Công trình khoa học “xếp ngăn kéo” sẽ không còn đất sống?!
Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT/BKHCN-BTC, ngày 30/12/2015 của liên Bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ quy định khoán chi, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15/02/2016.
Trao quyền chủ động cho các nhà khoa học
Từ trước đến nay, một trong nhiều lý do khiến việc nghiên cứu khoa học gặp khó khăn là các thủ tục thanh toán kinh phí có nhiều bất hợp lý khiến các nhà khoa học, giảng viên đại học tham gia nghiên cứu nản lòng. Người làm khoa học mất nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ thanh toán, thay vì tập trung nghiên cứu. Nhiều người sắp hết hạn thanh toán phải chạy đôn chạy đáo tìm nơi mua hóa đơn, hoàn tất các chứng từ để thanh toán. Tiền dành cho nghiên cứu đã ít mà còn phải đi mua hóa đơn đỏ, mất khoảng 15% trở lên.
Chưa kể đến chất lượng các công trình nghiên cứu còn rất thấp. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, hàng năm các tổ chức cá nhân trong nước đóng góp thêm vào kho tài sản trí tuệ khoảng 20.000 kết quả nghiên cứu, sáng chế, nhưng chỉ chưa đầy 10% kết quả nghiên cứu (khoảng 2.000 kết quả) là có tiềm năng ứng dụng thực tế, số còn lại là các nghiên cứu không phải nghiên cứu ứng dụng, hoặc những nghiên cứu chưa thiết thực với thực tế sản xuất trong nước.
Với việc đổi mới theo phương thức khoán chi tại Thông tư 27, các nhà khoa học sẽ được trao quyền chủ động hoàn toàn trong suốt quá trình nghiên cứu khoa học. Nhà nước chỉ đặt hàng ban đầu và tập trung vào nghiệm thu chất lượng kết quả cuối cùng.
Theo đó, sẽ có hai phương thức khoán chi để các nhà khoa học lựa chọn:
Một là, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng áp dụng đối với các đề tài, dự án xác định được cụ thể sản phẩm đầu ra.
Hai là, khoán từng phần với các nhiệm vụ không đủ điều kiện khoán chi từng phần, khi sản phẩm đầu ra chưa rõ hoặc năng lực thực hiện của các nhà khoa học chưa đáp ứng được sản phẩm đầu ra như yêu cầu đặt hàng.
Với các khoản kinh phí đã được khoán, các nhà khoa học thực hiện đề tài có quyền chi theo thực tế mà không phụ thuộc vào định mức và dự toán.
Việc thanh toán tạm ứng được căn cứ vào khố lượng công việc đã thực hiện chứ không kiểm soát chứng từ chi tiết như trước đây. Việc quyết toán cũng chỉ cần thực hiện một lần sau khi đề tài hoàn thành và các bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng.
Phương thức khoán chi tại Thông tư liên tịch 27 được cho là giúp cơ chế tài chính của hoạt động khoa học công nghệ tiếp cận nền kinh tế thị trường và phần nào gần với thông lệ quốc tế hơn, tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học.
Khoán chi là động lực để các nhà khoa học nghiên cứu tạo ra những sản phẩm có giá trị
Phải hoàn trả phí 40%-100% kinh phí nếu không đưa ra kết quả như cam kết
Theo Thông tư, Nhà nước chỉ đặt hàng ban đầu và tập trung vào nghiệm thu chất lượng kết quả cuối cùng. Cơ chế này sẽ áp dụng với những sản phẩm đã có tên cụ thể, có chỉ tiêu chất lượng rõ ràng, có số lượng quy mô sản phẩm tạo ra và địa chỉ ứng dụng và sản phẩm nghiên cứu khoa học chỉ được nghiệm thu khi đáp ứng đủ các tiêu chí này.
Đặc biệt, chế tài của Thông tư này là nếu đề tài đã nhận khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, thì trong quá trình tổ chức thực hiện sẽ không được điều chỉnh mục tiêu sản phẩm và kinh phí. Nếu nhà khoa học không bàn giao, không hoàn thành đề tài dự án theo cam kết, thì họ phải chịu hình thức xử lý và hoàn trả tiền cho ngân sách nhà nước các kinh phí họ đã sử dụng.
Trong trường hợp không hoàn thành công trình do nguyên nhân chủ quan, tổ chức chủ trì sẽ phải hoàn trả tối thiểu 40% kinh phí nhà nước đã sử dụng đúng quy định (đối với công trình thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng), tối thiểu 30% kinh phí nhà nước đã sử dụng đúng quy định (đối với công trình thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần).
Trường hợp vừa không hoàn thành công trình do nguyên nhân chủ quan vừa không chứng minh được kinh phí đã sử dụng đúng quy định, phải nộp trả 100% kinh phí đã sử dụng.
Trao đổi với báo chí bên lề Lễ ký ban hành Thông tư liên tịch 27, ngày 30/12/2015 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, việc thực hiện hình thức khoán chi này sẽ có hiệu quả xứng đáng, vì bản thân nhà khoa học nhận khoán chi đến sản phẩm cuối cùng thì trách nhiệm của họ rất lớn và bằng mọi phương thức phải hoàn thành sản phẩm như trong hợp đồng.
Bên cạnh đó, họ sẽ huy động nguồn lực để làm thực sự và điều này sẽ khắc phục được một số đề tài dự án lợi dụng cơ chế quản lý còn sơ hở, chưa làm được sản phẩm, mà vẫn được nghiệm thu.
Thậm chí, nhiều nhà khoa học chưa chắc dám nhận khoán chi tới sản phẩm cuối cùng vì giờ đây cơ quan quản lý chỉ kiểm soát đầu ra. Những người làm khoa học mà không chắc chắn hoặc sản phẩm chưa định hình thì họ sẽ không dám nhận khoán tới sản phẩm cuối cùng.
Còn về phía người dân, với quy định mới này được kỳ vọng sẽ giảm dần số công trình nghiên cứu “xếp ngăn kéo” theo nghĩa xấu, tăng số công trình có thể ứng dụng vào thực tiễn (không chỉ dừng ở mức khiêm tốn 10% như hiện nay)./.
Bình luận