Bức tranh nông nghiệp năm 2019, định hướng phát triển 2020
Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và các cấp, các ngành, nhiều vướng mắc, khó khăn đã được tháo gỡ, ngành nông nghiệp đạt được những thành tựu nổi bật tạo tiền đề vững chắc cho năm 2020 - năm năm cuối thực hiện Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội 2011-2020 và Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 2016-2020.
Năm 2029, ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua
Một số thành tựu chủ yếu
1. Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình xây dựng nông thôn mới), mà nòng cốt là cơ cấu lại sản xuất, nâng cao thu nhập đã về đích sớm trước 1,5 năm
Chương trình xây dựng nông thôn mới, sau hơn 9 năm thực hiện, đã đạt được những thành tựu: To lớn, Toàn diện và Lịch sử. Chương trình là bước đột phá làm thay đổi diện mạo cư dân ở nông thôn Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế người nông dân, đời sống cộng đồng nông thôn được cải thiện rõ nét, sản xuất nông nghiệp được tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hiện đại và phát triển bền vững. Tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2010-2019 là 2,42 triệu tỷ đồng.
Đến nay, cả nước có 4.806 xã (54%) đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả nước đạt 15,66 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí, hoàn thành mục tiêu 10 năm (2010-2020) trước 1,5 năm; có 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, một số địa phương có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 111/664 đơn vị cấp huyện (đạt 16,71%) của 41 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 08 tỉnh, thành phố (Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ) có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đã có 2 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 94% cư dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, vượt mục tiêu đề ra vào năm 2020.
2. Cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp tiếp tục đạt kết quả quan trọng
Các địa phương bên cạnh việc nâng cao chất lượng lúa cũng chuyển đổi khoảng 100 nghìn ha lúa có khả năng bị hạn, thiếu nước tưới chuyển sang cây trồng khác, cùng với chuyển đổi diện tích lúa hiệu quả thấp sang các cây trồng, nuôi trồng thủy sản có thu nhập cao hơn. Ngành nông nghiệp đã tập trung kiểm soát, nâng tỷ lệ các giống lúa chất lượng, giá trị cao, như: Đài Thơm 8, Jasmine, OM 4900, RVT, Nàng Hoa... chiếm trên 80% lượng gạo xuất khẩu; một số loại gạo có giá trị đặc biệt, được giải rất cao trong một số kỳ thi gạo ngon thế giới, như: Gạo hữu cơ Quảng Trị, gạo ST 24, ST 25. Trong đó, lúa chất lượng cao ước đạt 1,36 triệu tấn. Giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt” từng bước khẳng định uy tín trên trường quốc tế. Về tổng quát, ngành lúa gạo Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng năng suất, sản lượng, giá trị được nâng cao.
Đối với các đối tượng cây trồng khác, mở rộng thực hiện các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường (như: VietGAP, Global GAP...). Năm 2019 đã có 39,3 nghìn ha cây trồng được chứng nhận VietGAP. Trong đó: quả gần 22,7 nghìn ha; rau 6 nghìn ha; lúa 5,3 nghìn ha; chè 5,1 nghìn ha; cà phê 101ha; cây khác 105ha.
Mặc dù khó khăn về thị trường, song các mặt hàng nông sản giảm giá từ 10%-15%, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD, tăng khoảng 3,2% so với năm 2018, riêng giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 19,2%. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt mức kỷ lục 10,4 tỷ USD, tăng 19,3% so với năm 2018. Tiếp tục duy trì 8 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD; trong đó có 4 mặt hàng trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều).
3. Đổi mới tổ chức sản xuất nông nghiệp đã được quan tâm, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển mạnh, trở thành động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Trong năm 2019, đã thành lập mới được 6 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 1.800 hợp tác xã nông nghiệp, nâng tổng số lên 45 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 15.300 hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó, có gần 73% số hợp tác xã hoạt động hiệu quả (năm 2018 là 55%), tỷ lệ hợp tác xã tham gia dịch vụ tiêu thụ nông sản cho xã viên tăng từ dưới 10% trước đây lên 24,5%. Cả nước có 36.000 trang trại theo tiêu chí mới, tăng 500 trang trại so với năm 2018; các trang trại ngày càng sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất lượng nông sản hàng hóa lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi, hợp tác liên kết quy mô lớn tiếp tục được nhân rộng ở các lĩnh vực và nhiều địa phương.
Lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, năm 2019 thành lập mới 2.756 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp trực tiếp đầu tư vào nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,2% (nông, lâm, thỷ sản là một trong những lĩnh vực có số doanh nghiệp quay lại hoạt động cao hơn đáng kể so với lượng tạm ngừng). Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: TH, Vinamilk, Đồng Giao, Nafoods, Dabaco, Masan, Lavifood, Ba Huân, Biển Đông… Cả nước có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khánh thành, đi vào hoạt động. Từ năm 2018 đến nay, tổng vốn đầu tư trên 33.000 tỷ đồng với 30 dự án đã hoạt động và đang triển khai trên cả nước, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông sản, lâm, thủy sản.
Kết quả đánh giá cho thấy, ngành nông nghiệp đã xây dựng và vận hành ổn định gần 1.484 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, tăng 388 chuỗi so với năm 2018, với 2.374 sản phẩm, tăng 948 sản phẩm với 3.267 địa điểm bán nông sản của chuỗi, tăng 93 địa điểm. Bước đầu tiến hành xây dựng các chuỗi liên kết một số sản phẩm chủ lực trên quy mô vùng, như: Chuỗi liên kết cá tra ba cấp chất lượng cao vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Chuỗi liên kết trồng, chế biến, xuất khẩu lâm sản; Chuỗi liên kết lúa gạo với hàng ngàn hộ trồng lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Những tồn tại, hạn chế và thách thức
Bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đạt được đáng khích lệ, ngành nông nghiệp năm 2019 vẫn còn một số hạn chế và thách thức như sau:
Thứ nhất, phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn thiếu ổn định, dễ bị tổn thương bởi thiên tai, dịch bệnh cũng như biến động về thị trường. Khả năng chống chịu còn hạn chế, đặc biệt là các dịch bệnh mới. Việc tổ chức phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi tỏ ra còn lúng túng, thiếu hiệu quả dù Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Dù đến nay dịch bệnh đã cơ bản được khống chế, nhưng thiệt hại rất nghiêm trọng với hơn 342 nghìn tấn thịt lợn hơi bị tiêu hủy, làm mất cân đối cung cầu và là nguyên nhân làm tăng đột biến chỉ số giá tiêu dùng các tháng cuối năm; ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh.
Thứ hai, an toàn vệ sinh thực phẩm đã được quan tâm nhưng chưa tạo được chuyển biến tích cực trong tâm lý tiêu dùng của người dân. Kết quả giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ quan chức năng rất tích cực, nhưng người dân vẫn chưa tin tưởng, đặc biệt đối với thực phẩm tại các khu chợ truyền thống, các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Thứ ba, cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến và chủ đạo. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển theo yêu cầu, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế sản xuất thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Thứ tư, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại do giá xuất khẩu nhiều nông sản chủ lực giảm; tiến độ để giải quyết “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm; sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cháy rừng tiếp tục diễn ra; nguồn lực cho ngành còn rất hạn chế.
Thứ năm, mặc dù cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp đã được cải thiện nhưng chưa tạo được môi trường thuận lợi nhất, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài ra tín dụng cho phát triển nông nghiệp chưa thực sự đổi mới và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã và hộ nông dân tiếp cận vốn.
Định hướng, giải pháp điều hành kế hoạch năm 2020
Năm 2020 là năm cuối thực hiện Chiến lược Phát triển Kinh tế - Xã hội 2011-2020, Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội 2016-2020, nên nhiệm vụ rất nặng nề. Dự báo tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường: Kinh tế tăng trưởng chậm; Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều quốc gia tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước; Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện, cùng với sự gia tăng dân số, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới có xu hướng tăng, nhưng yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm ngày càng cao hơn.
Để đạt được các mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành 2,8%-3%; Tốc độ ăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9%-3,05%; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 42 tỷ USD; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%..., ngành nông nghiệp cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới trong đó hỗ trợ và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, nhóm sản phẩm cấp tỉnh và nhóm sản phẩm OCOP); Đổi mới mạnh mẽ các hình thức tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, liên kết sản xuất). Bố trí ngân sách các cấp thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn (Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/04/2018).
Hai là, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật và hiệu lực quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, đảm bảo an toàn thực phẩm hài hòa với các chuẩn mực quốc tế và tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, liên kết phát triển các chuỗi giá trị nông sản chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm; kịp thời kiểm tra, xác minh cung cấp thông tin chính xác cho người tiêu dùng, tránh để người dân hiểu lầm, hoang mang; tiếp tục giải quyết các rào cản kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm duy trì và mở rộng xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thủy sản sang các nước.
Ba là, chú trọng đến công tác phát triển thị trường. Ngoài phát triển thị trường trong nước, cần xây dựng kế hoạch tận dụng các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới (FTAs), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực; Duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc; mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với Việt Nam, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EC, Trung Đông.
Bốn là, từng bước khống chế được dịch tả lợn châu Phi; giải quyết dứt điểm việc gỡ “Thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản. Thúc đẩy thực hiện hiệu quả Nghị định Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, ngày 18/04/2018 về bảo hiểm nông nghiệp để giảm thiểu tác động của rủi ro trong nông nghiệp.
Năm là, tăng cường hơn nữa cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản. Tập trung thúc đẩy hoạt động liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị./.
TS. Nguyễn Thanh Dương, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư
TS. Nguyễn Hữu Nhuần, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam
Bình luận