Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp thì thị trường bất động sản sẽ dần cải thiện
Quốc hội đã bắt đầu tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trả lời liên quan đến giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn; việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP. Hà Nội; quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn |
Giá bất động sản cao hơn nhiều thu nhập của người dân
Tại phiên chất vấn, Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu vấn đề, thị trường tài chính, bất động sản, tăng trưởng kinh tế là ba chân kiềng có mối quan hệ biện chứng. Thế giới có thể đang rơi vào suy thoái kinh tế. "Bộ trưởng dự báo ra sao về xu hướng bất động sản Việt Nam thời gian tới? Những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải sẽ được giải quyết thế nào", ông Cường nêu câu hỏi.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đặt câu hỏi chất vấn: Bộ trưởng dự báo ra sao về xu hướng bất động sản Việt Nam thời gian tới? |
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận thị trường bất động sản còn nhiều tồn tại liên quan đến đất đai, kinh doanh bất động sản.
“Việc triển khai xây dựng dự án bất động sản tại hầu hết địa phương còn khó khăn, khiến nguồn cung sụt giảm. Vì vậy, số lượng nhà ở thương mại có giá phù hợp với đa số người lao động còn thiếu; nhà ở xã hội, nhà công nhân cũng thiếu. Đặc biệt, nhà ở cho người thu nhập thấp, trung bình còn thiếu trầm trọng”, Bộ trưởng cho biết.
Theo ông Nghị, hiên giá bất động sản cao hơn nhiều thu nhập của người dân. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào bất động sản chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro. Cơ cấu nguồn vốn bất động sản còn hạn chế. Nguồn cung vốn trung và dài hạn cho bất động sản chưa có. Vẫn còn tình trạng đầu cơ, găm hàng bất động sản. Thị trường bất động sản còn thiếu công khai, minh bạch do hệ thống thông tin chưa được cập nhật đầy đủ...
“Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ còn khó khăn, bởi nguồn cung quá thiếu và quá thừa so với nhu cầu; chính sách tín dụng thắt chặt; thiếu can thiệp kịp thời, hợp lý”, ông Nghị dự báo.
Đồng thời, Bộ trưởng cho biết, cơ cấu nguồn cung có thay đổi nhưng vẫn chưa phù hợp. Nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân còn rất lớn. Tuy nhiên, ông bày tỏ lạc quan nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, thì thị trường bất động sản sẽ dần cải thiện, ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra
Về nội dung liên quan đến nhà ở xã hội, Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám cho biết, hiện giá nhà ở xã hội đang rất cao so với thu nhập của người lao động, có nơi 15 triệu đồng một m2, hoặc thậm chí 20-25 triệu đồng/m2.
"Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của thực trạng này. Có thể đưa giá nhà ở xã hội về đúng với thu nhập của người lao động, công nhân, người thu nhập thấp hay không và trong bao lâu", đại biểu hỏi.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám đặt câu hỏi chất vấn: Có thể đưa giá nhà ở xã hội về đúng với thu nhập của người lao động, công nhân, người thu nhập thấp hay không? |
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận, việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, giá nhà ở xã hội đang ở mức cao so với thu nhập của người dân, người lao động.
Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguồn cung chưa được đảm bảo; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội yếu; chính sách ưu đãi nhà đầu tư chưa thực sự thu hút; quy trình, thủ tục xây nhà ở xã hội còn phức tạp.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh sửa đổi quy định pháp luật đồng bộ, để thu hút nguồn lực, cố gắng đáp ứng mục tiêu đảm bảo nhà ở cho người thu nhập thấp", Bộ trưởng nói.
Đồng thời, ông Nghị cho rằng, Đề án xây dựng một triệu căn nhà xã hội mà Bộ đã trình Thủ tướng sẽ đảm bảo giá nhà ở xã hội phù hợp với người dân thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp.
Cũng liên quan đến nhà ở xã hội, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ đặt câu hỏi, thời gian tới Bộ Xây dựng có đề xuất gì phát triển nhà ở xã hội, nhất là về đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhằm đáp ứng nhu cầu về loại nhà ở này.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân được Nhà nước quan tâm, nhất là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu của người thu nhập thấp, công nhân.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ chất vấn: Thời gian tới Bộ Xây dựng có đề xuất gì phát triển nhà ở xã hội? |
“Việc xây nhà ở xã hội đã đạt được kết quả, nhưng so với yêu cầu đặt ra chưa như mong muốn, mới đạt được 7,79 triệu m2 so với yêu cầu 12 triệu m2. Nhà ở xã hội mới đạt được 36% so với nhu cầu”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, một số tồn tại là quy định pháp luật còn vướng mắc, đặc biệt là Luật Nhà ở và luật khác có liên quan đến trình tự thủ tục đầu tư, giá nhà ở xã hội, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư, quy định nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% cho thuê.
“Đây là những hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội. Việc bố trí nguồn vốn xây nhà ở xã hội cũng gặp khó khăn, mới đáp ứng được 35% yêu cầu”, Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, một số địa phương chưa thực sự quan tâm xây dựng nhà ở xã hội, nhà công nhân, nên chưa đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, hàng năm; chưa xác định rõ quỹ đất; chưa quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật quanh khu vực làm nhà ở xã hội; chưa quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tham gia xây nhà ở xã hội.
“Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng nguồn cung nhà ở xã hội. Đồng thời, các cơ quan sẽ tập trung triển khai đề án phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết./.
Bình luận