Đắk Lắk - Tưng bừng lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6
Lễ hội được diễn ra từ ngày 08/3 đến 13/3/2017 tại thành phố Buôn Ma Thuột - Thủ phủ cà phê Việt Nam với chủ đề: “Hội tụ tinh hoa – Phát huy bản sắc – Liên kết phát triển”.
Những ngày này không khí của thủ phủ cà phê Tây Nguyên rộn ràng bước vào lễ hội lớn, trên các tuyến đường rực rỡ cờ hoa và khẩu hiệu chào đón du khách khắp nơi đổ về tham dự ngày hội của tỉnh nhà.
Việc tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu mang tên gọi xuất xứ hàng hóa “Cà phê Buôn Ma Thuột”, nâng cao giá trị ngành cà phê đối với người sản xuất và kinh doanh cà phê của tỉnh Đắk Lắk cũng như trên cả nước. Qua đó, khẳng định vị thế cà phê Đắk Lắk nói riêng và vị trí quan trọng cuả mặt hàng cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới. Nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng về việc bảo tồn, giới thiệu, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, đặc biệt là giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” năm 2008.
Trong khuôn khổ của chương trình, hàng loạt các hoạt động thú vị diễn ra từ ngày 08/3 đến 13/3/2017 với hàng chục ngàn du khách tham quan. Tiêu biểu trong Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần này vẫn là khu vực Hội chợ - Triển lãm ngành hàng cà phê, được bố trí tại Bảo tàng Biệt Điện, số 02 Y Ngông, thành phố Buôn Ma Thuột.
Với chủ đề “Cà phê chất lượng vì sức khỏe cộng đồng”, toàn bộ không gian khoảng vài hec-ta với hơn 730 gian hàng của hơn 230 doanh nghiệp trong và ngoài nước đã được sắp đặt khá ấn tượng. Trong đó có hơn 400 gian hàng chuyên ngành cà phê và các sản phẩm liên quan đến cà phê; số còn lại là các gian hàng giới thiệu các sản phẩm thương mại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Đây là dịp để các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thương hiệu, giới thiệu các sản phẩm cà phê tới nhân dân trong nước và khách hàng quốc tế, đồng thời nâng cao kiến thức trong sản xuất, chế biến cà phê. Trong những ngày diễn ra hội chợ, Ban tổ chức sẽ xét thưởng và trao Cúp “Cà phê chất lượng vì sức khỏe cộng đồng” và tổ chức cuộc thi “Đệ nhất pha chế cà phê Việt Nam lần thứ tư”.
Cũng trong hoạt động của lễ hội là các chương trình hội nghi xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên năm 2017 được tổ chức tại Khách sạn Mường Thanh, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; UBND các tỉnh Tây Nguyên. Dự kiến có khoảng 10 dự án được trao Quyết định chủ trương đầu tư, Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Biên bản ghi nhớ đầu tư dự án tại Hội nghị với tổng vốn đầu tư đăng ký từ 108.157 tỷ đồng.
Song song với đó là chương trình Hội thảo về cà phê với chủ đề: “Phát triển ngành hàng Cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế”. Chương trình khai mạc lúc 08 giờ 00, Chủ Nhật, ngày 12/3/2017 tại khách sạn Sài Gòn Ban Mê, thành phố Buôn Ma Thuột với sự chủ trì của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND tỉnh Đắk Lắk.
Tại Quảng trường 10/3, thành phố Buôn Ma Thuột, nơi sẽ diễn ra một số hoạt động chính của lễ hội, công tác chuẩn bị đang gấp rút hoàn thành. Sân khấu hoành tráng được thiết kế công phu, độc đáo để phục vụ các sự kiện chính như: Khai mạc, Bế mạc lễ hội và một số hoạt động của Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017. Đây sẽ là nơi trình diễn nghệ thuật cồng chiêng của khoảng 400 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam và đoàn nghệ thuật Campuchia, Lào, Rumania, Hàn Quốc.
Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã chính thức bước vào những ngày hội lớn. Với 12 hạng mục chương trình được đầu tư công phu và tổ chức hoành tráng đúng như chủ đề của Lễ hội, đó là nơi “Hội tụ tinh hoa, Phát huy bản sắc và Liên kết để phát triển”./.
Bình luận