Ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp lên chất lượng mối quan hệ của khách hàng sử dụng sản phẩm thuốc lá tại TP. Hồ Chí Minh*
Lê Ngọc Tiến
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Tóm tắt
Thông qua kết quả khảo sát đối với 350 người hút thuốc lá hàng ngày tại TP. Hồ Chí Minh, nghiên cứu nhằm phân tích ảnh hưởng của trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) ở các công ty thuốc lá ảnh hưởng đến Sự hài lòng, Lòng tin và Sự gắn bó của người tiêu dùng thuốc lá. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mối quan hệ của Trách nhiệm từ thiện với Sự hài lòng, Lòng tin và Sự gắn bó là tích cực. Ngoài ra, Trách nhiệm đạo đức và pháp lý có tác động tích cực lên Sự gắn bó. Trách nhiệm kinh tế và Trách nhiệm môi trường là 2 yếu tố có tác động tích cực lên Sự hài lòng.
Từ khóa: trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chất lượng mối quan hệ, ý định hành vi, sử dụng thuốc lá
Summary
Through a survey of 350 daily smokers in Ho Chi Minh City, the study aims to analyze the impact of corporate social responsibility (CSR) in tobacco companies on the satisfaction, trust, and commitment of tobacco consumers. The results show that the relationship between CSR and satisfaction, trust, and commitment is positive. In addition, ethical and legal responsibility positively impact commitment. Economic responsibility and environmental responsibility are 2 factors that positively impact satisfaction.
Keywords: CSR, relationship quality, behavioral intention, tobacco use
GIỚI THIỆU
Tại các quốc gia đang phát triển, có nhiều tranh cãi trong công chúng về mối liên hệ có phần mơ hồ giữa sứ mệnh xã hội của một công ty và hoạt động kinh doanh thực tế. Nhiều nhà hoạt động trong ngành công nghiệp thuốc lá chỉ trích việc sử dụng các sáng kiến mang tính trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR) để che giấu các hoạt động ngầm mang tính tư lợi. Nhiều học giả cho rằng, việc vi phạm các mục tiêu và chuẩn mực về trách nhiệm xã hội tạo ra cảm giác thiếu tin tưởng, khiến mọi người tự hỏi về mục đích mà các công ty này đóng góp cho xã hội, đặc biệt là ở một quốc gia đang phát triển như Việt Nam (Amul và cộng sự, 2020; Mackay và cộng sự, 2022; Van Minh và cộng sự, 2017). Các công ty có xu hướng bỏ qua các lợi ích chung trong dài hạn, mà chú trọng vào lợi nhuận ngắn hạn, đặc biệt là trong kinh doanh các mặt hàng bị hạn chế, như: thuốc lá và bia rượu (Sroka và Szántó, 2018). Các công ty thuốc lá sử dụng lỗ hổng trong quy định của các quốc gia để tham gia và kiếm được lợi ích thông việc đánh bóng hình ảnh doanh nghiệp từ các hoạt động mang tính trách nhiệm xã hội.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, các thuộc tính về phúc lợi xã hội có thể ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng, ngoại trừ các biện pháp kiểm soát giá thông qua thuế. Nếu được giám sát bởi chính quyền và cộng đồng, nó không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng lạm dụng và phụ thuộc vào sản phẩm thuốc lá mà còn thể hiện một phương pháp thận trọng nhưng hiệu quả đối với vấn đề của quốc gia. Do đó, ngành thuốc lá cần có sự thay đổi nhanh chóng, chủ động và chân thành trong các chiến dịch CSR.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết và các giả thuyết nghiên cứu
Trước đây, nghiên cứu đã nhấn mạnh hoạt động từ thiện như một yếu tố quan trọng để xác định các công ty nào tuân thủ xã hội và quản lý của chính phủ. Các vấn đề xã hội cơ bản đã ảnh hưởng đến những mối quan tâm này đến mức các chính phủ phải quy định thông qua các khung pháp lý. Do những kỳ vọng ngày càng tăng của công chúng về hành vi có trách nhiệm xã hội, đây là một yêu cầu hơn là một hành động ngẫu hứng (Nyuur và cộng sự, 2019). Điều đáng lưu ý là mỗi công ty đều có trách nhiệm thực hiện các hoạt động kinh doanh để thu được lợi nhuận và đồng thời tiếp tục thực hiện các hoạt động liên quan đến xã hội (CSR) bằng cách tái đầu tư thêm vào các hoạt động CSR (Glaveli, 2021). Tương tự như vậy, trách nhiệm kinh tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tin cậy của các bên liên quan bên ngoài nếu được thực hiện đúng cách. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường kinh doanh có ảnh hưởng đến nhận thức giá trị của người tiêu dùng (Wadood và cộng sự, 2022). Sự đáng tin cậy là cách chủ thể doanh nghiệp thể hiện ý định tốt của mình theo cách phù hợp với kết quả mà họ mong muốn (Akrout và Nagy, 2018). Để đạt được điều này, các công ty có thể tối đa hóa tài sản của cổ đông và cân bằng lợi ích của tất cả các bên bằng cách kết hợp các mối quan tâm về đạo đức và tránh vi phạm pháp luật (Lee, 2021).
H1a: Lòng tin của khách hàng được nâng cao nhờ Trách nhiệm từ thiện.
H2a: Lòng tin của khách hàng được cải thiện do Trách nhiệm đạo đức - pháp lý.
H3a: Lòng tin của khách hàng được cải thiện do Trách nhiệm kinh tế.
H4a: Lòng tin của khách hàng được cải thiện do Trách nhiệm môi trường.
Dấu hiệu tích cực cho thấy tác động của yếu tố đạo đức và pháp lý cùng mang đến sự hài lòng cho người tiêu dùng (Park, 2019). Tâm lý hài lòng của khách hàng được cải thiện khi nhận thức rõ ràng ý định của đối phương là vì mục đích tốt. Nếu mối quan hệ giữa công ty và khách hàng tiếp tục được cải thiện thì cảm giác thỏa mãn và hài lòng được nâng cao (O’Brien và cộng sự, 2020). Theo đó, các nghiên cứu gần đây tập trung nhiều hơn vào việc nhận thức về CSR ảnh hưởng đến ý định và hành vi của người tiêu dùng. Khách hàng đều nhận thức rõ lập trường của họ đối với những giá trị này bằng cách tiếp nhận các đóng góp và chung tay vào các hoạt động tái tạo hoặc cải thiện môi trường từ các doanh nghiệp (De Mendonca và Zhou, 2019).
H1b: Sự hài lòng của khách hàng được nâng cao nhờ Trách nhiệm từ thiện.
H2b: Sự hài lòng của khách hàng được cải thiện do Trách nhiệm đạo đức - pháp lý.
H3b: Sự hài lòng của khách hàng được nâng cao nhờ Trách nhiệm kinh tế.
H4b: Sự hài lòng của khách hàng được nâng cao do Trách nhiệm môi trường.
Các hoạt động CSR thu hút khách hàng để đảm bảo sự chân thành và cam kết lâu dài. Sự cam kết được định nghĩa là sự đầu tư tích cực về mặt cảm xúc và tâm lý vào một thương hiệu hoặc thực thể (Ayuso và Navarrete-Báez, 2018). Nhận thức về nghĩa vụ xã hội và sự cam kết có mối tương quan đáng kể với các hành động CSR khi được thực hiện một cách đúng đắn và có đạo đức (Sroka và Szántó, 2018). Nhận thức của khách hàng về đạo đức doanh nghiệp của một công ty ảnh hưởng đến cam kết của họ. Nghĩa vụ đạo đức-pháp lý, được quy định bởi pháp luật và xã hội, cũng ảnh hưởng đến việc các doanh nghiệp áp dụng các thực hành CSR (Nyuur và cộng sự, 2019).
H1c: Sự cam kết của khách hàng được cải thiện bởi Trách nhiệm từ thiện.
H2c: Sự cam kết của khách hàng được cải thiện do Trách nhiệm đạo đức - pháp lý.
H3c: Sự cam kết của khách hàng được nâng cao do Trách nhiệm kinh tế.
H4c: Sự cam kết của khách hàng được ảnh hưởng tích cực bởi Trách nhiệm môi trường.
Sự quan tâm đến tương lai của người tiêu dùng, chẳng hạn như: sức khỏe và bảo vệ môi trường, đang gia tăng đặc biệt với ngành hàng thuốc lá. Theo nghiên cứu trước đây, lòng tin có ảnh hưởng trực tiếp đến ý định chuyển đổi (Liang và cộng sự, 2018). Các thương hiệu đáng tin cậy thường được ưa chuộng trong lựa chọn tiêu dùng của người tiêu dùng, nhưng nếu họ vi phạm các tiêu chuẩn xã hội hoặc trục lợi từ lợi ích của người tiêu dùng, họ sẽ bị tẩy chay ngay lập tức (Antón và cộng sự, 2007; Chaudhuri và Holbrook, 2001). Vì vậy, O’Brien và cộng sự (2020) cho rằng, các khách hàng sẽ tin tưởng nhiều hơn vào các hành động tốt của các công ty tuân thủ các nghĩa vụ. Để tạo ra sự cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế và sức khỏe cộng đồng, Abrams và cộng sự (2018) đã chỉ ra một cách thuyết phục rằng, các biện pháp chủ động sẽ cần thiết. Do đó, các cấp quản lý rất cẩn thận với bất kỳ quyết định nào nhằm khuyến khích khách hàng gắn bó với một thương hiệu hoặc một công ty.
H5: Lòng tin của khách hàng ảnh hưởng đến Ý định chuyển đổi sản phẩm.
H6: Sự hài lòng của khách hàng ảnh hưởng đến Ý định chuyển đổi sản phẩm.
H7: Sự gắn bó của khách hàng ảnh hưởng đến Ý định chuyển đổi sản phẩm.
Mô hình nghiên cứu đề xuất
Từ các giả thuyết nghiên cứu nói trên, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.
HÌNH: MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ XUẤT
Nguồn: Tác giả đề xuất |
Phương pháp nghiên cứu
Để tìm hiểu một cách cặn kẽ, nghiên cứu đã sử dụng "phương pháp nghiên cứu hỗn hợp tuần tự" bao gồm cả nghiên cứu định lượng và định tính. Trong giai đoạn đầu tiên, các cuộc phỏng vấn sâu được sử dụng để thu thập ý kiến từ những người cung cấp thông tin và phân loại các nhóm tuổi của người sử dụng thuốc lá (N = 6). Ngoài ra, các cuộc thảo luận nhóm (N = 7) đã được thực hiện nhằm trực tiếp bàn luận với các công ty thuốc lá để thu thập góc nhìn về các quan điểm đặc biệt thông qua việc xây dựng mối quan hệ. Để xác minh tính nguyên bản của các tuyên bố đã thu thập, tác giả đã nhờ sự xác thực từ các chuyên gia (N = 5).
Phân tích nhân khẩu học đã được thực hiện trong giai đoạn thứ hai của nghiên cứu hỗn hợp. Điều này được thực hiện để đặt nền tảng cho việc so sánh và lựa chọn các nhóm đủ điều kiện để tiến hành các phân tích tiếp theo. Cỡ mẫu (N=350) bao gồm tổng số lượng khảo sát trực tiếp và trực tuyến và sau đó được phân tích thông qua một bài kiểm tra thống kê mô tả, giúp các nhà nghiên cứu có được hiểu biết sơ bộ về các chủ đề. Đối tượng nghiên cứu là những người mua sản phẩm thuốc lá truyền thống tại các đại lý bán lẻ ở các quận/huyện ở TP. Hồ Chí Minh. Các đại lý được chọn ngẫu nhiên 2-3 điểm theo quận/huyện theo thông tin từ các nhà phân phối của các công ty thuốc lá công bố. Sau giai đoạn sàng lọc và loại bỏ các khảo sát thu về bị lỗi hoặc không có câu trả lời, kích thước mẫu thực tế thu về được là 309. Thời gian khảo sát được tiến hành từ tháng 3/2024-7/2024 (Nghiên cứu sử dụng cách viết số thập phân theo chuẩn quốc tế).
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kết quả của kiểm tra phân tích nhân khẩu học của những người tham gia theo loại nghề nghiệp cho thấy, những người làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân đạt tỷ lệ 23%, cơ quan nhà nước là 16.2%; lao động tự do là 20.1%; nông nghiệp là 1.9%; và nội trợ chiếm tỷ lệ 1%. Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng thuốc lá của học sinh sinh viên là 32%. Các loại hình nghề nghiệp khác chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 5.5%.
Trong phân tích thống kê mô tả, 8 cấu trúc đã được gán nhãn đều có giá trị trung bình dao động từ khoảng 3.72 đến trên 4.24. Các giá trị này gần nhau và không phát hiện ra bất kỳ sự khác biệt đáng kể nào. Ngoài ra, độ lệch chuẩn (Standard Deviation – SD) có mức tải thấp nhất là 1.157 và cao nhất đạt 1.735. Nghiên cứu đã sử dụng thang đo Likert 7 điểm, dựa trên tài liệu trước đây nhằm đo lường phản ánh đúng bản chất hiện tượng (Jebb và cộng sự, 2021).
Trong phân tích nhân tố khám phá (EFA) cho thấy, giá trị P = 0.000 < 0.05 trong kiểm định Bartlett và chỉ số từ kiểm định KMO = 0.869 (< 0.90) cho thấy, sự phù hợp để thực hiện phân tích nhân tố. Giá trị của thành phần riêng = 6.681 > 1 và tổng phương sai trích (Total Variance Explained – TVE) = 76.793% > 50%. Các trọng số nhân tố của các biến đều > 0.5, dao động từ IS4 = 0.713 cho tới IS2 = 0.948. Ngoài ra, nghiên cứu cũng áp dụng phương pháp kiểm định đơn nhân tố Harman’s one-factor để phát hiện sự biến thiên trong dữ liệu hiện hành (Hair và cộng sự, 2019). Kết quả cho thấy, nhân tố được trích giải thích là 17.834% < 50% và được xem như không xuất hiện sai lệch phương pháp chung (Common Method Bias – CMB).
Kết quả của mô hình đo lường tổng thể trong quá trình phân tích nhân tố khẳng định (CFA) cho thấy, mặc dù kết quả Chi bình phương của mô hình đo lường được xác định là có ý nghĩa. Một số các chỉ số đáng tin cậy khác có thể sử dụng, như: chỉ số Pclose = 0.018 < 0.05 và giá trị RMSEA = 0.054 < 0.06. Ngoài ra, CFI = 0.938 và TLI = 0.933 đều > 0.90, CFI = 0.938 > 0.95. Các chỉ số đều lần lượt đạt mức rất tốt so với ngưỡng tối thiểu là 0.5, đơn cử như: PGFI = 0.705, PNFI = 0.808 và PCFI = 0.860. Do đó, có thể khẳng định, chất lượng của các biến quan sát và cấu trúc nhân tố thông qua các đánh giá mức độ phù hợp của mô hình.
Tiếp theo, nghiên cứu đánh giá tính phân biệt và hội tụ để đảm báo tính khách quan của kết quả phân tích. Nhân tố có chỉ số cao nhất thuộc về trách nhiệm mooi (ENR) với AVE = 0.813 > 0.05, CR = 0.956 > 0.07 và CA = 0.956 > 0.07. Ngược lại, các nhân tố về trách nhiệm kinh tế có chỉ số thấp nhất với AVE = 0.715, CR = 0.926 và CA = 0.930 (Bảng 1). Hơn nữa, các giá trị phân biệt thông qua kiểm định HTMT được thực hiện kiểm tra tính phân biệt đều đạt kết quả < 0.9.
Bảng 1: Tổng hợp các giá trị trong kiểm định hội tụ và phân biệt
Nguồn: Phân tích từ dữ liệu nghiên cứu |
Các chỉ số được cung cấp trong Bảng 2 cho thấy mức độ phù hợp của mô hình CB-SEM. Nhằm kiểm tra các giả thuyết, một loạt các tiêu chí cơ bản đã được sử dụng trong quá trình phân tích SEM, với mô hình cấu trúc kích thước mẫu thực tế thu về được là 309.
Bảng 2: Tổng hợp các giá trị trong kiểm định độ phù hợp của mô hình SEM
χ 2 | df | P | CMIN/DF | CFI | TLI | GFI | RMSEA | SRMR | Pclose |
1234.467 | 831 | 0.000 | 1.486 | 0.972 | 0.969 | 0.863 | 0.038 | 0.055 | 1.000 |
Nguồn: Dữ liệu do tác giả phân tích
Bảng 3: Tổng hợp các giá trị trong kiểm định độ phù hợp của mô hình SEM
Nguồn: Phân tích từ dữ liệu nghiên cứu |
Thảo luận kết quả nghiên cứu
Kết quả từ Bảng 3 cho thấy, mối quan hệ của Trách nhiệm từ thiện với Sự hài lòng (0.126), Lòng tin (0.175) và Sự gắn bó (0.167) là tích cực và có ý nghĩa P < 0.05. Ngoài ra, kết quả cho thấy, Trách nhiệm đạo đức và pháp lý có tác động tích cực và ý nghĩa lên Sự gắn bó (0.118). Ngược lại, tác động của Trách nhiệm đạo đức và pháp lý đối với Sự hài lòng và Lòng tin là không có ý nghĩa do giá trị P > 0.05. Tiếp theo, kết quả mối quan hệ giữa Trách nhiệm kinh tế và Sự hài lòng là có ý nghĩa với hệ số tác động chuẩn hóa là 0.159. Tuy nhiên, do ước lượng hệ số tác động chuẩn hóa của Trách nhiệm kinh tế với lòng tin và Sự gắn bó có giá trị P > 0.05, nên H3a và H3c không được chấp nhận.
Sự hài lòng của khách hàng có được ảnh hưởng tích cực từ Trách nhiệm với môi trường của các doanh nghiệp, trong đó hệ số của H4a và H4b lần lượt là 0.185, P < 0.05 và 0.116, P < 0.05. Trách nhiệm với môi trường không có nghĩa, người tiêu dùng sẽ gắn bó mà việc duy trì thực hiện trách nhiệm đó thuộc về các doanh nghiệp. Điều đó được thể hiện thông qua việc giá trị P = 0.095 > 0.05 khiến cho tác động giữa trách nhiệm môi trường và sự gắn bó không có ý nghĩa. Các nghiên cứu trước đây nhấn mạnh việc tạo dựng và duy trì mối quan hệ khách hàng thông qua lòng tin và sự gắn bó có thể khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi sang các sản phẩm thay thế. Hai giả thuyết này có giá trị P cao hơn ngưỡng cho phép, nên không được tác giả chấp nhận. Trái ngược với nhận định đó, sự hài lòng của người tiêu dùng về việc hỗ trợ chuyển đổi về giá hay chất lượng an toàn có thể là chìa khóa cho ý định chuyển đổi. Giả thuyết H7 cho thấy, giá trị hệ số tác động chuẩn hóa là 0.180 với giá trị P = 0.002 < 0.05.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP
Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy, mối quan hệ của Trách nhiệm từ thiện với Sự hài lòng, Lòng tin và Sự gắn bó là tích cực. Ngoài ra, Trách nhiệm đạo đức và pháp lý có tác động tích cực lên Sự gắn bó. Bên cạnh đó, Trách nhiệm kinh tế và Trách nhiệm với môi trường có tác động lên Sự hài lòng.
Hàm ý
Nghiên cứu cung cấp góc nhìn mới trong các luồng nghiên cứu hiện nay liên quan đến khoảng trống trong nghiên cứu về ngành thuốc lá, đặc biệt trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tác giả đề xuất, các doanh nghiệp chủ động phát triển và giới thiệu các sản phẩm thay thế ít gây hại hơn phù hợp với vấn nạn hiện nay. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng nghiện thuốc lá của những người hút thuốc lâu năm hoặc khó bỏ và tái sử dụng. Một mặt, các chiến dịch CSR chân thành tạo dựng mối quan hệ khách hàng tích cực trước đó. Để xây dựng lòng tin giữa người tiêu dùng và người bán, các tuyên bố công khai về hành động CSR phải được công khai. Mặt khác, sự minh bạch xã hội, kiến nghị công khai, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chính phủ không những giải quyết hiện tượng nghiện thuốc lá mà còn đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Chính vì vậy, nghiên cứu này kiến nghị, các doanh nghiệp trong ngành thuốc lá ưu tiên chuyển đổi hơn dừng hẳn vì các hệ lụy về lao động và kinh tế là rất lớn. Để đảm bảo rằng cộng đồng và doanh nghiệp đều được hưởng lợi, việc kiến nghị và hành động phải thực tế. Các chính sách nên có các hành động thiết thức với các doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện về chuyển đổi sản xuất nhằm định hướng người tiêu dùng hiện có đồng thời kiểm soát nghiêm những ai có thể tiếp cận các mặt hàng này. Các biện pháp giảm thiểu tiêu thụ sản phẩm thuốc lá truyền thống đang được các quốc giá áp dụng hơn là dừng đột ngột. Để làm cầu nối với cộng đồng, các chiến dịch phục vụ công và cống hiến cho cộng đồng cũng cần được nhân rộng, nhưng cần phối hợp với các cơ quan ban ngành địa phương. Hơn nữa, các nhà tiếp thị nên đưa ra các thông tin một cách chính xác và rõ ràng nhất có thể để giúp khách hàng giúp tạo lòng tin.
Nghiên cứu này bước đệm cho các nghiên cứu liên quan trong những năm tới nhằm xây dựng một thang đo có thể sử dụng để xác định tình trạng mối quan hệ của khách hàng trong ngành thuốc lá. Cụ thể, nghiên cứu trong tương lai cần áp dụng các phương pháp hỗn hợp nhằm nghiên cứu những khía cạnh khác nhau của ngành thuốc lá./.
Tài liệu tham khảo
1. Abrams, D. B., Glasser, A. M., Pearson, J. L., Villanti, A. C., Collins, L. K., Niaura, R. S. (2018), Harm Minimization and Tobacco Control: Reframing Societal Views of Nicotine Use to Rapidly Save Lives, Annual Review of Public Health, 39(1), 193–213, https://doi.org/10.1146/annurev-publhealth-040617-013849.
2. Akrout, H., Nagy, G. (2018), Trust and commitment within a virtual brand community: The mediating role of brand relationship quality, Information & Management, 55(8), 939–955, https://doi.org/10.1016/j.im.2018.04.009.
3. Amul, G. G. H., Tan, G. P. P., van der Eijk, Y. (2020), A Systematic Review of Tobacco Industry Tactics in Southeast Asia: Lessons for Other Low- And MiddleIncome Regions, International Journal of Health Policy and Management, 1, https://doi.org/10.34172/ijhpm.2020.97.
4. Antón, C., Camarero, C., Carrero, M. (2007), The mediating effect of satisfaction on consumers’ switching intention, Psychology and Marketing, 24(6), 511–538. https://doi.org/10.1002/mar.20171.
5. Ayuso, S., Navarrete‐Báez, F. E. (2018), How does entrepreneurial and international orientation influence SMEs’ commitment to sustainable development? Empirical evidence from Spain and Mexico, Corporate Social Responsibility and Environmental Management, 25(1), 80–94.
6. Chaudhuri, A., Holbrook, M. B. (2001), The Chain of Effects from Brand Trust and Brand Affect to Brand Performance: The Role of Brand Loyalty, Journal of Marketing, 65(2), 81–93, https://doi.org/10.1509/jmkg.65.2.81.18255.
7. De Mendonca, T. R., Zhou, Y. (2019), Environmental Performance, Customer Satisfaction, and Profitability: A Study among Large U.S, Companies, Sustainability, 11(19), https://doi.org/10.3390/su11195418.
8. Glaveli, N. (2021), Corporate social responsibility toward stakeholders and customer loyalty: Investigating the roles of trust and customer identification with the company, Social Responsibility Journal, 17(3), 367–383, https://doi.org/10.1108/SRJ-07-2019-0257.
9. Lee, S. P. (2021), Environmental responsibility, CEO power and financial performance in the energy sector, Review of Managerial Science, 15(8), 2407–2426, https://doi.org/10.1007/s11846-020-00430-z.
10. Liang, L. J., Choi, H. C., Joppe, M. (2018), Exploring the relationship between satisfaction, trust and switching intention, repurchase intention in the context of Airbnb, International Journal of Hospitality Management, 69, 41–48, https://doi.org/10.1016/j.ijhm.2017.10.015.
11. Mackay, J. M., Dorotheo, E. U., Assunta, M., Ritthiphakdee, B. (2022), Tobacco control in Asia-Pacific: Wins, challenges and targets, Tobacco Control, 31(2), 146–149, https://doi.org/10.1136/tobaccocontrol-2021-056801.
12. Nyuur, R. B., Ofori, D. F., Amponsah, M. M. (2019), Corporate social responsibility and competitive advantage: A developing country perspective, Thunderbird International Business Review, 61(4), 551–564, https://doi.org/10.1002/tie.22065.
13. O’Brien, I. M., Ouschan, R., Jarvis, W., Soutar, G. N. (2020), Drivers and relationship benefits of customer willingness to engage in CSR initiatives, Journal of Service Theory and Practice, 30(1), 5–29, https://doi.org/10.1108/JSTP-08-2018-0186
14. Park, E. (2019). Corporate social responsibility as a determinant of corporate reputation in the airline industry, Journal of Retailing and Consumer Services, 47, 215–221, https://doi.org/10.1016/j.jretconser.2018.11.013
15. Sroka, W., Szántó, R. (2018), Corporate Social Responsibility and Business Ethics in Controversial Sectors: Analysis of Research Results, Journal of Entrepreneurship, Management and Innovation, 14(3), 111–126. https://doi.org/10.7341/20181435
16. Van Minh, H., Giang, K. B., Ngoc, N. B., Hai, P. T., Huyen, D. T. T., Khue, L. N., Lam, N. T., Nga, P. T. Q., Quan, N. T., Xuyen, N. T. (2017), Prevalence of tobacco smoking in Vietnam: Findings from the Global Adult Tobacco Survey 2015, International Journal of Public Health, 62(S1), 121–129, https://doi.org/10.1007/s00038-017-0955-8.
17. Wadood, S. A., Sadiq Jajja, M. S., Chatha, K. A., Farooq, S. (2022). Lean, sustainability and the triple bottom line performance: A systems perspective-based empirical examination, International Journal of Productivity and Performance Management, https://doi.org/10.1108/IJPPM-06-2021-0347.
Ngày nhận bài: 18/11/2024; Ngày phản biện: 22/11/2024; Ngày duyệt đăng: 16/12/2024 |
* Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. |
Bình luận