Các KCN, KKT tỉnh Hà Tĩnh tạo sức bật mới cho đầu tư phát triển
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các đại biểu cắt băng khánh thành Nhà máy Sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu An Việt Phát Hà Tĩnh tại KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh

Năm 2021 chứng kiến bức tranh ảm đảm do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến toàn bộ nền kinh tế của đất nước nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm phấn đấu hết sức mình của cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Tĩnh và các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) Tỉnh, hoạt động đầu tư kinh doanh và phát triển trong các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả khả quan. Đặc biệt là công tác xúc tiến và thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, đã có nhiều dự án quy mô lớn được các nhà đầu tư khảo sát, đăng ký và nghiên cứu lập quy hoạch đầu tư xây dựng trong năm 2022.

Khởi sắc trong thu hút đầu tư

Các KCN, KKT tỉnh Hà Tĩnh tạo sức bật mới cho đầu tư phát triển
Taù cập cảng Vũng Áng, KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh

Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 2 KKT, 3 KCN và 23 cụm công nghiệp. Trong đó, KKT Vũng Áng rộng hơn 22.700 ha, là một trong 8 nhóm KKT trọng điểm của quốc gia, với nhiều thế mạnh như trung tâm luyện gang thép lớn nhất Việt Nam, trung tâm năng lượng lớn và có nhiều lợi thế về hệ thống cảng biển nước sâu để phát triển dịch vụ logistics; KKT cửa khẩu Cầu Treo là một trong các cửa khẩu quốc tế trọng điểm của Việt Nam với vị trí thuận lợi cho việc giao lưu và phát triển hợp tác giữa Việt Nam với Lào và Thái Lan.

Với nhiều tiềm năng và lợi thế về vị trí địa lý, thời gian qua, các KKT và KCN tỉnh Hà Tĩnh đã và đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

KKT Vũng Áng là một trong 08 nhóm KKT trọng điểm ven biển được lựa chọn tập trung đầu tư với những dự án quy mô lớn mang tầm quốc gia; khu vực như khu Liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương của tập đoàn Formosa, nhà máy nhiệt điện Vũng Áng I, Vũng Áng II…

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN, KKT, ngay từ đầu năm 2021 Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh (Ban Quản lý) đã xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2021 vào KKT Vũng Áng, KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và KCN Gia lách; đồng thời trực tiếp gặp gỡ, làm việc với nhiều nhà đầu tư. Cùng với đó, Ban tăng cường quảng bá môi trường đầu tư trong các KCN, KKT trên các phương tiện truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; đặc biệt chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ để các nhà đầu tư hiểu rõ hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh thực tế trong các KCN, KKT.

Phát huy cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về KCN, KKT, mọi hoạt đồng của Ban luôn gắn liền với các nhà đầu tư, đồng hành cùng các nhà đầu tư và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, Ban Quản lý còn làm tốt công tác kết nối giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp với các cơ quan chức năng trong Tỉnh để giúp cho các dự án được triển khai đúng tiến độ, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, đặc biệt là các dự án trọng điểm; đồng thời rà soát, tham mưu lãnh đạo Ban tập trung xử lý các dự án kém hiệu quả, chậm tiến độ.

Kết quả, trong năm 2021 Ban đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 10 dự án DDI với số vốn đăng ký 11.713,5 tỷ đồng.

KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là một trong các cửa khẩu quốc tế trọng điểm của Việt Nam với vị trí thuận lợi cho việc giao lưu và phát triển hợp tác giữa Việt Nam với Lào và Thái Lan. Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã thống nhất chủ trương thành lập khu hợp tác kinh tế biên giới theo mô hình “Hai quốc gia một chính sách” nhằm đa dạng hóa thủ tục hải quan, thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư giữa Việt Nam, Lào và các nước trong khối ASEAN.

Bên cạnh đó, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II có tổng mức đầu tư 2,187 tỷ USD theo hình thức BOT đã tiến hành khởi công vào tháng 10/2021 tại KKT Vũng Áng tiếp tục tạo lực đẩy hấp dẫn thu hút đầu tư vào KKT này. Nhờ đó, năm 2021, KKT Vũng Áng đã thu hút đầu tư đạt 2,688 tỷ USD, đạt hơn 1/2 chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư mới giai đoạn 2021-2025, gấp gần 3 lần vốn đăng ký mới vào các KKT, KCN giai đoạn 2016-2020 (hơn 0,96 tỷ USD).

Đến thời điểm hiện nay, tại các KKT và KCN Tỉnh có 189 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó: KKT Vũng Áng thu hút 152 dự án đầu tư, gồm 57 dự án FDI với số vốn đăng ký 15.767,879 triệu USD và 95 dự án DDI với số vốn đăng ký 60.194 tỷ đồng; KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo thu hút 27 dự án DDI với số vốn đăng ký 2.199 tỷ đồng; KCN Gia Lách thu hút 10 dự án DDI với số vốn đăng ký 825,9 tỷ đồng.

Dự kiến đến quý IV/2022 Tập đoàn Vingroup sẽ khởi công 4 dự án nằm trong tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô và cảng biển kết hợp logistics, du lịch nghỉ dưỡng tại KKT Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với tổng mức đầu tư hơn 302.500 tỷ đồng. Theo Tập đoàn Vingroup, khi các dự án đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm ổn định cho khoảng trên 10.000 lao động địa phương.

Triển khai đồng bộ công tác quản lý và phát triển KCN, KKT

Các KCN, KKT tỉnh Hà Tĩnh tạo sức bật mới cho đầu tư phát triển
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và khách mời tham quan Nhà máy Sản xuất, chế biến lâm sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu An Việt Phát Hà Tĩnh tại KKT Vũng Áng

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KCN, KKT trên địa bàn Tỉnh, năm 2021 Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực chủ động đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý. Đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra, phối hợp với các ngành chức năng trong Tỉnh và UBND các địa phương có các KCN, KKT để triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT. Đặc biệt tập trung đẩy mạnh trong các lĩnh vực đầu tư, doanh nghiệp và lao động, quy hoạch, xây dựng, xử lý các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật tại các KKT, KCN.

Trong năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng Ban đã sắp xếp trực tiếp làm việc với 43 chủ đầu tư trên địa bàn các KKT, KCN.

Ban Quản lý đã hoàn thành thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng/chấp thuận điều chỉnh tổng mặt bằng 16 dự án tại các KKT, KCN; Cấp 11 giấy phép xây dựng cho các công trình tại các KKT, KCN; Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi (thiết kế cơ sở) cho 10 công trình/dự án trong các KCN, KKT.

Công tác quản lý doanh nghiệp và lao động trong hoàn cảnh dịch bệnh tương đối khó khăn, phức tạp. Song Ban Quản lý đã theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ, sát sao các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Ban cũng đã phối hợp tốt với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Tỉnh quản lý và thực hiện tốt công tác thẩm định, tham mưu tuyển dụng, sử dụng và nhập cảnh người lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc; vừa đảm bảo nguồn nhân lực có chuyên môn cao để duy trì hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Trong năm 2021, Trung tâm trực thuộc Ban Quản lý KKT Tỉnh đã tiếp đón, tư vấn cho 1.541 lao động tìm kiếm việc làm tại KKT Vũng Áng; tham gia phối hợp tuyển dụng với các Công ty tổ chức tuyển dụng 472 lao động vào làm việc trong các KCN, KKT. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà thầu đăng thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Ban Quản lý và các kênh truyền thông để tất cả người lao động được biết và đăng ký.

Hiện nay tại KKT Vũng Áng thu hút 18.128 người lao động đang làm việc (17.035 lao động Việt Nam; 1.093 lao động nước ngoài); KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và KCN Gia lách thu hút 1.278 người lao động.

Thực hiện thành công “Mục tiêu kép”

Các KCN, KKT tỉnh Hà Tĩnh tạo sức bật mới cho đầu tư phát triển
Cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương, KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh

Xác định an toàn sức khỏe cho người lao động được đặt lên hàng đầu, công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các KCN, KKT được Ban Quản lý triển khai nghiêm túc và bài bản. Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát trên địa bàn Tỉnh, Ban đã thành lập và phân công nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Ban; ban hành nhiều văn bản gửi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn các KCN, KKT, yêu cầu nghiêm túc triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo và hướng dẫn của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, của Bộ Y tế, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Hà Tĩnh. Chủ trì, phối hợp cùng với Sở Y tế, Công đoàn các KKT, UBND thị xã Kỳ Anh và UBND các xã, phường tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch tại 25 đơn vị trên địa bàn KKT Vũng Áng. Phê duyệt 153 kế hoạch, phương án, ký cam kết phòng chống dịch với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh do doanh nghiệp, nhà thầu, nhà đầu tư xây dựng. Đề xuất Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh, Sở Y tế phân bổ hơn 15.000 liều vắc xin để tiêm cho người lao động tại các KKT, KCN.

Nhờ áp dụng quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, đến nay KKT Vũng Áng chưa ghi nhận có ca nhiễm Covid-19 tại các doanh nghiệp, hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh vẫn tương đối ổn định.

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu vực cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo cơ bản ổn định. Ban chỉ đạo các doanh nghiệp trong KKT nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh Hà Tĩnh, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp. Đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; công tác chống buôn lậu và vận chuyển các chất ma túy.

Với cố gắng trên, năm 2021 KKT Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo kim nghạch xuất nhập khẩu đạt 309.100.000 USD tăng 81,29% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó: Nhập khẩu đạt 199.750.000 USD; Xuất khẩu đạt 109.350.000 USD).

Do hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nên tình hình thu ngân sách tại các KCN, KKT năm 2021 đạt kết quả đáng khích lệ, với con số ấn tượng 8.758,056 tỷ đồng, tăng 28,99% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 7.523,10 tỷ đồng, tăng 74,74% so với cùng kỳ năm 2020 (trong đó thu tại KKT Vũng Áng 7.118,00 tỷ đồng, tăng 71,24% và tại KKT Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo 405,10 tỷ đồng, tăng 172,67%),

Đến nay đã có 601 doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trên địa bàn các KKT và KCN Tỉnh, với tổng mức đầu tư đăng ký gần 17 tỷ USD; trong đó có những dự án trọng điểm quốc gia và dự án FDI (Formosa) lớn nhất cả nước.

Một số dự án đã hoàn thành đi và đi vào hoạt động đã cung cấp dịch vụ sản phẩm ra thị trường, như: Dự án Formosa, Tổng kho Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng, Cảng Vũng Áng (cầu cảng số 1, cầu cảng số 2); Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Nhà máy thủy điện Hương Sơn, Khách sạn Mường Thanh Hà Tĩnh...

Tiếp tục tạo đòn bẩy phát triển các KCN, KKT

Các KCN, KKT tỉnh Hà Tĩnh tạo sức bật mới cho đầu tư phát triển
Công nhân Công ty Cổ phần Cảng quốc tế Lào -Việt bốc dỡ container tại cảng Vũng Áng, KKT Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh

Để tiếp tục tạo đòn bẩy phát triển các KCN, KKT trên địa bàn, Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh cho biết cần triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 đó là:

Một là, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách thực hiện 09-NQ/TU ngày 22/11/2021 của Ban Chấp hành Tỉnh ủy về phát triển KKT Vũng Áng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình khung của UBND Tỉnh, chương trình khung của Ban Quản lý KKT về triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022.

Hai là, tiếp tục kiện toàn lại tổ chức bộ máy theo hướng bố trí, sắp xếp lại nhân sự các phòng, ban phù hợp, đảm bảo phát huy năng lực công tác của từng cá nhân. Thực hiện hiệu quả mục tiêu nhiệm vụ chương trình cải cách hành chính nhà nước tỉnh Hà Tĩnh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành. Nâng cao chất lượng đội ngũ, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Ba là, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút đầu tư các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước nhằm tạo ra các dự án động lực và cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong các KKT; tạo tiền đề cho việc hình thành khu vực phát triển công nghiệp nòng cốt trong các KKT và thu hút các nhà đầu tư khác, trong đó chú trọng dự án Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện ô tô tại KKT Vũng Áng và các dự án của Tập đoàn Vingroup.

Bốn là, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và KKT ngay khi có hiệu lực.

Năm là, chủ trì, phối hợp với cơ quan, ban ngành xây dựng Đề án mở rộng phạm vi ranh giới, diện tích tự nhiên KKT Vũng Áng; hoàn chỉnh việc điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, các quy hoạch phân khu tại các KKT, KCN để phục vụ các dự án chuẩn bị đầu tư; tăng cường xúc tiến, triển khai các KCN mới sau khi Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt (đặc biệt là KCN-đô thị phía Tây thành phố, KCN- đô thị-dịch vụ tại phía Nam thị xã Hồng Lĩnh và phía Bắc huyện Can Lộc của Tập đoàn VSIP).

Sáu là, tiếp tục đồng hành tối đa với các nhà đầu tư, tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các dự án triển khai đúng tiến độ, hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả; đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ đồng thời tăng cường thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào các dự án trọng điểm.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai dự án sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư; xử lý kiên quyết các dự án vi phạm, thu hồi đất dự án, xây dựng môi trường đầu tư cạnh tranh, bình đẳng, tạo thuận lợi triển khai dự án đối với các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc cam kết đầu tư.

Bảy là, tập trung phối hợp với chính quyền địa phương, các sở, ban ngành liên quan trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch phục vụ thu hút đầu tư tại KKT Vũng Áng; tiếp tục đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư đã được cấp trong các KKT, KCN, đặc biệt các dự án lớn, quan trọng; xử lý dứt điểm vướng mắc mặt bằng các dự án kéo dài trong thời gian qua.

Tám là, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các doanh nghiệp trong các KKT và KCN. Phối hợp với các ngành, các lực lượng chức năng tiếp tục đảm bảo tình hình an ninh, trật tự; quản lý chặt chẽ hơn đối với lực lượng lao động, đặc biệt đối với các lao động nước ngoài với mục tiêu tạo niềm tin và sự yên tâm cho các nhà đầu tư tại các KKT và KCN.

Chín là, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội tại khu vực cửa khẩu. Tăng cường hoạt động đối ngoại, phối hợp tốt với các cơ quan quản lý nhà nước của cửa khẩu Namphao- Lào giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực thi công vụ. Tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao giữa hai cửa khẩu, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào./.