Dân Việt Nam sở hữu ô tô còn thấp, năm 2021, triển vọng xe Honda, Ford sẽ lấy lại thị phần
Nghị định số 70 của Chính phủ cho phép giảm 50% phí trước bạ đối với xe CKD, đã hết hiệu lực ngày 31/12/2020. Vì thế, kết quả tháng 1/2021 là đáng khích lệ khi doanh số tháng 1 năm nay đã vượt qua mức tiêu thụ trước COVID-19 (trung bình hàng tháng năm 2019 ở mức 25.240 chiếc). Theo dây chuyền lắp ráp, thị phần xe nhập khẩu từ nước ngoài (CBU) mở rộng đáng kể lên 44,4%, trong khi thị phần xe lắp ráp trong nước (CKD) giảm mạnh xuống 55,6% khi Nghị định 70 hết hiệu lực. Điều này cho thấy, có khả năng có sự thay đổi cấu trúc trong cơ cấu sản phẩm bán hàng toàn ngành. BVSC kỳ vọng, môi trường cạnh tranh và giá bán giữa xe CKD và CBU sẽ hợp lý hơn. Các nhà sản xuất ô tô có tỷ trọng CBU nhiều hơn, đã mất thị phần năm ngoái, dự kiến sẽ lấy lại thị phần trong tương lai.
Với sự phục hồi tiêu thụ rõ ràng hơn và môi trường lãi suất thấp hiện tại, BVSC duy trì dự báo doanh số bán toàn ngành ô tô năm 2021 ở mức 330.315 chiếc, cao hơn mức bình quân năm trước COVID-19 là 321.811 chiếc. Cùng với sự chuyển dịch cấu trúc đang diễn ra, BVSC đánh giá, Honda và Ford sẽ lấy lại phần thị phần đã bị mất năm ngoái; Toyota sẽ duy trì vị trí cạnh tranh nhờ danh mục sản phẩm lớn và đa dạng.
Tiêu thụ ô tô trong các tháng tại Việt Nam
BVSC cho rằng, ngành ô tô hồi phục trong kể từ quý IV/2020 đến nay là do nhu cầu xe ô tô CKD tăng cao khi khách hàng vội mua trước khi gói kích kích của Chính phủ kết khúc. Thứ hai, quý IV thường là mùa cao điểm đối với thị trường ô tô Việt Nam khi các nhà sản xuất ô tô tích cực tung ra các sản phẩm mới để thu hút nhu cầu mua xe mới và thay thế trong dịp Tết nguyên đán. Các chuyên gia phân tích cũng đánh giá, những người mua ô tô ở Việt Nam là những người tiêu dùng có thu nhập ở tầm trung và cao hơn, chịu ít tác động từ dịch COVID-19.
Theo BVSC, triển vọng ngành ô tô Việt Nam trong dài hạn vẫn rất lạc quan nhờ tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam vẫn ở mức thấp, tầng lớp có thu nhập trung bình đang gia tăng và việc tăng cường đầu từ cơ sở hạ tầng còn mạnh mẽ thời gian tới. Áp lực cạnh tranh dài hạn, đặc biệt là với các sản phẩm phân khúc giá rẻ cho đến trung cấp từ Vinfast, vì Vinfast hiện đang lên kế hoạch nhắm các thị trường xuất khẩu với những mẫu xe điện. Cho cả năm 2021, BVSC duy trì dự báo sản lượng tiêu thụ toàn ngành phục hồi đáng kể, đạt 330.315 chiếc (+11,4% YoY) so với mức trước dịch là 321.811 chiếc, được thúc đẩy nhờ môi trường lãi suất thấp và niềm tin tiêu dùng được cải thiệu hậu đại dịch COVID-19.
Trên sàn chứng khoán, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEA) công bố kết quả kinh doanh 2020 đạt kỳ vọng. Doanh thu thuần hợp nhất chưa kiểm toán của VEA đạt 3.667 tỷ đồng (-18,3% YoY), lợi nhuận từ các công ty liên doanh đạt 5.110 tỷ đồng (-28,3% YoY), và lợi nhuận sau thuế sau cổ đông thiểu số hợp nhất đạt 5.676 tỷ đồng (-22,4% YoY). VEA hoàn thành lần lượt 102%/ 103%/ 103% dự báo doanh thu thuần/lợi nhuận từ công ty liên doanh và lợi nhuận sau thuế sau cổ đông thiểu số của BVSC. BVSC dự báo triển vọng hồi phục của toàn ngành ô tô được duy trì năm 2021 và dự báo lợi nhuận sau thuế của VEA sẽ phục hồi đáng kể, đạt 6.581 tỷ đồng năm này.
Liên quan đến bức tranh chung toàn thị trường, chia sẻ mới đây với Kinh tế và Dự báo, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc BVSC cho rằng, năm 2021, các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19 như bán lẻ, cảng hàng không và dịch vụ hàng không dự báo sẽ hồi phục toàn phần, còn vận tải hàng không hồi phục chậm hơn và vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực trong năm 2021. Các ngành bị ảnh hưởng gián tiếp như dầu khí, xăng dầu, dệt may, thủy sản dự báo sẽ hồi phục khoảng 70-80% so với mặt bằng trước dịch. Các nhóm ngành vẫn tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng tích cực trong năm 2021 gồm có: công nghệ thông tin, cảng biển, dược phẩm, ống nhựa, thép, ô tô, cao su săm lốp… Ông Hòa cũng cho rằng, dưới góc độ chu kỳ, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục trong năm tới thì các nhóm ngành như bất động sản, dịch vụ tiêu dùng, công nghiệp… sẽ có sự hồi phục mạnh mẽ nhất.
Dù dự báo có sự phục hồi trong nhiểu mảng ngành, nhưng trong đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư luôn phải lường trước những rủi ro, thách thức. Theo Tổng giám đốc BVSC, đà tăng điểm của TTCK Việt Nam khiến nhiều cổ phiếu đạt và vượt qua các mức giá định giá trước đại dịch, điều này phần nào làm tăng rủi ro và giảm sức hấp dẫn của TTCK trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, rủi ro có thể đến từ các yếu tố bên ngoài, từ sự đối đầu quan hệ Mỹ - Trung, lạm phát tăng nhanh và ngân hàng trung ương các nước lớn tăng lãi suất sớm hơn dự kiến, giảm bơm tiền, nếu kinh tế không hồi phục như kỳ vọng sẽ khiến nợ xấu ngân hàng tăng mạnh… Đây đều là những mối nguy cơ có thể tác động tiêu cực đối với diễn biến của thị trường tài chính toàn cầu nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng./.
Bình luận