Chi cho họp hành, đi nước ngoài vẫn còn lãng phí…
Tập trung giám sát 5 lĩnh vực
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3, theo Văn phòng Quốc hội, hôm nay (ngày 22/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Kế hoạch chi tiết và đề cương giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát Nguyễn Phú Cường, thực hiện Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25/7/2021 của Quốc hội về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, Nghị quyết số 18/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”…, Đoàn giám sát dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và các đề cương báo cáo giám sát.
Liên quan đến thực hành tiết kiệm đối với quản lý, sử dụng tài nguyên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đề xuất, các cơ quan của Quốc hội, đoàn giám sát nên có đề cương chi tiết về lĩnh vực thực hành tiết kiệm đối với quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, thì Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có báo cụ thể, tổng hợp về lĩnh này được tốt hơn. |
Theo đó, với phạm vi giám sát bao gồm: giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công từ ngày 1/1/2016 đến 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Nội dung giám sát tập trung vào 5 lĩnh vực gồm: quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác; quản lý tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động; quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên.
Đối tượng giám sát gồm: Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan quản lý, sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán nhà nước; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội; doanh nghiệp nhà nước; HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Làm rõ bao nhiêu “dự án treo”
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhìn nhận, giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” là chuyên đề nhận được kỳ vọng của nhân dân. Tiết kiệm, chống lãng phí cùng với phòng, chống tham nhũng và tiêu cực là “hai mũi giáp công”, giải quyết được những tồn tại của việc huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực quốc gia cho phát triển nhanh và bền vững. Do đó, đề nghị đoàn giám sát nêu cao tinh thần trách nhiệm để báo cáo kết quả chính xác, khách quan với cử tri và nhân dân cả nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, 5 lĩnh vực giám sát như dự thảo là rất rộng, nên cần tính toán việc xác định trọng điểm về nhân lực, vật lực hay tài lực. Ảnh: Quốc hội |
“Đoàn giám sát nên có giám sát tổng quát kết hợp với giám sát chi tiết một số lĩnh vực. Ví dụ như trong giám sát về quản lý, sử dụng lao động, nên căn cứ vào báo cáo tổng quát về lĩnh vực này và cả theo báo cáo về tinh giản bộ máy, biên chế…”, ông Vương Đình Huệ gợi mở.
Nhìn nhận 5 lĩnh vực giám sát như dự thảo là rất rộng, nên Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc xác định trọng điểm là về nhân lực, vật lực hay tài lực cần tính toán. Riêng về lĩnh vực quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, đoàn giám sát cần làm rõ cả nước có bao nhiêu đất đã giao mà chưa thu tiền sử dụng đất, sử dụng không đúng mục đích. Việc quản lý sử dụng đất nông, lâm trường cũng cần công bố rõ vì thực tế đã từng giám sát, tái giám sát. Đất nông nghiệp có tổng diện tích hoang hoá, chưa sử dụng là bao nhiêu để có giải pháp khai thác, quản lý sử, dụng hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý nội dung giám sát nên tập trung vào đầu tư công, sử dụng ngân sách vì chi cho họp hành, lễ tân, đi nước ngoài vẫn còn lãng phí; công trình, dự án xây dựng dở dang kéo dài. Đoàn giám sát phải nêu rõ được có bao nhiêu “dự án treo” nằm ở đâu, địa chỉ của ai và thực hiện quy định pháp luật thế nào, phải yêu cầu địa phương báo cáo kỹ rồi kiểm tra chéo sao cho chính xác, khách quan.
Kết luận tại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ góp ý sớm đối với các nội dung trọng tâm; phân tích đánh giá kết quả kiểm toán trong 5 năm qua để có báo cáo phù hợp với nội dung của giám sát. Bên cạnh đó, cần bổ sung chuyên đề kiểm toán, thanh tra để phục vụ cho đoàn giám sát thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.../.
Bình luận