Những điểm sáng năm 2018

Theo Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất - nhập khẩu hàng hóa của cả nước năm 2018 đạt 480,2 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2017. Trong đó:

Về xuất khẩu

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 243,5 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng của Quốc hội đặt ra là 7%-8% và của Chính phủ đặt ra là 10%. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 171,5 tỷ USD, tăng 12,4% và chiếm 70,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 173,7 tỷ USD, tăng 11,8%. Xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 69,8 tỷ USD, tăng 16,9%.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 243,5 tỷ USD

Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa tương đối đa dạng và ngày càng phát triển về quy mô. Năm 2018, Việt Nam có 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng có kim ngạch trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỷ USD. Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là: Điện thoại các loại và linh kiện với kim ngạch xuất khẩu 49,1 tỷ USD, tăng 8,4%; Hàng dệt may đạt 30,5 tỷ USD, tăng 16,7%; Hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 29,3, tăng 12,9%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 16,5 tỷ, tăng 28,2%; Hàng giày dép đạt 16,2 tỷ USD, tăng 10,6%.

Xét theo nhóm hàng xuất khẩu, kim ngạch của nhóm hàng công nghiệp chế biến năm 2018 đạt khoảng 201,7 tỷ USD, chiếm 82,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 15,7% so với năm 2017. Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đạt 28,1 tỷ USD, chiếm 11,5% và tăng 7,6%. Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản đạt 4,7 tỷ USD, chiếm 1,9% và giảm 1,5%.

Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, hàng hóa xuất khẩu đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và năng lực cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… Trong số hơn 200 thị trường có quan hệ trao đổi thương mại hàng hóa với Việt Nam năm 2018, có khoảng 30 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó 11 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD và 4 thị trường đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD. Hoa Kỳ tiếp tục duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 47,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng khoảng 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 14,3%. Tiếp đến là thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt 41,9 tỷ USD, chiếm 17,2%, tăng 9,4%. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm các thị trường chính, đạt 41,3 tỷ USD, tăng hơn 17% và chiếm tỷ trọng gần 17%, đứng thứ 3 trong nhóm các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Xuất khẩu vào ASEAN tăng 13,9% và chiếm tỷ trọng 10,2%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 11,8% và chiếm tỷ trọng 7,7%.

Về nhập khẩu

Tính chung cả năm 2018, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt 236,7 tỷ USD, tăng 11,1% so với năm 2017. Trong đó, nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 141,7 tỷ USD, tăng 10,8% và chiếm xấp xỉ 60% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước đạt 95 tỷ USD, tăng 11,6%.

Cơ cấu hàng hóa nhập khẩu năm 2018 khá đa dạng, tập trung chủ yếu vào các nhóm hàng sản xuất phục vụ xuất khẩu, như: Máy tính và linh kiện điện tử đạt 42,2 tỷ USD, tăng 11,7%; Máy móc, thiết bị, phụ tùng đạt 33,7 tỷ USD, tương đương năm 2017; Sắt thép các loại đạt 9,9 tỷ USD, tăng 9%; Chất dẻo nguyên liệu đạt 9,1 tỷ USD, tăng 19,6%… Kim ngạch nhóm hàng cần nhập khẩu đạt 210,9 tỷ USD, chiếm khoảng 89% và tăng gần 11%; nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu đạt khoảng 16 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 6,7%, tăng trưởng 17,7%.

Về thị trường nhập khẩu, năm 2018, nhập khẩu từ châu Á chiếm khoảng 81,8% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc, đạt 65,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 27,6% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, tăng 11,7%; Hàn Quốc đạt 47,5 tỷ USD, chiếm 20,1%, tăng 1,1%; ASEAN đạt 31,8 tỷ USD, chiếm 13,4%, tăng 12,2%; Nhật Bản đạt 19 tỷ USD, chiếm 8%, tăng 12%…

Những kết quả trên vẽ nên một bức tranh tổng thể về hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2018 với một số điểm nổi bật như sau:

Thứ nhất, năm 2018 cả nước xuất siêu khoảng 6,8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, chiếm gần 2,8% kim ngạch xuất khẩu. Khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 29,8 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu 32 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước đạt 25,2 tỷ USD.

Thứ hai, nhập siêu vẫn chủ yếu từ các thị trường châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc (nhập siêu 29,2 tỷ USD), Trung Quốc (24,2 tỷ USD), ASEAN (7,1 tỷ USD). Trong khi đó, đối với các thị trường chính khác như Mỹ và EU, Việt Nam lại đạt được mức thặng dư thương mại khá cao, lần lượt là 34,8 tỷ USD và 28,3 tỷ USD.

Thứ ba, đóng góp chính cho tăng trưởng xuất khẩu là các mặt hàng công nghiệp (hàng điện thoại, máy vi tính, điện tử, dệt may, giày dép...) và cũng là các mặt hàng chủ yếu của khu vực FDI. Tuy nhiên, do đặc thù hiện nay, các mặt hàng này chủ yếu là gia công, lắp ráp, nên việc nhập khẩu nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất là không thể tránh khỏi.

Song song với những kết quả đạt được, hoạt động xuất khẩu của nước ta trong năm qua cũng còn những hạn chế và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, như: tăng trưởng xuất khẩu dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài; xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng như các nhóm hàng điện thoại, máy vi tính, điện tử; sản xuất một số mặt hàng nông sản còn manh mún, tự phát; chất lượng nông sản, thủy sản chưa đồng đều; thị trường xuất khẩu thiếu ổn định...

Định hướng hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa năm 2019

Năm 2019, hoạt động xuất khẩu hàng hóa dự báo sẽ gặp nhiều thuận lợi nhờ sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, cũng như đổi mới trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy sản xuất phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực ngày 14/01/2019 và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm nay đã và đang tạo ra sức hút mới cho các nhà đầu tư nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới.

Hơn nữa, việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chính thức đi vào sản xuất và khi đạt được mức công suất tối đa có thể cùng với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đáp ứng 80%-90% nhu cầu tiêu dùng xăng dầu nội địa sẽ giúp giảm bớt việc phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, giúp nền kinh tế hạn chế những ảnh hưởng do biến động trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng, thị trường thế giới năm 2019 dự báo sẽ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động khó lường; nguy cơ leo thang của một cuộc chiến tranh thương mại đang hiện hữu sẽ ảnh hưởng xấu tới chuỗi cung ứng trong khu vực, có thể gây khó khăn cho cho các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu ở trong nước. Mặt khác, hành động của Mỹ áp thuế cao đối với các mặt hàng của Trung Quốc sẽ dẫn tới gia tăng các biện pháp giám sát chống lẩn tránh thuế để đảm bảo hàng hóa Trung Quốc không vào được thị trường Mỹ từ nước thứ ba. Theo đó, xuất khẩu của Việt Nam có thể cũng bị giám sát chặt chẽ và khả năng bị điều tra, áp thuế chống lẩn tránh có thể gia tăng. Việc bị hạn chế xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng buộc Trung Quốc phải gia tăng xuất khẩu vào các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trên thị trường trong nước.

Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khó lường, gây nhiều thiệt hại trên diện rộng với chi phí khắc phục ngày càng lớn, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 được dự báo đạt khoảng 265 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2018; kim ngạch nhập khẩu dự báo đạt 268 tỷ USD, tăng khoảng 13%. Nhập siêu 3 tỷ USD. Tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức dưới 2%.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao, phù hợp với xu hướng của thị trường thế giới cũng như lợi thế của Việt Nam và coi đây là khâu đột phá. Tập trung phát triển, khai thác cả các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, giá trị gia tăng cao, hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn.

Còn trong lĩnh vực nhập khẩu, ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hàng hóa trong nước chưa sản xuất được; kiểm soát có hiệu quả việc nhập khẩu hàng hóa xa xỉ, hàng hóa không thiết yếu, hàng hóa trong nước sản xuất được. Tập trung phát triển, khai thác cả các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao, hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, một số giải pháp được gợi ý như sau:

Nhiệm vụ, giải pháp chung

- Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động nguồn lực cho sản xuất, xuất khẩu.

- Nhóm giải pháp tác động vào phía cung: Thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo nguồn hàng có chất lượng cho xuất khẩu và nâng cao giá trị gia tăng. Mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, đẩy mạnh sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm; tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng từ các sản phẩm xuất khẩu.

- Nhóm giải pháp tác động vào phía cầu: Tăng cường công tác đàm phán, hội nhập; nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; tháo gỡ các rào cản để thâm nhập thị trường mới, mở rộng thị trường xuất khẩu; tăng cường công tác thông tin, chủ động nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán…

- Các giải pháp hỗ trợ hoạt động xuất khẩu: Hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu; đẩy mạnh xây dựng, phát triển và đăng ký bảo hộ các thương hiệu quốc gia, các sản phẩm xuất khẩu chủ lực.

- Đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước. Tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, đảm bảo cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả và bền vững hơn.

Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của từng ngành

Đối với nhóm các ngành hàng nông sản, thủy sản

- Về đàm phán hội nhập, phát triển thị trường: Đẩy nhanh tiến độ hướng đến phê chuẩn và thực thi EVFTA; nỗ lực yêu cầu các nước xóa bỏ tối đa thuế nhập khẩu và các rào cản phi thuế đối với hàng hóa của Việt Nam trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

- Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam tại các thị trường lớn, các thị trường có tiềm năng.

- Các cơ quan thương vụ ở nước ngoài tăng cường sự chủ động trong nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam để giúp Chính phủ, các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời.

- Tăng cường cơ chế cảnh báo sớm cho các doanh nghiệp để chủ động phòng tránh các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện được nước ngoài khởi động, giải thích và đấu tranh từ giai đoạn điều tra để giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp cuối cùng; hướng dẫn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc đấu tranh và khởi kiện ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO các sắc thuế phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ bất hợp lý, vi phạm quy định của WTO.

Đối với nhóm các ngành hàng công nghiệp

- Tập trung rà soát các dự án, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng xuất khẩu, kịp thời tháo gỡ khó khăn để sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.

- Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký.

- Triển khai các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, để nâng cao hàm lượng giá trị nội địa trong sản phẩm xuất khẩu.

- Làm việc với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành để nắm bắt các vướng mắc khó khăn của các doanh nghiệp, kiến nghị, triển khai các giải pháp tháo gỡ./.