Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tham mưu về phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Trưởng ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc Nguyễn Xuân Phương trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài vào KCN Tỉnh

PV: Thưa ông, xin ông cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Quản lý đã đạt được trong công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc về quản lý và phát triển các KCN trong năm 2022?

Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Với vai trò, nhiệm vụ được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao trong công tác quản lý nhà nước và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh; năm 2022 Ban Quản lý đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND Tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, cụ thể:

Ban Quản lý các KCN đã ban hành hàng chục kế hoạch triển khai chương trình công tác của Trung ương, UBND Tỉnh, trong đó đặc biệt có: Kế hoạch triển khai, thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị; Kế hoạch triển khai công tác pháp chế năm 2022; Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trình HĐND Tỉnh ban hành Nghị quyết.

Cùng với đó, Ban đã ban hành trên 2.300 văn bản hành chính tham mưu cho Trung ương, UBND Tỉnh và các sở, ngành trong công tác quản lý KCN.

Tham mưu cho UBND Tỉnh ban hành Quyết định số 40/2022/QĐ-UBND, ngày 25/11/2022 về Quy chế phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn Tỉnh.

Về tiến độ triển khai thực hiện Quyết định số 529-QĐ, ngày 11/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đó:

4/5 nhiệm vụ đã hoàn thành 100%: Rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch lại mạng lưới các KCN trên địa bàn Tỉnh; hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư tối thiểu 02 KCN; xây dựng Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền địa phương trong công tác quản lý các KCN trên địa bàn Tỉnh và Quy chế quản lý các doanh nghiệp thứ cấp trong các KCN (gộp chung thành 01 Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, chính quyền địa phương trong quản lý các KCN trên địa bàn Tỉnh).

01 nhiệm vụ hoàn thành 60%: Triển khai khởi công xây dựng hạ tầng 05 KCN mới được thành lập trong năm 2021 (KCN: Sơn Lôi; Sông Lô I; Sông Lô II; Thái Hòa- Liễn Sơn-Liên Hòa và Nam Bình Xuyên). Trong năm 2022, Ban Quản lý đã phối hợp với các công ty hạ tầng tổ chức Lễ khởi công đối với 03 KCN: Sơn Lôi; Thái Hòa- Liễn Sơn-Liên Hòa và Nam Bình Xuyên.

Về tiến độ triển khai thực Đề án tháo gỡ điểm nghẽn (Đề án 490/ĐA- BQLKCN ngày 08/4/2021):

4/7 điểm nghẽn đã cơ bản được tháo gỡ: Điểm nghẽn về việc chuyển đổi đất rừng để triển khai các KCN; điểm nghẽn trong công tác quy hoạch, phát triển các KCN; điểm nghẽn về việc đầu tư, phát triển đồng bộ hạ tầng đến chân hàng rào KCN; điểm nghẽn về bộ máy tổ chức và phân cấp, ủy quyền về một số lĩnh vực trong KCN.

02/7 điểm nghẽn đang tiếp tục thực hiện: Điểm nghẽn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để triển khai các KCN; điểm nghẽn về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nguồn nhân lực đã qua đào tạo cho các doanh nghiệp KCN.

01 điểm nghẽn đề xuất UBND Tỉnh ngừng thực hiện theo đề nghị của Sở Tư pháp: Điểm nghẽn trong thu hút đầu tư (đề xuất chính sách ưu tiên thu hút dự án điện tử công nghệ cao vào Tỉnh, mở rộng phạm vi thành lập dự án công nghiệp công nghệ cao theo Thông báo số 271/TB-UBND, ngày 01/11/2021 về kết quả phiên họp UBND Tỉnh tháng 10/2021).

PV: Ông có thể giới thiệu đôi nét về những kết quả quan trọng mà các KCN đã gặt hái được trong hoạt động đầu tư, kinh doanh năm 2022, thưa ông?

Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Năm 2022 các KCN trên địa bàn Tỉnh đã thu hút được 41 dự án đầu tư ở trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.694,5 tỷ đồng và 425,9 triệu USD.

Lũy kế đến ngày 15/12/2022, số dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong các KCN còn hiệu lực là 447 dự án, gồm có 97 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 26.707,9 tỷ đồng; 350 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5.812,9 triệu USD.

Năm 2022, các KCN trên địa bàn Tỉnh có thêm 50 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (32 dự án FDI và 18 dự án DDI).

Tính đến ngày 15/12/2022, trong các KCN Tỉnh có 390 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh (320 dự án FDI và 70 dự án DDI), chiếm 87,2% tổng số dự án đầu tư.

Vốn thực hiện của các dự án FDI trong năm 2022 tương đối khả quan. Năm 2022, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 429,2 triệu USD, bằng 108% so với năm 2021, và 123% so với kế hoạch năm 2022. Tổng vốn thực hiện đến ngày 15/12/2022 là 3.431,3 triệu USD, đạt 59% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tốc độ giải ngân của các dự án ổn định, đúng tiến độ đăng ký.

Vốn thực hiện của các dự án DDI đạt 1.655,8 tỷ đồng, bằng 56% so với năm 2021 và 237% so với kế hoạch năm 2022. Tổng vốn thực hiện đến 15/12/2022 là 12.123,9 tỷ đồng, đạt 45% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Cùng với đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tương đối ổn định, đặc biệt các doanh nghiệp FDI có nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao, cụ thể:

Các dự án FDI: Doanh thu ước đạt 10.362 triệu USD, tăng 22% so với năm 2021; giá trị xuất khẩu đạt 7.954 triệu USD, tăng 19% so với năm 2021; nộp ngân sách Nhà nước đạt 6.696 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2021.

Các dự án DDI: Doanh thu ước đạt 14.059 tỷ đồng, bằng 99% so với năm 2021; giá trị xuất khẩu đạt 1.369 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2021; nộp ngân sách đạt 414,7 tỷ đồng, bằng 87% so với năm 2021.

Trong năm 2022, các KCN trên địa bàn Tỉnh thu hút và tạo việc làm mới cho 17.197 lao động trong và ngoài Tỉnh, đạt 96% với năm 2021.

Kết quả sản xuất, kinh doanh của các dự án trong KCN đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của toàn Tỉnh. Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2022 chiếm khoảng 53% giá trị xuất khẩu toàn Tỉnh; nộp ngân sách chiếm 20% nộp ngân sách toàn Tỉnh; tạo việc làm cho trên 126 nghìn lao động trong và ngoài Tỉnh, trong đó lao động tỉnh Vĩnh Phúc chiếm 57%.

Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tham mưu về phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
KCN Bá Thiện 2 IP là trong số các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hạ tầng đồng bộ, được trang bị riêng hệ thống xe chữa cháy chuyên dụng

PV: Xin ông cho biết, năm 2023 nhiệm vụ đề ra cho các KCN cần phải đạt được những chỉ tiêu cụ thể nào trong hoạt động sản xuất kinh doanh?

Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Năm 2023, Ban Quản lý đặt quyết tâm phấn đấu nỗ, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022. Theo đó, Ban Quản lý đặt mục tiêu phấn đấu để các KCN đạt được các chỉ tiêu chủ yếu sau:

Về cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Dự kiến thu hút 20-25 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn là 334,18 triệu USD; thu hút 10-12 dự án đầu tư DDI với tổng vốn đầu tư là 3.000 tỷ đồng (trong đó có 02 dự án đầu tư hạ tầng KCN với tổng vốn đầu tư dự kiến 34,18 triệu USD và 1.988 tỷ đồng).

Về triển khai dự án: Dự kiến có thêm 30-35 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có 25-28 dự án FDI và 5-8 dự án DDI.

Dự kiến vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 365 triệu USD; vốn thực hiện của các dự án DDI đạt 1.934 tỷ đồng (bao gồm cả các dự án hạ tầng KCN).

Các doanh nghiệp trong KCN đạt được các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu sau:

Dự án FDI: Doanh thu đạt 11.090 triệu USD, tăng khoảng 7% so với ước thực hiện năm 2022; giá trị xuất khẩu đạt 8.431 triệu USD, tăng 6% so với ước thực hiện năm 2022; nộp ngân sách đạt 6.906 tỷ đồng, tăng 3% so với ước thực hiện năm 2022.

Dự án DDI: Doanh thu đạt: 14.500 tỷ đồng, bằng 103% so với năm 2022; giá trị xuất khẩu đạt 1.400 tỷ đồng, bằng 104% so với năm 2022; nộp ngân sách 423 tỷ đồng, bằng 102% so với năm 2022. Các doanh nghiệp FDI và DDI trong các KCN thu hút và tạo việc làm mới cho khoảng 15.000 lao động trong và ngoài Tỉnh.

PV: Ban Quản lý sẽ tiếp tục triển khai những nhiệm vụ và giải pháp hữu hiệu gì trong năm 2023, để triển khai hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh, thưa ông?

Trưởng ban Nguyễn Xuân Phương: Để hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quản lý và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh, đồng thời đạt được các chỉ tiêu chủ yếu trên, Ban Quản lý sẽ triển khai một số giải pháp trọng tâm sau:

Đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN đã được thành lập/cấp chứng nhận đầu tư; đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ (với tiêu chí thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy yếu tố chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí ưu tiên).

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng giữa các nhà đầu tư; chủ động tháo gỡ khó khăn cho các dự án, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý dự án sau đầu tư, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Tỉnh năm 2023.

Về nhiệm vụ cụ thể như sau:

Công tác thu hút đầu tư

Tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, đối thoại với doanh nghiệp, sẵn sàng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Chủ động kết nối, tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng, các tập đoàn lớn đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh vào các KCN.

Thu hút và khuyến khích các dự án đầu tư đa dạng trên nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, lao động, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp 4.0 và các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh.

Thúc đẩy tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước theo chỉ đạo của Tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp hợp tác, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi từ gia công, lắp ráp sang thiết kế và sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, tạo nền tảng thu hút, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Quản lý quy hoạch, vận hành và phát triển các KCN

Đôn đốc các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các KCN đã đi vào hoạt động và các KCN mới có quyết định thành lập nhằm tạo quỹ đất sạch để đầu tư hạ tầng, thu hút dự án đầu tư mới.

Phối hợp với các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan giải quyết các vấn đề có liên quan đối với các KCN: Lập Thạch I và Lập Thạch II, Chấn Hưng trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Rà soát những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân trong việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các KCN để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án.

Giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư hạ tầng về năng lực và cam kết triển khai dự án, từ đó có biện pháp xử lý, kiên quyết thu hồi hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án hoặc điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích KCN.

Rà soát toàn bộ hệ thống hạ tầng trong các KCN. Yêu cầu, đôn đốc, giám sát chủ đầu tư hạ tầng KCN thực hiện duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp và bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng trong KCN theo đúng quy hoạch được duyệt.

Tiếp tục đề xuất cải tạo, nâng cấp, làm mới công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCN đồng bộ với kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội, các khu vệ tinh như: Khu dân cư, khu đô thị, khu thiết chế văn hóa, khu nhà ở công nhân… để đảm bảo cho sự phát triển ngày càng bền vững, góp phần cải thiện môi trường thu hút đầu tư, gắn kết các KCN trên địa bàn Tỉnh.

Quản lý các dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát: Triển khai tốt Quy chế phối hợp thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với các KCN trên địa bàn Tỉnh, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong hoạt động kiểm tra và giám sát hoạt động đầu tư của các dự án trong KCN theo quy định của pháp luật; đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các dự án có vi phạm.

Triển khai tốt công tác quản lý lao động tại các KCN: Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng quản lý nhà nước về lao động; triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong KCN làm cơ sở tham mưu, đề xuất với Tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, có hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Tăng cường các hoạt động gắn kết giữa cơ quan nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn lao động. Hoàn thành việc số hoá cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực lao động trong KCN; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để doanh nghiệp nắm rõ và thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động.

Theo dõi sát sao công tác quản lý môi trường tại các KCN: Triển khai lấy mẫu, phân loại, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và kiểm soát các biện pháp thực hiện bảo vệ môi trường; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp trong KCN; tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu về công tác bảo vệ môi trường trong các KCN; thúc đẩy việc xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải của các KCN.

Công tác phòng cháy chữa cháy tại các KCN: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh để tuyên truyền, hướng dẫn chủ đầu tư các KCN về công tác phòng cháy chữa cháy trong KCN; đôn đốc chủ đầu tư các KCN hoàn thiện bộ máy nhân sự và trang thiết bị đúng theo quy định; thường xuyên đôn đốc việc thực hiện chế độ huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy chữa cháy; phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong KCN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tuyên tuyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy chữa cháy .

Tăng cường tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp: Tiếp tục bám sát nhu cầu của nhà đầu tư để có những hỗ trợ kịp thời tối ưu cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường công tác hỗ trợ sau đầu tư nhằm hạn chế và phòng ngừa các tranh chấp đầu tư; ưu tiên tập trung hỗ trợ việc triển khai các dự án lớn. Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp (trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính của công Tỉnh; qua điện thoại, đường dây nóng; bằng văn bản hoặc email; giải đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Tỉnh; trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp đi khảo sát thực tế tại các KCN...).

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4, quản lý hoạt động của các dự án bằng phần mềm, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong các KCN của Tỉnh./.

PV: Xin chân thành cảm ơn Ông!

Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tham mưu về phát triển các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Công nhân làm việc trong nhà máy công nghệ cao tại KCN Bá Thiện 2, tỉnh Vĩnh Phúc