Đại biểu "hiến kế" cho kế hoạch phát triển kinh tế năm 2016
Phục hồi tăng trưởng thiếu vững chắc
Tại phiên thảo luận tại Hội trường về về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2015; Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, các đại biểu đều chung nhận định, trong năm qua mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức nhưng với sự tập trung cao của Chính phủ, kinh tế của nước ta tiếp tục có chuyển biến tích cực, tăng trưởng kinh tế ở mức khá, kiềm chế được lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, tăng cường được vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Đó là những kết quả đáng được trân trọng và ghi nhận.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng không giấu sự lo lắng của mình đối với chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP. Hồ Chí Minh), tuy đất nước đã tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân của chúng ta đạt 5 năm chỉ 5,8% thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của 5 năm trước.
“Điều này cho thấy động lực cho tăng trưởng của chúng ta đến giai đoạn này đã đạt mức bão hòa”, đại biểu Hòa lo lắng.
Đại biểu Thân Văn Khoa - Bắc Giang thẳng thắn, nếu so sánh với một số nước, quốc gia đã trải qua giai đoạn phát triển tương đồng như Việt Nam, thì hệ số ICOR của Việt Nam hiện nay vẫn đang ở mức cao.
Đáng lưu ý là theo cơ sở dữ liệu của Ngân hàng Thế giới trong giai đoạn 2001-2005, thì chỉ số ICOR của Việt Nam thuộc loại thấp. Nhưng, đến giai đoạn 2006 – 2010, Việt Nam lại có chỉ số ICOR cao 6,96. Giai đoạn 2011 -2014 chỉ số ICOR là 6,92, chỉ đứng sau Ấn Độ 7,31.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu nguyên nhân làm cho ICOR của Việt Nam cao, một phần là do Việt Nam đang trong giai đoạn tập trung cho hạ tầng cơ sở, bao gồm cả hạ tầng cơ sở vùng sâu, vùng xa và đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
“Tuy nhiên, theo tôi nguyên nhân đã nêu còn có nguyên nhân khác dẫn đến ICOR của Việt Nam đó là trong công tác quy hoạch còn nhiều hạn chế dẫn đến những thiệt hại do quy hoạch treo, quy hoạch không đồng bộ. Việc quyết định đầu tư còn dàn trải, hiệu quả thấp, thất thoát lãng phí còn xảy ra nhiều. Cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát chưa hiệu quả, chế độ trách nhiệm chưa rõ ràng và chưa được đề cao”, đại biểu Khoa chỉ rõ.
Còn Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) chỉ rõ, phục hồi tăng trưởng thiếu vững chắc đang là trở lực thách thức lớn trước bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.
Cụ thể, hiệu quả đầu tư thấp, vị đại biểu này cho biết, hệ số ICOR còn cao, giảm không đáng kể từ 5,3% năm 2012 còn 5,18% năm 2015. Tốc độ tăng nợ công bình quân 5 năm gần hai con số, trong khi tăng GDP bình quân 5,88%. Một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của nhà nước còn rất lớn, chưa tạo chuyển biến về chất đối với quản trị doanh nghiệp, thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính chỉ đạt 38,5%, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất kinh doanh còn ít, chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ và hình thành quá ít các mô hình tổ chức liên kết sản xuất trong nông nghiệp phù hợp.
Đại biểu “hiến kế” phát triển đất nước
Theo đại biểu Trương Văn Vở, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý điều hành thực hiện mục tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội ngay từ năm 2016, cần kịp thời cụ thể hóa chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ đi đôi với việc sớm ban hành tiêu chí, cơ cấu phân bổ nguồn lực cho khoa học, công nghệ nhằm góp phần thực hiện cho việc nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp kết thúc 5 năm tỷ trọng sản phẩm công nghiệp cao trong giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 18% so với 30% của kế hoạch.
Tỷ lệ đổi mới công nghệ bình quân 5 năm chỉ đạt 10,6% so với kế hoạch 13% và ngay cả báo cáo gửi tại kỳ họp vẫn chưa đánh giá rõ tác động của khoa học, công nghệ cho yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế.
“Tôi cho rằng đây chính là nền tảng để nâng chất lượng hiệu quả tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, vị đại biểu này nhấn mạnh.
Đại biểu Vở cũng đề nghị, Bộ khoa học, công nghệ và Bộ công thương báo cáo đánh giá rõ thêm việc liên kết phối hợp với bộ, ngành liên quan trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực công nghệ cao, nhất là điều chỉnh các tiêu chí cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp cao đã và đang ách tắc có ảnh hưởng đến doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Vở, cũng cần tập trung nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, hiệu lực quản lý nhà nước.
Theo đó, cần sớm thể chế hóa Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương, về nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương theo hướng rõ việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, gắn liền với tăng cường hoạt động thanh kiểm tra đạo đức công vụ, đánh giá cán bộ, công chức hàng năm và tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế theo Nghị quyết 77/2014 của Quốc hội và các nghị định của Chính phủ đã ban hành nhằm khắc phục ngay tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức vô cảm với nhân dân và xa dân có xu hướng lan rộng và hiện tượng nói nhưng chưa đi đôi với làm.
Đại biểu Thân Văn Khoa thì đề nghị, Chính phủ cần có biện pháp cao hơn nữa để cụ thể hơn nữa về chế độ, trách nhiệm trong công tác quản lý, nhằm sử dụng có hiệu quả, sử dụng vốn đầu tư trong thời gian tới.
Còn đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa chỉ rõ, các nguồn lực phát triển cần phải được tạo ra những động lực mới. Trong đó, cần quan tâm động lực về cải cách thể chế và khoa học công nghệ để mở ra một chu kỳ mới phát triển về chiều sâu và phát triển bền vững.
Vì thế, đại biểu Hòa cho rằng, cần xã hội hóa phân bổ các nguồn lực trừ 4 nguồn lực dành cho 4 lĩnh vực mà Nhà nước vẫn nắm chi phối.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa để huy động và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội và phát triển kinh tế, đồng thời giảm tải cho bộ máy Nhà nước, Nhà nước không phải tập trung vào việc quản lý các doanh nghiệp mà tập trung vào vai trò kiến tạo, tạo môi trường.
Ngoài ra, cần có những chính sách cụ thể hiệu quả, khả thi cao để thúc đẩy doanh nghiệp tập trung vào đổi mới công nghệ, đẩy nhanh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Nhấn mạnh về nhân sự bộ máy công quyền, đại biểu Lê Nam (Thanh Hoá) đề xuất, cần bổ sung thêm bài học thứ 6, đó là bài học về trách nhiệm, bản lĩnh của các đồng chí bộ trưởng, các thành viên Chính phủ và người đứng đầu ở các địa phương.
“Bộ máy hệ thống chính trị, người ăn lương Nhà nước quá lớn, vượt khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước. Trung ương và Chính phủ đang chỉ đạo tinh giản biên chế đảm bảo cho đời sống của người lao động, nhưng với các chủ trương, giải pháp đang làm thì tôi tin là không thể giảm được. Vì, không biết giảm ai, thậm chí tạo thêm các bức xúc”, đại biểu Nam chỉ rõ.
Cũng về yếu tố con người, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam. Tuy nhiên, để chuyển những cơ hội này thành các hợp đồng hợp tác cụ thể, mang lại lợi ích cụ thể thì cần có “con người hội nhập”.
“Muốn thành công trong TPP, giải pháp đột phá nhất là đầu tư cho con người”, đại biểu Tâm nói. Đại biểu này cũng tán thành với giải pháp đã được Chính phủ nêu trong kế hoạch 2016 là loại bỏ những cán bộ, công chức nhũng nhiễu ra khỏi bộ máy.
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu đề cập đó là việc vừa qua Chính phủ đã cho làm nhiều tượng đài Bác Hồ và quảng trường rất hoành tráng, tốn kém.
“Trong khi ngân sách ngày càng khó, còn nhiều người thất học, người nghèo, còn thiếu tiền để làm nhà cho các gia đình chính sách. Chính phủ cần báo cáo việc này với Quốc hội và sớm chấn chỉnh nhất là trong lúc toàn Đảng, toàn dân đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ”, đại biểu Nam tâm huyết./.
Bình luận