Chống hàng giả, hàng nhái: Bắt đầu từ nhận thức!
Ngày 22/12/2016, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp với cuộc chiến chống vi phạm nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam”.
Báo động về tình trạng vi phạm nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lại Hợp Nhân, Phó Tổng Biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ, kiểu dáng và nhãn hiệu hàng hóa ở nước ta hiện nay đã đến mức báo động. Thống kê cho thấy, trong 10 năm gần đây, lực lượng quản lý thị trường trong cả nước đã xử lý hàng ngàn vụ làm hàng giả, hàng nhái vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hàng hóa với tổng số tiền xử phạt lên đến hàng trăm tỷ đồng.
“Gần như không còn mặt hàng dân dụng nào là không bị làm nhái, từ xe máy, hàng điện tử, điện lạnh, hóa mỹ phẩm, đến dược phẩm, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm…”, ông Nhân cho biết.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Đỗ Thanh Lam cho biết, hàng giả hàng nhái và vi phạm sở hữu nhãn hiệu vẫn đang tiếp tục gia tăng; quy mô, tính chất, thì ngày càng nghiêm trọng. Thực trạng này không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính.
“Bởi, những doanh nghiệp làm ăn chân chính phải đầu tư rất nhiều cho công nghệ, nhân lực… trong khi làm giả, thì giá thành rẻ hơn do mức độ đầu tư ít”, ông Lam bức xúc.
Tình trạng vi phạm nhãn hiệu hàng hóa ngày càng gia tăng |
Lấy dẫn chứng ở chính doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Công Suất, Giám đốc Công ty Chế biến Dầu thực vật và Thực phẩm Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi sản xuất dầu gấc mang nhãn hiệu Vinaga. Sau khi ra đời 3-4 năm, thì đã có rất nhiều hàng giả, hàng nhái. Bằng cách thêm bớt chính tả, mà hiện nay có tới hơn 30 loại dầu gấc mang nhãn hiệu tương tự, gây nhầm lẫn với sản phẩm của chúng tôi”.
Hay như trường hợp của Công ty Pentax Việt Nam, ông Nguyễn Quang Ngọc, Đại diện Công ty này cho biết, hiện nay có đến hơn 80% sản phẩm của chính hãng bị làm giả, làm nhái, như: bình chữa cháy, máy bơm nước... “Đây thực sự là ác mộng đối với hãng”, ông Ngọc ngậm ngùi.
Giải thích nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng gia tăng, ông Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, hiện nay chế tài xử lý về vi phạm hàng giả, hàng nhái chưa đủ mạnh, còn mông lung; nhận thức của cả các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn khác biệt.
“Có trường hợp phát hiện lô hàng giả trị giá lên đến 5 tỷ đồng, nhưng cơ quan quản lý chỉ phạt với giá 480 triệu đồng. Với hàng hóa nhập vào Việt Nam “1 lãi 3” mà phạt như vậy là chưa đủ tính răn đe. Nếu cứ để tình trạng này xảy ra, thì đến một lúc doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng sẽ chán nản trong việc tự bảo vệ mình”, ông Ngọc bức xúc.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển Tài sản Trí tuệ (Cục Sở hữu Trí tuệ) cho rằng, quy định pháp luật của Việt Nam về sở hữu trí tuệ cũng còn nhiều vấn đề, khó áp dụng. Ví dụ, doanh nghiệp khi bị xâm phạm quyền không biết đi chỗ nào để kêu, người thì nhờ Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, người thì nhờ công an, người thì nhờ hải quan…
Một lý do khác được ông Bình đưa ra, đó là các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ nhãn hiệu của mình, bởi bản thân các doanh nghiệp khi xây dựng nhãn hiệu không vạch ra một chiến lược lâu dài, mà chỉ nghĩ tới lợi ích trước mắt.
“Số doanh nghiệp thực sự đăng ký nhãn hiệu ở Việt Nam chưa nhiều do chưa thực sự nhận thức được nhãn hiệu chính là tài sản của họ. Chỉ đến khi bị xâm phạm, doanh nghiệp mới nhận thức được giá trị của nhãn hiệu”, ông Bình cho biết.
Ở góc độ khác, ông Đỗ Thanh Lam cho rằng, điều này cũng không thể trách doanh nghiệp, bởi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đều là nhỏ và vừa, nguồn lực và nhận thức về bảo hộ nhãn hiệu hạn chế, nên nhiều khi họ thường bỏ qua việc đầu tư bảo vệ thương hiệu.
Cần nâng cao nhận thức
Theo ông Đỗ Thanh Lam, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái phải bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức cho cả các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân. Bởi, “nếu không làm tốt vấn đề nhận thức, thì có dùng giải pháp gì cũng khó có khả thi”.
Theo đó, ông Lam kiến nghị cần làm tốt công tác tuyên truyền về tác hại của hàng giả hàng nhái đến với 3 đối tượng trên. “Tuyên truyền phải đơn giản, dễ hiểu, thông tin phải đến được cả vùng sâu vùng xa. Hình thức tuyên truyền cần phong phú và đa dạng”, ông Lam nhấn mạnh.
Để nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chống nạn hàng giả, hàng nhái, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Về phía Chính phủ, phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng dễ hiểu, dễ áp dụng, minh bạch, đặc biệt là các chế tài xử phạt để cho doanh nghiệp dễ dàng trong việc xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, cần phải có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong việc chống hàng giả.
Về phía doanh nghiệp, phải biết tự bảo vệ mình, phải coi thương hiệu, nhãn hiệu là tài sản của chính mình.
Cuối cùng, ông Bình cho rằng, người tiêu dùng quyết định tất cả, nên hãy biến mình thành người tiêu dùng thông minh, chọn mua hàng hóa ở nơi đảm bảo chất lượng.
“Nếu làm được như vậy thì chắc chắn hàng giả, hàng nhái sẽ không còn đất sống”, ông Bình nhấn mạnh./.
Bình luận