Lê Ngọc

Nguyễn Minh Tuấn

Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Thị trường xăng dầu Việt Nam khá phức tạp với hơn 33 đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu, nhiều đầu mối quản lý và chính sách luôn đi sau sự biến động trong cung cầu. Đặc biệt, trong thời điểm biến động lớn về cung cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 xảy ra vào năm 2019 và chiến tranh Nga – Ukraina vào tháng 02/2012, một số doanh nghiệp phải đóng cửa khi tình trạng thiếu xăng dầu kéo dài. Đây là khoảng thời gian có sự biến động lớn về tần suất thay đổi và biên độ biến động giá cả lớn khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn. Bài viết tập trung phân tích thực trạng, nguyên nhân kết quả hoạt động kinh doanh của một số công ty trong chuỗi cung ứng xăng dầu tại Việt Nam, qua đó, đề xuất một số giải pháp khắc phục để nâng cao khả năng hoạt động của các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này.

Từ khóa: kết quả hoạt động kinh doanh, công ty, chuỗi cung ứng xăng dầu, Việt Nam

Summary

Vietnam’s petroleum market is quite complex, with more than 33 petroleum trading units and many management focal points, and the policies are always behind supply and demand fluctuations. In particular, during the dominant fluctuation in supply and demand, in the context of the Covid-19 pandemic in 2019 and the Russia-Ukraine war in February 2012, some businesses had to close when the gasoline shortage lasted long. It is a period of terrific fluctuations in the frequency of changes and large amplitude of price fluctuations, causing many petroleum businesses to fall into extremely challenging situations. The article focuses on analyzing the current situation and causes of the business performance of some companies in the petroleum supply chain in Vietnam, thereby proposing several solutions to improve the operational capabilities of business units in this field.

Keywords: business performance, company, petroleum supply chain, Vietnam

ĐẶT VẤN ĐỀ

Sự bùng nổ nhu cầu toàn cầu và thuận lợi của thương mại quốc tế cùng tính không linh hoạt trong chuỗi cung ứng của ngành dầu khí và xăng dầu đã khiến việc quản lý ngành này trở nên phức tạp và thách thức hơn (Coia, 1999; Morton, 2003). Theo Werner Paratorius, chủ tịch bộ phận hóa dầu của Tập đoàn hóa chất BASF (Đức), quản lý chuỗi cung ứng là xương sống của một doanh nghiệp nơi chi phí hậu cần có thể lớn hơn chi phí sản xuất (Whitfield, 2004). Do đó, các công ty đã nhận ra rằng, hiệu quả của chuỗi cung ứng được cải thiện sẽ giúp tiết kiệm chi phí rất nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực hậu cần; chúng được ước tính chiếm trung bình từ 10 đến 20% doanh thu (Hamilton, 2003). Ngoài ra, các công ty tin rằng, chuỗi cung ứng mà họ tham gia với tư cách là khách hàng và nhà cung cấp sẽ tạo ra sự cạnh tranh hơn là các công ty riêng lẻ (Whitfield, 2004; Lange, 2004; Morton, 2003; Bianchi, 2003; Coia, 1999). Đây là lý do mà ngành xăng dầu toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn phát triển để quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng của mình.

Tại Việt Nam, xét trên góc độ của hạ nguồn, thì kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu tại Việt Nam vẫn chưa hiệu quả. Hiện nay, các nghiên cứu và thảo luận về vấn đề này còn hạn chế. Do đó, việc nghiên cứu và phân tích kết quả hoạt động kinh doanh của các công ty trong chuỗi cung ứng xăng dầu tại Việt Nam nhằm chỉ ra các nguyên nhân dẫn tới sự thiếu hiệu quả trong hoạt động để có các giải pháp cải thiện là rất cần thiết, đặc biệt là tại chuỗi cung ứng hạ nguồn. Đây cũng là lý do nhóm tác giả lựa chọn đề tài nghiên cứu này.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bài viết áp dụng phương nghiên cứu định tính trên cơ sở thu thập và tổng hợp dữ liệu thứ cấp từ các báo cáo thường niên của 4 Công ty xăng dầu có quy mô hoạt động kinh doanh lớn, như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam – Công ty Cổ phần (PVOIL), Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ - Công ty Cổ phần (Thanh Lễ - Thalexim) và Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex). Ngoài ra, một số thông tin khác được thu thập và tổng hợp từ các báo và tạp chí trên internet. Các dữ liệu thu thập được tổng hợp và xử lý phân tích thông qua hình thức thống kê mô tả, so sánh, phân tích tổng hợp để làm rõ kết quả nghiên cứu.

THỰC TRẠNG CHUỔI CUNG ỨNG KINH DOANH XĂNG DẦU TẠI VIỆT NAM

Thực trạng chuỗi cung ứng thị trường xăng dầu Việt Nam

Tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trên cả nước dao động trong khoảng 20,5-21 triệu m3/tấn mỗi năm. Trong đó, nguồn cung xăng dầu sản xuất trong nước chủ yếu được cung cấp bởi 2 đơn vị chính là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Tuy nhiên, nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng khoảng 70%, còn lại 30% phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm từ các nước ngoài (Tú Uyên, 2023).

Theo số liệu tổng hợp tính đến năm 2023, tại Việt Nam có tổng cộng 33 doanh nghiệp đầu mối được cấp phép kinh doanh sản phẩm xăng dầu, trong đó, thị phần của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tập trung chủ yếu ở 5 đơn vị gồm: Petrolimex, PVOIL, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro), Thanh Lễ - Thalexim và Petimex. Tổng thị phần của các đơn vị này chiếm đến khoảng 88% thị phần xăng dầu Việt Nam năm 2022. Trong 5 đơn vị này, Petrolimex là công ty chiếm thị phần lớn nhất với khoảng 50% tổng thị phần thị trường xăng dầu trong nước (Lam Phong, 2023).

Thị trường xăng dầu Việt Nam vận hành khá phức tạp với nhiều đầu mối quản lý và chính sách luôn đi sau sự biến động trong cung cầu. Trong giai đoạn 2019-2023, thị trường kinh doanh xăng dầu trong nước có những diễn biến hết sức phức tạp, như: tần suất và biên độ giá cả tăng cao, thiếu hụt xăng dầu vẫn tái diễn cục bộ ở một số địa phương, doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung, hàng dự trữ lưu thông có thời điểm không đạt, biến động giá xăng dầu trong nước luôn chậm hơn so với xu hướng chung của thế giới, tốc độ tăng giảm không đồng bộ. Ngoài ra, các quy định của Chính phủ về chi phí và định mức lợi lợi nhuận còn nhiều bất cập, việc sử dụng quỹ bình ổn chưa công khai minh bạch. Trong giai đoạn này, năm 2022 là một năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trong nước. Đặc biệt, ở những thời điểm nhạy cảm vào cuối năm, khi dự trữ xăng dầu không đảm bảo và tình trạng thiếu xăng dầu đã lan rộng trên nhiều địa phương, khiến người dân phải đi khắp nơi xếp hàng dài để mua xăng dầu. Cuộc sống người dân và ngành vận tải bị ảnh hưởng nặng nề và tình trạng này còn kéo dài đến đầu năm 2023 (Mạnh Đức, 2023).

Khó khăn và thách thức

Xu thế chuyển đổi năng lượng trên thế giới và tại Việt Nam

Trước nguy cơ nhiên liệu hóa thạch đang trở nên khan hiếm, cùng với những hệ quả đối với môi trường, nhiều nước trên thế giới đẩy mạnh phát triển các loại năng lượng thay thế, nhất là năng lượng tái tạo. Trong nhiều năm trở lại đây, Liên minh châu Âu (EU) liên tục tuyên truyền và triển khai việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng có lượng khí thải carbon thấp. Các nước EU đã bỏ phiếu cho Hiệp định khí hậu Paris nhằm mục đích hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2oC, bao hàm cả việc giảm nhu cầu đối với sử dụng nhiên liệu hóa thạch và dầu mỏ. Trên phạm vi toàn cầu, nhiều chính sách được xây dựng nhằm ủng hộ công nghệ năng lượng tái tạo.

Trong thời gian gần đây, với các chính sách khuyến khích của Chính phủ, nguồn năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với những con số ấn tượng. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời đạt 20.670 MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31,508 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống. Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2045, cả nước có trên 75% là năng lượng tái tạo (Lương Bằng, 2022). Xu hướng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo về căn bản sẽ định hình lại mối quan hệ cung - cầu năng lượng trên thế giới, tác động trực tiếp tới lĩnh vực sản xuất, kinh doanh năng lượng, trong đó có ngành xăng dầu, đặt ra những thách thức không nhỏ cho chuỗi sản xuất, cung ứng trong lĩnh vực này.

Sự gia tăng các đầu mối kinh doanh xăng dầu

Trong những năm qua, số lượng công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam đã tăng một cách nhanh chóng và vượt xa các nước trong khu vực. Số liệu tổng hợp của nhóm tác giả cho thấy, con số này là 12 đơn vị vào năm 2011 và tăng lên đến 33 vào năm 2023.

Kết quả tổng hợp cũng chỉ ra rằng, số lượng công ty đầu mối trong kinh doanh xăng dầu trên thế giới nói chung và trong khu vực châu Á nói riêng đều nhỏ hơn rất nhiều so với số công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối tại Việt Nam (Bảng 1). Trong một thị trường nhỏ bé với rất nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu và khó quản lý chất lượng sản phẩm như thị trường kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam, đã tạo ra một môi trường kinh doanh rất manh mún và phức tạp về mặt hệ thống. Trong khi đó, trên thực tế, chỉ với năng lực của nhóm các đầu mối tốp đầu về thị phần, như: Petrolimex, PVOIL, Thanh Lễ và Petimex với tổng thị phần trên 80%, thì nhóm này hoàn toàn đủ năng lực để kinh doanh và phân phối cho thị trường xăng dầu toàn quốc.

Bảng 1: Số lượng công ty đầu mối và sản lượng tiêu thụ xăng dầu tại các quốc gia năm 2022

STT

Tên nước

Số lượng công ty đầu mối

Sản lượng tiêu thụ (thùng/ngày)

1

Trung Quốc

3

12.791.553

2

Nhật Bản

5

4.012.877

3

Thái Lan

5

1.302.000

4

Singapore

6

1.357.000

5

Philipin

7

429.000

6

Hàn Quốc

7

2.605.440

7

Indonesia

9

1.623.000

8

Malaisia

10

708.000

9

Việt Nam

33

478.000

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả

Giá xăng biến động với biên độ lớn

Trong những năm gần đây, giá xăng dầu đã có những thay đổi liên tục, có diễn biến tăng giảm khá phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá cả thay đổi với biên độ lớn và có thời điểm lập liên tiếp các kỷ lục lịch sử về giá xăng dầu ở mức thấp. Vào tháng 2/2022, chiến tranh giữa Nga - Ukraine nổ ra đã làm cho lĩnh vực năng lượng toàn cầu bị ảnh hưởng rất lớn, lạm phát xảy ra khắp nơi trên thế giới khiến giá xăng dầu tăng mạnh, điều này dẫn đến việc giá xăng dầu trong nước cũng tăng cao và nhiều doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả trong thời gian này phải đóng cửa hàng loạt cửa hàng xăng dầu. Do hoạt động thua lỗ trong kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã giảm chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy hàng của các đại lý, từ đó, càng làm trầm trọng thêm tình trạng các doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh (Tạp chí Công Thương, 2022).

Chính sách thắt chặt tiền tệ khiến lãi suất liên tục tăng và giảm khả năng tiếp cập vốn vay ngoại tệ

Lạm phát tăng vọt vào năm 2021-2022 đã thách thức các cam kết của các ngân hàng trung ương (NHTW) trên thế giới về ổn định giá cả, cũng như tính hiệu quả của các khuôn khổ và công cụ chính sách theo cách chưa từng có kể từ thập niên 1970. Trong bối này, một loạt ngân hàng trung ương các nước, như: FED và BOE phải tăng lãi suất để siết chặt nguồn cung tiền. Việt Nam cũng áp dụng chính sách tương tự nhằm ổn định tình hình trong nước và tỷ giá hối đoái (MN, 2022). Tuy nhiên, một trong những mặt trái của chính sách này là tác động tiêu cực lên các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành xăng dầu nói riêng, làm đội chi phí lên cao và giảm biên độ lợi nhuận mạnh mẽ. Điều này đã gây ra những áp lực cho nền kinh tế và hệ thống ngân hàng. Các thương nhân đầu mối khó vay vốn ngân hàng hơn do room tín dụng hạn chế, đặc biệt là room ngoại tệ USD, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp không thể nhập khẩu xăng dầu.

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA MỘT SỐ DOANH NGHIỆP KINH DOANH XĂNG DẦU TẠI VIỆT NAM

Phạm vi nghiên cứu này tập trung vào chuỗi cung ứng ở hạ nguồn của 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn với tổng thị phần chiếm khoảng trên 80% thị phần toàn quốc, bao gồm các quá trình: dự báo, sản xuất và quản lý hậu cần trong việc cung cấp các sản phẩm xăng dầu cho khách hàng tiêu dùng trên toàn quốc.

Bảng 2: Lợi nhuận sau thuế (LNST) và chỉ số giá trị LNST trên vốn sở hữu (ROE) của 4 công ty cung ứng xăng dầu giai đoạn 2019-2023

Đơn vị: Tỷ đồng

TT

Đơn vị

Chỉ tiêu

2019

2020

2021

2022

2023

Bình quân năm

1

Petrolimex

LNST

4.676

1.252

3.123

1.942

3.077

2.814

ROE (%)

19,1

5,2

11

6,85

10,5

10,53

2

Pvoil

LNST

325

-166

773

723

621

455

ROE (%)

3

-1,6

7,1

6,40

5,5

4,08

3

Petimex

LNST

116,2

-107,6

135,8

104,3

58,2

61,4

ROE (%)

9,48

-10,37

12,19

8,69

0,28

4,05

4

Thanh Lễ

LNST

86

32,3

107,7

43

121

78

ROE (%)

3,44

1,30

4,01

1,65

4,44

2,97

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả

Bảng 3: Chi phí và vòng quay hàng tồn kho của 4 công ty cung ứng xăng dầu giai đoạn 2019-2023

Đơn vị: Đồng

TT

Chỉ tiêu

2019

2020

2021

2022

2023

Bình quân năm

1

Petrolimex

- Chi phí (đồng/lít)

677

734

782

833

913

788

- Vòng quay hàng tồn kho (vòng)

20,2

13,2

17,6

25,6

22,4

19,8

2

PVOIL

- Chi phí (đồng/lít)

1.070

875

876

924

768

903

- Vòng quay hàng tồn kho (Vòng)

38

22,5

24,8

36,3

27,8

30

3

Petimex

- Chi phí (đồng/lít)

872,5

667,7

601,8

768

546

691

- Vòng quay hàng tồn kho (vòng)

17,4

9,9

10,3

18,5

13,7

14

4

Thanh Lễ

- Chi phí (đồng/lít)

387

241,7

157

344

273

280,5

- Vòng quay hàng tồn kho (Vòng)

6,8

5,2

4,9

11,2

7,8

6,8

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả

Căn cứ vào chỉ số LNST tại Bảng 1, Bảng 2 cho thấy, Petrolimex là đơn vị dẫn dầu thị phần với tỷ lệ khoảng 50% thị phần toàn quốc, với lợi thế về quy mô và bề dày kinh nghiệm, đa dạng trong ngành nghề và dịch vụ, cũng như có một văn hóa doanh nghiệp rất rõ nét, luôn được quan tâm và không ngừng phát triển. Nhờ đó, kết quả kinh doanh của Petrolimex tốt hơn nhiều so với các đơn vị còn lại. Lợi nhuận sau thuế bình quân trong 5 năm qua của đơn vị này đạt 2.814 tỷ đồng và ROE đạt 10,53%. Trong khi đó, 2 chỉ số liên quan đến hiệu quả chuỗi cung ứng cho hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu cũng đạt giá trị tương đối tốt. Chi phí đồng/lít bình quân hàng qua kho của đơn vị này là 788 đồng/lít và số vòng quay hàng tồn kho bình quân đạt 19,8 vòng/năm. (Kết quả phân tích này có được dựa trên số liệu Bảng 2 là tương đối chính xác, tuy có một vài đơn vị bóc tách chi phí kinh doanh xăng dầu không đầy đủ).

Đối với PVOIL, đơn vị đứng thứ 2 về thị phần, trong những năm qua, hiệu quả kinh doanh xăng dầu chỉ đạt mức khá so với các đơn vị còn lại khi các chỉ tiêu tài chính cũng chỉ đạt ở mức trung bình. Hiện nay, PVOIL chiếm 20% thị phần kinh doanh xăng dầu toàn quốc. Từ số liệu thống kê Bảng 2 và 3 cho thấy, LNST bình quân năm trong 5 năm qua là 455 tỷ đồng và giá trị ROE chỉ là 4,08, thấp hơn nhiều so với Petrolimex. Đáng chú ý, dù các chỉ tiêu tài chính chỉ ở mức trung bình so với các đơn vị còn lại, nhưng 2 giá trị liên quan đến hiệu quả chuỗi cung ứng cho hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu là chi phí hàng qua kho và số vòng quay hàng tồn kho vẫn cao hơn các đơn vị khác, trong đó, số vòng quay hàng tồn kho bình quân đạt cao nhất trong số 4 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu nói trên (30 vòng/năm). Điều này chứng tỏ doanh nghiệp có khả năng bán hàng nhanh, đơn vị có tính năng động trong công tác xuất nhập, hàng ít bị ứ đọng.

Petimex là một trong những đơn vị chủ lực tham gia chương trình góp phần bình ổn thị trường nhiên liệu trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang…), là một trong những doanh nghiệp năng động, đóng góp nhiều nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, doanh nghiệp này cũng gặp nhiều khó khăn do thị trường biến động mạnh. Theo kết quả tổng hợp từ các báo cáo thường niên trong giai đoạn từ năm 2019-2023, LNST bình quân của Petimex đạt 61,4 tỷ và giá trị ROE bình quân chỉ đạt 4,05%. Thêm vào đó, 2 giá trị liên quan đến hiệu quả chuỗi cung ứng chỉ tính cho hoạt động kinh doanh xăng dầu, chi phí hàng qua kho đạt mức tương đối thấp so với các đơn vị khác trong ngành, tuy nhiên, giá trị số vòng quay hàng tồn kho lại rất nhỏ (14 vòng/năm). Điều này cho thấy, doanh nghiệp bán hàng chậm và hàng tồn kho bị ứ đọng, dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh thấp.

Hoạt động kinh doanh xăng dầu của Thalexim cũng vô cùng khó khăn. Tác động bất lợi của Covid-19 có thể là nguyên nhân những khó khăn của Công ty trong năm 2020, khi nhiều doanh nghiệp cùng ngành cũng trong cảnh giảm lãi. Song, cả trong những năm trước đó, hiệu quả kinh doanh của Thanh Lễ cũng không mấy khả quan. Chẳng hạn năm 2018, Thalexim ghi nhận LNST của công ty mẹ đạt 119,8 tỷ đồng, còn năm 2019 khoản lợi nhuận này giảm 34,5%, xuống còn 77,9 tỷ đồng. Giá trị ROE bình quân trong 5 năm qua là 2,97%. Qua 2 chỉ số liên quan đến hiệu quả chuỗi cung ứng cho hoạt động kinh doanh xăng dầu có thể thấy, mặc dù chi phí hàng qua kho của doanh nghiệp này tương đối thấp (280 đồng/lít) so với các đơn vị khác, nhưng số vòng quay hàng tồn kho bình quân quá thấp (6,8 vòng/năm). Điều này chỉ ra rằng, doanh nghiệp bán hàng quá chậm và hàng tồn kho bị ứ đọng, dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh được hiệu quả hơn trong thời gian tới, đòi hỏi cần có các giải pháp đồng bộ từ cả các cơ quan chức năng Nhà nước cùng các chính sách, chiến lược của các doanh nghiệp. Từ các kết quả phân tích thực trạng và tình hình kinh doanh như trên, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng xăng dầu Việt Nam như sau:

Giảm đầu mối kinh doanh xăng dầu

Thực tế cho thấy, các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối chủ yếu thuê kho, bể chứa xăng, dầu để làm điều kiện xin cấp giấy phép và giấy xác nhận. Nhiều đầu mối, thương nhân phân phối chỉ thuê kho, bể chứa xăng, dầu theo mùa vụ để giảm chi phí, qua mặt cơ quan quản lý. Nhiều hợp đồng thuê kho, bể chứa không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng... ảnh hưởng tới nguồn cung của thị trường. Do đó, việc giảm số lượng kinh doanh xăng dầu sẽ là cơ hội tăng thị phần và doanh thu, lợi nhuận cho các đầu mối có hiệu quả còn lại.

Đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới văn hóa doanh nghiệp

Công nghệ thông tin phức tạp cũng rất cần thiết cho ngành dầu khí, xăng dầu do nhu cầu bảo mật. Các công ty dầu khí vận chuyển rất nhiều sản phẩm nguy hiểm và các đối tác trong chuỗi cung ứng (nhà cung cấp và khách hàng) phải biết vị trí của từng lô hàng tại bất kỳ thời điểm nào để cân đối lượng hàng bán và áp dụng chiêu thức kinh doanh JIT (just in time) để đảm bảo giảm thiểu lượng hàng tồn kho. Thêm vào đó, quy trình tích hợp, hệ thống thông tin và chia sẻ thông tin, tái cơ cấu tổ chức và định hướng lại văn hóa doanh nghiệp cũng quan trọng không kém (Ikram, 2004). Do đó, việc cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng trong ngành dầu khí cần có một triết lý mới về hợp tác, ngay cả khi điều này có nghĩa là phải làm việc với các đối thủ cạnh tranh (Young, 2005). Do đó, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp xăng dầu Việt Nam cần tăng cường đưa hoạt động chuyển đổi số vào nề nếp và triển khai ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động chuỗi cung ứng phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Đồng thời, hình thành nhận thức, xây dựng văn hóa doanh nghiệp đậm tính kết nối, chia sẻ với các bên liên quan và kể cả đối thủ cạnh tranh đề cùng nhau tham gia và vận hành chuỗi cung ứng xăng dầu một cách hiệu quả nhất.

Tăng cường liên minh chuỗi cung ứng

Trong một ngành công nghiệp thuộc loại hàng hóa đặc thù như dầu mỏ và hóa dầu, nguồn gốc của hàng hóa thường không được khách hàng cuối cùng quan tâm miễn là hàng hóa đó tuân thủ các thông số kỹ thuật yêu cầu và việc giao hàng đó được thực hiện đúng thời hạn đã hứa. Do đó, các công ty dầu mỏ và hóa dầu cạnh tranh hình thành các liên minh chuỗi cung ứng khi giao hàng cho khách hàng nhằm giảm chi phí vận chuyển và tồn kho, cũng như cải thiện dịch vụ khách hàng. Từ đó, sẽ giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển trong tổng thể cung ứng chuỗi nhờ được chia sẻ giữa các công ty tham gia. Hình thức hợp tác này được gọi là trao đổi lô hàng (Morton, 2003), được thực hiện thông qua việc nhập một chuyến hàng lớn với giá thành thấp hơn, giúp giảm được chi phí, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Công ty cổ phần Thương mại Đồng tháp (Petimex) (2019-2023), Báo cáo tài chính các năm từ năm 2019 đến 2023.

2. Bianchi, M. (2003), Getting to the route, ACN: Asian Chemical News, September, 19.

3. Coia, A. (1999), Integrating oil’s supply chain, Traffic World, 259, 2.

4. Hamilton, S. (2003), Must chemical companies outsource logistics to save money? GL&SCS.

5. Ikram, A. (2004), Supply chain management in the oil and gas sector, Supply Chain Update, University of Wisconsin-Madison School of Business.

6. Kotter, J.P., Heskett, J.L. (1992), Corporate Culture and Performance, New York: Free Press.

7. Lam Phong (2023), 5 công ty đầu mối chiếm 88% thị phần cung ứng xăng dầu, VESS nêu giải pháp để tăng tính cạnh tranh trên thị trường, truy cập từ https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/5-cong-ty-dau-moi-chiem-88-thi-phan-cung-ung-xang-dau-vess-neu-giai-phap-de-tang-tinh-canh-tranh-tren-thi-truong-post324713.html.

8. Lange, C. (2004), Extreme makeover: Supply chain edition, Chemical Market Report, 266(16), 21.

9. Lương Bằng (2022), Bùng nổ điện gió, điện mặt trời, Việt Nam top đầu Đông Nam Á, truy cập từ https://vietnamnet.vn/bung-no-dien-gio-dien-mat-troi-viet-nam-top-dau-dong-nam-a-811431.html.

10. Mạnh Đức (2023), Thị trường xăng dầu: Một năm “dị biệt”, truy cập từ https://vneconomy.vn/thi-truong-xang-dau-mot-nam-di-biet.htm.

11. Morton, R. (2003), Good chemistry in the supply chain, Logistics Today, 44 (10), 30.

12. MN (2024), Chính sách tiền tệ ứng phó với lạm phát hậu đại dịch: Thách thức và bài học cho tương lai, truy cập từ https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/m/menu/trangchu/ddnhnn/nctd/nctd_chitiet?leftWidth=0%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV589461&rightWidth=0%25¢erWidth=100%25&_afrLoop=56970448504412466#%40%3F_afrLoop%3D56970448504412466%26centerWidth%3D100%2525%26dDocName%3DSBV589461%26leftWidth%3D0%2525%26rightWidth%3D0%2525%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dxlflznc9p_9.

13. Tạp chí Công Thương (2022), Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu "khó chồng khó", Bộ Công Thương đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ để đảm bảo nguồn cung, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/doanh-nghiep-kinh-doanh-xang-dau-kho-chong-kho-bo-cong-thuong-de-xuat-nhieu-giai-phap-thao-go-de-dam-bao-nguon-cung-99660.htm.

14. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) (2020-2024), Báo cáo tài chính các năm từ năm 2019 đến 2023.

15. Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ (2020-2024), Báo cáo tài chính các năm từ năm 2019 đến 2023.

16. Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) (2020-2024), Báo cáo tài chính các năm từ năm 2019 đến 2023.

17. Tú Uyên (2023), Việt Nam chi hơn 17 tỉ USD nhập xăng dầu, dầu thô trong năm 2022, truy cập từ https://plo.vn/viet-nam-chi-hon-17-ti-usd-nhap-xang-dau-dau-tho-trong-nam-2022-post729710.html

18. Whitfield, M. (2004), A stronger link, European Chemical News, 81, 2116, R12.

19. Worldometer (2022), Oil Consumption by Country, retrieved from https://www.worldometers.info/oil/oil-consumption-by-country/.

20. Young, I. (2005), Industry eyes big savings from supply chain collaboration, Chemical Week, 167(36), 10.

Ngày nhận bài: 27/5/2024; Ngày phản biện: 02/7/2024; Ngày duyệt đăng: 26/7/2024