Các quốc gia xoay chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài như thế nào?
NHIỀU QUỐC GIA XOAY CHIẾN LƯỢC VỚI VỐN FDI
Đại dịch COVID-19 đang định hình lại hướng đi của dư luận toàn cầu, dẫn đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Điều này thúc đẩy sự ngăn chặn lẫn nhau; cạnh tranh chiến lược giữa các nền kinh tế lớn ngày càng khốc liệt. Sau khi đại dịch bùng phát, xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng. Đặc biệt, chính phủ nhiều nước đã khẩn trương đưa ra giải pháp để bảo vệ các doanh nghiệp có thể bị phá sản do COVID-19 khỏi sự thâu tóm bởi nước ngoài. Các nhà đầu tư Trung Quốc với sự ủng hộ của Chính phủ, đã xuất hiện trong nhiều thương vụ mua bán sáp nhập các doanh nghiệp nước ngoài đang bên bờ của sự phá sản, hay đang gặp khó khăn do đại dịch gây nên.
Những thay đổi về tiêu chuẩn sàng lọc đầu tư nước ngoài không chỉ diễn ra ở châu Âu. Các quốc gia như Úc, Canada và Ấn Độ đều áp đặt những hạn chế chặt chẽ hơn đối với đầu tư nước ngoài để bảo vệ các tài sản, những doanh nghiệp chính quyền trong nước muốn giữ, khỏi bị nước ngoài chiếm đoạt. |
Đối mặt với nguy cơ này, ngày 25 tháng 3 năm 2020, Ủy ban châu Âu (EU) công bố hướng dẫn mới quy định bổ sung về tiêu chuẩn sàng lọc đầu tư nước ngoài trong và sau đại dịch. Những hướng dẫn này không tạo ra luật mới, nhưng khuyến nghị mạnh mẽ các quốc gia thành viên EU thực thi nghiêm túc cơ chế sàng lọc đầu tư nước ngoài của quốc gia họ, nhằm bảo vệ những tài sản nhạy cảm khỏi bị nước ngoài thôn tính trong đại dịch. Các nước thành viên EU như Tây Ban Nha, Ý và Pháp sau đó đã sửa đổi cụ thể đối với các quy định về đầu tư nước ngoài của họ, để giải quyết mối lo ngại chung, chẳng hạn, giảm ngưỡng xem xét đối với một số hoặc tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời mở rộng danh mục các lĩnh vực phải xem xét.
Những thay đổi về tiêu chuẩn sàng lọc đầu tư nước ngoài không chỉ diễn ra ở châu Âu. Các quốc gia như Úc, Canada và Ấn Độ đều áp đặt những hạn chế chặt chẽ hơn đối với đầu tư nước ngoài để bảo vệ các tài sản, những doanh nghiệp chính quyền trong nước muốn giữ, khỏi bị nước ngoài chiếm đoạt. Nhìn chung, nhiều quốc gia có động thái thắt chặt quy định về đầu tư nước ngoài, nhất là trong một số lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm, theo đánh giá của từng quốc gia. Quy định thay đổi các ngưỡng xem xét được hạ thấp trên một loạt lĩnh vực ở nhiều cấp độ khác nhau, làm tăng khả năng cần xem xét để sàng lọc dự án, đặc biệt đối với một số nhà đầu tư nhạy cảm.
Chẳng hạn, trước đại dịch, quy định về đầu tư nước ngoài ở Tây Ban Nha được tự do hóa, chỉ có một số ngoại lệ nhất định liên quan đến các lĩnh vực và giao dịch cụ thể cần có sự cho phép trước. Tuy nhiên, ngày 18 tháng 3 năm 2020, Tây Ban Nha là quốc gia thành viên EU đầu tiên thắt chặt đáng kể các quy định về đầu tư nước ngoài. Theo quy định mới, nhà đầu tư có trụ sở bên ngoài EU phải được chấp thuận trước mới được mua lại cổ phần từ 10% trở lên, hoặc nắm quyền quản lý trong một công ty tại Tây Ban Nha. Quy định này áp dụng trong phạm vi nhiều ngành.
Tại Pháp, ngày 28 tháng 4 năm 2020, quốc gia này ra thông báo hạ thấp ngưỡng kiểm soát đối với việc mua lại cổ phần của các nhà đầu tư ngoài châu Âu. Điều này thể hiện một bước thay đổi đáng kể so với quy định trước ngày 1 tháng 4 năm 2020 bằng cách thắt chặt hơn nữa ngưỡng kiểm soát ở mức 10%, so với ngưỡng 25% trước đó. Sửa đổi này đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Pháp công bố mục tiêu bảo vệ các công ty quốc gia trước nguy cơ bị dòng vốn nước ngoài thôn tính trong giai đoạn khủng hoảng bởi đại dịch COVID-19.
Tại Ấn Độ, quốc gia này đã nới lỏng đáng kể luật đầu tư nước ngoài trong vài năm qua, đặc biệt từ năm 2017. Tuy nhiên, trái ngược với hướng đi trước đó, ngày 17 tháng 4 năm 2020, Chính phủ Ấn Độ tuyên bố thắt chặt các quy định về đầu tư nước ngoài để hạn chế “việc chiếm đoạt cơ hội và mua lại các công ty Ấn Độ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 hiện nay ”. Sửa đổi này đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc mua lại 1% cổ phần của Ngân hàng cho vay thế chấp lớn nhất Ấn Độ (HDFC) vào đầu tháng 4 năm 2020. Ấn Độ còn đưa ra hạn chế mới, áp dụng cho các nhà đầu tư từ các quốc gia có chung biên giới trên bộ với Ấn Độ, hoặc chủ sở hữu thụ hưởng là công dân của quốc gia đó. Theo đó, Chính phủ Ấn Độ sẽ phê duyệt tất cả các dự án đầu tư nước ngoài thuộc mọi lĩnh vực đến từ các quốc gia có chung đường biên giới, đồng thời Chính phủ cũng yêu cầu phê duyệt đối với những thay đổi về quyền sở hữu có lợi đối với bất kỳ nguồn vốn đầu tư nước ngoài hiện tại, hoặc tương lai nào, thuộc phạm vi của hạn chế mới.
ĐẠI DỊCH COVID-19 ẢNH HƯỞNG ĐẾN FDI TOÀN CẦU
Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển dòng vốn FDI toàn cầu ước tính dòng vốn đầu tư giảm từ 30% đến 40% trong giai đoạn 2020-2021. Tất cả các lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng, nhưng FDI giảm mạnh và rõ ràng trong các lĩnh vực dịch vụ liên quan đến tiêu dùng như: hàng không, khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí, cũng như các ngành sản xuất và lĩnh vực năng lượng. Sụt giảm FDI toàn cầu có liên quan rất chặt chẽ đến việc gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do hậu quả của đại dịch.
Tác động của đại dịch Covid-19 đến dòng vốn đầu tư toàn cầu phụ thuộc nhiều vào hoạt động kinh tế của những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, cộng đồng châu Âu sẽ phục hồi nhanh hay chậm. |
Việc thu hẹp dòng vốn FDI ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước đang phát triển. Trong khi đó, thực tế cho thấy, trong vài thập kỷ qua, các nước đang phát triển ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào FDI. Dòng vốn FDI vào các nước đang phát triển tăng từ 14 tỷ USD năm 1985 lên đến 690 tỷ USD năm 2017, tương ứng với mức tăng từ 25% lên 46% trong tỷ trọng dòng vốn FDI của toàn thế giới.
Nếu dòng vốn FDI toàn cầu bị thu hẹp trong một thời gian dài, hậu quả đối với các nước đang phát triển sẽ rất nặng nề, bởi các nước này có danh mục dòng vốn FDI đa dạng và lợi ích tiềm năng của dòng vốn này rất lớn. Dòng vốn FDI không chỉ thúc đẩy doanh thu xuất khẩu ở các nước đang phát triển mà còn tạo ra nhiều việc làm, tác động tích cực hơn đến phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất.
Tác động của đại dịch Covid-19 đến dòng vốn đầu tư toàn cầu phụ thuộc nhiều vào hoạt động kinh tế của những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, cộng đồng châu Âu sẽ phục hồi nhanh hay chậm.
Cạnh tranh gay gắt trong nền kinh tế thế giới thế kỷ 21 cũng là một yếu tố dẫn đến sự thu hẹp FDI vào các nước đang phát triển. Cạnh tranh để thu hút FDI từ các nước có thu nhập cao giữa các nước đang phát triển và các nước đóng vai trò là nhà cung cấp cho thị trường tiêu dùng ở các nước phát triển ngày càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. So với năm 1980, tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ thấp của các nước đang phát triển đã tăng gần gấp ba lần; nguồn lao động phổ thông toàn cầu đã tăng gấp đôi so với năm 1990. Điều này hàm ý các nước đang phát triển luôn phải nỗ lực để nắm giữ thị trường xuất khẩu truyền thống và tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới đối với sản phẩm có công nghệ thấp, mà nhiều nước đang phát triển có khả năng xuất khẩu. Trong khi đại dịch chưa được kiểm soát và đẩy lùi, việc chọn thời điểm để mở lại sản xuất nhanh chóng sau khi đại dịch được kiềm chế sẽ duy trì và mang lại lợi thế cạnh tranh không nhỏ cho các nước đang phát triển.
THỰC TRẠNG DÒNG VỐN FDI VÀO VIỆT NAM
Tổng quan nguồn vốn FDI vào Việt Nam (nguồn Tổng cục Thống kê, vneconomy) |
Đầu tư trực tiếp nước ngoài có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của nước ta. Vốn FDI thực hiện bình quân giai đoạn 2016-2019 chiếm trên 23% trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội; tỷ trọng bình quân GDP của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2016-2019 chiếm 19,8% trong tổng GDP của toàn bộ nền kinh tế; thu hút gần 5 triệu lao động, chiếm 31,8% trong tổng số lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp; tạo ra lợi nhuận cao nhất chiếm tới trên 42% trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Tuy vậy, trong hơn 30 năm qua kết quả thu hút FDI của nước ta còn một số bất cập:
FDI đăng ký tại Việt Nam đến từ Trung Quốc tăng nhanh về số dự án, nhưng lại giảm về vốn đăng ký bình quân/dự án. Từ năm 2018 đến nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng chuyển dịch theo hướng M&A doanh nghiệp, trong đó vốn từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng mạnh. |
Thứ nhất, thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài chưa theo kịp yêu cầu phát triển, chính sách ưu đãi còn dàn trải, thiếu nhất quán, không ổn định. Thu hút FDI chủ yếu mở rộng về số lượng, coi đó là một thành quả của chính sách FDI và chưa tập trung vào chất lượng, chưa năng động tranh thủ những dự án FDI có tầm và mang lại hiệu quả cho chiến lược công nghiệp hóa. Tăng trưởng kinh tế và giá trị kim ngạch xuất khẩu phụ thuộc khá nhiều vào khu vực FDI;
Thứ hai, sự liên kết, tương tác với khu vực kinh tế trong nước thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ rất kém. Các dự án FDI chưa đóng góp gì đáng kể vào việc gắn kết nền kinh tế trong nước với chuỗi cung ứng toàn cầu; không đưa Việt Nam lên cao trong chuỗi cung ứng giá trị.
Thứ ba, hầu hết các dự án FDI là dự án 100% vốn nước ngoài, liên doanh giữa nước ngoài với doanh nghiệp trong nước không đáng kể; không đạt được mục đích chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản trị tiên tiến; công nghiệp phụ trợ chưa phát triển nên sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào các dự án FDI còn yếu.
Thứ tư, việc phân quyền cho các địa phương trong thu hút FDI có nhiều bất cập. Nhiều địa phương do thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu trách nhiệm, đã trải thảm đỏ quá mức, có những ưu đãi thái quá để kêu gọi đầu tư và thực hiện nhiều dự án không cần thiết, các dự án này nhà đầu tư trong nước đủ năng lực thực hiện, gây ô nhiễm, huỷ hoại môi trường và an ninh quốc gia.
Thứ năm, trừ Nhật Bản, các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phần lớn đến từ các nước mới phát triển và có vị trí địa lý gần Việt Nam, các nhà đầu tư đến từ các nước phát triển có công nghệ hàng đầu, tri thức và văn hoá kinh doanh phát triển còn rất ít. Với hệ luỵ của đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhiều công ty Mỹ và Nhật muốn di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác, nhưng tại Việt Nam lại đang cho thấy sự hiện diện rõ nét và “vươn lên” mạnh mẽ của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, FDI đăng ký tại Việt Nam đến từ Trung Quốc tăng nhanh về số dự án, nhưng lại giảm về vốn đăng ký bình quân một dự án. Năm 2016 có 283 dự án FDI của Trung Quốc đăng ký tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 2.136,7 triệu USD, vốn đăng ký bình quân một dự án chỉ là 7.550 USD; số liệu tương ứng của năm 2017 lần lượt là 295 dự án, tổng vốn đăng ký 2.137,6 triệu USD, bình quân một dự án đạt 7.246 USD. Năm 2018, có 408 dự án FDI đăng ký, tăng 38,3% so với năm 2017, vốn đăng ký bình quân một dự án là 6.205 USD. Đến năm 2019 có 705 dự án đăng ký, tăng 72,8% so với năm 2018, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai sau Hàn Quốc về số dự án đăng ký với vốn đăng ký bình quân một dự án là 5.837 USD. 10 tháng đầu năm 2020 có 294 dự án FDI đăng ký đến từ Trung Quốc với số vốn đăng ký là 1.340,7 triệu USD; vốn đăng ký bình quân một dự án chỉ là 4.560 USD…
Diễn biến đáng chú ý khác, từ năm 2018 đến nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng chuyển dịch theo hướng mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp, trong đó vốn từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng mạnh. Nếu năm 2016, các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) mới đầu tư 485,6 triệu USD vào góp vốn, mua cổ phần, chiếm 12,7% tổng vốn đăng ký nước ngoài của nền kinh tế nước ta thì đến năm 2019, Trung Quốc và Hồng Kông đã đầu tư 5.530,6 triệu USD theo cách này. Tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần năm 2019 của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và Hồng Kông chiếm 45% trong tổng vốn đăng ký của 51 quốc gia đối tác đầu tư chủ yếu của Việt Nam, phản ánh mức độ thâm nhập khu vực sản xuất của nền kinh tế Việt Nam bởi Trung Quốc và Hồng Kông rất mạnh mẽ. Đây là điểm nhà làm chính sách rất cần lưu ý trong mong muốn tiếp nhận có chọn lọc và cân đối các dòng vốn FDI vào Việt Nam.
GÓP Ý CHÍNH SÁCH THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Với bối cảnh kinh tế, xã hội, chính trị thế giới thay đổi sâu sắc và hệ luỵ do đại dịch COVID-19 mang lại, việc thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới cần có những thay đổi về chiến lược, chính sách và đòi hỏi năng lực, tinh thần dân tộc của các cấp lãnh đạo có liên quan.
Chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là bước đầu tiên hướng tới một chiến lược FDI thành công. Thuyết phục các nhà đầu tư ở lại và mở rộng hoạt động bền vững mới là yếu tố then chốt để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế. |
Trong thập kỷ tới, thu hút FDI vào Việt Nam được đặt trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030, đặc biệt phải quy định rõ những ngành nào, lĩnh vực nào cần ưu tiên thu hút FDI trên nguyên tắc những ngành và lĩnh vực doanh nghiệp trong nước có khả năng làm được thì không kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Do khu vực công nghiệp phụ trợ còn non yếu, giai đoạn 2021-2030, theo tác giả, Chính phủ cần khuyến khích, tạo điều kiện cho các dự án FDI đầu tư và sản xuất tại Việt Nam theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước để doanh nghiệp Việt có điều kiện tiếp cận trực tiếp công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại và tri thức kinh doanh tin cậy.
Hiện nay, kinh tế thế giới đang vận hành trong bối cảnh thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế số. Vì vậy, chính sách thu hút FDI cần lựa chọn và ưu tiên các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn lớn, đầu đàn trong ứng dụng công nghệ đến từ các nước tiên tiến, xoá bỏ việc thu hút FDI tràn lan.
Nước ta đã thuộc nhóm quốc gia có mức thu nhập trung bình, trong thập kỷ tới thế giới có nhiều biến động và thay đổi sâu sắc trên tất cả các lĩnh vực, để kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở thu hút FDI có chọn lọc cần đặc biệt quan tâm đến xây dựng và củng cố nội lực của nền kinh tế, xây dựng tri thức và văn hoá kinh doanh; đào tạo và sử dụng đội ngũ thu hút FDI có năng lực, tinh thần dân tộc và trách nhiệm cao; đồng thời xây dựng và thực thi các chế tài đủ mạnh nhằm ngăn chặn việc vụ lợi trong thực thi thu hút FDI.
Thu hút, duy trì và sàng lọc các khoản đầu tư hiệu quả bền vững có ý nghĩa quan trọng hơn là thu hút FDI để tối đa hóa tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Đại dịch gây ra rất nhiều thách thức, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại, làm mới phương pháp thu hút và duy trì hiệu quả các dự án FDI, phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá đất nước đồng thời tạo liên kết kinh tế giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước. Thời gian tới có ba lĩnh vực trọng tâm, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần có phương pháp tiếp cận mới:
Thứ nhất, Chính phủ khẩn trương đưa ra các giải pháp và phương thức hỗ trợ khu vực doanh nghiệp trong nước vượt qua khó khăn đại dịch, nhắm tới mục tiêu phát triển mối liên kết chặt chẽ giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp FDI, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ cần xây dựng hệ thống chứng nhận chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty nước ngoài và cải tiến cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cho phép doanh nghiệp hoạt động từ xa theo chuỗi giá trị toàn cầu và vươn ra thị trường nước ngoài.
Thứ hai, Chính phủ sửa đổi quy định đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất để cộng đồng doanh nghiệp trong các khu này liên kết kinh tế, đặc biệt tạo dựng mối liên kết giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước, nhằm tạo dựng và phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước.
Thứ ba, trong một thế giới đầy biến động do đại dịch gây ra, Chính phủ cần tiếp tục tuyên truyền và hỗ trợ các chủ thể trong nền kinh tế tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký với đối tác và tận dụng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp đang trở thành xu thế trong đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng về kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế, để tránh các ngành và lĩnh vực kinh tế trọng điểm bị các nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát và thâu tóm, Chính phủ cần xác định ngưỡng cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp cổ phần hoá, đặc biệt cần xem xét cụ thể các thương vụ M&A lớn, nhìn từ thực tiễn những năm gần đây để thấy rõ những mặt tồn tại, đúc kết thành bài học kinh nghiệm về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Cùng với đó, trên cơ sở tham khảo cách thức thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài của các quốc gia khác trong bối cảnh đại dịch, Chính phủ cần xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần thu hút đầu tư nước ngoài và ngành lĩnh vực chỉ các nhà đầu tư trong nước thực hiện. Đặc biệt xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới, nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và thật sự có năng lực; đồng thời ban hành các quy định để bảo vệ uy tín và hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư nghiêm túc, luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài là bước đầu tiên hướng tới một chiến lược FDI thành công. Thuyết phục các nhà đầu tư ở lại và mở rộng hoạt động bền vững mới là yếu tố then chốt để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế./.
Bình luận