Giá điện có thể tăng lên 20%/năm

Theo Dự thảo Quyết định đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến, việc điều chỉnh giá điện được quy định lại như sau:

- Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra.

- Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 3%-5% và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra.

- Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 5%-10% và trong khung giá quy định, căn cứ vào tình hình thực tế kinh tế - xã hội thực tế, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài Chính kiểm tra, rà soát và quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân.

- Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá quy định, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Cần cân nhắc, xem xét kỹ việc trao quyền quyết định từ điều chỉnh giá điện cho EVN

Như vậy, điểm nổi bật của dự thảo Quyết định là việc trao quyền cho EVN được tự quyết mức điều chỉnh giá điện. Cụ thể, theo quy định hiện hành tại Quyết định 69, EVN không được quyết giá điện, việc điều chỉnh giá bán phải xin phép Bộ Công Thương với mức tăng từ 7%-10% mỗi lần và 6 tháng điều chỉnh một lần.

Còn tại Dự thảo lần này, EVN được chủ động tăng giá điện, không cần xin phép cơ quan nào. Mức tăng là 3%-5% mỗi lần và 3 tháng EVN được điều chỉnh một lần.

Như vậy, nếu muốn, mỗi năm EVN có thể được tự quyết điều chỉnh giá điện tối đa đến 20%/năm.

Tại Dự thảo, thẩm quyền của Bộ Công Thương trong việc điều chỉnh giá điện cũng tăng tương ứng. Từ chỗ chỉ được quyết định điều chỉnh giá điện tối đa 20% mỗi năm thì dự thảo của Bộ Công Thương đã trao quyền cho Bộ này tăng tới 40%/năm.

Nhà nước cần có cơ chế giám sát chặt chẽ

Dẫn nguồn từ Báo điện tử VnEconomy về ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trả lời công văn số 8548 của Bộ Công Thương về việc đóng góp ý kiến cho Dự thảo, VCCI đánh giá, đây là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn và cần được xem xét, cân nhắc.

"Dự thảo đã mở rộng thẩm quyền quyết định việc tăng giá điện từ chỗ EVN không được quyết định tăng/giảm giá điện theo Quyết định 69, đến chỗ EVN được chủ động quyết định tăng đến 20% giá điện mỗi năm. Thẩm quyền của Bộ Công Thương cũng tăng tương ứng từ chỗ được quyết định tăng tối đa 20% mỗi năm lên đến 40% mỗi năm. Đây là sự mở rộng thẩm quyền tương đối lớn và cần được xem xét, cân nhắc", VCCI góp ý (Bảng).

Bảng: So sánh thẩm quyền về điều chỉnh giá diện theo Quyết định 69 và Dự thảo mới


VCCI tính toán: Số liệu thống kê từ 1995 đến nay cho thấy, mức độ lạm phát của Việt Nam biến động mạnh giữa các năm, nhưng không năm nào vượt quá 20%. Việc trao cho EVN được quyền tăng giá điện tối đa lên đến 20% mỗi năm và Bộ Công Thương lên đến 40% là khá cao so với mức biến động giá bình thường.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Điều 3, Điều 5 và Điều 6 của Dự thảo theo hướng nếu giá điện bình quân tăng từ 3%-5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về Bộ Công Thương. Nếu giá điện bình quân tăng trên 5% thì thẩm quyền quyết định thuộc về Thủ tướng Chính phủ.

Dẫn lời của GS, TSKH. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam trên Báo Đất Việt cho biết, cần phải tính toán thận trọng hơn, tránh thay đổi nhiều lần dẫn đến nhiều tác động không tốt cho thị trường.

“Điều chỉnh giá điện nếu thường xuyên quá thì cũng không nên vì nó gây biến động về giá cả trên thị trường đối với người dân và các doanh nghiệp. Thứ hai là biên độ điều chỉnh phải được luận chứng trên cơ sở vì sao. Do đó, việc EVN hay Bộ Công thương tăng 2, 3 hay 5% thì cũng phải tính toán”, GS. Long khẳng định.

Theo GS. Long, trong một năm nếu điều chỉnh giá điện tăng đến 40% thì cũng cần xem xét lại. “Yếu tố thị trường luôn biến động, cho nên chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng để chọn tần suất bao nhiêu lần, biên độ tăng, giảm như thế nào cho hợp lý. Chúng ta điều chỉnh để vừa theo kịp biến đổi của thị trường, người sử dụng cũng như nền kinh tế chung chịu được. Đó mới là vấn đề quan trọng”, ông Long nêu quan điểm.

Trước những lo ngại của người dân về việc nếu trao quyền tăng giá điện cho EVN thì có thể dẫn đến những tiêu cực khi doanh nghiệp này đang độc quyền thị trường điện ở nước ta, GS. Long cho rằng dù trong trường hợp nào thì Nhà nước vẫn phải nắm vai trò quyết định.

“Trong Luật điện lực đã quy định là người đề xuất thay đổi giá điện phải là đơn vị sản xuất. Cụ thể ở đây là cơ sở điện lực. Còn việc phê duyệt, thẩm định là phía quản lý nhà nước. Với trường hợp lần này cũng vậy. EVN dù được trao quyền nhưng theo tôi bất kỳ kế hoạch nào cũng phải báo cáo với nhà nước. Không thể một đơn vị ngày hôm nay giá điện thế này còn ngày mai bỗng dưng tăng giá lên mà quản lý hoàn toàn không biết. Nhà nước phải giám sát, nếu tăng đúng thì chấp nhận còn nếu sai theo quy định thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Long nhấn mạnh./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.moit.gov.vn/vn/tin-tuc/7694/lam-ro-ve-co-che-dieu-chinh-gia-ban-dien-binh-quan.aspx

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/332497/moi-nghe-da-so-gia-dien-co-the-tang-40-nam.html

http://vneconomy.vn/thi-truong/se-trao-evn-quyen-dieu-chinh-gia-dien-toi-20-moi-nam-20161004120039857.htm