Sau khi tiếp nhận ý kiến của Hiệp Hội gỗ và lâm sản Việt Nam và một số doanh nghiệp về vướng mắc trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị giá tăng (GTGT) xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã thực hiện tổng hợp nhanh kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT tại 63 tỉnh.

Theo đó, từ ngày 01/01/2022 đến ngày 17/5/2023, tình hình giải quyết hồ sơ hoàn thuế đối với mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ như sau:

Số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn: 4.760 hồ sơ, tương ứng số tiền đã được hoàn 19.100 tỷ đồng; số hồ sơ doanh nghiệp hủy đề nghị hoàn: 215 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn: 1.514 tỷ đồng, do doanh nghiệp sau khi gửi hồ sơ đề nghị hoàn thì tự rà soát đối chiếu với quy định về hoàn thuế nhận thấy hồ sơ của doanh nghiệp bị thiếu, kê khai sai, cần điều chỉnh số liệu..., nên cần thời gian để xem xét lại hồ sơ, sổ sách chứng từ.

Chuyển cơ quan công an hồ sơ nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đề nghị hoàn thuế giá trị gia

Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 17/5/2023, số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn: 4.760 hồ sơ, tương ứng số tiền đã được hoàn 19.100 tỷ đồng (ảnh: VGP)

Số hồ sơ cơ quan thuế từ chối đề nghị hoàn: 44 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn: 310 tỷ đồng, do cơ quan thuế rà soát, đối chiếu theo quy định của pháp luật, thì thấy doanh nghiệp nộp hồ sơ thiếu, sai mẫu hồ sơ đề nghị hoàn, hồ sơ đề nghị hoàn không đủ thủ tục...

Theo Tổng cục Thuế, qua rà soát thông tin dữ liệu tổng thể của cả ngành Thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ, thì có đến 7.609 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động. Đặc biệt, trong những doanh nghiệp này, có 24 doanh nghiệp nằm trong các vụ án đã khởi tố, điều tra về tội mua bán hóa đơn bất hợp pháp thời gian qua.

Số hồ sơ đề nghị hoàn chưa được cơ quan thuế giải quyết là: 199 hồ sơ, tương ứng số tiền đề nghị hoàn: 1.119 tỷ đồng, tỷ lệ 4,18% so với tổng số hồ sơ cơ quan thuế đã giải quyết hoàn (199/4.760 hồ sơ) do nhiều nguyên nhân như: hồ sơ đang trong thời gian giải quyết theo quy định; doanh nghiệp đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xác minh; do doanh nghiệp chưa cung cấp đủ hồ sơ tài liệu, số liệu...

Cũng theo Tổng cục Thuế, trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, đối với các hồ sơ cần thực hiện xác minh, thì cơ quan thuế chủ yếu xác minh đến doanh nghiệp trung gian bán hàng trực tiếp cho doanh nghiệp hoàn thuế (doanh nghiệp F1). Cụ thể, trong 548 hồ sơ cơ quan thuế thực hiện xác minh các doanh nghiệp trung gian, có 490 hồ sơ xác minh đến doanh nghiệp trung gian F1 (89,4% trên tổng số hồ sơ thực hiện xác minh), 45 hồ sơ xác minh đến doanh nghiệp trung gian F2 (chiếm 8,2% trên tổng số hồ sơ thực hiện xác minh), 3 hồ sơ xác minh đến doanh nghiệp trung gian F3, 5 hồ sơ xác minh đến doanh nghiệp trung gian F4, 5 hồ sơ xác minh đến doanh nghiệp trung gian cuối cùng (người dân, hộ trồng rừng)...

Qua công tác xác minh phát hiện 264 doanh nghiệp trung gian bỏ địa chỉ kinh doanh, tạm dừng hoạt động, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Cụ thể, có 76 doanh nghiệp F1 tạm dừng hoạt động, 56 doanh nghiệp F1 bỏ địa chỉ kinh doanh, 56 doanh nghiệp F2 tạm dừng hoạt động, 60 doanh nghiệp F2 bỏ địa chỉ kinh doanh, 4 doanh nghiệp F3 tạm dừng hoạt động, 5 doanh nghiệp F3 bỏ địa chỉ kinh doanh, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an của 7 doanh nghiệp trung gian.

Trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, cơ quan thuế đã chuyển hồ sơ của 9 doanh nghiệp trực tiếp đề nghị hoàn thuế GTGT mặt hàng gỗ và sản phẩm làm từ gỗ, dăm gỗ, viên nén gỗ sang cơ quan công an để phối hợp điều tra, xác minh (không kể các doanh nghiệp trung gian bán hàng cho doanh nghiệp hoàn thuế nêu trên), do doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng hoá đơn khống để hoàn thuế, doanh nghiệp mua hàng của doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế…/