“Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn một số tồn tại, hạn chế…”, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, khi báo cáo kết quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016 – 2021 với Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, khi Đoàn vừa có cuộc làm việc với Chính phủ.

Chưa thực hiện nghiêm lịch tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm, chưa gắn việc tiếp công dân với đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo (nguồn: Quốc hội)

Đề cập đến những hạn chế cụ thể, ông Liêm cho biết, một số địa phương, bộ, ngành chưa thực sự quan tâm đến công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc lịch tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu, chưa gắn việc tiếp công dân với đối thoại giải quyết khiếu nại, tố cáo; trình độ, năng lực, kỹ năng của một số cán bộ trực tiếp tham gia tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, chưa nắm bắt và áp dụng đúng quy định của pháp luật...

Chưa thực hiện nghiêm lịch tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu
Nguyên Phó trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương

Tình trạng chậm thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật chưa được khắc phục, do chưa có quy định cụ thể về cơ chế cưỡng chế thi hành án đối với các trường hợp không tự nguyện thi hành án hành chính.

“Các tồn tại, hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chính sách, pháp luật còn bất cập, nhưng chậm được thay đổi, nhất là chính sách, pháp luật về những lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo như: lĩnh vực đất đai, môi trường. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn chưa thường xuyên; việc chủ động phát hiện vi phạm trong hoạt động công vụ còn hạn chế; việc xử lý các vi phạm còn thiếu kiên quyết, chưa nghiêm, chưa kịp thời…”, ông Liêm cho hay.

Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công, Tổ trưởng Tổ giúp việc của Đoàn giám sát cho biết, một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp đã được các cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm tra, xác minh đẩy nhanh tiến độ và sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo thẩm quyền, đảm bảo thời gian, tiến độ theo yêu cầu...

Tuy nhiên, cũng theo ông Công, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những hạn chế, bất cập như: tình trạng bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân chưa phù hợp; việc phối hợp trong công tác tiếp công dân giữa Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan hành chính các cấp chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Chưa thực hiện nghiêm lịch tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công cho biết, việc quy định tiếp công dân thường xuyên của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp với thực tiễn (nguồn: Quốc hội)

“Đối với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, chất lượng công tác thẩm tra, xác minh trong quá trình giải quyết, nhất là lần đầu của cấp huyện có nơi còn làm chưa kỹ, có sai sót, nên dẫn đến nhiều vụ việc phải xem xét, giải quyết nhiều lần; quyền và lợi ích hợp pháp của công dân chưa được đảm bảo, làm gia tăng tình hình khiếu nại…”, ông Công cho hay.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát, đề nghị Tổ giúp việc tiếp tục làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ, ngành có liên quan, qua đó sớm hoàn thành báo cáo tóm tắt, đưa vào báo cáo những vấn đề đã chín, đã rõ, để Đoàn giám sát chính thức thông qua báo cáo toàn văn, báo cáo tóm tắt trước khi gửi Chính phủ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp diễn ra trong tháng 9 này…/.