Các KCN, KKT tạo “lực hấp dẫn”, phát triển mạnh mẽ kinh tế Việt Nam
Đoàn công tác của Bờ Biển Ngà thăm quan KCN KCN DEEP C (KKT Đình Vũ- Cát Hải), TP. Hải Phòng, tháng 11/2022 |
Những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế Việt Nam
Năm 2022 đánh dấu nhiều biến động tiêu cực của tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới, trong đó không thể không nhắc đến tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Để giải quyết những khó khăn, thách thức do những bất ổn nêu trên, sự chủ động và quyết liệt của Chính phủ Việt Nam đã kịp thời đưa các giải pháp đúng đắn giúp nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi tích cực và đạt tốc độ tăng trưởng khá cao. Nhìn chung tình hình kinh tế của nước ta cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo đó, dịch Covid-19 trong cả nước nói chung và tại các KCN, KKT nói riêng cơ bản được kiểm soát, bảo đảm an toàn được sức khỏe cho nhân dân và người lao động cả nước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp duy trì, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng. Tình hình kinh tế, xã hội của đất nước sớm chuyển sang trạng thái bình thường mới, bắt tay nhanh vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, hoàn thành được nhiều mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng với những bước đi vững chắc, phù hợp với hoàn cảnh thực tế, qua đó góp phần thực hiện được mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Tình hình thu hút đầu tư vào Việt Nam đánh dấu những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam đã thu hút được 27,72 tỷ USD; số dự án đầu tư mới, vốn đầu tư điều chỉnh và vốn FDI thực hiện đều tăng so với năm trước. Trong đó, các KCN, KKT vẫn là khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc trao giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp đầu tư trong KCN Phước Đông tại Hội nghị ở Bà Rịa-Vũng Tàu, tháng 11/2022 |
Các KCN, KKT Việt Nam phát triển vững mạnh với những bước đi vững chắc
Trong bối cảnh kinh tế, xã hội Việt Nam năm 2022 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhưng sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng tinh thần phấn đấu nỗ lực hết sức mình của các cấp, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và nhà đầu tư; tình hình xây dựng và phát triển các KCN, KKT năm 2022 tiếp tục đạt được một số kết quả tích cực với nhiều tín hiệu lạc quan, đầy triển vọng.
Tính đến nay, sau hơn 30 năm phát triển, cả nước đã có 411 KCN, 18 KKT ven biển, 26 KKT cửa khẩu, thu hút được 10,4 nghìn dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 2,54 triệu tỷ đồng và có trên 11,2 nghìn dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 238,6 tỷ USD. |
Về các KCN, tính đến cuối năm 2022, có 411 KCN đã được thành lập trên cả nước, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,3 nghìn ha, trong đó tổng diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch đạt khoảng 87,2 nghìn ha.
Trong số các KCN đã được thành lập, có 293 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 62,9 nghìn ha; 118 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,1 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,2 nghìn ha.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 47,4 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 54,4%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 68,6%.
Trong số 293 KCN đã đi vào hoạt động, có 266 KCN đã vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung (đạt khoảng 91%).
Ước tính trong năm 2022, các KCN, KKT trên cả nước đã thu hút được khoảng 580 dự án FDI và 646 dự án DDI (bao gồm cả các dự án đầu tư mới và số dự án tăng vốn đầu tư) với số vốn đăng ký mới và tăng thêm lần lượt là khoảng 13,5 tỷ USD (tăng khoảng 5,7% so với năm 2021) và 25,2 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 7% so với năm 2020).
Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhà tài trợ UNIDO thăm quan Nhà máy xử lý nước thải trong KCN DEEP C (KKT Đình Vũ- Cát Hải), TP. Hải Phòng, tháng 5/2022 |
Lũy kế đến nay, các KCN, KKT trên cả nước thu hút được trên 11,2 nghìn dự án FDI và 10,4 nghìn dự án DDI với tổng vốn đầu tư đạt lần lượt 238,6 tỷ USD và 2,54 triệu tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện tương ứng đạt khoảng 69% và 46,5%.
Các KCN, KKT trên địa bàn cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 4,11 triệu lao động trực tiếp, trong đó tập trung chủ yếu tại các vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Về phát triển KKT, trong quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện có 19 KKT ven biển với tổng diện tích đất liền khoảng 582,3 nghìn ha (chiếm khoảng 1,75% diện tích cả nước) và 289,2 nghìn ha diện tích mặt biển. Trong đó, 18 KKT ven biển đã thành lập với tổng diện tích 857,6 nghìn ha, trong đó diện tích đất liền khoảng 568,4 nghìn ha (chiếm 1,68% tổng diện tích cả nước).
Ứớc tính đến cuối năm 2022, KKT ven biển có khoảng 141,9 nghìn ha đã được quy hoạch để phát triển các khu chức năng; khoảng 64,4 nghìn ha đất khu chức năng, đất nông lâm ngư nghiệp, đất hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng kết cấu hạ tầng; tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất đạt khoảng 21,3 nghìn ha.
Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các KCN, KCX TP. Hồ Chí Minh |
Đến nay, các KCN, KKT Việt Nam đã thu hút khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới vào đầu tư. Dòng vốn ngoại đã có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước, với những dự án được đầu tư quy mô lớn đến từ những thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, có hàm lượng công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao như: Samsung, Panasonic, Microsoft, Foxconn, Sanyo, Sony, Fujitsu, Toshiba, Intel, LEGO, LG, Kyocera, Doosan, Bosch Pengatron, Nokia, Canon …
Hiện nay cả nước có 27 dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN mới/mở rộng/điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích khoảng gần 8 nghìn ha, góp phần bổ sung quỹ đất khoảng 5,2 nghìn ha cho phát triển công nghiệp trên cả nước trong thời gian tới. |
Các KCN, KKT thu hút được các dự án quy mô lớn của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước, số dự án đầu tư có vốn trên 100 triệu USD là khoảng hơn 500 dự án, trong đó có một số dự án có quy mô trên 1 tỷ USD như: Dự án đầu tư của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư là 14,3 tỷ USD; Dự án sản xuất thép của Tập đoàn Formosa tại KKT Vũng Áng, Hà Tĩnh với quy mô 10 tỷ USD; Dự án sản xuất nhựa PP của Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD… Đặc biệt trong năm 2022, có 3 dự án sản xuất linh kiện điện tử của của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) đầu tư vào KCN Tràng Duệ, Hải Phòng (nằm trong KKT Đình Vũ – Cát Hải), gồm có LG Display, LG Electronics, LG Innotek với tổng vốn đăng ký 7,24 tỷ USD.
Trung bình hàng năm, vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 35-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước, nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, thì vốn FDI trong KCN, KKT chiếm 70 - 80% tổng vốn đăng ký cả nước.
Các KCN, KKT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, nhất là việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực đổi mới công nghệ và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, là điểm đến của các tập đoàn lớn trên thế giới.
Vượt qua đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế thế giới với những bất ổn về kinh tế và chính trị đan xen, phức tạp…, Việt Nam vẫn tiếp tục chiếm chọn niềm tin của các nhà đầu tư FDI bởi môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả với các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, hấp dẫn. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, số lượng các dự án FDI đầu tư vào các KCN, KKT ngày càng tăng lên đã chứng tỏ sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài vào công tác phòng, chống dịch bệnh và khả năng phục hồi kinh tế, cũng như tính minh bạch, hiệu quả trong hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư của Chính phủ.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tặng hoa chúc mừng nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào KCN trong Tỉnh |
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các KCN, KKT
Trong giai đoạn sắp tới, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, vẫn còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và thách thức tác động đến dòng vốn FDI. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, bối cảnh phát triển các KCN, KKT của nước ta đã có những thay đổi với những thuận lợi và khó khăn đan xen.
Theo đó, tình hình kinh tế, chính trị trong nước hiện nay đã tạo thuận lợi cơ bản cho sự phát triển của KCN, KKT. Với môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng hoàn thiện; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường giao thông kết nối vùng, thị trường quốc tế được mở rộng và phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh; vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng lên và thị trường xuất khẩu được mở rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương và nguồn lao động có khả năng thích ứng tốt với những thay đổi của khoa học và công nghệ.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thực tế cho thấy, việc phát triển KCN, KKT theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên có giới hạn nhất định và đang ngày càng hạn chế. Trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội; duy trì lợi thế cạnh tranh của KCN, KKT trong điều kiện các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần; liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong KCN, KKT còn ở mức độ cầm chừng, hạn hẹp.
Ban Quản lý các KCN tỉnh Đắk Lắk chủ động làm việc với chủ đầu tư hạ tầng KCN Bình Minh để mời gọi nhà đầu tư vào đầu tư hạ tầng KCN tỉnh Đắk Lắk |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc phát triển KCN, KKT cần có chính sách hiệu quả để tận dụng được cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và nâng cao hiệu quả thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thông qua định hướng và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2025, 2030 và 2045 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%.
Các định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thời gian gần đây đặt ra yêu cầu về nâng cao hiệu quả phát triển các KCN, KKT theo hướng phát triển bền vững và đổi mới mô hình phát triển, hiệu quả sử dụng đất. Do đó, việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách về KCN, KKT, đặc biệt là hoàn thiện thể chế, chính sách về KCN, KKT để đảm bảo KCN, KKT tiếp tục đóng vai trò là mô hình quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cùng các đại biểu cắt băng khánh thành tổ hợp CNC Group tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 8/2022 |
Với vai trò cơ quan đầu mối, tham mưu về quản lý nhà nước đối với KCN, KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP, ngày 28/5/2022 quy định về quản lý KCN, KKT, trong đó đã bổ sung các loại hình KCN, KKT mới, sửa đổi một số quy định để nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong phát triển KCN, KKT. Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KCN, KKT, trong đó xác định một số định hướng phát triển như sau:
Một là, đổi mới và đa dạng hóa các loại hình KCN, KKT để thích ứng với yêu cầu trong nước và hội nhập kinh tế quốc tế; đảm bảo sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế của KCN, KKT trong thu hút, hợp tác đầu tư, trong đó lấy đổi mới mô hình phát triển, phương thức quản lý tiên tiến, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong KCN, KKT làm nền tảng.
Tiếp tục thực hiện các dự án: "Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu" do SECO tài trợ và dự án "Triển khai KCN sinh thái hướng tới kinh tế tuần hoàn" do Ngân hàng Thế giới tài trợ.
Xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Văn kiện Dự án KCN sinh thái giai đoạn 2024-2028 do SECO tài trợ.
Việt Nam tích cực triển khai dự án KCN sinh thái (ảnh chụp Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các nhà tài trợ thăm quan hệ thống tuốc bin gió trong KCN DEEP C) |
Hai là, phát triển kết cấu hạ tầng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong KCN, KKT phải đảm bảo đồng bộ, hài hòa về kinh tế, xã hội, môi trường; gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn, an sinh xã hội và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; thực hiện các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Ba là, thu hút đầu tư vào KCN, KKT có chọn lọc, phù hợp với yêu cầu, tiềm năng phát triển của địa phương, vùng; ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, vai trò tiên phong và sáng tạo của công đoàn các cấp trong bảo vệ quyền lợi của người lao động, đặc biệt là trong quá trình thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; vai trò phản biện, giám sát của các tổ chức chính trị, xã hội; phát huy sự năng động, hiệu quả của nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cấp, các ngành trong phát triển KCN, KKT.
Năm là, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển KCN, KKT, xây dựng đề xuất trình cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng Luật KCN, KKT.
Với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ; sự vào cuộc quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trong cả nước; cùng tinh thần phấn đấu nỗ lực vượt khó các doanh nghiệp và nhà đầu tư, trong thời gian tới, các KCN, KKT sẽ tiếp tục trở thành điểm sáng về thu hút đầu tư ở trong và ngoài nước, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.
Hội nghị Câu lạc bộ các Ban Quản lý KCN, KKT các tỉnh, thành phố phía Bắc lần thứ XVIII là cơ hội để các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT ở địa phương và các bộ, ngành Trung ương cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp thực hiện trong thời gian tới |
Bình luận