Phê chuẩn nhân sự tỉnh Ninh Bình

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm một số chức danh lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình.

Cụ thể, tại Quyết định số 1189/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn kết quả bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình.

Đồng thời, tại Quyết định số 1188/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn kết quả bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Nguyễn Ngọc Thạch, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Đinh Quốc Trị, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy để nghỉ hưu theo chế độ và ông Trần Hữu Bình, nguyên ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy để nhận nhiệm vụ mới.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Bùi Viết Thi, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình để nhận nhiệm vụ mới.

Phê duyệt Đề án quản lý nhập khẩu

Định hướng xây dựng một hệ thống các biện pháp quản lý nhập khẩu hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020 nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Nội dung trên được đề cập trong Đề án quản lý nhập khẩu đến năm 2020 phù hợp với các cam kết quốc tế vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về định hướng chung, sẽ duy trì, tận dụng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan được phép áp dụng theo các cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng các biện pháp phi thuế quan, các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), kiểm dịch động thực vật (SPS) và các biện pháp phòng vệ thương mại.

Đồng thời, xây dựng Luật Quản lý ngoại thương nhằm đảm bảo tính ổn định, thống nhất về mặt chính sách cũng như các quy định có tính thực tiễn, khả thi để tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Tạo dựng và áp dụng các biện pháp quản lý nhập khẩu một cách đồng bộ và hiệu quả, chú trọng công tác thông tin cũng như theo dõi, đánh giá hiệu quả các biện pháp áp dụng.

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, xem xét, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định, thủ tục hành chính không cần thiết để vừa bảo đảm mục tiêu quản lý là đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân và các mục tiêu công cộng khác, vừa đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Quyết định nêu rõ các biện pháp cụ thể thực hiện Đề án gồm: Biện pháp thuế quan; biện pháp hạn ngạch thuế quan; biện pháp cấm nhập khẩu; biện pháp hạn ngạch nhập khẩu; biện pháp giấy phép nhập khẩu; biện pháp kỹ thuật, chuyên ngành; biện pháp phòng vệ thương mại; biện pháp về xuất xứ hàng hóa; biện pháp tỷ giá hối đoái; các biện pháp quản lý nhập khẩu khác.

Trong đó, về biện pháp thuế quan, sử dụng hiệu quả công cụ thuế nhập khẩu và các loại thuế khác (thuế bảo vệ môi trường...) nhằm hỗ trợ ở mức độ phù hợp cho sản xuất trong nước, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước theo đúng cam kết. Với những hàng hoá trong nước có thể sản xuất được, xem xét duy trì mức trần thuế nhập khẩu theo cam kết trong WTO và có lộ trình xóa bỏ thuế phù hợp cho hàng hóa có xuất xứ từ các nước có Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Với biện pháp hạn ngạch thuế quan, nghiên cứu và đàm phán với các đối tác trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương để có lộ trình quản lý nhập khẩu bằng phương thức hạn ngạch thuế quan đối với những mặt hàng cần bảo hộ sản xuất trong nước một cách hợp lý, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế về kinh tế.

Tổ chức 5 đoàn kiểm tra công tác đặc xá

Theo Kế hoạch công tác của Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2015, sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra công tác đặc xá tại một số đơn vị, địa phương từ ngày 03-14/8/2015.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá yêu cầu việc nghiên cứu, thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá của các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá (HĐTVĐX) phải được tiến hành khẩn trương, chặt chẽ, đúng đối tượng, điều kiện đã được quy định, bảo đảm tiến độ, thời gian đã đề ra.

Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương ban hành hướng dẫn việc xét và lập hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo đúng quy định tại Điều 5 Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2015, không được để xảy ra sai sót, tiêu cực hoặc khiếu nại phức tạp. Kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, cơ quan, tổ chức có sai sót trong việc xét và lập hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

Thường trực HĐTVĐX phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các thành viên HĐTVĐX và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đặc xá năm 2015.

Theo Kế hoạch, HĐTVĐX họp xét duyệt danh sách đề nghị đặc xá từ ngày 20-22/8/2015. Từ ngày 24-25/8/2015, Thường trực HĐTVĐX tổng hợp, hoàn chỉnh danh sách đặc xá trình Chủ tịch nước quyết định.

Tổ chức họp báo công bố Quyết định của Chủ tịch nước đặc xá tha tù trước thời hạn và tổ chức tha người được đặc xá theo Quyết định của Chủ tịch nước từ ngày 28-31/8/2015.

Tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL 2016 tại Hậu Giang

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đồng ý với đề nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ về việc tổ chức "Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2016" tại tỉnh Hậu Giang.

Phó Thủ tướng giao Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang và các Bộ, ngành, địa phương liên quan chuẩn bị kỹ nội dung, bảo đảm tổ chức "Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2016" tại tỉnh Hậu Giang thiết thực, hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) là một hoạt động liên kết mở nhằm đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và tiềm năng, thế mạnh của vùng. Tăng cường hợp tác kinh tế, xây dựng các chương trình hợp tác giữa các tỉnh, thành phố trong vùng với nhau, với các tỉnh, thành phố trong cả nước và với các Bộ, ngành Trung ương. Khai thác có hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có của từng địa phương và vùng, đem lại sự tăng trưởng bền vững.

Đồng thời tăng cường hợp tác với nước ngoài, hợp tác với các nước có lợi ích liên quan trong việc quản lý và sử dụng tài nguyên sông Mê Công; hợp tác xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và du lịch.

Bên cạnh đó tập hợp những sáng kiến của các nhà khoa học trong và ngoài nước, các nhà quản lý của Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh thành phố trong vùng và các nhà doanh nghiệp theo từng chủ đề; báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho vùng phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Từ năm 2007 đến 2014 Diễn đàn MDEC được tổ chức luân phiên hàng năm tại các tỉnh, thành phố trong Vùng, năm 2015 chỉ tổ chức "Tuần lễ du lịch xanh vùng ĐBSCL" (không tổ chức MDEC), đến năm 2016 tiếp tục tổ chức MDEC và luân phiên 2 năm một lần./.