BỐI CẢNH VÀ TÁC ĐỘNG CỦA DỊCH COVID-19

Dịch Covid-19 xảy ra bất ngờ từ cuối năm 2019 và kéo dài đến năm 2022 đã tác động nặng nề, toàn diện đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả nước ta. Các quốc gia đã đưa ra các gói hỗ trợ với quy mô lớn, chưa có tiền lệ, thời gian triển khai nhanh chóng, đặc biệt một số nước có tiềm lực kinh tế lớn đã thực hiện chính sách siêu nới lỏng cả về tài khóa và tiền tệ, tăng bội chi ngân sách, nợ Chính phủ… nhằm có nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch bệnh, chống suy thoái, phục hồi kinh tế, đồng thời tận dụng cơ hội để giải quyết những hạn chế, thách thức, cơ cấu lại nền kinh tế và phát triển các động lực tăng trưởng mới.

Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch với quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn (1). Giai đoạn 1 (23/01-24/7/2020) ghi nhận 415 ca mắc. Giai đoạn 2 (25/7-27/01/2021) ghi nhận 1.136 ca mắc. Giai đoạn 3 (28/01-26/04/2021) ghi nhận 1.301 ca mắc. Giai đoạn 4 (27/04/2021-11/9/2022) ghi nhận 11.439.613 ca mắc. Nền kinh tế Việt Nam vẫn chịu tác động mạnh mẽ và tiêu cực của dịch Covid-19, đặc biệt từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư. Hầu hết các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế phải đối mặt với không ít rủi ro, nguy cơ, thách thức. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý III/2021 giảm sâu chưa từng có (-6,17%); hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lao động, việc làm, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn (tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng, đặc biệt trong năm 2021 lần lượt là 3,22% và 3,1%; có hơn 28,2 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có 4,7 triệu người bị mất việc làm; 12,0 triệu người bị cắt giảm giờ làm; 18,9 triệu người bị giảm thu nhập). GDP của Việt Nam năm 2021 tăng khoảng 2,58%, thấp hơn mức tăng 2,91% năm 2020, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

HÀNH ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI, ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Trong thời gian này, tất cả các cơ quan, từ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đều đã chủ động, tích cực triển khai rất nhiều giải pháp để phòng chống dịch, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và phục hồi, phát triển kinh tế. Riêng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng đã ban hành nhiều chính sách kịp thời, vừa trực tiếp và vừa để hỗ trợ ban hành chính sách cụ thể về phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân chịu tác động của dịch Covid-19.

Ngay tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 30/2021/NQ-QH15, ngày 28/7/2021, trong đó, có nhiều nội dung quan trọng về cơ chế, chính sách để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhằm ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”. Theo đó, 8 nhóm giải pháp quyết liệt, phân cấp mạnh mẽ đã được thông qua, như: Quyết định áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết…, có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan; quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19; Quốc hội ủy quyền cho UBTVQH quyết định một số vấn đề cấp bách trong thời gian Quốc hội không họp…

Tiếp sau đó, ngày 19/10/2021, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 406/2021/NQ - UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Nghị quyết đưa ra nhiều chính sách về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập cá nhân và miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Đồng thời, trước biến động và tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng lớn đến hoạt động của người dân và doanh nghiệp, trong năm 2022, UBTVQH đã 2 lần họp và quyết định giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu (Nghị quyết số 18/2022/NQ-UBTVQH15, ngày 23/3/2022 của UBTVQH về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn quy định giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và Nghị quyết số 20/2022/NQ-UBTVQH15, ngày 06/7/2022 về tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn).

Đáng chú ý nhất là, ngày 04/01/2022, Quốc hội khóa XV đã khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ nhất nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã nhất trí rất cao ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với quy mô, chính sách chưa có tiền lệ; thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Từ quyết sách của Quốc hội, UBTVQH và kết quả thực thi các chính sách trong hỗ trợ người dân và doanh nghiệp ứng phó khủng khoảng, phục hồi và phát triển kinh tế, có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Những bài học này có giá trị cho việc xây dựng, ban hành và thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới đây. Cụ thể:

Thứ nhất, việc xây dựng chính sách cần sự quyết liệt, khẩn trương, chủ động và từ sớm, từ xa; việc sớm chuẩn bị, nghiên cứu để xây dựng chính sách có ý nghĩa quan trọng cả về tính kịp thời và tính phù hợp, hiệu quả của chính sách. Ngay từ Kỳ họp thứ nhất vào tháng 7/2021, thuộc giai đoạn diễn biến dịch bệnh thứ hai, thì Quốc hội đã chủ động trao quyền, cơ chế cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện biện pháp cần thiết kiểm soát dịch bệnh trong tình trạng khẩn cấp (2); đồng thời, sớm yêu cầu Chính phủ: khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (3). Quốc hội lần đầu tiên trong lịch sử họp phiên bất thường để thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và thông qua 1 luật sửa 9 luật để tháo gỡ thể chế cho sản xuất, kinh doanh. Điều này thể hiện tính quyết liệt, khẩn trương và kịp thời của các quyết định của Quốc hội. Các quyết định của Quốc hội, UBTVQH theo mốc thời gian diễn biến dịch bệnh đã cho thấy sự kịp thời, tính chủ động và từ sớm, từ xa trong quyết sách của mình (Hình 1).

Hình 1: Các quyết định của Quốc hội, UBTVQH trong 4 giai đoạn dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: Bài học kinh nghiệm từ hoạt động của Quốc hội trong chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế
Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Thứ hai, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được chuyển từ hỗ trợ tình thế, vụ việc, sang xây dựng biện pháp tổng thể, cả ngắn hạn và dài hạn; quy mô chính sách phù hợp năng lực quốc gia, đảm bảo nguyên tắc ổn định kinh tế vĩ mô, phối hợp chính sách, đặc biệt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ và chính sách vĩ mô khác. Chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế của Quốc hội là một minh chứng rõ nét (4).

Tổng mức hỗ trợ tài khóa, tiền tệ và các hỗ trợ khác của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vào khoảng 350 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,23% GDP (5). Theo đánh giá của Chính phủ, việc thực hiện các chính sách để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được dự báo góp phần tăng trưởng GDP tăng thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5%-7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; bảo đảm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức ổn định khoảng 2%-3%. Cụ thể, quy mô và nguồn lực Chương trình được phân bổ như Bảng 1.

Bảng 1: Quy mô nguồn lực Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA

240.000 tỷ đồng hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, bao gồm:

64.000 tỷ đồng

Giảm thuế, phí, lệ phí

176.000 tỷ đồng

Chi đầu tư phát triển

14.000 tỷ đồng

Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở khám chữa bệnh ở những nơi cần thiết, nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống y tế cơ sở; tăng cường năng lực y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của viện và bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc-xin trong nước và thuốc điều trị Covid-19.

5.000 tỷ đồng

Cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội, bao gồm: (i) Bổ sung cấp bù lãi suất và phí quản lý để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thực hiện Chương trình theo cơ chế quy định tại Quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội (2.000 tỷ đồng); (ii) Hỗ trợ lãi suất cho đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm (tối đa 3.000 tỷ đồng).

3.150 tỷ đồng

Đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ giúp xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm.

40.000 tỷ đồng

Hỗ trợ lãi suất (2%/năm) thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

300 tỷ đồng

Cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch.

113.550 tỷ đồng

Phát triển kết cấu hạ tầng: giao thông, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.

6.600 tỷ đồng

Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.

38.400 tỷ đồng

Tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm; học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ VÀ CHÍNH SÁCH KHÁC

46.000 tỷ đồng

Nhập khẩu vắc - xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cần thiết.

5.000 tỷ đồng

Phát triển hạ tầng viễn thông, internet, trong đó sử dụng tối đa 1 nghìn tỷ đồng để trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” (từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam).

5.000 tỷ đồng

Để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải mã công nghệ; mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp).

Điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất; điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu chính phủ và để các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư trái phiếu chính phủ.

Nguồn: Tổng hợp từ Nghị quyết số 43/2022/QH15

Thứ ba, thiết kế chính sách bảo đảm tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, đúng và trúng, hỗ trợ cả phía cung và cầu; khả năng hấp thụ nhanh, dễ kiểm tra giám sát, trách nhiệm rõ ràng. Theo đó, tùy vào từng hoàn cảnh khó khăn, tác động của dịch bệnh để xác định đúng đối tượng và nhu cầu cần hỗ trợ, tập trung giải quyết ngay, kịp thời các khó khăn cấp bách (như: tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền...) ưu tiên ngành, lĩnh vực (du lịch, hàng không); bảo đảm an sinh xã hội, tập trung vào người lao động, người nghèo...; phân bổ nguồn lực tập trung vào các đối tượng, dự án có khả năng hấp thụ nhanh, hoàn thành sớm và dễ tiếp cận. Thực tế đã chỉ ra rằng, những chính sách dễ dàng thực hiện được ngay, ít thủ tục, ít điều kiện và trực tiếp hỗ trợ hay bù đắp khó khăn cho doanh nghiệp được đánh giá cao về tính hữu ích và tốc độ thực thi nhanh. Một kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp, người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và Báo điện tử VnExpress công bố tháng 9/2021 đã cho thấy rõ điều này (Hình 2).

Hình 2: Mức độ hiệu quả của Top 5 chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do Covid-19

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp: Bài học kinh nghiệm từ hoạt động của Quốc hội trong chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ báo cáo của Ban IV

Ngược lại, chính sách tốt, nhưng nếu điều kiện quá bất cập, không phù hợp, thì doanh nghiệp khó thụ hưởng (6). Ví dụ: việc tiếp cận nguồn vốn rẻ với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% khá khó khăn, do doanh nghiệp khó đáp ứng được các điều kiện cho vay. Có doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay. Có hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp, song không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vì lý do địa phương chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp…

Thứ tư, các biện pháp cần hướng đến đa mục tiêu: vừa hỗ trợ khó khăn doanh nghiệp, người lao động, giải quyết vấn đề xã hội, vừa tạo dựng hạ tầng kinh tế và phòng chống dịch; đồng thời, thúc đẩy tận dụng cơ hội mới chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Ví dụ: chính sách về nhà ở xã hội và hỗ trợ tiền thuê nhà theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa nhằm chia sẻ khó khăn cho người lao động, thu hút người lao động quay lại làm việc, vừa giúp phục hồi nhanh sản xuất, kinh doanh, tạo hệ sinh thái cho thu hút lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; chính sách chi đầu tư phát triển vừa tạo ra thị trường cho doanh nghiệp, vừa khắc phục yếu kém và nâng cao hạ tầng y tế - xã hội - môi trường, đầu tư hạ tầng kinh tế cho phát triển, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Thứ năm, sự cầu thị, lắng nghe, tích cực tham vấn rộng rãi đối tượng chịu tác động và chuyên gia; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân, sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng. Trong quá trình xây dựng và soạn thảo Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021: Phục hồi và phát triển bền vững” vào ngày 05/12/2021. Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức trong nước và quốc tế. Kết quả thảo luận, tham vấn tại Diễn đàn tạo nền tảng quan trọng cho việc soạn thảo và thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chính phủ (2022), Nghị quyết số 11/NQ - CP, ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

2. Chính phủ (2022), Tờ trình số 02/TTr - CP, ngày 02/01/2022 về Chính sách tài khoá tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

3. Quốc hội (2021), Nghị quyết số 30/2021/NQ-QH15, ngày 28/7/2021 về Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

4. Quốc hội (2021), Nghị quyết số 41/2021/QH15, ngày 13/11/2021 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

5. Quốc hội (2022), Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

6. Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (2022), Báo cáo đánh giá việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

7. Ủy ban Xã hội của Quốc hội (2022), Báo cáo số 1229/BC - UBXH15, ngày 24/10/2022.


(1) Theo báo cáo số 1229/BC-UBXH15, ngày 24/10/2022 của Ủy ban Xã hội của Quốc hội

(2) Nghị quyết số 30/2021/NQ-QH15, ngày 28/7/2021 về Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

(3) Nghị quyết số 41/2021/QH15, ngày 13/11/2021 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

(4) Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

(5) Theo báo cáo của Chính phủ tại Tờ trình số 02/TTr-CP, ngày 02/01/2022 về Chính sách tài khoá tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngoài Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ trong dịch Covid-19 khác có quy mô khoảng 269.000 tỷ đồng (3,2% GDP); tổng cộng quy mô các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong thời gian vừa qua là khoảng 7,44% GDP.

(6)Theo báo cáo của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tháng 9/2022 đánh giá việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phan Đức Hiếu

Ủy viên Thường trực - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

(Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 1+2, tháng 01/2023)