Phân cấp quản lý ngân sách nhìn từ thực tiễn xây dựng mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh
Từ khóa: phân cấp quản lý ngân sách, chính quyền đô thị, TP. Hồ Chí Minh
Summary
At the 10th session (November 16, 2020), the XIV National Assembly passed Resolution No. 131/2020/QH14 on the organization of urban government in Ho Chi Minh City. The Resolution took effect from January 1, 2021. After more than 2 years of implementation, although very important results have been achieved, there are still some shortcomings that need to be corrected and supplemented, especially on the decentralization mechanism for state budget management. The article analyzes the current status of budget management decentralization in Ho Chi Minh City in the context of implementing the urban government model, thereby proposing and recommending improvement solutions.
Keywords: decentralized budget management, urban government, Ho Chi Minh City
KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Nội dung phân cấp quản lý ngân sách khi thực hiện chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh
Phân cấp quản lý ngân sách giữa các cấp chính quyền với mục tiêu nhằm xác định trách nhiệm, phạm vi, quyền hạn của các cấp chính quyền, của các đơn vị dự toán ngân sách, trong việc quản lý NSNN, nhằm phù hợp với phân cấp quản lý về kinh tế và xã hội.
Trong quá trình thực hiện phân cấp quản lý ngân sách, nếu việc phân cấp hợp lý sẽ giúp ổn định tình hình thu, chi và cân đối NSNN, tăng tính chủ động, sáng tạo cho chính quyền các cấp, trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Điều 1, Nghị quyết 131/2020/QH14 quy định “Chính quyền địa phương ở quận tại Thành phố là UBND quận và Chính quyền địa phương ở phường tại Thành phố là UBND phường”[1], với quy định như vậy, UBND quận khi thực hiện chính quyền đô thị ở TP. Hồ Chí Minh là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, và thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ theo phân cấp, ủy quyền của UBND và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh.
Còn đối với chính quyền địa phương ở phường theo quy định tại Nghị quyết là UBND phường, là cơ quan hành chính ở phường, thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ theo quy định và sự phân cấp của UBND quận, và UBND TP. Hồ Chí Minh.
Về phân cấp quản lý ngân sách, Điều 5, Nghị quyết 131/2020/QH14 quy định, UBND quận và UBND phường đều là đơn vị dự toán ngân sách.
Cụ thể, UBND quận sẽ thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ như là đơn vị dự toán ngân sách trực thuộc UBND thành phố, theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, thực hiện phân bổ, điều chỉnh dự toán NSNN, quyết toán ngân sách của các phường trực thuộc.
Tương tự như vậy, UBND phường sẽ thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của đơn vị dự toán ngân sách, trực thuộc UBND thành phố hoặc quận, theo quy định tại Luật NSNN năm 2015.
Như vậy, với việc không tổ chức HĐND ở 16 quận khi thực hiện chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 131/2020/QH14, UBND quận và phường thay vì là một cấp ngân sách đã trở thành một đơn vị dự toán ngân sách, điều này đã mang lại những kết quả nhất định, tuy nhiên cũng có rất nhiều bất cập cần giải quyết:
Kết quả đạt được
Sau hơn hai năm triển khai Nghị quyết số 131/2020/QH14, phân cấp quản lý ngân sách của TP. Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả quan trọng:
Thứ nhất, đã bám sát kế hoạch tài chính 5 năm cho giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, xây dựng cơ sở để cân đối, xem xét, định hướng cho công tác lập dự toán NSNN hằng năm, kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm của phường, quận.
Thứ hai, việc phân cấp theo Nghị quyết số 131/2020/QH14, trong đó có phân cấp ngân sách đã từng bước giúp cho các cơ quan, đơn vị chủ động trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, bộ máy tinh gọn hơn, phát huy vai trò của người đứng đầu, nâng cao tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi nhiệm vụ.
Thứ ba, việc chuyển phương thức hoạt động của UBND quận, phường thay vì chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng, gắn với việc phân cấp quản lý hành chính, trong đó có ngân sách, đã tạo điều kiện cho người đứng đầu cơ quan hành chính quận, phường chủ động hơn trong điều hành, giải quyết công việc của phường nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn, chịu trách nhiệm quản lý toàn diện mọi hoạt động của UBND quận, phường.
Thứ tư, khi áp dụng mô hình chính quyền đô thị “một cấp chính quyền, hai cấp hành chính” thì quận, phường không còn là cấp ngân sách. Điều này là phù hợp, bảo đảm quận, phường là bộ máy hành chính được xác lập trên các lãnh thổ hành chính, từ đó đạt được tính thống nhất, xuyên suốt trong quản lý đô thị.
MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA
Tuy đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận như trên, nhưng nhìn từ góc độ thực tiễn khi thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14, việc phân cấp quản lý ngân sách tại TP. Hồ Chí Minh còn rất nhiều điểm bất cập, là rào cản cản trở hiệu quả phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 2 của Điều 6, Luật NSNN năm 2015, thì ngân sách địa phương theo quy định hiện hành bao gồm ngân sách của các cấp chính quyền địa phương. Như vậy, TP. Hồ Chí Minh là một cấp ngân sách độc lập, trong khi đó các phường và quận của Thành phố lại trở thành các đơn vị dự toán ngân sách, và không còn đóng vai trò là cấp ngân sách, vì vậy dự toán ngân sách hàng năm của phường và quận sẽ do HĐND Thành phố thông qua. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), thì HĐND họp định kỳ ít nhất hai lần trong năm, ngoài ra có thể họp bất thường trong trường hợp có yêu cầu của thường trực HĐND, của Chủ tịch UBND cùng cấp, hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu HĐND yêu cầu, chính vì vậy việc giải quyết các yêu cầu cấp bách về ngân sách của phường, quận khi thực hiện chính quyền đô thị còn chậm trễ, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phản ứng linh hoạt của chính quyền quận, phường trong điều hành nhiệm vụ kinh tế - xã hội theo thẩm quyền tại địa phương liên quan đến ngân sách. Hơn nữa, do là đơn vị dự toán ngân sách, nên UBND phường, quận không còn nguồn dự phòng, kết dư, chi khác. Từ đó, UBND quận, phường gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo kịp thời nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, quan trọng về quốc phòng, an ninh, phòng, chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ phát sinh đột xuất trên địa bàn vì phải trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách thành phố nếu khoản chi nằm ngoài dự toán.
Thứ hai, đối với chế độ kế toán, quyết toán ngân sách, khi không còn là một cấp ngân sách mà chỉ là đơn vị dự toán ngân sách, việc áp dụng quy định hiện hành về hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã theo Thông tư số 70/2019/TT-BTC, ngày 03/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính không còn phù hợp. Tuy nhiên, việc hướng dẫn thực hiện cụ thể phù hợp với quy định về kế toán, tài chính theo quy định mới chưa được hướng dẫn cụ thể để triển khai.
Thứ ba, Thông tư số 344/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, quy định về quản lý ngân sách xã, và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn, trong đó có quy định về công khai ngân sách đối với cấp ngân sách, tuy nhiên khi là đơn vị dự toán, thì việc có tiếp tục thực hiện theo quy định này hay không hiện nay vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể.
Thứ tư, theo quy định của Luật NSNN 2015 về cấp ngân sách và cơ quan tài chính cùng cấp, thì cơ quan tài chính là Phòng Tài chính - kế hoạch của Quận. Tuy nhiên, khi thực hiện chính quyền đô thị, UBND quận là đơn vị dự toán thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh, thì việc coi cơ quan tài chính cùng cấp tiếp tục là Phòng tài chính - kế hoạch quận hay là Sở Tài chính hiện cũng không rõ, dẫn đến chồng chéo, trùng lắp chức năng nhiệm vụ, nên việc thực hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ năm, với đặc thù là cấp chính quyền cơ sở, gần dân nhất, phải xử lý nhiều nhiệm vụ phát sinh chi có tính đột xuất trên địa bàn dân cư, tuy nhiên những khoản chi đó không thể dự kiến đầy đủ khi xây dựng dự toán ngân sách hàng năm. Trường hợp phát sinh nhiệm vụ khẩn cấp phát sinh các khoản chi mà chưa được bố trí dự toán thì phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo, qua nhiều thủ tục xin giải ngân phức tạp cụ thể: UBND quận, phường thuộc quận phải báo cáo Sở Tài chính để trình UBND, HĐND TP. Hồ Chí Minh, HĐND TP. Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết, do cần có thời gian giải quyết kinh phí nên dẫn đến tính trạng địa phương thiếu tính kịp thời và chủ động trong giải quyết các vấn đề phát sinh.
GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN PHÂN CẤP QUẢN LÝ NGÂN SÁCH KHI THỰC HIỆN CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh khi triển khai trong thực tiễn thời gian qua đã mang lại những kết quả hết sức tích cực, trong đó việc phân cấp quản lý ngân sách đã giúp tự chủ về mặt ngân sách, nhưng qua quá trình tổ chức thực hiện, việc phân cấp quản lý ngân sách của thành phố vẫn có rất nhiều điểm bất cập, là rào cản cản trở hiệu quả hoạt động của các địa phương. Chính vì vậy, thời gian tới giải pháp hoàn thiện phân cấp quản lý ngân sách của TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới là:
Thứ nhất, các bộ, ngành, cơ quan trung ương cần có hướng dẫn kịp thời đối với quản lý tài chính, ngân sách và chế độ kế toán của quận, phường khi không còn là một cấp ngân sách, chuyển sang thực hiện như một đơn vị dự toán.
Thứ hai, nhằm khắc phục hạn chế về việc không có dự phòng ngân sách tại phường và quận, để giải quyết các vấn đề cấp bách tại địa phương khi thực hiện chính quyền đô thị, Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh đã quy định: “Dự toán chi ngân sách của UBND quận, thuộc thành phố, được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách quận, để thực hiện chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố, thảm họa, cứu đói, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cần thiết khác. Chủ tịch UBND quận quyết định chi từ khoản chưa phân bổ, định kỳ báo cáo UBND Thành phố để báo cáo HĐND Thành phố tại kỳ họp gần nhất”[2], tuy nhiên cũng cần có hướng dẫn cụ thể hơn đối với nội dung này khi thực hiện phân cấp ngân sách, để chính quyền địa phương có thể chủ động hơn trong giải quyết các phát sinh đột xuất trên địa bàn.
Thứ ba, cần có cơ chế đặc thù cho phép UBND quận thực hiện giao, quản lý, điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách của đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc như cấp ngân sách trước đây, đồng thời trao cho các quận, phường quyền quản lý, khai thác và chủ động sử dụng nguồn kết dư, nguồn dự phòng như các cấp ngân sách nhằm đảm bảo tính chủ động, kịp thời cho UBND quận, phường trong công tác điều hành ngân sách thực hiện các nhiệm vụ đột xuất phát sinh các khoản chi tại địa phương đảm bảo cho việc giải ngân nhanh chóng, xử lý kịp thời thay vì phải nộp toàn bộ các khoản này cho HĐND Thành phố.
Thứ tư, cần phân chia rõ ràng nhiệm vụ chi giữa ngân sách thành phố, ngân sách quận và ngân sách phường, tránh sự chồng chéo trong phân cấp chi ngân sách; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các cấp trong việc cung cấp các dịch vụ công. Để phù hợp với nhu cầu cải thiện chất lượng dịch vụ tại các đô thị cũng như năng lực thu và tình hình thực tiễn tại địa phương./.
ThS. Mai Thị Kim Oanh
Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh
ThS. Nguyễn Thị Phương Oanh
Giảng viên Khoa Nhà nước và pháp luật Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chính phủ (2021), Nghị định số 33/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.
2. Chí Kiên (2021), Tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, truy cập từ https://baochinhphu.vn/prin/to-chuc-chinh-quyen-do-thi-tai-tp-ho-chi-minh.
3. Quốc hội (2020), Nghị quyết số 131/2020/QH14, ngày 16/11/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh.
4. Quốc hội (2023), Nghị quyết số 98/2023/QH15, ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
5. UBND TP. Hồ Chí Minh (2022), Báo cáo số 128/BC-UBND, ngày 15/7/2022 về sơ kết 01 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị định số 33/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
6. Thanh Tuyền (2022), Thực hiện chính quyền đô thị tại TP.HCM: Cần
nhanh chóng xây dựng dữ liệu chung của thành phố, truy cập từ https://ttbc-hcm.gov.vn/thuc-hien-chinh-quyen-do-thi-tai-tphcm-can-nhanh-chong-xay-dung-he-thong-du-lieu-chung-cua-tp-30739.html.
7. Tú Giang (2022), Tháo dỡ vướng mắc trong tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại 3 thành phố, truy cập từ https://dangcongsan.vn/phap-luat/thao-go-vuong-mac-trong-to-chuc-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-tai-3-thanh-pho-623771.html.
[1] Khoản 2, 3, Điều 1, Nghị quyết số 131/2020/QH14.
[2] Khoản 6, Điều 5, Nghị quyết số 98/2023/QH15.
Bình luận