Nhiều bất cập, hạn chế

Để chuẩn bị cho sửa Luật Đất đai, theo Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường về các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án mới đây đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: sửa đổi Luật Đất đai phải “thật chín”
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, việc sửa đổi Luật Đất đai phải có tính dự báo, có tầm nhìn dài hạn. Ảnh: Quốc hội

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, hệ thống pháp luật về đất đai hiện nay đã khá đồng bộ, tương đối đầy đủ, chặt chẽ, kịp thời, góp phần phát huy vai trò nguồn lực đất đai làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất...

Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ cũng đồng ý với đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng như ý kiến của các bộ, ngành về những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai như: quản lý nhà nước về đất đai còn một số bất cập, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; nguồn lực về đất đai chưa phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội; tình trạng suy thoái đất đai diễn ra dưới tác động của con người và biến đổi khí hậu.

Những tồn tại, hạn chế trên là do hệ thống pháp luật còn một số bất cập, thiếu đồng bộ, chưa theo kịp diễn biến thực tế và yêu cầu phát triển của đất nước; việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai chưa hiệu quả...

Sửa Luật Đất đai rất khó...

Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận như vậy, bởi Luật Đất đai giữ vị trí trung tâm trong hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai, có tầm quan trọng đặc biệt, phạm vi tác động rất rộng, tính chất phức tạp và rất chuyên sâu. Trong quá trình tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hoá theo hướng hiện đại”, đã cho thấy có nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo trong các luật chuyên ngành với Luật Đất đai, một số nội dung đã lạc hậu, nhiều vấn đề mới đã phát sinh cần được nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan có trách nhiệm phải tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, thực chất về các nội dung sửa đổi Luật Đất đai; tăng cường tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên sâu theo từng vấn đề trên tinh thần càng những nội dung khó, phức tạp thì càng phải thảo luận kỹ lưỡng, thấu đáo, công khai, minh bạch.

“Sửa đổi Luật Đất đai là nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV. Việc sửa đổi Luật phải ‘thật chín’, vừa kịp thời xử lý những vướng mắc đang đặt ra, vừa bảo đảm hệ thống pháp luật về đất đai có tính dự báo, có tầm nhìn dài hạn; hạn chế việc sửa đổi, bổ sung những vấn đề đặc thù, ngắn hạn, mang tính chất tình thế; có tính khả thi cao, bảo đảm tạo hành lang pháp lý ổn định cho công tác quản lý, cũng như sự vận hành của các quan hệ kinh tế, dân sự trong lĩnh vực đất đai...”, ông Vương Đình Huệ gợi mở.

Từ định hướng sửa đổi trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, nghiên cứu các nhóm vấn đề cần sửa đổi, tiếp thu tối đa ý kiến tại cuộc làm việc. Quan trọng nhất là nội hàm của các nhóm chính sách đề xuất sửa đổi như thế nào để tạo chuyển biến căn bản, căn cơ cho việc quản lý, sử dụng đất đai sau khi sửa đổi luật. Tinh thần là tập trung sửa những vấn đề đã rõ, đã chín muồi, những vấn đề chưa đủ rõ thì có thể thí điểm...

“Phải coi trọng việc đánh giá tác động đa chiều, thấu đáo, thận trọng, khách quan, nhất là những vấn đề mới phát sinh, chưa rõ, chưa chín để tạo sự đồng thuận đối với các vấn đề sửa đổi. Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có trách nhiệm đều phải cố gắng lắng nghe càng nhiều càng tốt, hết sức cầu thị, không để lỡ cơ hội lắng nghe được nhiều nhất các ý kiến đóng góp sửa đổi Luật Đất đai...”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý./.