Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình: Hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển các KCN
Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình thăm quan, giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước với Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang |
Triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước
Với vai trò được giao trong công tác quản lý nhà nước và phát triển các KCN Tỉnh, năm 2023 Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình (Ban Quản lý) tiếp tục triển khai thực hiện toàn diện và hiệu quả các lĩnh vực công tác được phân cấp như: Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đầu tư, tài nguyên và môi trường, doanh nghiệp, lao động; cải cách hành chính; phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự... Đặc biệt, công tác xúc tiến và thu hút đầu tư được Ban Quản lý tăng cường đẩy mạnh với các hoạt động xúc tiến đa dạng, phong phú, có trọng tâm, trọng điểm (trong đó chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ), qua đó giúp các nhà đầu tư tiếp cận môi trường đầu tư thực tế trong các KCN được nhanh chóng, để có góc nhìn tổng thể về tiềm năng, vị thế hấp dẫn của KCN và nhanh chóng quyết định đầu tư tại đây. Cùng với đó, Ban Quản lý luôn tích cực tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển các KCN trên địa bàn, đồng thời thường xuyên đồng hành, sát cánh cùng các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Qua đó, giúp cho môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn các KCN tiếp tục duy trì ổn định và phát triển.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác thi đua khen thưởng tạo động lực cho phát triển các KCN, năm 2023 Ban Quản lý đã tích cực đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng, tổ chức phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong toàn Đơn vị và lan toả đến các KCN. Công tác thi đua khen thưởng được thực hiện nghiêm túc, có đánh giá, bình xét thi đua khối các doanh nghiệp trong các KCN; xây dựng báo cáo sơ kết, tổng kết, cung cấp số liệu phục vụ công tác đánh giá, bình xét khối thi đua các Ban Quản lý các KCN các tỉnh phía Bắc, qua đó có tác dụng động viên, khuyến khích rất lớn đối với mỗi cá nhân các thành viên Ban Quản lý, cũng như các doanh nghiệp trong các KCN của Tỉnh.
Công tác phối hợp với các ngành chức năng trong năm 2023 được tăng cường thường xuyên, qua đó kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng măc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong các KCN của Tỉnh. Đặc biệt, Ban luôn xác định người lao động là trung tâm của phát triển sản xuất, vì vậy trong năm 2023 Ban cũng đã phối hợp chặt chẽ với Công đoàn các khu công nghiệp Tỉnh quan tâm chăm lo đời sống, việc làm của người lao động bằng các hoạt động hỗ trợ thiết thực nhân dịp Lễ, Tết; triển khai thỏa thuận hợp tác về chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam với Công ty tài chính TNHH Saison; tổ chức Hội thi văn nghệ với chủ đề “Tiếng hát công nhân lao động các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình năm 2023”; tổ chức Liên hoan văn nghệ công nhân, lao động KCN Lương Sơn, trao 11 giải cho các tiết mục đặc sắc với tổng giá trị 15,5 triệu đồng. Hưởng ứng, tham gia 4 tiết mục chào mừng Đại hội Công đoàn tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII trong Chương trình Liên hoan tiếng hát Công nhân viên chức lao động tỉnh Hòa Bình; phối hợp tổ chức chương trình “Đêm hội trăng rằm năm 2023” tại KCN Lương Sơn...
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long cùng Đoàn công tác của Tỉnh kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng KCN Yên Quang, thành phố Hòa Bình |
Một số kết quả nổi bật năm 2023
Năm 2023, Ban Quản lý với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về các KCN trên địa bàn Tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về KCN trên các lĩnh vực được phân cấp, đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh. Với những cố gắng nố lực của tập thể Ban Quản lý, năm 2023 Ban Quản lý đã hoàn thành toàn diện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời đạt được một số kết quả nổi bật trong công tác phát triển các KCN, cụ thể:
Thu hút đầu tư vào các KCN đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý đã cấp mới 6 dự án (trong đó 1 dự án FDI với vốn đăng ký là 60 triệu USD), vượt 20% so với kế hoạch và chỉ tiêu Tỉnh giao, chiếm 22,2% số dự án thu hút mới toàn Tỉnh (27 dự án); điều chỉnh 20 dự án, trong đó 3 dự án tăng vốn đăng ký là 89,92 tỷ đồng; chấm dứt hoạt động 1 dự án FDI.
Lũy kế đến nay, tổng số dự án đầu tư vào các KCN của Tỉnh là 110 dự án, trong đó 25 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 379,33 triệu USD và 85 dự án đầu tư trong nước, tổng số vốn đăng ký 15.952,69 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp trong các KCN sản xuất kinh doanh tăng trưởng, đạt các chỉ tiêu chủ yếu sau: Doanh thu đạt 23.978 tỷ đồng, tăng 9,64% so với năm 2022, vượt 9,0% so với kế hoạch và chỉ tiêu giao; chiếm 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tỉnh (39.959 tỷ đồng); giá trị xuất khẩu đạt 840,84 triệu USD, tăng 10,08% so với năm 2022, vượt 9,2% so với kế hoạch và chỉ tiêu giao; chiếm 49,6% giá trị xuất khẩu toàn Tỉnh (1.695 triệu USD); giải quyết việc làm mới cho 1.760 lao động; chiếm 10,25% số việc làm mới toàn Tỉnh (17.162 người); tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư đạt 120,49 ha, vượt 9,54% so với kế hoạch và chỉ tiêu được giao.
Chỉ tiêu giải ngân các dự án đầu tư công: Số vốn đã giải ngân đạt khoảng 99,45% số vốn thực cấp (76.489 triệu đồng).
Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long khảo sát điểm quy hoạch nhà ở công nhân tại xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình |
Thực hiện thành công 4 đột phá chiến lược của Tỉnh
Tăng cường đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch: Năm 2023, Ban Quản lý đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố khảo sát, đánh giá, đề xuất UBND Tỉnh Phương án Quy hoạch các KCN của Tỉnh đến năm 2030 theo hướng đề xuất giữ nguyên 8 KCN đã được phê duyệt quy hoạch với diện tích giảm xuống còn 1.331,68 ha; bổ sung mới 8 KCN tại các huyện Yên Thủy, Lạc Sơn, Lương Sơn, Đà Bắc, Tân Lạc và TP. Hòa Bình với tổng diện tích quy hoạch là 2.237,9 ha, nâng tổng số quy hoạch các KCN trên địa bàn Tỉnh đến năm 2030 là 16 KCN với tổng diện tích là 3.569,58 ha; phối hợp thực hiện tích hợp ranh giới và diện tích các KCN bổ sung mới vào Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện tại, cơ quan chủ trì đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND Tỉnh, trình Thủ tướng phê duyệt. Sau khi được Thủ tướng phê duyệt, Tỉnh ủy, UBND Tỉnh sẽ chỉ đạo thực hiện việc lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các KCN cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, gấp rút triển khai thủ tục lập Quy hoạch phân khu các KCN: Bình Phú, Yên Quang, Thanh Hà, Nhuận Trạch, Lạc Thịnh; đề xuất Tỉnh ủy, UBND Tỉnh điều chỉnh giảm diện tích KCN Nam Lương Sơn xuống còn 75 ha; phối hợp UBND huyện Lương Sơn thống nhất ranh giới điều chỉnh KCN; tham mưu UBND Tỉnh trả lời của một số nhà đầu tư về việc đề xuất nghiên cứu khảo sát KCN -Đô thị - Dịch vụ Tân Phong, KCN Thanh Cao.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình thăm quan và làm việc với các doanh nghiệp trong KCN An Thịnh, tỉnh Hòa Bình |
Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh: Tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp tổ chức vận động xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN; tham gia thành viên Ban chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) của Tỉnh; định kỳ 6 tháng/lần tổ chức giao ban hoặc đột xuất tổ chức các buổi làm việc với các nhà đầu tư hạ tầng, các doanh nghiệp trong các KCN, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp trong các KCN.
Ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính; kế hoạch thông tin, tuyên truyền, truyền thông, kiểm tra công tác cải cách hành chính; kế hoạch cải thiện chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ của Ban Quản lý năm 2023; đẩy mạnh việc cung cấp, thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tổ chức vận hành hệ thống Phần mềm quản lý doanh nghiệp hoạt động trong các KCN và nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN.
Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động: Phối hợp với Trung tâm Dữ liệu và Phân tích kinh tế - xã hội thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành các hoạt động, công việc năm 2023 đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất giải pháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại các KCN tỉnh Hòa Bình”.
Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm cho các doanh, kết quả các KCN của Tỉnh giải quyết việc làm mới cho 1.760 lao động
Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật các KCN: Tăng cường đôn đốc, giám sát các nhà đầu tư tiếp tục triển khai triển khai đầu tư một số công trình thiết yếu trong các KCN tại 4 KCN: Bình Phú, Lạc Thịnh, Yên Quang, Bờ trái sông Đà; triển khai lập quy hoạch phân khu xây dựng 5 KCN; đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng KCN Nhuận Trạch, Bình Phú đẩy nhanh các thủ tục về xây dựng, môi trường, giải phóng mặt bằng, phòng cháy chữa cháy, hệ thống cấp điện, cấp nước... Kết quả, tổng vốn đầu tư thực hiện hạ tầng kỹ thuật các KCN năm 2023 ước đạt 676,066 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ 75 tỷ đồng; vốn ngân sách Tỉnh là 1,066 tỷ đồng; vốn chủ đầu tư hạ tầng các KCN khoảng 600 tỷ đồng).
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước, với tinh thần tương thân tương ái, Ban Quản lý luôn quan tâm đến các hoạt động xã hội từ thiện. Năm 2023 Ban đã Ban hành kế hoạch, tổ chức thực hiện vận động, kêu gọi 1 doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng 1 ngôi nhà cho hộ nghèo trị giá 80 triệu đồng; 1 doanh nghiệp tặng 10 máy tính cho trường cấp 1, 2; tặng 1 xuất quà cho 1 học sinh nghèo tại Cun Pheo với tổng giá trị khoảng 100 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch năm 2023.
Đoàn công tác tỉnh Hòa Bình kiểm tra hoạt động đầu tư kinh doanh tại các doanh nghiệp trong KCN Lương Sơn |
Tiếp tục nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả hoạt động phát triển các KCN
Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình cho biết, căn cứ tình hình, điều kiện thực tế và dự báo các yếu tố tác động đến tình hình thu hút đầu tư, đầu tư xây dựng, phát triển các KCN của Tỉnh trong năm 2024, Ban Quản lý xây dựng các chỉ tiêu trong năm 2024 như sau:
Số dự án mới đầu tư vào KCN là 8 dự án
Tỷ lệ các KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 80% (4/5 KCN)
Các doanh nghiệp trong các KCN đạt được các chỉ tiêu chủ yếu sau: Doanh thu đạt 20.000 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 700 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước 200 tỷ đồng; giải quyết việc làm mới cho 700 lao động
Tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư tại các KCN đạt khoảng 87 ha
Trình UBND Tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000: 5 KCN.
Công nhân nhà máy may đang làm việc trong KCN Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình |
Để đạt được toàn diện các chỉ tiêu trên, Ban Quản lý cho biết, năm 2024 Ban dự kiến xây dựng một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tiếp tục bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết của HĐND Tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 để ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển các KCN của Tỉnh đã đề ra.
Thứ hai, tổ chức triển khai hoàn thành việc trình UBND Tỉnh phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 đối với KCN Lạc Thịnh, Yên Quang, Nhuận Trạch, Bình Phú, Thanh Hà. Kêu gọi các nhà tài trợ, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất UBND Tỉnh đồng ý chủ trương cho phép lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Nam Lương Sơn và một số KCN bổ sung mới (đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050); lãnh đạo, chỉ đạo các chủ đầu tư hạ tầng thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đảm bảo phù hợp với quy hoạch phân khu đã được phê duyệt.
Thứ ba, tích cực tham dự các diễn đàn, hội nghị xúc tiến đầu tư do các bộ, ngành Trung ương hoặc các địa phương tổ chức; chủ động, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong việc thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KCN Lạc Thịnh và các KCN bổ sung mới; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, nâng cao tỷ lệ lấp đầy các KCMLN của Tỉnh khi có đủ điều kiện thu hút đầu tư.
Thứ tư, tham mưu, tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tiến độ từng KCN cụ thể để có cơ sở phối hợp, chỉ đạo, đôn đốc các nhà đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thủ tục giao, cho thuê đất để sớm khởi công dự án, nhất là Trạm xử lý nước thải tập trung KCN Nhuận Trạch, Bình Phú để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp KCN trong quá trình triển khai dự án và hoạt động sản xuất kinh doanh tại các KCN.
Thứ năm, Ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện các dự án đầu tư công do Ban Quản lý làm chủ đầu tư theo đúng quy định, đảm bảo giải ngân tại các mốc thời điểm đạt tỷ lệ theo đúng chỉ đạo của UBND Tỉnh.
Thứ sáu, phối hợp UBND các huyện, thành phố, chủ đầu tư hạ tầng các KCN thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư tại các KCN, phấn đấu năm 2024, giải phóng được khoảng 87 ha tại các KCN. Lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ 100% kinh phí hoạt động của đơn vị: Doanh thu đạt khoảng 1 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 80 triệu đồng.
Thứ bảy, tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ chức năng quản lý nhà nước trực tiếp tại các KCN trên địa bàn Tỉnh được quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ Quy định về quản lý KCN và KKT; đề xuất việc phân cấp, ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ khi có thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành.
Thứ tám, tăng cường đẩy mạnh thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng, môi trường, doanh nghiệp... Theo đó, lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể, trong đó bám sát các nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND Tỉnh giao để tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo tổ chức thực hiện. Nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp với Công đoàn các KCN trong công tác vận động thành lập mới công đoàn cơ sở; xây dựng, phát triển đoàn viên; chăm lo, xây dựng đội ngũ công nhân KCN, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức, tác phong lao động công nghiệp; tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho công nhân, lao động trong các KCN của tỉnh.
Thứ chín, tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, đặc biệt là trong việc cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, giải quyết các thủ tục hành chính; tiếp tục nâng cao, xây dựng chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động năng động, tích cực, chủ động, bám sát thực tiễn, đổi mới tư duy, sáng tạo..., nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.
Thứ mười, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc thực hiện Quy chế phối hợp quản lý nhà nước tại các KCN thuộc các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, môi trường, doanh nghiệp... phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng và phát triển các KCN./.
Công nhân làm việc trong KCN tỉnh Hòa Bình |
Bình luận