Từ khóa: năng lượng tái tạo, KRI, quản trị rủi ro, điện gió, điện mặt trời, Việt Nam

Summary

The Vietnamese Government’s policy of promoting the development of non-carbon energy sources has opened up many opportunities for businesses running renewable energy projects. Approaching from a risk management perspective on the basis of a set of key risk indicators (KRIs) applied in the field of renewable energy in Vietnam today, the article summarizes some basic issues about KRIs and the results and effectiveness of using pilot KRIs at a number of wind and solar power enterprises, thereby proposing some recommendations to effectively deploy KRIs at renewable energy enterprises in Vietnam in the coming time.

Keywords: renewable energy, KRI, risk management, wind power, solar power, Vietnam

ĐẶT VẤN ĐỀ

Mục tiêu phát triển năng lượng mới, NLTT của Việt Nam đã được đề cập trong các chủ trương, chính sách của Chính phủ, cụ thể là Quyết định số 2068/QĐ-TTg, ngày 25/11/2015 về Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với chủ trương này, nhiều DN đã nắm bắt cơ hội tập trung phát triển các dự án năng lượng điện gió và điện mặt trời, như: Tập đoàn Trung Nam, Xuân Thiện, HBRE... Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh này còn khá mới mẻ, các cơ chế, chính sách còn đang trong quá trình hoàn thiện, quy mô vốn đầu tư lớn, sự phụ thuộc công nghệ cao và các vấn đề về biến đổi nguồn năng lượng do biến đổi khí hậu… dẫn đến quá trình triển khai, vận hành các dự án này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho DN. Thực tế này đòi hỏi các DN ngành NLTT cần tăng cường năng lực quản trị rủi ro thông qua phát triển các công cụ theo dõi, phân tích và cảnh báo rủi ro, giúp DN đưa ra các hành động kịp thời, giảm thiểu những thiệt hại do các rủi ro gây ra. Do đó, việc nghiên cứu áp dụng các công cụ cảnh báo rủi ro, tăng cường năng lực quản trị rủi ro cho các DN kinh doanh NLTT là hết sức cần thiết. Bộ chỉ số KRI (Key Risk Indicator) là một trong những công cụ quản lý rủi ro, giúp các DN khai thác, sử dụng các nguồn dữ liệu vào theo dõi, dự báo các rủi ro chính trong sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Giới thiệu về KRI và nội hàm của KRI

KRI là công cụ được sử dụng để theo dõi diễn biến mức độ và hậu quả rủi ro, đồng thời cung cấp các cảnh báo sớm về khả năng xảy ra hậu quả gắn với rủi ro đó và thường được xác định cho các rủi ro trọng yếu hàng đầu của DN. Một bộ chỉ số KRIs hiệu quả sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc về những rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu hoặc có thể chỉ ra sự hiện diện của các cơ hội mới. Biến đổi các chỉ số KRI sẽ thể hiện sự thay đổi về khả năng hoặc hậu quả của rủi ro xảy ra. Do đó, các KRI phải có mối quan hệ rõ ràng với rủi ro cụ thể mà nó muốn phản ánh (IOR, 2010). Ví dụ chỉ số rủi ro về nguồn năng lượng mặt trời (do biến đổi khí hậu) sẽ phản ánh nguy cơ DN điện mặt trời không đạt mục tiêu về doanh số so với tính toán công suất dự kiến; Chỉ số rủi ro về chi phí phát sinh sẽ phản ánh sự lãng phí, thiếu hiệu quả trong sản xuất, nguy cơ đe dọa tới lợi nhuận và tình hình tài chính của DN; Chỉ số rủi ro thiết bị sẽ phản ánh nguy cơ sự cố, thiệt hại xảy ra về thiết bị trong quá trình vận hành hệ thống…

Về bản chất, những thay đổi về giá trị của KRI có thể liên quan mật thiết đến những thay đổi về mức độ rủi ro hoạt động hoặc trải nghiệm tổn thất trong hoạt động của DN (IOR, 2010). KRI khác với các Chỉ số hiệu suất công việc (Key Performance Indicator - KPI), vì chúng không quan tâm đến việc một công việc/nhiệm vụ nào đó được thực hiện tốt như thế nào mà sẽ quan tâm đến tác động tiêu cực của các nguồn rủi ro đối với vận hành của DN trong hiện tại và tương lai (DFAG, 2016). Các chỉ số KRI cũng đưa ra cảnh báo sớm để xác định các sự kiện tiềm ẩn có thể gây tổn hại đến tính liên tục của một hoạt động/ dự án kinh doanh.

Nhận diện nguồn rủi ro chính trong kinh doanh NLTT ở Việt Nam

Với đặc thù của lĩnh vực NLTT và bối cảnh kinh doanh NLTT hiện nay, có thể xác định các nguồn rủi ro chính đối với các DN sản xuất, kinh doanh trong ngành NLTT ở Việt Nam gồm có 7 nhóm rủi ro, như sau:

(i) Rủi ro về chính sách: Thủ tục lập dự án phức tạp, thời gian phê duyệt, cấp phép kéo dài, cơ chế vận hành thương mại còn nhiều hạn chế, bất cập, thiếu tính ổn định…

(ii) Rủi ro công nghệ: Phần lớn các dự án phụ thuộc vào công nghệ từ nhà cung cấp nước ngoài.

(iii) Rủi ro về nguồn vốn đầu tư và tài chính: Quy mô vốn đầu tư của các dự án NLTT thường rất lớn, đi kèm với đó là gánh nặng lãi suất, tỷ giá và các rủi ro tài chính khác…

(iv) Rủi ro về nguồn năng lượng (gió, bức xạ): Biến đổi khí hậu đang diễn ra khó dự đoán hơn, những thay đổi trái quy luật, sự không chắc chắn do điều kiện tự nhiên có thể mang đến rủi ro cho sản xuất NLTT.

(v) Rủi ro từ hạ tầng tải điện (lưới tải): Năng lực phụ tải của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) trong hiện tại chưa đáp ứng công suất tối ưu các nhà máy; Tình trạng cắt giảm phát điện luân phiên dẫn đến nhiều dự án phải hoạt động dưới ngưỡng công suất, quy mô tối ưu, gây ra lãng phí cho DN.

(vi) Rủi ro phát sinh liên quan từ vấn đề quy hoạch: Những phát sinh ngoài dự kiến, những điều chỉnh quy hoạch dẫn đến những ngoại ứng tiêu cực cho môi trường, điều kiện sử dụng đất đai…

(vii) Vấn đề về vận hành: Nguồn nhân lực có trình trình độ và kinh nghiệm còn hạn chế, hệ thống điều hành phức tạp, thiết bị có giá trị và công nghệ cao. Điều đó tiềm ẩn những rủi ro về hư hỏng thiết bị, gián đoạn quá trình sản xuất liên tục, gây thiệt hại cho DN.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu triển khai thực nghiệm áp dụng KRI tại 3 DN ngành NLTT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Quá trình thu thập dữ liệu được tiến hành từ ngày 15/11/2022 đến ngày 15/7/2023, sử dụng kết hợp phương pháp quan sát (không tham dự và tham dự chủ động) và phỏng vấn bán cấu trúc.

Quy trình áp dụng KRI tại 3 DN NLTT được đề xuất như Hình 1.

Hình 1: Quy trình áp dụng triển khai chỉ số KRI tại DN NLTT

Áp dụng KRI vào quản trị rủi ro cho các doanh nghiệp ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam: Nghiên cứu thí điểm tại các doanh nghiệp điện gió và điện mặt trời tại Đắk Lắk
Nguồn: Tác giả đề xuất
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thống kê mô tả về đối tượng thực nghiệm

Nghiên cứu triển khai thực nghiệm áp dụng KRI tại 3 DN ngành NLTT gồm: Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1; Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE; Công ty TNHH Điện mặt trời Xuân Thiện Đắk Lắk. 3 DN đang hoạt động trong lĩnh vực năng lượng gió và mặt trời và đều chưa áp dụng các chỉ số KRI, nhưng có nhu cầu xây dựng, phát triển các KRI để hỗ trợ DN kiểm soát và cảnh báo rủi ro trong vận hành dự án, giúp DN đưa ra quyết định kịp thời khi phát hiện các vấn đề rủi ro. Quy mô của 3 DN ngành NLTT lựa chọn thực nghiệm được thể hiện tại Bảng 1.

Doanh nghiệp

Tổng

vốn đầu tư

(tỷ đồng)

Tổng công suất thiết kế

(MW)

Sản lượng

đóng góp vào lưới

Công ty Cổ phần Điện gió

Trung Nam Đắk Lắk 1

(Dự án nhà máy điện gió EA-NAM)

> 16000

(82 cột gió)

400

1,1 tỷ Kw/ năm

Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE

(Dự án Nhà máy điện gió giai đoạn 1 tại huyện Ea-Hleo – Đắk Lắk)

> 1860

(12 cột gió)

28,8

50 triệu KW/năm

Công ty TNHH Điện mặt trời Xuân Thiện Đắk Lắk

(Dự án nhà máy điện mặt trời giai đoạn 1 tại huyện Ea-Súp)

16500

(5 Nhà máy)

830

1,5 tỷ KW/ năm

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ báo cáo của DN

Khả năng cảnh báo rủi ro của các KRI

Các chỉ số KRI được đề xuất đưa vào áp dụng thí điểm tại 3 DN NLTT được cụ thể hóa đối với từ DN được thể hiện ở Bảng 2.

Bảng 2: Tổng hợp các KRI đề xuất áp dụng thí điểm tại DN được lựa chọn

Doanh nghiệp

Chỉ số KRI

Phương pháp

Chế độ

báo cáo

Căn cứ

xác định ngưỡng cảnh báo

Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1

KRI tốc độ gió trung bình

Xác định dịch chuyển tốc độ gió trung bình

Ngày, tháng, quý, năm

Phân phối tốc độ gió trong quá khứ, vấn tốc gió cho sản lượng tối ưu, tốc độ gió tối cao; tốc độ gió tối thấp

KRI thiết bị cột gió

Xác định khả năng xảy ra sự cố với cột gió

Tháng, quý, năm

Tiêu chuẩn kĩ thuật, ý kiến chuyên gia, kinh nghiệm thực tế

Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE

KRI chi phí phát sinh

Xác định chỉ số chi phí có kiểm soát Doanh số

Tháng, quý, năm

Biến động tăng/ giảm chi phí trong mối liên hệ với tốc độ tăng doanh thu

KRI tốc độ gió trung bình

Xác định dịch chuyển tốc độ gió trung bình

Ngày, tháng, quý, năm

Phân phối tốc độ gió quá khứ, cảnh báo giới hạn tốc độ gió tối cao, tối thấp (dừng chạy máy)

Công ty TNHH Điện mặt trời Xuân Thiện Đắk Lắk

KRI bức xạ mặt trời trung bình

Xác định chuyển dịch bức xạ MT trung bình

Tuần, tháng, quý, năm

Phân phối cường độ bức xạ mặt trời, tiêu chuẩn kĩ thuật;

KRI giảm phát điện

Xác định tỷ lệ % giảm phát điện

Ngày, tuần, tháng, quý, năm

Mức giảm phát điện bình quân các dự án cùng khu vực, tỷ lê giảm phát điện trong quá khứ; thảo luận DN, ý kiến chuyên gia.

Nguồn: Tác giả đề xuất áp dụng thí điểm tại các DN NLTT

Kết quả áp dụng thí điểm KRI tại các DN NLTT cho thấy, tính khả thi và khả năng cảnh báo rủi ro của các KRI đối với những rủi ro chính đối với DN lựa chọn. Các KRI đã thể hiện rất trực quan về mức độ rủi ro của từng rủi ro được lựa chọn, qua đó giúp DN phát hiện vấn đề nhanh chóng và xác lập các hành động ứng phó kịp thời, can thiệp sớm hơn (Hình 2).

Hình 2: Mô phỏng theo dõi rủi ro

năng lượng mặt trời theo tháng thông qua KRI bức xạ mặt trời

(tại Công ty TNHH Điện mặt trời Xuân Thiện 6 tháng đầu năm 2023)

Áp dụng KRI vào quản trị rủi ro cho các doanh nghiệp ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam: Nghiên cứu thí điểm tại các doanh nghiệp điện gió và điện mặt trời tại Đắk Lắk

Nguồn: Kết quả thực nghiệm

Quá trình thực nghiệm cho thấy, các KRI đã giúp DN nhận diện và phân tích các vấn đề rủi ro phát sinh. Điển hình như trường hợp của Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đã phát hiện các vấn đề về thay đổi phân phối tốc độ gió trong 6 tháng đầu năm 2023 thông qua quan sát các KRI liên quan đến tốc độ gió trung bình (so với phân phối tốc độ gió trung bình ngày nhiều năm trong nghiên cứu tiền khả thi trước đó) ở khu vực dự án. Đây là một cơ sở quan trọng giúp DN xác định lại các kế hoạch về tài chính, điều chỉnh kế hoạch thu hồi vốn, xác lập các bằng chứng để đề xuất phương án - kế hoạch trả nợ đối với các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, chỉ số KRI xác định rủi ro về thiết bị cột gió cũng giúp Trung Nam Đắk Lắk 1 xác định vấn đề của một số cột gió, từ đó giúp Ban quản lý dự án Nhà máy điện gió EA - NAM Đắk Lắk kịp thời đưa ra các phương án kiểm tra, bảo trì, khắc phục, giảm thiểu rủi ro hư hỏng đối với thiết bị cột gió có giá trị cao. Trường hợp của Công ty TNHH Điện mặt trời Xuân Thiện, nhờ áp dụng KRI thí điểm từ tháng 12/2022 đến tháng 6/2023 đã giúp DN nhìn thấy, sự thay đổi (giảm) đáng kể của mức bức xạ mặt trời trung bình ngày, trung bình tháng với giá trị trung bình nhiều năm trước; Đồng thời, chỉ số KRI về giảm phát điện cũng thể hiện tỷ lệ giảm phát điện của dự án đang ở ngưỡng tương đối cao (40%- 50%). Diễn biến các chỉ số KRI đối với dự án của Công ty TNHH Điện mặt trời Xuân Thiện cho ra dự báo DN có khả năng không đạt sản lượng và doanh số kế hoạch cả năm 2023. Còn đối với trường hợp của Công ty Cổ phần Giải pháp năng lượng gió HBRE, với việc sử dụng chỉ số KRI cảnh báo chi phí phát sinh, DN đã xác định được rủi ro về gia tăng chi phí vận hành một cách không tương xứng với mức độ gia tăng về doanh số. Từ thực tế đó, DN đã xem xét, cải tiến lại các quy trình vận hành, thay đổi cách thức vận hành, nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ để chủ động thực hiện một số nội dung bảo trì, vận hành thiết bị cột gió (nội dung mà đa phần các dự án điện gió hiện nay phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài với chi phí rất cao) để giảm thiểu chi phí.

Nhận định của các bên liên quan về hiệu quả áp dụng KRI

Sau triển khai thí điểm áp dụng các KRI, tác giả đã thực hiện khảo sát đối với lãnh đạo chủ chốt và các phòng ban liên quan ở các DN để đánh giá về hiệu quả áp dụng KRI trong quản trị rủi ro. Kết quả khảo sát cho thấy, các lãnh đạo DN đều thừa nhận vai trò của các KRI. Trong đó, 100% ý kiến của lãnh đạo, quản lý các DN triển khai thực nghiệm đồng ý với hiệu quả quản trị rủi ro từ KRI ở một số khía cạnh, như:

(i) DN có khả năng nhận diện, phân tích các rủi ro chính trong sản xuất một cách bài bản nhờ sự tích hợp KRI trong hệ thống công cụ quản trị rủi ro;

(ii) DN có thể chủ động hơn trong việc kiểm soát và phòng ngừa các rủi ro có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN;

(iii) Áp dụng KRI có thể giúp DN dự báo chính xác khả năng hoàn thành mục tiêu và chủ động hơn để đưa ra các phương án ứng phó so với trước khi áp dụng thí điểm.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ

Kết luận

Những kết quả thực tế từ quá trình thí điểm KRI tại DN ngành NLTT là bằng chứng cho thấy hiệu quả của việc áp dụng chỉ số KRI vào nâng cao khả năng phát hiện, cảnh báo và quản trị rủi ro từ sớm, qua đó giúp DN xác định các phương án hành động sớm nhằm giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, có thể khẳng định tính phù hợp và hiệu quả của công cụ KRI trong quản trị rủi ro, đặc biệt có hiệu quả tốt đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực NLTT.

Nghiên cứu còn cho thấy, những hạn chế làm cho việc triển khai áp dụng KRI còn chưa phổ biến ở các DN Việt Nam nói chung và DN ngành NLTT nói riêng. Nguyên nhân là do những hạn chế, như: Hiểu biết về lợi ích của KRI; Nguồn dữ liệu tin cậy để xác định các KRI; Trình độ công nghệ để khai thác dữ liệu để áp dụng KRI… đã khiến việc áp dụng chỉ số KRI chưa thực sự phổ biến trong các DN NLTT ở Việt Nam. Nếu những tồn tại, hạn chế này được khắc phục, thì KRI có thể được nhân rộng áp dụng và triển khai một cách hiệu quả vào các DN ngành NLTT ở Việt Nam.

Hàm ý quản trị

Để triển khai thành công KRI vào nâng cao khả năng phát hiện, cảnh báo và quản trị rủi ro từ sớm, giúp DN ngành NLTT xác định các phương án hành động sớm nhằm giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo tác giả thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp quản trị sau:

Thứ nhất, DN cần tăng cường, tập trung xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu có tính hệ thống, có khả năng tích hợp thông tin nhiều lĩnh vực khác nhau từ sản xuất, vận hành, nhận sự đến tài chính, thị trường... kết nối và hệ thống hóa vào một hệ thống thông tin quản lý.

Thứ hai, nâng cao năng lực quản lý dữ liệu thông qua tăng cường năng lực công nghệ trong quản lý dữ liệu. Tổ chức thực hành quản lý dữ liệu bằng các công cụ quản lý và phân tích dữ liệu tốt hơn, như: SQL, Basel, Power BI... Việc áp dụng các công cụ quản lý dữ liệu tiên tiến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định, chiết suất các dữ liệu đầu vào cho áp dụng KRI.

Thứ ba, nguồn lực con người là nội dung then chốt để quyết định thành công, do đó doanh nghiệp cần tiếp tục tổ chức đào tạo để nâng cao trình độ quản lý rủi ro cho cán bộ quản lý và đội ngũ nhân viên. Bên cạnh đó, cần mở rộng các khóa tập huấn, đào tạo về KRI cho các bộ phận, phòng/ban, để các đơn vị này có khả năng triển khai các chỉ số KRI vào cảnh rủi ro trong lĩnh vực công việc mà phòng/ban được giao phụ trách./.

TS. NGUYỄN ĐĂNG KHOA - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 30, Tháng 10/2023)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thủ tướng Chính phủ (2015), Quyết định số 2068/QĐ-TTg, ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

2. The Institute of Operational Risk (IOR) (2010), Key Risk Indicator.

3. Departmant of Finance - Australia Government (DFAG) (2016), Understanding and Developing Key Risk Indicators.

4. Nguyễn Đăng Khoa (2023), Báo cáo kết quả, hiệu quả áp dụng KRI tại công ty Cổ phần điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia: “Nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng Chỉ số cảnh báo rủi ro chính (KRI) vào doanh nghiệp Việt Nam”.

5. Nguyễn Đăng Khoa (2023), Báo cáo kết quả, hiệu quả áp dụng KRI tại CTCP Giải pháp năng lượng gió HBRE, Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia: “Nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng Chỉ số cảnh báo rủi ro chính (KRI) vào doanh nghiệp Việt Nam”.

6. Nguyễn Đăng Khoa (2023), Báo cáo kết quả, hiệu quả áp dụng KRI tại công ty TNHH Điện mặt trời Xuân Thiện Đắk Lắk, Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia: “Nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng Chỉ số cảnh báo rủi ro chính (KRI) vào doanh nghiệp Việt Nam”.