Bộ Nội vụ: Sẽ ban hành trên 10 thông tư để hướng dẫn triển khai lương mới từ 01/7/2024
Quyền Vụ trưởng Vụ Tiền lương Nguyễn Bích Thu (Bộ Nội vụ). Ảnh: VGP |
Tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32%
Theo Nghị quyết 27/2018 của Trung ương khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.
Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay.
Mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68. Hiện nay công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng.
Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên 12. Vì vậy, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến cũng vượt khá xa con số 18 triệu đồng như hiện nay.
Ngoài mức lương cơ bản này, chế độ tiền lương mới còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương (trong đó có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%) và 10% tiền thưởng.
Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng).
Một điểm đáng chú ý nữa là từ năm 2025, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm. Tức là sau khi thực hiện cải cách tiền lương có bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì hàng năm công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.
Việc tăng lương thêm 7% để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP và được thực hiện cho đến khi mức lương thấp nhất của khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 của khu vực doanh nghiệp.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án cải cách tiền lương, từ 1/7 tới đây, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).
Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.
"Mặc dù trong 3 năm qua, chúng ta chưa thực hiện cải cách tiền lương nhưng đã 2 lần điều chỉnh mức lương cơ sở, tăng 29,5%. Như vậy, tính tổng lại từ năm 2021 (thời điểm dự kiến thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW) đến ngày 1/7 tới đây thì lương của cán bộ, công chức, viên chức cũng tăng bình quân chung khá nhiều, khoảng 60%", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà phân tích.
Tiến độ triển khai cải cách lương mới thế nào?
Tại buổi họp báo Chính phủ tháng 2, ngày 2/3/2024, Quyền Vụ trưởng Vụ Tiền lương Nguyễn Bích Thu (Bộ Nội vụ) đã cung cấp thông tin liên quan tiến độ về xây dựng các văn bản để triển khai chính sách cải cách tiền lương từ 01/7/2024.
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; căn cứ Kết luận số 64-KL/TW ngày 18/10/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 104/2025/QH15 của Quốc hội khóa XV, ngay sau khi có các nghị quyết và kết luận của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành ngay Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 31/1/2024 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Bà Thu cho biết, trong kế hoạch này quy định rất rõ các nhiệm vụ, nội dung cụ thể và phân công, phân nhiệm rất rõ ràng cho các bộ, cơ quan, địa phương để triển khai thực hiện tốt nhất mục tiêu của nghị quyết và bảo đảm tiến độ theo yêu cầu.
Trong đó, Bộ Nội vụ được phân công là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Nhà nước, cho nên được chủ trì, tham mưu một số việc:
Thứ nhất, xây dựng tờ trình báo cáo Bộ Chính trị các nội dung cụ thể về chế độ tiền lương mới, đồng thời cũng phải biết được các tác động khi cải cách chính sách tiền lương đối với chính sách BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và các trợ cấp xã hội. Đây là báo cáo chúng tôi phải triển khai ngay sau khi có chỉ đạo.
Thứ hai, sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, phải xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành nghị định về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Sau đó, các năm sau cũng phải xây dựng nghị định điều chỉnh chế độ tiền lương theo Kết luận 64.
Nhiệm vụ nữa là phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm để triển khai chế độ tiền lương mới.
Hiện nay, về nhiệm vụ xây dựng tờ trình báo cáo Bộ Chính trị, bà Thu cho biết, Bộ Nội vụ đang hoàn tất hồ sơ để chuẩn bị trình cho các cấp có thẩm quyền trước khi trình xin ý kiến Bộ Chính trị.
"Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, đây sẽ là cơ sở cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành văn bản", bà Thu nói và cho biết, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Quốc hội sẽ có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, tòa án, viện kiểm sát, kiểm toán Nhà nước. Bên Đảng sẽ có quyết định của Ban Bí thư về chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan Đảng, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
"Đồng thời sẽ có trên 10 thông tư để hướng dẫn triển khai. Bộ Nội vụ hết sức cố gắng và sẽ bảo đảm tiến độ theo kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ ban hành", bà Thu cho biết thông tin về tiến độ ban hành văn bản./.
Bình luận