“Chống nghẽn” tạm thời: Mở giải pháp chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX
Mở giải pháp chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX
Công văn của Chủ tịch UBCK cho biết, Bộ Tài chính đã chấp thuận đề xuất của UBCK tại Tờ trình số 25/TTr-UBCK ngày 02/03/2021 về việc tạm thời chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE sang HNX để giảm tải cho hệ thống giao dịch của HOSE. Theo đó, UBCK thông báo và hướng dẫn 2 Sở cũng như Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (TTLKCK) thực hiện hoạt động này.
Với doanh nghiệp, Công văn số 713 quy định, doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết phải có văn bản yêu cầu, kèm theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc của Đại hội đồng cổ đông gửi cho HOSE và HNX. HNX khẩn trương tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HOSE (không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới). Các cơ chế giao dịch, giám sát giao dịch, quản lý niêm yết, chế độ báo cáo và công bố thông tin… áp dụng chung như với doanh nghiệp niêm yết trên HNX. Chủ tịch UBCK chỉ đạo HOSE, HNX phối hợp trong công tác giám sát giao dịch đối với các cổ phiếu này, để đảm bảo tính liên tục trong công tác giám sát.
Cùng với đó, cổ phiếu của các công ty chuyển giao dịch hiện nằm trong bộ chỉ số VN-Index của HOSE sẽ được đưa ra khỏi bộ chỉ số của HOSE trong thời gian tạm thời chuyển giao dịch sang HNX. Tạm thời chưa xem xét chuyển giao dịch đối với các cổ phiếu của các công ty hiện nằm trong bộ chỉ số VN30.
Cơ chế chuyển giao dịch áp dụng từ 03/03/2021 cho đến khi UBCK có văn bản về việc chấm dứt, khi chuẩn bị xong giải pháp công nghệ giải quyết hiện tượng nghẽn lệnh tại HOSE.
UBCK cũng yêu cầu 2 Sở khẩn trương xử lý để doanh nghiệp có thể chuyển giao dịch tương tự như các trường hợp chuyển niêm yết đã thực hiện từ trước đến nay. Cùng với đó, cần thông tin truyền thông rộng rãi đến doanh nghiệp, công chúng đầu tư về nội dung này.
Cơ chế này được áp dụng việc chuyển sàn là từ ngày 03/03/2021. UBCK sẽ có văn bản về việc chấm dứt cơ chế này khi chuẩn bị xong giải pháp công nghệ giải quyết hiện tượng nghẽn lệnh tại hệ thống giao dịch của HOSE.
Vì sự thông suốt của thị trường, nhiều quan điểm ủng hộ giải pháp nâng lô lên 1.000 cổ phiếu
Hiện tượng quá tải cho hệ thống giao dịch tại HOSE khi thanh khoản và nhà đầu tư mới tăng mạnh đã được dư luận đề cập quá nhiều với rất nhiều nhận xét, nhưng điều cần bàn nhất là giải pháp nào khả thi, đáng thực hiện trong bối cảnh hiện nay.
Hiện tại, sàn HOSE có 400 mã cổ phiếu lên niêm yết. Trong tháng 3 này, sàn HOSE dự kiến đón thêm cổ phiếu mới lên sàn. Trong khi đó tại sàn HNX, số cổ phiếu niêm yết là 354, số cổ phiếu trên UPCoM là 907. Nhà quản lý không đưa ra một quy chuẩn mới, để buộc doanh nghiệp chuyển giao dịch từ sàn này sang sàn khác, mà thuần túy dựa vào sự tự nguyện của doanh nghiệp, nên khả năng có nhiều doanh nghiệp ủng hộ giải pháp này là chưa rõ ràng.
Công văn số 713 quy định, doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết phải có văn bản yêu cầu, kèm theo Nghị quyết của Hội đồng quản trị hoặc của Đại hội đồng cổ đông gửi cho HOSE và HNX. Như vậy, các doanh nghiệp nếu muốn chuyển sàn, cần một khoảng thời gian để đi đến sự thống nhất trong nội bộ và ra được Nghị quyết. Với Nghị quyết Đại hội cổ đông, thời gian có thể cần đến hàng tháng, đó là trong trường hợp các cổ đông cùng đồng thuận với ý tưởng chuyển giao dịch mà HĐQT đưa ra.
Chia sẻ với Kinh tế và Dự báo sáng 3/3/2021, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI cho rằng, rất khó để trông chờ vào sự tự nguyện chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX của doanh nghiệp. “Nếu muốn thực thi giải pháp chuyển sàn, thị trường cần có một quy chuẩn pháp lý chung, một nguyên tắc rõ ràng, chẳng hạn các cổ phiếu thị giá nhỏ (dưới 10.000 đồng chẳng hạn) đều phải chuyển sang HNX giao dịch. Như vậy, đây cũng là giải pháp mất nhiều thời gian, ít nhất cũng vài tháng”, ông Hưng nói.
Chủ tịch SSI cho rằng, giải pháp nâng lô lên 1.000 cổ phiếu là bớt xấu hơn và có tính khả thi nhất lúc này. Nâng bước giá, chuyển một phần giao dịch từ HOSE sang HNX, kể cả nâng lô lên 1.000 cổ phiếu, theo ông Hưng, đều không phù hợp với mục tiêu phát triển thị trường về dài hạn, nhưng “bối cảnh cấp bách cần có giải pháp cấp bách”. “Thị trường cần giữ được tính thị trường và những giải pháp không hoàn hảo thì cần có các giải pháp kèm theo để giảm thiểu sự tác động tiêu cực của giải pháp phải làm”, ông Hưng chia sẻ.
Giải pháp kèm theo trong câu chuyện nâng lô lên 1.000 cổ phiếu, đó là cần khuyến khích và tạo thuận lợi nhất cho các CTCK mua cổ phiếu lô lẻ để bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư. Tham khảo từ một số lãnh đạo công ty chứng khoán trong TOP đầu của Kinh tế và Dự báo chiều ngày 3/3/2021 cho thấy, đa số ủng hộ giải pháp nâng lô lên 1.000, trong bối cảnh hiện nay. Tổng giám đốc MBS Trần Hải Hà chia sẻ: “Không còn cách nào nhanh và khả thi hơn cách này”.
Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt, Nhữ Đình Hòa thì cho rằng, giải pháp nào cũng chỉ là tạm thời, được cái này mất cái khác, mất ít hay nhiều khó mà xác định ngay được. Ông Hòa ủng hộ phương án nếu nâng lô lên 1.000 cổ phiếu thì nên áp dụng vào phiên sáng, còn phiên giao dịch buổi chiều có thể để như hiện nay.
Từ phía nhà đầu tư, khá nhiều người ủng hộ quan điểm nâng lô lên 1.000. Ông Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư gắn bó với TTCK từ ngày đầu tiên cho rằng, đây là giải pháp tình thế tốt nhất lúc này, còn nhà đầu tư không đủ tiền thì có thể chọn giải pháp dung đòn bẩy hoặc đầu tư qua quỹ. Ông Lê Kiên Cường, nhà đầu tư tại TP. HCM cũng cho rằng, giải pháp nâng lô giao dịch là nhanh nhất và hợp lý nhất lúc này.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE và đây đang là thách thức lớn nhất mà ngành chứng khoán phải đối mặt trong hơn 20 năm mở cửa TTCK Việt Nam. Để thị trường vượt qua tình trạng tắc nghẽn, nhà quản lý đang xem xét nhiều hơn một giải pháp, đồng thời mở rộng tương tác, lắng nghe sáng kiến từ thị trường. Chia sẻ đầu năm 2021 với báo chí, Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng nhận định, TTCK năm 2021 phải đối diện với nhiều yếu tố bất định, nhưng ngành chứng khoán sẽ quyết giữ 2 giá trị ổn định, đó là an toàn hệ thống và tính minh bạch trên thị trường./.
Bình luận