Bất động sản đang hấp dẫn vốn ngoại: Vì sao?
Dòng vốn ngoại liên tục chảy vào bất động sản
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2015, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản cao đứng thứ hai, chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, đạt gần 1,7 tỷ USD, chiếm 19,3% tổng vốn FDI cam kết vào Việt Nam trong 7 tháng qua. So với cùng kỳ năm ngoái, nguồn vốn FDI năm nay vào bất động sản cao hơn 568 triệu USD.
Bất động sản đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài |
Minh chứng cho điều này là hàng loạt dự án đầu tư đã được ký kết. Cụ thể là: Ngày 26/07/2015, Quỹ Creed Group (Nhật Bản) ký hợp đồng hợp tác đầu tư 200 triệu USD vào An Gia Investment, với cam kết mua 20% cổ phần và đầu tư vào dự án theo tỷ lệ 50/50, đồng thời cung cấp các khoản vay lãi suất 5% để An Gia mua dự án mới. Trước đó, Quỹ này hứa hẹn sẽ cùng An Gia lên kế hoạch xây dựng những dự án nhà ở theo tiêu chuẩn Nhật tại TP. Hồ Chí Minh.
Đầu tháng 7/2015, GEM - Tập đoàn Đầu tư Toàn cầu của Mỹ có quy mô 3,4 tỷ USD, ký kết chi gần 440 tỷ đồng, tương đương 20 triệu USD mua cổ phiếu Công ty Địa ốc Hoàng Quân. GEM là đối tác quốc tế thứ 3 của Hoàng Quân, sau Tập đoàn LG và Hyundai ký kết hợp tác với doanh nghiệp trong vòng 24 tháng qua.
Cùng với đó, những tập đoàn lớn đang có mặt ở Việt Nam, như: Amata (Thái Lan), Sembcorp (Singapore), Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản)... tiếp tục rót vốn vào phát triển hạ tầng khu đô thị và công nghiệp ở nhiều tỉnh, thành. Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) cũng đang tăng cường mở rộng đầu tư với kế hoạch phát triển dự án khu phức hợp thông minh có vốn đầu tư đến 2 tỷ USD tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh (Quốc Hùng, 2015).
Đâu là nguyên nhân?
Nói về lý do bất động sản ngày càng thu hút vốn ngoại, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam cho biết, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 cho phép người nước ngoài có quyền sở hữu đa dạng đối với bất động sản cho nhiều mục đích khác nhau, như: cho thuê lại, thế chấp và thừa kế. Điều luật này áp dụng cho cả cá nhân và tổ chức nước ngoài, như: quỹ đầu tư, ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản. Đây được xem là động lực phát triển cho lĩnh vực nhà ở.
“Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng cùng với các điều chỉnh về luật đã và đang tạo điều kiện thuận lợi và minh bạch hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, rõ ràng không thể phủ nhận tiềm năng kinh tế lâu dài của Việt Nam. Những yếu tố cơ bản này, cùng với chi phí bất động sản tương đối thấp và lợi nhuận cho thuê cao hiện là bước chuyển mình của Việt Nam thu hút các nhà đầu tư bất động sản quốc tế”, ông Marc nói.
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác khiến dòng vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản những tháng gần đây. Đó là:
(i) Kinh tế Việt Nam đang phục hồi và hội nhập sâu rộng, mà cụ thể là Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và sắp tới là Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư lớn của quốc tế.
(ii) Dân số Việt Nam trẻ và đông hơn so với các nước cùng khu vực trong khi quỹ nhà ở còn khiêm tốn, nên còn rất nhiều dư địa phát triển cho lĩnh vực bất động sản. Đây cũng là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển mạnh trong thời gian tới.
(iii) Thị trường bất động sản Việt Nam đang bắt đầu bước vào chu kỳ tăng trưởng trở lại sau một thời gian dài “ngủ đông”. Các nhà đầu tư, các quỹ nước ngoài đã không bỏ lỡ cơ hội, tận dụng thời cơ để đón “điểm rơi” này.
(iv) Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ giá đồng nội tệ so với USD khiến chi phí bất động sản tại Việt Nam thấp hơn. Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tập trung đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với đó, lượng kiều hồi chuyển về Việt Nam sẽ mua được nhiều hàng hóa hơn, qua đó bất động sản cũng là một kênh hàng hóa được nhắm tới.
Việc vốn ngoại đang đổ nhiều vào bất động sản bên cạnh việc tạo ra một “luồng gió mới” trong lĩnh vực này nhưng cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại dễ xảy ra “bong bóng”. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam tại buổi lễ ra mắt Hội môi giới bất động sản Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh ngày 18/08/2015, thì tình trạng “bong bóng” sẽ khó có thể xảy ra. Theo lý giải của Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, thì lượng giao dịch hiện nay đang tăng tương đối ổn định.
Đưa ra nhận định xu hướng đầu tư của các dòng vốn ngoài, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Quỹ Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội cho rằng, các phân khúc bất động sản được khối ngoại đầu tư hiện nay khá đa dạng. Phổ biến nhất là nhà ở trung - cao cấp, các tòa nhà văn phòng, khách sạn đã đi vào hoạt động nhưng cũng có khá nhiều quỹ chọn cách rót vốn vào các doanh nghiệp chuyên xây nhà ở giá rẻ (Vũ Lê, 2015)./.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc Hùng (2015). Vốn nước ngoài gia tăng vào bất động sản, truy cập từ http://www.thesaigontimes.vn/133536/Von-nuoc-ngoai-gia-tang-vao-bat-dong-san.html
2. Vũ Lê (2015). Vốn ngoại đang dồn vào bất động sản, truy cập từ http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/bat-dong-san/von-ngoai-dang-don-vao-bat-dong-san-3254750.html
Bình luận