Bộ Công Thương: Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất nhờ TPP
Thông tin trên được nêu lên tại buổi gặp mặt của Bộ Công Thương với các cơ quan báo chí để cung cấp thông tin kết thúc đàm phán Hiệp định TPP vào chiều hôm nay (ngày 9/10).
Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Quốc Khánh - cũng là Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam cho biết, chưa thể công bố chi tiết các điều khoản, cam kết trong hiệp định do các nước thành viên còn hoàn tất khâu dịch thuật, rà soát pháp lý tại nước mình. Thời điểm công bố chi tiết sẽ được ấn định chung cho cả 12 thành viên, dự kiến ngay nửa đầu tháng này.
Nhiều câu hỏi xung quanh việc gỡ bỏ các dòng thuế, áp dụng ưu đãi cũng như cam kết của Việt Nam liên tục được đặt ra tại họp báo, song vì lý do bảo mật nêu trên, ông Khánh khất chưa trả lời mà ưu tiên làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan tới tinh thần của Hiệp định.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, việc tham gia với tư cách một trong những thành viên đầu tiên sẽ giúp nâng cao vị thể của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Dệt may không lo phụ thuộc Trung Quốc
Lo ngại nhất trong TPP cho ngành dệt may là, để hưởng thuế suất ưu đãi của Hiệp định, ngành này sẽ phải đáp ứng quy tắc "xuất xứ từ sợi" trở đi và về dài hạn, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp dệt, giúp nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may xuất khẩu, làm ngành này phát triển bền vững.
Tuy nhiên, TPP cũng cho phép áp dụng một danh mục "nguồn cung thiếu hụt" đối với những nước có ngành công nghiệp dệt chưa phát triển. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ được quyền nhập khẩu một số chủng loại vải, sợi từ nước thứ 3 ngoài TPP để làm ra sản phẩm may mặc mà vẫn sẽ được hưởng ưu đãi TPP.
TPP cũng có một số cơ chế linh hoạt để ngành này hưởng ưu đãi nhiều hơn ngay khi Hiệp định có hiệu lực mà không quá phụ thuộc quy tắc xuất xứ từ sợi.
Theo đánh giá tác động, với việc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ tạo cú hích lớn cho hàng hoá Việt Nam tiếp cận. Ngành dệt may sẽ tăng đáng kể kim ngạch. Ước tính cứ tăng 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may thì sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại. Ngành này tăng xuất khẩu sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
Tác động tích cực này cũng sẽ có hiệu ứng ở ngành da giày, thuỷ sản, nông lâm sản.
Ngành chăn nuôi có ít nhất 10 năm để chuẩn bị cho TPP
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, với ngành nông nghiệp, Bộ Công thương công nhận với một số chủng loại nông sản Hoa Kỳ và một số nước khác có thể mạnh, sức ép với hàng Việt Nam là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, nhất là thịt lợn, thịt gà.
Một số mặt hàng khác cũng sẽ gặp khó khăn nhưng ở mức độ nhẹ hơn vì Bộ Công Thương nêu những sản phẩm này nước ta vẫn phải nhập khẩu với số lượng lớn, trong nước dù sao cũng đã quen với cạnh tranh, như: sữa, đậu tương, ngô, nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc…
“Tuy nhiên, có cơ sở cho rằng sức ép cạnh tranh không lớn vì những sản phẩm của ta hướng đến nhắm đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm các nước TPP thường nhắm tới phân khúc thị trường cao cấp”- ông Khánh nói
Trả lời câu hỏi về thách thức của ngành chăn nuôi và nhiều ngành khác, ông Trần Quốc Khánh khẳng định, rất nhiều cam kết của Việt Nam theo lộ trình, tác động với nhiều ngành sẽ không đến ngay lập tức, mà có lộ trình. Như ngành chăn nuôi, đúng là thực sự khó khăn.
“Nhưng đây không phải lần đầu tiên ta hội nhập. Ta đã ký hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, rồi một số FTA với một số mạnh về chăn nuôi như Úc. Bên cạnh đó, tôi khẳng định ngành chăn nuôi nếu tính từ năm nay có ít nhất 10 năm để chuẩn bị đối đầu sức ép thuế 0%”, ông Khánh nói.
Không xoá bỏ trợ cấp DNNN
Hiệp định TPP đã dành hẳn một chương thoả thuận về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) với nhiều điều khoản đòi hỏi nguyên tắc minh bạch, công khai, công khai trong hoạt động của khu vực này.
Khi tham gia TPP, các DNNN sẽ phải hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường, không được có các hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư. Đặc biệt, TPP yêu cầu Nhà nước không trợ cấp quá mức, làm gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.
Tuy nhiên, TPP chỉ áp dụng với các DNNN có vốn Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Và cũng chỉ khi các DNNN này có doanh thu vượt quá một ngưỡng nhất định thì mới chịu sự điều chỉnh của hiệp định này.
Ông Trần Quốc Khánh giải thích thêm, như vậy TPP không yêu cầu xoá bỏ hoàn toàn trợ cấp của Nhà nước đối với DNNN. Hiệp định thiết kế một ngưỡng doanh thu mà DNNN nào 3 năm liên tiếp đạt trên ngưỡng doanh thu đó thì mới chịu sự điều chỉnh.
Ông Khánh cũng cho biết, Việt Nam bảo lưu loại trừ tất cả các doanh nghiệp NN có liên quan đến an ninh, quốc phòng. Với các DNNN khác, Việt Nam chấp nhận yêu cầu cạnh tranh bình đẳng trên thị trường nhưng Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ các DNNN. Song, mức hỗ trợ này sẽ không lớn, không tới mức gây bất bình đẳng lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại đầu tư giữa các nước TPP.
Về nguyên tắc minh bạch, Việt Nam cũng đồng ý minh bạch thông tin DNNN khi có yêu cầu, nhưng loại trừ những thông tin an ninh quốc phòng, hoặc phạm vi bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này cũng có nghĩa các DNNN Việt Nam không phải công bố tất cả mọi thông tin.
TPP không gây tác động lớn và đột ngột tới ngân sách
Đại diện Bộ Công Thương đánh giá, do tỷ trọng thu từ thuế nhập khẩu đang giảm dần qua các năm, việc xóa bỏ thuế nhập khẩu lại được thực hiện theo lộ trình, nên về cơ bản sẽ không gây tác động lớn và đột ngột. Bên cạnh đó, khi xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, thu từ thuế nhập khẩu có thể giảm nhưng bù lại, số thu từ các sắc thuế sẽ tăng lên do sản xuất kinh doanh phát triển, không những đủ bù đắp số thu mất đi từ thuế nhập khẩu mà còn bổ sung thêm cho ngân sách nhà nước.
Sau khi kết thúc đàm phán, Việt Nam sẽ cùng các nước rà soát pháp lý để đảm bảo lời văn và biểu cam kết thể hiện đúng cam kết đàm phán, đồng thời dịch thuật và công bố rộng rãi hiệp định, cố gắng hoàn thành trong nửa đầu tháng 11/2015. Sau đó, cơ quan quản lý sẽ dành thời gian để tham vấn ý kiến người dân và các doanh nghiệp, tiến hành ký kết hiệp định và thực hiện quy trình thông qua TPP. Dự kiến, thời gian mất từ 18 tháng tới 2 năm.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định việc Việt Nam - một nước ở trình độ thấp tham gia vào TPP sẽ là bằng chứng thuyết phục, thu hút các nước có trình độ phát triển chưa cao tham ga để TPP có thể mở rộng trong tương lai./.
Sau 5 năm đàm phán, trong đó Việt Nam chính thức tham gia từ tháng 11/2010, TPP trải qua hơn 30 phiên làm việc ở cấp kỹ thuật và hơn 10 cuộc đàm phán ở cấp Bộ trưởng. Đến ngày 5/10/2015, hiệp định đã hoàn tất quá trình đàm phán, với 12 thành viên là Mỹ, Nhật, Canada, Australia, New Zealand, Chile, Peru, Mexico, Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam. |
Bình luận