Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện tốt vai trò của cơ quan tham mưu chiến lược
Tại buổi làm việc đầu năm với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 19/02/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những thành tựu phát triển của đất nước, luôn có dấu ấn và những đóng góp quan trọng của nhiều thế hệ cán bộ ngành kế hoạch và đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc đầu năm với Bộ Kế hoạch và Đầu tư/ Ảnh: Lê Tiên
Xứng tầm cơ quan "tham mưu trưởng" về kinh tế-xã hội
Ngành kế hoạch và đầu tư luôn là mũi xung kích trong cải cách, đổi mới và sáng tạo về tư duy phát triển kinh tế - xã hội, đã tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước và Chính phủ những chủ trương, chiến lược, kế hoạch và giải pháp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Vì vậy, những thành tựu phát triển của đất nước, luôn có dấu ấn và những đóng góp quan trọng của nhiều thế hệ cán bộ ngành kế hoạch và đầu tư. Tôi đánh giá rất cao những đóng góp quan trọng của ngành trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước”, Thủ tướng đã mở đầu bài phát biểu của mình như vậy.
Nhắc lại cuộc làm việc đầu tiên với Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2016 ngay sau khi nhậm chức, mà tại đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc quán cà phê “Xin chào”, Thủ tướng nhìn nhận, Bộ đã quán triệt tinh thần lớn là Chính phủ hướng về người dân, phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản, để người dân yên tâm làm ăn.
Về số liệu kinh tế - xã hội năm 2018 do Tổng cục Thống kê công bố, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: “Không có ai can thiệp số liệu dù là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hay Thủ tướng Chính phủ. Tổng cục Thống kê là cơ quan độc lập, công bố số liệu theo đúng Luật Thống kê”.
Thủ tướng cũng cho rằng, tình hình kinh tế trong năm qua có khởi sắc, nhất là đời sống nhân dân được cải thiện, không để ai thiếu đói. Đây là câu trả lời rõ nhất cho câu hỏi “tăng trưởng cho ai, vì ai?”.
“Trong thành quả đó, có đóng góp quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đâu tư”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cụ thể, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, quy mô GDP năm 2018 so với năm 1989 đã tăng trên 38 lần, GDP bình quân đầu người tăng 26 lần. Đây là một thành tựu đáng kể, trong đó có vai trò và đóng góp quan trọng của ngành kế hoạch và đầu tư.
Thủ tướng đánh giá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện tốt vai trò của cơ quan tham mưu chiến lược về phát triển kinh tế; cơ quan tổng hợp, đầu mối, điều hành kinh tế vĩ mô, tham mưu, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, đặc biệt với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước xây dựng các kịch bản tăng trưởng theo từng quý; rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu tăng trưởng của cả nền kinh tế, các ngành sản xuất theo từng tháng, từng quý; thành lập các Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư công, ODA, FDI; tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những giải pháp mang tính đột phá, mạnh mẽ, giúp Chính phủ thực hiện chủ động, hiệu quả và thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP, tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2018 vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tích đạt được của Bộ Kế hoạch và Đầu tư/ Ảnh: Đức Trung
Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quyết tâm cải cách, đổi mới và lan tỏa mạnh mẽ trong toàn ngành kế hoạch và đầu tư. Trong năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ đi tiên phong về đổi mới tư duy và hành động, dám nghĩ, dám làm và dám thực thi các ý tưởng cải cách, nhất là trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật; nghiên cứu, đề xuất mô hình mới về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khoa học công nghệ đang đổi thay mạnh mẽ. Đáng chú ý nhất là Bộ đã tham mưu tư tưởng chính sách tiến bộ, cơ chế vượt trội trong dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Quyết tâm vượt qua chính mình, từ bỏ lợi ích nhóm, mạnh dạn từ bỏ quyền lực để giải phóng nguồn lực quốc gia, hạn chế cơ chế xin - cho khi tham mưu xây dựng Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp cũng như các nghị định có liên quan.
Trong năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiên phong, tham mưu, tổ chức thực hiện và phát triển Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đề án thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đề án kinh tế chia sẻ; tổ chức diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam lần thứ nhất để hướng tới trở thành diễn đàn tầm cỡ quốc tế và khu vực. Ngay trong nội bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Cục, Vụ, Viện cơ quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những cải cách trong cách làm việc, nhanh nhạy hơn, kịp thời hơn trong nắm bắt tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiên phong gương mẫu trong ứng dụng công nghệ thông tin, ngay cả quản lý doanh nghiệp, đấu thầu qua mạng có thể nói là rất khách quan, minh bạch và tôi đánh giá rất cao.
“Tôi biết năm 2018 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng phương châm hành động của Bộ là "Tiên phong đi trước, nắm bắt cơ hội", Tôi nhận thấy năm 2018 Bộ đã thành công trong thực hiện phương châm này, đặc biệt trong cải cách, đổi mới, sáng tạo”, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành và địa phương, nhất là với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan tổng hợp vĩ mô, các cơ quan chuyên môn của Đảng, Quốc hội... trong tham mưu chính sách, giải pháp điều hành kinh tế - xã hội, điều hành kế hoạch đầu tư công của Chính phủ rất hiệu quả, tốt hơn trước rất nhiều.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quyết liệt đổi mới công tác kế hoạch hóa, áp dụng công nghệ thông tin, tổ chức họp trực tuyến giữa các Bộ và các địa phương... giúp việc phối hợp giữa Trung ương và địa phương chặt chẽ và nhịp nhàng hơn; phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với ngành tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính ở địa phương rất tốt.
Thủ tướng cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ trong việc đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý trên lĩnh vực được giao, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, huy động và khơi thông nguồn lực cho phát triển trong nước và trên quốc tế. Tôi đánh giá cao tinh thần quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; tham mưu cho Chính phủ đưa ra chỉ số định mức rõ ràng là cắt giảm 50% điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm đơn giản hóa 50% các thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất khẩu, thúc đẩy xu thế đơn giản hóa, cắt giảm thực chất các thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh.
Thứ năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là một tập thể đoàn kết, đồng lòng, một tập thể tạo ra sức mạnh và thành công. Cải cách hành chính, cơ cấu lại tổ chức, bộ máy của Bộ đạt kết quả tốt theo hướng tinh giản và hiệu quả; rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Năm 2018 là năm có sự thay thế và chuyển giao lãnh đạo giữa một số cán bộ chủ chốt trong nội bộ Bộ. Các đồng chí Thứ trưởng mới lên rất năng động, nắm bắt nhanh công việc, tiến bộ rất nhanh. Tôi cho rằng đây là thành công trong công tác cán bộ của Bộ.
Trước đó, khi đi thăm phòng làm việc của Tổ biên tập văn kiện Đại hội Đảng, Thủ tướng đã xem ấn phẩm chào mừng Xuân Kỷ Hợi của Tạp chí Kinh tế và Dự báo/ Ảnh: Đức Trung
5 vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới
“Chúng ta hoàn toàn có quyền mơ ước và nỗ lực hành động hơn nữa để trở thành một đất nước phát triển, xã hội văn minh, người dân có cuộc sống hạnh phúc”, Thủ tướng yêu cầu, “chúng ta không chỉ mơ ước mà còn nghiêm túc thực hiện khát vọng này với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể”. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đặt vấn đề, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải làm gì? Theo đó, Thủ tướng gợi ý 5 vấn đề:
Thứ nhất, công tác tham mưu chiến lược, tham mưu tổng hợp kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Với tư cách là Tổ trưởng tổ điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Bộ phải nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ này, tham mưu đúng, chính xác, kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khẳng định vai trò nhạc trưởng trong công tác phối hợp, tham mưu, nhất là các cơ chế, chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo cung cầu, giá cả thị trường. Thời gian qua, Bộ đã rất cố gắng, tuy nhiên trong thời gian tới vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải là cỗ máy tinh vi, khối óc sáng suốt tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ hai, nhiệm vụ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ đất nước, đổi mới mô hình kinh tế, mô hình tăng trưởng; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là rất nặng nề. Bộ cần tập trung, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong công tác tham mưu các chính sách nhằm đổi mới, cải cách phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, tích cực tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới cho đất nước, khơi thông được nguồn lực cho đầu tư phát triển quốc gia.
“Phải thực hiện tam giác phát triển, kinh tế - xã hội - môi trường, không ai bị bỏ lại phía sau. Phải phát triển mạnh mẽ tầng lớp trung lưu để phát triển việc làm nhưng đồng thời phải mang lại quyền lợi cho người lao động, cho Nhân dân”, Thủ tướng lưu ý.
Thứ ba, việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được Bộ tích cực triển khai, tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhiệm vụ được giao chưa bảo đảm tiến độ; đặc biệt Bộ cần khẩn trương hoàn thành các dự án luật được giao và triển khai các luật đã được thông qua, nhất là Luật Đầu tư công sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật PPP; hoàn thiện cơ chế, công khai cơ chế để sử dụng hiệu quả nguồn lực, nhất là chất lượng hiệu quả đầu tư công. Nhiệm vụ quan trọng của Bộ là thể chế, chính sách, luật pháp, các đồng chí phải tập trung nghiên cứu vấn đề này nhiều hơn. Đặc biệt, cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, giải phóng sức sản xuất, nhất là nguồn lực tư nhân. Nguồn lực tư nhân vô cùng lớn, là động lực phát triển của đất nước nhưng chúng ta chưa tạo được không gian thực sự để phát triển.
“Tôi đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo toàn bộ lực lượng, các trường, các cán bộ khoa học của Bộ làm tốt công tác nghiên cứu, phân tích chính sách, xây dựng các báo cáo đánh giá dự báo kinh tế vĩ mô hàng tháng, hàng quý, hàng năm, giữa kỳ, các báo cáo kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội những giải pháp lớn; đặc biệt là các báo cáo thuộc nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII sắp tới của Đảng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Các Cục, Vụ, Viện, các cơ quan chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tổ chức nghiên cứu sâu sắc hơn nữa để có những báo cáo có tầm bao quát chiến lược, phân tích, đánh giá một cách sắc sảo về tình trạng kinh tế, đề xuất được những giải pháp hiệu quả, kịp thời trước biến động tình hình quốc tế và trong nước.
Thứ tư, về công tác quản lý, giải ngân vốn đầu tư công. Mặc dù hiện nay đã có tiến bộ nhiều so với những năm trước, nhưng Thủ tướng vẫn thẳng thắn “phê” công tác này vẫn còn chậm, cả giải ngân ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu, Bộ cần tổ chức nghiên cứu, tham mưu các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tìm hiểu nguyên nhân khách quan, chủ quan của tình trạng trên, nhất là nguyên nhân chủ quan các ngành, các địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định, đảm bảo công tác quản lý đầu tư công hiệu quả, đúng pháp luật. Chấn chỉnh công tác đấu thầu công khai minh bạch, đẩy mạnh đấu thầu qua mạng; tham gia thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, xử lý nghiêm các vi phạm, không để tình trạng rút ruột công trình, thi công kém chất lượng, không an toàn hiệu quả.
Thứ năm, trong công tác cán bộ, tập thể Lãnh đạo, công chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải nắm chắc, đầy đủ các quy định pháp luật, khắc phục tình trạng tham mưu xử lý công việc không đúng quy định pháp luật, chủ quan, thiếu công tâm, nhũng nhiễu các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp. Bộ cần quán triệt rõ, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống lãng phí, tham nhũng, rà soát lại tất cả quy trình xử lý công việc trong cục, vụ liên quan, tăng cường kiểm tra, hạn chế tối đa tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu đồng thời xử lý nghiêm vi phạm. Cán bộ của hệ thống Kế hoạch và Đầu tư phải luôn công tâm, khách quan; cần phát triển người có đức có tài có chuyên môn giỏi, sâu, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới để làm tham mưu cho Bộ, cho Chính phủ; kiên quyết loại bỏ cán bộ cơ hội, không chịu làm việc, không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
“Bộ cần chuyển biến nhận thức hành động của đội ngũ cán bộ trong xây dựng văn bản pháp luật, đặt lợi ích của đất nước, Nhân dân lên trên hết, phải tính đến phát triển bền vững, xác định rõ vai trò, vị thế quản lý nhà nước, vai trò của thị trường, tạo mọi điều kiện khơi thông nguồn vốn để phát triển”, Thủ tướng yêu cầu.
Theo Thủ tướng, cùng các bộ, ngành, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nỗ lực, sáng tạo hơn nữa, phát huy, huy động mọi nguồn lực, cần đánh giá, hiểu rõ mục tiêu, những định hướng chiến lược, các lĩnh vực cần tập trung cải cách, đổi mới, tiếp tục xây dựng thể chế vượt trội, hiệu quả hơn.
Bộ phải luôn phấn đấu xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp về phát triển kinh tế-xã hội quan trọng nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Cần thay đổi đủ lớn, đủ nhanh, đủ mạnh về thể chế, tháo bỏ được các nút thắt thể chế, tạo ra bước tiến nhảy vọt của quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại.
Cần có một cách tiếp cận toàn diện, gồm 3 trụ cột để hiện đại hóa thể chế kinh tế, bao gồm các mặt chính trị, xã hội và môi trường. Không được coi nhẹ tầm quan trọng của trụ cột nào trong phát triển kinh tế vì nó sẽ không mang lại cho chúng ta sự bền vững, thịnh vượng và hạnh phúc.
Mọi tổ chức, cá nhân có toàn quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo; hệ thống thể chế phải đảm bảo được đầy đủ quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo và hiện thực hóa được những ý tưởng, đề xuất đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng đề nghị phải áp dụng đầy đủ và nhất quán các nguyên tắc trên đây trong soạn thảo, tham vấn, thẩm định và thông qua các văn bản, chính sách, đề án./.
Bình luận