Theo báo cáo của Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay đã có tổng số 1.166 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký qua tổ công tác. Trong đó, rau củ 317 đầu mối; trái cây 302 đầu mối; thủy hải sản - chăn nuôi 423 đầu mối; lương thực 72 đầu mối; các mặt hàng khác 52 đầu mối. Theo đó, các đầu mối cung cấp hàng hóa rất đa dạng gồm: 365 hợp tác xã (chiếm 31,3%); 428 tổ hợp tác, hộ gia đình và trang trại (36,7%); 222 doanh nghiệp (19%); 97 cơ sở kinh doanh nhỏ (8,3%), 8 ban quản lý chợ (0,7%) và 47 đơn vị khác (4%).

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải có tư duy sâu sắc về làm kinh tế nông nghiệp
Số lượng đầu mối cung cấp thông tin nông sản từ ngày 19/7 đến ngày 16/8

Bên cạnh đó, trang website kết nối cung cầu sản phẩm tại địa chỉ htx.cooplink.com.vn đã giúp đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản khi người mua và người bán tự tìm được số điện thoại và thông tin sản phẩm cần mua và cần bán trên web. Có 1.307 đơn vị đăng ký sử dụng gồm 1.009 đơn vị đăng ký bán (77,6%), 206 đơn vị đăng ký mua (15,8%), 47 cơ quan hỗ trợ của nhà nước (3,6%) và 39 tổ chức hỗ trợ mua bán cho nông dân (3%). Ngoài ra, tổ công tác đã ứng dụng mạng zalo và email vào việc gửi thông tin các đầu mối cung cấp đến các tiểu thương tại chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn của TP. Hồ Chí Minh, hệ thống nhân viên mua hàng các siêu thị…

Mỗi ngày, tổ công tác kết nối tiêu thụ thành công trên 40 đơn hàng với sản lượng 200-400 tấn, chủ yếu là khoai lang, chuối, nhãn, dừa uống nước, thủy sản, các loại rau gia vị, hàng rau củ quả. Đáng chú ý, hầu như nông sản có chứng nhận VietGAP hay cao hơn khi đăng ký đầu mối qua tổ công tác đều được kết nối tiêu thụ thành công 100% và gần như không đủ hàng có chất lượng VietGAP để bán.

Cùng với đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam - Tổ trưởng Tổ 970 cho biết, được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đầu tháng 9/2021 tới, Tổ công tác 970 sẽ tiếp tục hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, tiếp tục thí điểm mô hình sàn giao dịch nông sản vừa sản xuất, vừa tiêu thụ. Việc này sẽ tiến hành kéo dài suốt năm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Phải có tư duy sâu sắc về làm kinh tế nông nghiệp
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương tập trung xây dựng mã số vùng trồng và áp dụng các hệ thống sản xuất VietGap, GlobalGap để có thể kết nối với sàn thương mại hiệu quả.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá cao nỗ lực của Tổ công tác, cũng như các địa phương. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các địa phương cần chủ động nắm bắt thông tin hàng ngày thì việc liên kết mới hiệu quả. Từ đó, Bộ và các doanh nghiệp sẽ cùng tham gia phân tích, dự báo được sản lượng, thị trường và giá cả.

“Không có quy định nào phủ kín được mọi ngóc ngách của cuộc sống, các địa phương cần có sự chủ động hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Đồng thời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đây chính là thời điểm các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải có tư duy sâu sắc về làm kinh tế nông nghiệp chứ không phải là sản xuất nông nghiệp đơn thuần.

Đối với việc tạo kết nối cung cầu và đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương tập trung xây dựng mã số vùng trồng và áp dụng các hệ thống sản xuất VietGap, GlobalGap để có thể kết nối với sàn thương mại hiệu quả.

“Lượng vật tư phân bón dùng tại Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn cả nước, có trường hợp tỉnh này gấp đôi tỉnh kia, nên chi phí sản xuất các tỉnh cũng chênh nhau rất nhiều. Cần phân tích thêm yếu tố đầu vào để căn cơ tính toán sản xuất hiệu quả, cùng với đó, củng cố hệ thống khuyến nông làm việc hiệu quả hơn nữa để có kết quả thực sự khi chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh./.