“Ban soạn thảo cần rà soát nhằm quy định rõ nét hơn nội dung chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh. Đây là nội dung được kỳ vọng, chờ đợi, nên tại khoản 3 Điều 5 dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần quy định cụ thể về chính sách ưu đãi, khuyến khích của nhà nước…”, ông Nguyễn Huy Hoàng, Viện phim Việt Nam kiến nghị tại hội thảo “Thực trạng pháp luật về điện ảnh và những vấn đề đặt ra trong sửa đổi Luật Điện ảnh”, do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hôm nay (ngày 30/11), theo Văn phòng Quốc hội.

Cần quy định chi tiết các nội dung bị cấm trên phim
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Viện phim Việt Nam, cần có cơ chế phù hợp để huy động nguồn lực xã hội trong phát triển điện ảnh. Ảnh: Quốc hội

Nhìn nhận điểm mấu chốt để phát triển điện ảnh phụ thuộc nhiều vào nguồn lực con người và tài chính, ông Hoàng đề nghị cần có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực xã hội trong phát triển điện ảnh Việt Nam.

Cần quy định chi tiết các nội dung bị cấm trên phim
Theo ông Bùi Huy Cường, Bộ Thông tin và Truyền thông, đang tồn tại các app cung cấp phim, nhưng không được cấp có thẩm quyền về điện ảnh cấp phép phổ biến phim. Ảnh: Quốc hội
Ông Cường đề xuất, cần có các quy định về cảnh báo rõ ràng cho người xem về những nội dung có thể không phù hợp, nguy hiểm… và gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu; đơn vị cung cấp phim buộc phải cung cấp công cụ để người xem có thể phản ánh về nội dung vi phạm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam…

Theo ông Bùi Huy Cường, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet – OTT TV do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý chỉ là một trong rất nhiều loại dịch vụ sử dụng mạng internet để cung cấp nội dung đến cho người dùng. Tuy nhiên, trên mạng internet đang tồn tại các trang website, các app cung cấp phim, nhưng không được cấp có thẩm quyền về điện ảnh cấp phép phổ biến phim, nên có nhiều nội dung chưa phù hợp, thậm chí vi phạm pháp luật; cung cấp phim không có bản quyền….

Trước thực trạng trên, ông Cường kiến nghị sửa đổi Luật Điện ảnh về phổ biến phim trên internet, trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng internet theo hướng: thống nhất quản lý theo một tiêu chí chung, không phân biệt nội dung phim được chiếu ngoài rạp, chiếu trên truyền hình và chiếu trên mạng internet. Theo đó, cần quy định chi tiết nhất có thể về các nội dung bị cấm trên phim; nội dung bị hạn chế… Về đầu mối quản lý nội dung phim theo pháp luật về điện ảnh, nên tập trung vào Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Đối với phim phổ biến trên mạng internet, trên dịch vụ OTT TV, cần thiết phải phân loại phim theo từng cấp độ để có quy định quản lý phù hợp.

Góp ý cho Điều 14 của dự án Luật về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, đạo diễn Trần Hoài Sơn đề xuất cần hướng tới các mục tiêu: giảm tải trách nhiệm phê duyệt các dự án cung cấp dịch vụ hợp tác quốc tế cho Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, trao trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở đủ điều kiện hợp tác sản xuất phim với nước ngoài nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp phép, chuyên nghiệp hóa trong đánh giá tiềm năng, rủi ro của một dự án hợp tác quốc tế thông qua hệ thống chuyên viên có trình độ cao và hiểu biết luật pháp quốc tế…

“Các ý kiến đóng góp trên sẽ thiết thực phục vụ cung cấp thông tin tham khảo cho các vị đại biểu Quốc hội khi thảo luận dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022) của Quốc hội sắp tới, trước khi dự kiến thông qua tại kỳ họp này...”, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết./.