Hội thảo do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Hanns Seidel Foundation (Cộng hòa Liên bang Đức) và Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) (thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) tổ chức sáng nay, ngày 8/11/2018.

Toàn cảnh hội thảo

Doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc phát triển bền vững

Phát biểu tại hội thảo, PGS, TS. Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, phát triển bền vững là một trong những mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đã ban hành trong Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là trách nhiệm của toàn xã hội, các cấp chính quyền, các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở, tổ chức xã hội và doanh nghiệp…

Phân tích rõ hơn, bà Nguyễn Lệ Thủy, Phó Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho hay, để các mục tiêu phát triển bền vững đạt hiệu quả, Việt Nam cũng đã đặt ra các nhiệm vụ chủ yếu thực hiện trong giai đoạn 2017-2020.

Đó là, hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về phát triển bền vững quốc gia. Theo đó, muộn nhất trong năm 2018 hoàn thành việc xây dựng kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó, lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, các chiến lược, các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan.

Song song với đó, phát triển nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ở mọi lĩnh vực, chú trọng đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo, hoạch định chính sách. Đồng thời, giám sát, đánh giá, báo cáo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

PGS, TS. Lê Xuân Đình cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với công cuộc phát triển bền vững ở Việt Nam. Vai trò của khu vực doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân sẽ góp phần cung cấp nguồn lực tài chính bổ sung cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế và nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài bị thu hẹp.

PGS, TS. Lê Xuân Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo phát biểu tại Hội thảo

Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, thì báo cáo bền vững và Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) đóng vai trò rất quan trọng.

“Báo cáo bền vững nói ngắn gọn là công cụ để đo lường tính bền vững của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không đo lường được, thì sẽ không quản lý được hoạt động của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI kiêm Phó Chủ tịch VBCSD khẳng định.

Đồng thời, ông Nguyễn Quang Vinh cũng cho biết, năm 2015, VBCSD đã công bố Bộ chỉ số CSI. Bộ chỉ số này gồm 131 chỉ tiêu trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Từ năm 2016, VCCI và các bộ, ngành đã phối hợp thực hiện bảng xếp hạng các doanh nghiệp bền vững dựa trên Bộ chỉ số CSI.

Ngày 22/11/2018 tới đây, VBCSD sẽ tổ chức lễ tôn vinh 100 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Chương trình được triển khai trên phạm vi toàn quốc.

“Nếu áp dụng được Bộ chỉ số CSI, thì việc hoạch định chiến lược của doanh nghiệp – một trong những khâu yếu nhất của doanh nghiệp cùng với quản trị sẽ được cải thiện”, Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng ban thư ký VBCSD chia sẻ thêm, CSI là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm báo cáo và trách nhiệm giải trình với các đối tác, nhà đầu tư, cũng như các bên liên quan khác. Bộ chỉ số CSI sẽ hỗ trợ doanh nghiệp đo lường mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp; quản trị rủi ro, tăng khả năng nhận biết về cơ hội kinh doanh, xu hướng phát triển mới. Đồng thời, hỗ trợ quá trình lập pháp nhằm xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp…

Đặc biệt, “đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, Bộ chỉ số CSI sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về kiến thức, kỹ năng quản trị… giúp doanh nghiệp phát triển”, ông Hải cho hay.

Theo Nghiên cứu giá trị thị trường về tài sản vô hình của Ocean Tomo năm 2015, từ năm 1975-2015, nhìn nhận về giá trị doanh nghiệp đã được thay đổi, năm 1975 các cấu phần của Giá trị thị trường S&P 500, thì 17% là tài sản vô hình, 83% là tài sản hữu hình nhưng đến năm 2015, 84% là tài sản vô hình và 16% là tài sản hữu hình.

Do đó, ông Hải cho rằng, phát triển bền vững mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, như: nâng cao uy tín và củng cố thương hiệu, tiết kiệm chi phí, giảm bớt sự can thiệp của pháp luật… Đặc biệt phát triển bền vững là cơ hội kinh doanh lớn nhất, duy nhất của thế kỷ 21 và sẽ là nguồn tiếp theo để tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Đã có nhiều doanh nghiệp tiên phong và thành công

Là một trong những doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu triển khai báo cáo phát triển bền vững, bà Nguyễn Thanh Hoa, Trưởng ban Truyền thông – Thương hiệu, Tập đoàn Bảo Việt cho biết, ban đầu Bảo Việt chỉ thực hiện báo cáo phát triển bền vững theo yêu cầu của pháp luật, nhưng sau khi thực hiện, rõ ràng nó có tác động tích cực vào hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.

“Báo cáo phát triển bền vững giúp doanh nghiệp biết mình đang ở đâu và đang phát triển như thế nào? Đồng thời, nó cũng giúp các nhà đầu tư biết đến và yên tâm hợp tác với doanh nghiệp”, đại diện Tập đoàn Bảo Việt chia sẻ.

Bà Nguyễn Thanh Hoa, Trưởng ban Truyền thông - Thương hiệu, tập đoàn Bảo Việt chia sẻ kinh nghiệm thực hiện phát triển bền vững của Bảo Việt

Cũng chia sẻ về vai trò của báo cáo phát triển bền vững đối với doanh nghiệp, bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng Quan hệ đối ngoại, Công ty TNHH Nestle Việt Nam cho biết, Tập đoàn Nestle Việt Nam đã thực hiện hành trình phát triển bền vững từ năm 2011. Trong lĩnh vực thế mạnh là chế biến sản phẩm cà phê, Tập đoàn đã hoàn thiện liên kết chuỗi từ người nông dân đến người tiêu dùng, thu mua đến 30% lượng cà phê sạch, đạt tiêu chuẩn của nông dân để chế biến sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Để có nguồn nguyên liệu sạch, Tập đoàn đã hỗ trợ 27 triệu cây giống cho người nông dân hướng đến canh tác bền vững, hơn 21.000 nông dân được cấp chứng nhận quốc tế 4C, giúp nâng cao giá trị của hạt cà phê Việt Nam. Sản phẩm của Nestle Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 20 nước trên thế giới.

"Chúng tôi nhận thấy càng thực hiện các chương trình phát triển bền vững thì hoạt động kinh doanh của Tập đoàn càng tốt hơn. Những năm gần đây, Nestle Việt Nam luôn trong top 100 doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất Việt Nam và thứ hạng ngày càng được nâng cao”, bà Lê Thị Hoài Thương nói.

Ngoài hai điển hình là Bảo Việt và Nestle Việt Nam, còn rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước cũng ngày càng tham gia mạnh mẽ vào công tác triển khai báo cáo phát triển bền vững. Nhờ đó, số lượng doanh nghiệp tham gia vào VBCSD ngày càng tăng.

“Tính đến tháng 6/2018, đã có 700 doanh nghiệp tham gia mạng lưới VBCSD”, ông Phạm Hoàng Hải cho biết./.