Chỉ còn cá nhân và pháp nhân được vay vốn tại ngân hàng từ ngày 15/03/2017
Hộ gia đình, hộ kinh doanh không còn được vay vốn
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hànhThông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư 39), trong đó có bổ sung quy định về khách hàng vay tại tổ chức tín dụng. Theo đó, từ 15/03/2017, khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân. Còn các hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân thì không đủ tư cách chủ thể vay vốn tại tổ chức tín dụng.
Theo quy định mới, từ 15/03/2017, khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng chỉ là pháp nhân, cá nhân
Liên quan đến hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, trước khi có Thông tư 39 thì theo quy định tại Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN (Quyết định 1627), chủ thể được vay vốn bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài, bao gồm cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, tổ hợp tác và các tổ chức khác có năng lực pháp luật dân sự.
Nghĩa là các tổ chức tín dụng trước khi có Thông tư 39, nhiều ngân hàng vẫn giải ngân vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cho các hộ gia đình, hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Với quy định mới của Thông tư 39, nếu hộ gia đình muốn vay, cá nhân là chủ hộ sẽ phải đứng tên và chịu trách nhiệm trả nợ với tư cách cá nhân. Thông thường, lãi suất vay theo diện cá nhân sẽ được tính như vay tiêu dùng và khiến chi phí vốn có thể "đội" lên.
Cũng tại Thông từ 39, trên cơ sở quy định tại Điều 466, 468 Bộ luật Dân sự 2015 và quy định tại Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng 2010, Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể về lãi suất cho vay như sau: Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thì lãi suất thỏa thuận không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn.
Như vậy, quy định về trần lãi suất chỉ áp dụng đối với trường hợp cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt
Đồng thời, Thông tư 39 bổ sung quy định về nghĩa vụ trả lãi cho tiền lãi chậm trả, cụ thể: Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Còn quy định trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, theo Thông tư 39, thì khách hàng phải trả lãi trên phần dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả; lãi suất áp dụng do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
Về thời hạn cho vay, Thông tư 39 quy định thời hạn cho vay được tính từ ngày tiếp theo của ngày tổ chức tín dụng giải ngân vốn vay cho khách hàng cho đến hết ngày khách hàng phải trả hết nợ gốc và lãi tiền vay theo thỏa thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng. Trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn cho vay là ngày lễ hoặc ngày nghỉ hàng tuần, thì chuyển sang ngày làm việc tiếp theo. Đối với thời hạn cho vay không đủ một ngày thì thực hiện theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 về thời điểm bắt đầu thời hạn.
Ngân hàng Nhà nước lý giải "nguyên nhân"
Thông tin này khiến các hộ kinh doanh nhỏ lẻ năn khoăn, lo lắng, gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Tuy nhiên, theo giải thích của Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 39/2016 có những quy định giới hạn đối tượng khách hàng được vay tại tổ chức tín dụng, chỉ là pháp nhân và cá nhân, để phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự 2015 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 vừa qua. Trong đó nêu rõ, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân, cá nhân. Quy định của Thông tư 39/2016 quy định lại chủ thể vay vốn, làm rõ thuật ngữ, khái niệm. Có nghĩa là từ nay trở đi, để vay vốn, các chủ hộ phải tự đứng tên vay, tự chịu trách nhiệm trả nợ, chứ không phải với danh nghĩa hộ gia đình, hộ kinh doanh như trước đây nữa.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: Hiện tại, trên cả nước có khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh. Theo quy định này, tất cả các hộ trên nếu không chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Nếu muốn, các chủ hộ phải vay với tư cách cá nhân. |
Theo thông lệ thế giới, chỉ có hai loại chủ thể pháp luật dân sự là cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình, hộ kinh doanh hay tổ hợp tác là chủ thể ảo, thực chất là 1 hoặc một nhóm cá nhân, vì vậy bị xoá bỏ khỏi Bộ luật Dân sự năm 2015.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc điều chỉnh này là cần thiết. Bởi nếu cứ cho hộ gia đình vay như trước đây, khi xảy ra vấn đề về tín dụng, nợ xấu, không lẽ phải yêu cầu tất cả những người trong gia đình chịu trách nhiệm về khoản vay? Việc thay đổi đối tượng vay làm rõ tư cách pháp lý và quy rõ trách nhiệm cụ thể đối với khoản vay ngân hàng. Điều này cũng sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Thời gian tới, không chỉ hợp đồng vay vốn mà tất cả hợp đồng dân sự tới đây đều không còn chủ thể giao dịch là “hộ”. Các hợp đồng dân sự (ví dụ hợp đồng mua bán tài sản) nếu ký với hộ sẽ trở thành vô hiệu, vì chủ thể này không được Bộ luật Dân sự 2015 công nhận. Trong lĩnh vực ngân hàng, các tổ chức tín dụng ký hợp đồng cho vay với các hộ kinh doanh và các tổ chức khác sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro vì có thể bị tuyên vô hiệu hợp đồng.
Cũng theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện tại cả nước có khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh. Theo quy định này, tất cả các hộ trên nếu không chuyển đổi thành doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng. Nếu muốn, các chủ hộ phải vay với tư cách cá nhân.
Chính vì vậy, Thông tư 39 sẽ góp phần tạo "cú hích" để thúc đẩy các mô hình kinh doanh này chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp và thúc đẩy mục tiêu đến năm 2020 cả nước có khoảng 1 triệu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, Nhà nước cần đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với việc thành lập và vận hành doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Ngoài ra cũng cần có các chính sách hỗ trợ về thuế và tín dụng cho các hộ kinh doanh này./.
Bình luận