốc gia. Luật Quản lý Nợ công cũng đưa ra các nguyên tắc về quản lý nợ công, trong đó nêu rõ Nhà nước sẽ quản lý thống nhất, toàn diện nợ công, từ việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay đến việc trả nợ. Điều đặc biệt là các hành vi bị cấm trong quản lý nợ công cũng được quy định cụ thể. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan trong quản lý nợ công, bao gồm: Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan nhà nước; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quản lý nợ công cũng được quy định. Các quy định cụ thể về quản lý nợ của Chính phủ, quản lý bảo lãnh chính phủ và quản lý nợ của chính quyền địa phương, cũng được quy định chi tiết thành từng chương riêng. Có thể nói, sự ra đời của Luật Quản lý Nợ công là một nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam nhằm giúp tạo ra một khuôn khổ pháp lý rõ ràng hơn trong quản lý nợ công, tránh tình trạng phân mảng về chức năng vay, trả nợ, giám sát an toàn nợ giữa các cơ quan nhà nước khác nhau cũng như ở các chính quyền địa phương, kiểm soát sự lạm dụng thẩm quyền vay nợ, và hạn chế tâm lý ỷ lại trong việc đảm bảo tính bền vững và giám sát tính an toàn, lành mạnh trong sử dụng nợ công.

Sau khi có Luật Quản lý Nợ công 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 79/2010/NĐ-CP, ngày 14/7/2010 về nghiệp vụ quản lý nợ công, trong đó quy định khá rõ về các công cụ quản lý nợ công, các chiến lược dài hạn về nợ công, các chương trình quản lý nợ trung hạn và cả các kế hoạch vay, trả nợ chi tiết hàng năm của Chính phủ. Nghị định 79 còn quy định hệ thống các chỉ tiêu giám sát nợ công và cả nợ nước ngoài của quốc gia, cách thức tổ chức giám sát nợ công, quy định về quản lý quỹ tích lũy trả nợ, quy định việc quản lý danh mục nợ và rủi ro danh mục nợ của Chính phủ; các quy định về quản lý vay và trả nợ của chính quyền địa phương, như: hạn mức vay nợ, kế hoạch vay trả nợ, quản lý giám sát nợ của chính quyền địa phương cũng được quy định khá chi tiết.

Năm 2012, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 958/QĐ-TTg, ngày 27/7/2012 về Chiến lược Nợ công và Nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030. Nội dung của Quyết định số 958 cơ bản đã thể hiện tương đối đầy đủ về những vấn đề quan trọng liên quan đến quản lý nợ công như trong tài liệu Hướng dẫn về Quản lý nợ công của IMF và WB. Các nội dung chủ yếu của Quyết định số 958 bao gồm các quy định liên quan đến quan điểm và mục tiêu của quản lý nợ. Theo đó, mục tiêu của quản lý nợ công được xác định là nhằm “Tổ chức huy động vốn vay với chi phí và mức độ rủi ro phù hợp”. Mục tiêu này nói chung cũng nhất quán với mục tiêu quản lý nợ của nhiều nước, tức là tập trung và quản lý chi phí vay nợ đặt trong mối quan hệ với rủi ro có thể chấp nhận được. Ngoài ra, các chỉ tiêu cụ thể của quản lý nợ công cũng được quy định khá đầy đủ với một lộ trình tương đối cụ thể và rõ ràng. Quyết định 958 cũng quy định về các định hướng huy động và sử dụng vốn vay, đi kèm với các giải pháp thực hiện chiến lược quản lý nợ trong từng giai đoạn cụ thể, bao gồm cả việc thực hiện các đề án cụ thể để triển khai thực hiện.

Có thể thấy, khuôn khổ pháp lý cho quản lý nợ công của Việt Nam đã được ban hành tương đối đầy đủ và ngày càng hoàn thiện và đồng bộ hơn, tiến dần đến các chuẩn mực quốc tế về quản lý nợ công.

Song, vẫn còn nhiều vấn đề bất cập

Phạm vi quản lý nợ công

Luật Quản lý Nợ công quy định nợ công bao gồm: nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, và nợ của chính quyền địa phương. Luật Quản lý Nợ công cũng đã dành những chương riêng để quy định về mục đích, điều kiện hình thức vay, đối tượng được phép vay, vay lại, cấp bảo lãnh chính phủ, việc sử dụng vốn, trả nợ và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đối với nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Các quy định trong Luật nhìn chung là tương đối đầy đủ và phù hợp với nguyên tắc và chuẩn mực chung về quản lý nợ.

Tuy nhiên, có lẽ cách tiếp cận trong thiết kế của Luật Quản lý Nợ công đã bị phụ thuộc vào cách định nghĩa và phân chia nợ công gồm ba thành phần như đã nêu. Ngoài cách tiếp cận này, Luật cũng có thể sử dụng cách tiếp cận khác dựa trên quy trình và cách thức quản lý nợ, như: thẩm quyền phê duyệt kế hoạch vay nợ, ra quyết định vay và trả nợ, lập các giới hạn an toàn về nợ vay, bảo lãnh nợ vay, phân tích an toàn nợ, giám sát các chỉ tiêu đảm bảo an toàn và bền vững nợ và trách nhiệm giải trình. Trong các phần đó, có những thứ cần phải hợp nhất, nhưng cũng có những thứ phải được tách rời. Chẳng hạn như, việc đi vay và trả nợ phải là một chủ thể, nhưng việc phê duyệt kế hoạch vay nợ với quyết định vay nợ không thể cùng một cơ quan quyết định được.

Bên cạnh đó, Luật Quản lý Nợ công hiện vẫn chưa đưa ra được các quan điểm và nguyên tắc khi có sự đánh đổi giữa rủi ro và chi phí nợ, các nguyên tắc về quản trị thanh khoản, quản trị dòng tiền, quản trị danh mục nợ, yêu cầu xây dựng đệm dự phòng cho nghĩa vụ nợ trong những tình huống khẩn cấp… Nói chung, cách tiếp cận của Luật mới chỉ dừng ở góc độ quản lý nợ công (public debt management), mà chưa chú trọng đến khía cạnh quản trị nợ công (public debt governance).

Về tính minh bạch

Có thể nói, minh bạch trong quản lý nợ công là một đòi hỏi chính đáng và vô cùng quan trọng đối với Chính phủ, cũng như các cơ quan tham gia vào quy trình quản lý nợ công. Đáp ứng yêu cầu này, Luật Quản lý Nợ công cũng đưa ra quy định về trách nhiệm báo cáo thông tin về nợ công, cũng như đặt ra các yêu cầu về công khai thông tin về nợ công. Về báo cáo thông tin nợ công, Luật quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm tổng hợp, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội các thông tin về nợ công. Lịch trình cung cấp thông tin là hàng năm, hoặc khi có yêu cầu của Quốc hội hoặc các cơ quan của Quốc hội. Với quy định này, thì thậm chí đại biểu Quốc hội cũng không có thẩm quyền yêu cầu cơ quan liên quan cung cấp thông tin, chưa kể là người dân có nhu cầu. Hơn nữa, nội dung thông tin cũng bị bó hẹp trong các nhóm thông tin được quy định sẵn, thay vì để mở theo đề nghị của Quốc hội, cơ quan Quốc hội hoặc đại biểu Quốc hội.

Tương tự như vậy, Luật quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm thực hiện công khai thông tin về nợ công, nhưng không quy định rõ thời hạn chậm nhất phải cung cấp. Liên quan đến trách nhiệm này, Nghị định 79 có quy định chi tiết hơn. Theo đó, định kỳ 6 tháng một lần Bộ Tài chính phải phát hành bản tin nợ công dưới dạng ấn phẩm và dữ liệu trên Trang điện tử của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, đến nay các bản tin nợ công số 1 và số 2 là bản tin thường niên, thay vì là bản tin bán niên. Hơn nữa đến tháng 6/2014), Bộ Tài chính cũng chỉ mới phát hành Bản tin Nợ công số 2, trong đó dữ liệu nợ công chỉ mới được cập nhật đến năm 2012. Điều này phần nào cho thấy, cách tổ chức cơ sở dữ liệu về nợ công của Việt Nam không được tốt, các báo cáo thống kê về tình hình vay, trả nợ, dư nợ từ các bộ, ngành, địa phương nằm rải rác, khó tổng hợp và cập nhật kịp thời. Thực trạng này cũng đặt ra một yêu cầu phải nhanh chóng xây dựng và tổ chức lại hệ thống cơ sở dữ liệu nợ công quốc gia một cách thống nhất theo hướng tập trung, chính xác và cập nhật kịp thời. Luật Quản lý Nợ công cũng đã đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu về nợ công. Nghị định 79 cũng quy định khá chi tiết về cách thức tổ chức thông tin về nợ công. Vấn đề quan trọng hiện nay là các cơ quan liên quan, trong phạm vi chức năng của mình, cần phải khẩn trương tiến hành xây dựng và tổ chức lại các quy trình của mình, sao cho các yêu cầu cung cấp thông tin nợ công phải được tiến hành một cách đầy đủ, kịp thời và chuyên nghiệp theo hướng nâng dần các chuẩn mực về báo cáo thông tin.

Ngoài ra, phải mở rộng diện công khai nội dung thông tin phải được mở rộng ra, bao gồm nhiều thông tin được quy định trong tổ chức thông tin về nợ công (Điều 24, Nghị định 79) thay vì chỉ bó hẹp với các thông tin cơ bản được phép công bố (theo Điều 47, Luật Quản lý Nợ công), như: tổng số dư nợ, cơ cấu nợ và một số chỉ tiêu giám sát an toàn nợ. Rõ ràng, các thông tin được phép cung cấp như vậy là rất hạn chế và rất thiếu chiều sâu.

Về mô hình quản lý nợ

Việt Nam thiếu một mô hình quản lý nợ tập trung và rõ ràng, mặc dù Luật Quản lý Nợ công gần đây đã nỗ lực tập trung hóa các hoạt động quản lý nợ công theo hướng thống nhất và xuyên suốt (Hình). Theo quy định của Luật Quản lý Nợ công, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong quản lý nợ công, theo đó nhiệm vụ của cơ quan này là quyết định các chỉ tiêu an toàn về nợ công trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; quyết định mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công trong từng giai đoạn 5 năm nhằm đảm bảo chỉ tiêu an toàn về nợ; quyết định tổng mức, cơ cấu vay và trả nợ hàng năm của Chính phủ gắn với dự toán ngân sách nhà nước; quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án, công trình quan trọng quốc gia từ nguồn vốn vay của Chính phủ; giám sát việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công.

Trong vai trò quản lý chung, Chính phủ có nhiệm vụ và thẩm quyền thống nhất về quản lý về nợ công; quyết định chính sách, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện các chỉ tiêu an toàn về nợ công được Quốc hội thông qua; phê duyệt đề án phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ; thanh tra, kiểm tra về huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công. Thủ tướng Chính phủ có nhiệm vụ và thẩm quyền phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ chi tiết hàng năm; phê duyệt chương trình quản lý nợ trung hạn cho giai đoạn 3 năm liền kề; phê duyệt đề án xử lý nợ, cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ; quyết định cấp bảo lãnh chính phủ và một số thẩm quyền khác.

Bộ Tài chính sẽ là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối xây dựng mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công trong từng giai đoạn 5 năm; chương trình quản lý nợ trung hạn; hệ thống các chỉ tiêu giám sát nợ chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và kế hoạch vay, trả nợ chi tiết hàng năm của Chính phủ. Bộ Tài chính còn chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý các khoản vay của Chính phủ như xây dựng, ban hành chế độ quản lý tài chính đối với các khoản vay; thực hiện cấp phát từ nguồn vốn vay của Chính phủ cho các chương trình, dự án đầu tư và các mục tiêu khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn và tổ chức cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ...

Các cơ quan liên quan, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm tham gia với Bộ Tài chính trong một số công việc liên quan đến quản lý nợ công trong phạm vi chức năng quản lý nhà nước được giao thuộc thẩm quyền của Bộ.

Điều đáng lưu ý là, ngoài các chức năng phối hợp theo thẩm quyền quản lý, cả Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Nhà nước đều được giao nhiệm vụ tham gia với Bộ Tài chính trong việc xây dựng mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công trong từng giai đoạn 5 năm; chương trình quản lý nợ trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ chi tiết hàng năm của Chính phủ; tham gia xây dựng hệ thống các chỉ tiêu giám sát nợ chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia… Quy định chung như vậy sẽ rất khó để tạo động cơ cho các cơ quan liên quan trong việc chủ động tham gia và phối hợp tích cực với Bộ Tài chính, cũng như rất khó để minh định giữa trách nhiệm phối hợp với trách nhiệm cuối cùng trong quản lý nợ công.

Đối với các bộ và cơ quan ngang bộ khác, Luật Quản lý Nợ công cũng trao quyền phê duyệt đề án vay, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, đề án vay lại vốn vay của Chính phủ thuộc thẩm quyền. Quy định này thực ra đang trao quyền hạn mở rộng cho các bộ trong việc chủ động xây dựng và thực hiện các đề án vay nợ. Mặc dù Luật cũng yêu cầu các đề án này phải được trình Bộ Tài chính thẩm định, song không có tiêu thức kinh tế nào được quy định để Bộ Tài chính dựa vào đó đưa ra ý kiến. Điều cũng cần lưu ý đối với việc quản lý nợ của các bộ, ngành, đó là các cơ quan này không có nguồn thu được phân cấp như các địa phương, mà chỉ được phân bổ ngân sách từ ngân sách trung ương. Chính vì vậy, việc quản lý các phương án vay nợ, quyết định đi vay và trả nợ của các bộ, ngành cần phải được kiểm soát chặt chẽ, nâng cao tính tự chủ, nhưng phải đi liền với cơ chế ràng buộc trách nhiệm “cứng” và trách nhiệm giải trình đầy đủ.

Luật Quản lý Nợ công cũng trao nhiệm vụ và quyền hạn cho các chính quyền địa phương được tự chủ hơn trong việc lập và phê duyệt các kế hoạch vay và trả nợ của chính quyền địa phương. Đặc biệt, Luật đã phân tách khá rõ giữa thẩm quyền phê duyệt thuộc HĐND tỉnh với thẩm quyền lập kế hoạch của UBND tỉnh. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn được trao quyền tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch vay vốn để đầu tư, lập đề án vay, phát hành trái phiếu và trả nợ (UBND) và tự quyết định vay vốn để đầu tư, thông qua đề án vay, phát hành trái phiếu và trả nợ (HĐND). Đối với các trường hợp này, vai trò của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ là theo dõi và tổng hợp thông tin, thay vì là vai trò giám sát. Cũng cần lưu ý rằng, mặc dù Luật đã cố gắng bóc tách thẩm quyền lập và phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ giữa UBND với HĐND, nhưng trên thực tế không phải lúc nào vai trò và thẩm quyền của hai cơ quan này cũng được phân định một cách rõ ràng. Trong trường hợp này, sự phân tách giữa quyền lập và phê duyệt sẽ dễ rơi vào hình thức, đặc biệt đối với các nguồn vay lại vốn vay của Chính phủ. Khi đó, vai trò giám sát và thanh tra của Chính phủ, hoặc của Bộ Tài chính với tư cách là cơ quan quản lý nợ công thống nhất cần phải được phát huy.

Nguyên tắc này thực tế đang được áp dụng đối với trường hợp vay thông qua phát hành trái phiếu, khi đó đề án phát hành trái phiếu phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện. Tuy nhiên, điều quan trọng là để tránh cơ chế xin - cho, quy định cũng cần ban hành các tiêu chí vay nợ trái phiếu của chính quyền địa phương, mà dựa vào đó Bộ Tài chính đưa ra các báo cáo thẩm tra và có ý kiến khuyến cáo, thay vì quyền chấp thuận. Hơn nữa, trong khi các kế hoạch vay nợ phi trái phiếu không phải thông qua Bộ Tài chính, thì việc phát hành trái phiếu địa phương lại phải thông qua Bộ Tài chính có thể sẽ tạo ra động cơ các địa phương tăng cường hoạt động vay nợ thay vì chứng khoán hóa các khoản nợ đó thông qua trái phiếu địa phương.

Cần lưu ý rằng, trái phiếu địa phương cũng là một dạng tài sản tài chính và nó cũng góp phần làm tăng độ sâu tài chính cho thị trường trái phiếu trong nước. Như vậy, Luật Quản lý Nợ công đã tiến thêm một bước trong tiến trình mở rộng phân cấp ngân sách cho chính quyền địa phương, đặc biệt ở phương diện vay nợ để tài trợ ngân sách. Việc trao thêm quyền chủ động này là phù hợp với xu thế nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Song, đi liền với việc mở rộng phân cấp ngân sách, đặc biệt là phân cấp về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch vay nợ, thực hiện vay nợ và trả nợ cho chính quyền địa phương, thì Chính phủ cũng phải tăng cường chức năng giám sát để đảm bảo nợ công nằm trong giới hạn cho phép và bền vững.

Các lãnh đạo địa phương thường có vai trò quan trọng trong các quyết định vay nợ của địa phương mặc dù về mặt cơ chế có vẻ như là một quyết định tập thể (thông qua UBND hay HĐND). Chính vì vậy, điều quan trọng là phải ràng buộc được trách nhiệm và trách nhiệm giải trình cụ thể của người có thẩm quyền ra quyết định vay nợ, tránh tư duy nhiệm kỳ, tình trạng vay nợ và đầu tư gấp gáp, dẫn đến tình trạng nợ quá mức như kinh nghiệm của Trung Quốc gần đây, hoặc ngay cả tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản của các chính quyền địa phương ở Việt Nam những năm qua.

Về phát triển thị trường trái phiếu chính phủ

Thị trường trái phiếu chính phủ có vai trò hết sức quan trọng trong việc hỗ trợ cho nhu cầu phát hành, giao dịch và quản lý rủi ro danh mục nợ trái phiếu của Chính phủ. Chính vì vậy, trong chiến lược quản lý nợ công, điều quan trọng không thể không đề cập là phải xây dựng một thị trường trái phiếu nội địa nói chung, thị trường trái phiếu chính phủ nói riêng, theo hướng ngày càng tăng dần độ sâu và thanh khoản. Rất tiếc là cả Luật Quản lý Nợ công và Nghị định 79 đều không đề cập đến vai trò của việc phát triển thị trường trái phiếu chính phủ. Chỉ đến năm 2012, yêu cầu phát triển một thị trường trái phiếu chính phủ mới được đề cập trong Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhìn chung, các quan điểm phát triển thị trường trái phiếu chính phủ được quy định trong Quyết định 958 là phù hợp, song điều quan trọng hơn nữa là chiến lược cũng cần phải đề ra giải pháp, lộ trình và nguồn lực cho sự phát triển đó. Hơn nữa, chiến lược phát triển thị trường trái phiếu chính phủ cũng phải được đặt trong tổng thể đề án tái cơ cấu thị trường tài chính, trong đó có cả thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu nội địa.

Về chuẩn mực báo cáo nợ

Việt Nam hiện nay hầu như không có một chuẩn mực báo cáo nợ đầy đủ, kịp thời và chuyên nghiệp. Tính đến tháng 6/2014, Bộ Tài chính mới công bố 2 bản tin nợ công, trong đó bản tin nợ công gần nhất cũng chỉ mới có số liệu đến cuối năm 2012. Kết cấu và nội dung của bản tin nợ công bất hợp lý và nghèo nàn thông tin. Đây có thể xem là một sự thụt lùi trong việc thiết kế chuẩn mực báo cáo nợ công của Bộ Tài chính. Thực ra, đánh giá về năng lực, Bộ Tài chính vẫn có thể thiết kế một chuẩn mực báo cáo về nợ công tốt hơn nhiều so với hiện nay, song vấn đề là động cơ, liệu Bộ Tài chính có sẵn lòng cung cấp nhiều hơn các thông tin về nợ công cho công chúng hay không?

Một vài lời kết

Cho đến trước năm 2009, các khuôn khổ pháp lý cho hoạt động quản lý nợ công của Chính phủ không đầy đủ và thiếu đồng bộ. Các quy định về vay nợ, trả nợ, sử dụng nợ vay được quy định rãi rác ở nhiều nghị định, thông tư khác nhau, thiếu nhất quán và thống nhất. Từ khi Quốc hội thông qua Luật Quản lý Nợ công năm 2009, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành một loạt các quy định liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nợ công quốc gia. Tuy nhiên, các quy định này vẫn còn ở giai đoạn đầu triển khai và thường mất nhiều thời gian để có thể đi vào thực tiễn và phát huy tác dụng. Trong chừng mực đó, các thói quen, các quy tắc thường lệ liên quan đến quản lý nợ trước đây sẽ vẫn chi phối.

Hơn nữa, như kinh nghiệm thực thi Luật Ngân sách từ năm 2002 đến nay cho thấy, mặc dù nhìn chung các quy định trong luật ngân sách là phù hợp với nguyên tắc và chuẩn mực quản lý ngân sách quốc gia, song trên thực tế việc áp dụng các quy định đó vào thực tiễn như thế nào để phù hợp với tinh thần của Luật vẫn còn là một điều thách thức. Chẳng hạn, tính kỷ luật tài khóa, các ràng buộc ngân sách “mềm” vẫn tiếp tục diễn ra trong khi Luật Ngân sách từ khi ban hành đã cố gắng áp đặt một kỷ luật ngân sách nghiêm khắc hơn. Chính vì vậy, việc áp dụng Luật Quản lý Nợ công hiện nay có khả năng cũng không phải là ngoại lệ. Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan có thẩm quyền và trách nhiệm trong quản lý nợ công cần phải nỗ lực nhiều, đặc biệt là phải có quyết tâm và ý chí chính trị, mới có thể làm cho các tinh thần của Luật được tuân thủ một cách trọn vẹn trên thực tế.

Có một điều đáng chú ý là năm 2009, khi Luật Quản lý Nợ công ra đời, cũng là từ năm đó nợ công của Việt Nam liên tục tăng cao, gây quan ngại cho dư luận. Năm 2014, Chính phủ phải dành một phần ngân sách không nhỏ để trả nợ, nhưng vẫn không đủ buộc phải đi vay thêm để đảo nợ. Tuy nhiên, thì các rủi ro nợ công của Việt Nam vẫn chưa thực sự được bộc lộ hết qua các con số nợ công được Bộ Tài chính công bố hiện nay.

Các thách thức và rủi ro nợ công của Việt Nam nằm ở triển vọng cải cách ngân sách và giảm thâm hụt ngân sách; các ràng buộc ngân sách lỏng lẻo, cùng với tình trạng thiếu kỷ cương, kỷ luật tài khóa; tăng trưởng kinh tế chậm lại trong khi các nỗ lực tái cơ cấu kinh tế có vẻ như đang bị chậm lại; các khoản chi cho đầu tư từ ngân sách và nguồn trái phiếu chính phủ quá lớn, nhưng hiệu quả đầu tư lại quá thấp do tình trạng “ống bơ thủng”. Bản thân các doanh nghiệp nhà nước cũng đi vay nợ quá nhiều, trong khi kết quả hoạt động lại nghèo nàn, làm tăng nghĩa vụ nợ tiềm ẩn cho ngân sách. Nợ nước ngoài quá cao cũng gây sức ép lên chính sách tỷ giá, trong khi cơ chế tỷ giá hiện nay vừa khuyến khích vay nợ mới vừa làm giảm động lực cho việc gây dựng và nuôi dưỡng ngành công nghiệp phụ trợ trong nước…

Các quy định quản lý nợ công hiện nay nếu được áp dụng tốt nhất cũng chỉ giúp cho Việt Nam quản lý tốt hơn các khoản nợ công của mình và từ đó phần nào giảm được một số rủi ro liên quan. Song, nó vẫn không đủ và không thể loại bỏ hết được các nguyên nhân hình thành nợ công vốn có nguồn gốc sâu xa ở phương diện thượng tầng thể chế kinh tế. Việt Nam sẽ không thể giảm được gánh nặng nợ công chừng nào kinh tế không thể tăng trưởng được một cách bền vững. Chính vì vậy, các nỗ lực kiểm soát để không làm cho quy mô nợ công tăng lên và tăng nhanh là điều quan trọng, nhưng vấn đề quan trọng hơn là phải thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Do đó, các nỗ lực tái cấu trúc kinh tế hiện nay, đặt trọng tâm vào cải cách thể chế, phải được tiến hành một cách mạnh mẽ và dứt khoát hơn nếu muốn thoát khỏi mối lo đổ vỡ của bong bóng nợ công, và cả mối nguy của bẫy thu nhập trung bình mà Việt Nam có thể sẽ mắc phải./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Tài chính (2013, 2014). Bản tin Nợ công số 1, số 2

2. Đỗ Thiên Anh Tuấn (2010). Khủng hoảng tiền tệ: Vấn đề Việt Nam và một số gợi ý chính sách, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

3. Đỗ Thiên Anh Tuấn (2013). Tương lai nợ công của Việt Nam: Xu hướng và Thử thách, WP201304, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright

4. Dooley M. P. (2000). Debt Management and Crisis in Developing Countries, Journal of Development Economics, Vol. 63 (2000), 45-58

5. Eichengreen et al. (2011). Public Debt: Nuts, Bolts, and Worries,Geneva Reports on the World Economy 13. ICMB, Centre for Economic Policy Research. ISBN: 978-1-907142-31-4

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn

Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright

(Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 20/2014)