Cơ chế nào phía sau kỳ tích phát triển và sản xuất vắc xin ngừa Covid-19?
Trong suốt hai năm vừa qua, đại dịch Coronavirus (Covid-19) đã gây ra nhiều hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và sức khoẻ con người, suy thoái kinh tế và cơ cấu xã hội. Hậu quả gây ra bởi dịch bệnh có thể đã tồi tệ hơn nếu như không có sự xuất hiện sớm hơn dự kiến của các loại vắc xin ngừa Covid-19 [1]. Các loại vắc xin, như: Sputnik V (Nga), Pfizer-BioNTech (Mỹ và Đức), Moderna (Mỹ) và AstraZeneca (Anh và Thụy Điển) đã được thử nghiệm thành công và cho phép sử dụng khẩn cấp chỉ sau chưa đầy 1 năm kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Đây có thể được xem như một kỳ tích, vì thông thường quá trình phát triển và sản xuất vắc xin kéo dài khoảng 10 năm. Quá trình sản xuất vắc xin nhanh nhất đã từng được ghi nhận trước vắc xin phòng Covid-19 là vắc xin quai bị cũng mất khoảng 4 năm.
Nghiên cứu sử dụng hệ thống SM3D để trình bày quá trình xử lý thông tin toàn cầu và giải thích tại sao quá trình này lại giúp tạo ra vắc xin ngừa Covid-19 |
Hệ thống lý thuyết SM3D được xây dựng trên nền móng của bộ 3 lý thuyết quản trị và cơ chế sáng tạo, được bắt đầu phát triển bởi người Việt từ khoảng hơn 10 năm trước. |
Mới đây, Nhóm nghiên cứu tới từ Trung tâm nghiên cứu Xã hội liên ngành (Đại học Phenikaa) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có bài nghiên cứu giải thích vì sao vắc xin ngừa Covid-19 lại có thể được phát triển và sản xuất thành công trong thời gian ngắn. Bài nghiên cứu có tên “Covid-19 vaccines production and societal immunization under the serendipity mindsponge-3D knowledge management theory and conceptual framework” (Tạm dịch: Lý giải quá trình sản xuất và tiêm chủng vắc xin Covid-19 dựa trên hệ thống lý thuyết quản trị tri thức serendipity-mindsponge-3D) đã được xuất bản trên Tạp chí khoa học Humanities and Social Sciences Communications, Tạp chí thuần Khoa học Xã hội và Nhân văn duy nhất thuộc Nature Portfolio (nhà xuất bản của Tạp chí khoa học Nature) [2].
Bài nghiên cứu sử dụng hệ thống lý thuyết quản trị kiến thức serendipity-mindsponge-3D (SM3D) để trình bày quá trình xử lý thông tin toàn cầu và giải thích tại sao quá trình này lại giúp tạo ra vắc xin ngừa Covid-19. Hệ thống lý thuyết SM3D được xây dựng trên nền móng của bộ 3 lý thuyết quản trị và cơ chế sáng tạo, được bắt đầu phát triển bởi người Việt từ khoảng hơn 10 năm trước [2-5]. Các tạp chí được xuất bản bởi Nature Portfolio có thể được xem là "anh chị em" của Tạp chí khoa học Nature, một trong những tạp chí hàn lâm uy tín nhất thế giới, nên các tiêu chí chọn lọc và quá trình bình duyệt rất khắt khe. Việc thành công xuất bản hệ thống lý thuyết SM3D trên Tạp chí Humanities and Social Sciences Communications phần nào cho thấy được sức thuyết phục và khả năng lý giải các vấn đề phức tạp có quy mô toàn cầu của một số nhà khoa học người Việt, như quá trình sản xuất vắc xin ngừa Covid-19.
Nhóm tác giả đã chia quá trình phát triển và sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 thành 3 giai đoạn chính. Giai đoạn đầu tiên được gọi là “bộ lọc thông tin”. Trong giai đoạn này, các cá nhân, tổ chức, và chính phủ tiếp thu thông tin có lợi từ nhiều nguồn khác nhau để có được cái nhìn tổng quan về tình hình dịch bệnh cũng như đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vắc xin. Trong quá trình này, việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số cũng như thúc đẩy phong trào khoa học mở để tăng cường chia sẻ thông tin và dữ liệu đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Song song với quá trình thu nhận thông tin là quá trình loại bỏ các thông tin không có nhiều giá trị, hoặc thậm chí “độc hại”, thông qua xây dựng cơ chế kiểm duyệt thông tin, loại bỏ tin giả và rút các bài báo khoa học không đạt chuẩn.
Dựa trên cơ chế sáng tạo 3D, để tối ưu hóa hiệu quả phát triển vắc xin, có 3 nguyên lý cần được tuân theo: 1) Có sự tham gia bởi các chuyên gia và tổ chức đầu ngành để xử lý, đánh giá và tận dụng nguồn thông tin; 2) Các chuyên gia và tổ chức đầu ngành đấy phải hợp tác chặt chẽ và trao đổi thông tin thường xuyên với nhau; 3) Quá trình này phải được đảm bảo diễn ra liên tục và kỷ luật cho đến khi đạt được sản phẩm sáng tạo hoặc giải quyết được vấn đề (khi vắc xin Covid-19 ra đời).
Tuy nhiên, nhóm tác giả cho rằng, sản xuất thành công vắc xin không có nghĩa là giải quyết được vấn đề, mà quá trình sáng tạo và quản trị kiến thức này còn phải tiếp tục kéo dài để tiếp tục giải quyết 3 vấn đề sau của thế giới: Thứ nhất, việc phát triển tiếp vắc xin để chống lại các biến chủng mới, tại thời điểm trước là Delta, bây giờ là biến chủng Omicron; Thứ hai, việc chần chừ trong tiêm vắc xin của một số cá nhân có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ, tính mạng cho người khác và toàn xã hội (dễ tạo ra các biến thể mới). Do đó cần có các biện pháp và chính sách để giảm thiểu làn sóng “chống vắc xin”. Làn sóng chống vắc xin tại Nga và Úc có thể xem như các ví dụ điển hình [7,8]. Thứ ba, việc phân bổ vắc xin cần phải đồng đều, tránh bất bình đẳng giữa các nước trên thế giới, dân tộc, tôn giáo và các nhóm người thiểu số. Quá trình sáng tạo được tóm tắt trong Hình.
Hình: Tổng thể quá trình quản trị tri thức để phát triển và chế tạo vắc xin Covid-19
Vuong et al. [2] |
Nguồn tham khảo:
1. Vuong QH. (2018). The (ir)rational consideration of the cost of science in transition economies, Nature Human Behaviour, 2, 5, retrieved from https://www.nature.com/articles/s41562-017-0281-4
2. Vuong QH, et al. (2022). Covid-19 vaccines production and societal immunization under the serendipity-mindsponge-3D knowledge management theory and conceptual framework, Humanities and Social Sciences Communications, 9, 22, retrieved from https://www.nature.com/
3. Vuong QH. (2016). Global mindset as the integration of emerging socio-cultural values through mindsponge processes: A transition economy perspective. In J. Kuada (Ed.), Global Mindsets: Exploration and Perspectives, 123-140, New York: Routledge
4. Vuong QH, Napier NK. (2015). Acculturation and global mindsponge: An emerging market perspective, International Journal of Intercultural Relations, 49, 354-367
5. Vuong QH, Napier NK. (2014). Making creativity: the value of multiple filters in the innovation process, International Journal of Transitions and Innovation Systems, 3(4), 294
6. Napier NK, Vuong QH. (2013). Serendipity as a strategic advantage?, In Wilkinson (ed) Strategic Management in the 21st Century (Vol. 1: The Operational Environment), 175-199
7. Edwards B, et al. (2021). COVID-19 vaccine hesitancy and resistance: Correlates in a nationally representative longitudinal survey of the Australian population, PloS One, 16(3)
8. Roshchina Y, Roshchin S, Rozhkova K. (2021). Determinants Of Covid-19 Vaccine Hesitancy And Resistance In Russia, Higher School of Economics Research Paper No, WP BRP, 99
Nguyễn Quang Lộc
SP Jain School of Global Management, New South Wales 2141, Australia
Bình luận