Đâu là trần nợ công an toàn của Việt Nam?
Hội thảo “Xác định phạm vi nợ công trần nợ công an toàn của Việt
Phát biểu khai mạc hội thảo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, hiện nay đang có những ý kiến khác nhau về phạm vi tính toán nợ công, trần nợ công an toàn của Việt Nam.
Để có thêm cơ sở khoa học, thông tham mưu, đề xuất cho Chính phủ, Quốc hội trong điều hành kinh tế vĩ mô nói chung và quản lý nợ công nói riêng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao cho Học viện Chính sách và Phát triển nghiên cứu đề án “Xác định phạm vi nợ công và trần nợ công an toàn của Việt Nam giai đoạn 2014 – 2020”.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Thạc Hoát, Trưởng khoa Tài chính Tiền tệ - Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, nợ công của Việt Nam đang được đánh giá ở mực độ an toàn và rủi ro vỡ nợ thấp (low risk of debt distress).
Song, nghiên cứu của nhóm cũng chỉ rõ, nợ công của Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khác nên triển vọng là “không bền vững”.
Cụ thể, đến nay, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức bình quân của các nước đang phát triển và các nước trong khu vực (Indonesia: 24,4%; Thái Lan 45,9%; Philippines 50,2%; Lào 46,3%; Malaysia 54,6%).
Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, dân số đang già hóa nhanh, năng suất lao động bình quân thấp và giảm dần gây áp lực lớn tăng quy mô nợ công nhanh hơn tăng trưởng kinh tế; Tốc độ tăng năng suất lao động giảm từ 4,1%/năm (2002-2007) xuống 3,2%/năm (2008-2014).
Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ chính phủ/thu NSNN và nghĩa vụ trả nợ công/thu NSNN đang ở mức cao và có xu hướng tăng, ảnh hưởng lớn đến sự an toàn nợ công.
Cụ thể, theo Dự toán NSNN năm 2014, bội chi lớn hơn chi đầu tư phát triển, một phần vốn vay của NSNN được dùng để chi tiêu, trả lãi, trả nợ. Bội chi dự kiến là 224.000 tỷ đồng; trong khi chi cho đầu tư phát triển chỉ là 163.000 tỷ đồng, từ là bội chi cao hơn chi đầu tư phát triển tới 61.000 tỷ Điều này vi phạm Luật NSNN năm 2002. Luật quy định, “số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển”.
Từ 2013, tổng chi thường xuyên đã cao hơn nhiều so với mức thu từ thuế và phí, trong khi Luật NSNN năm 2002 lại quy định rằng: “tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên”.
Cụ thể, theo dự toán NSNN năm 2013, thì chi thường xuyên là 658.900 tỷ đồng, thu từ thuế và phí là 545.500 tỷ đồng; chênh lệch tới 113.400 tỷ đồng. Năm 2014, chi thường xuyên là 704.400 tỷ đồng; thu từ thuế và phí là 539.000 tỷ đồng; chênh lệch 165.400 tỷ đồng).
Đó là chưa kể tới những tiềm ẩn nhiều rủi ro khác của nợ công có nguy cơ gây mất ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngưỡng nợ công tối ưu là bao nhiêu?
Nghiên cứu của Học viện Chính sách cũng chỉ rõ, “Ngưỡng nợ công” là chỉ tiêu đánh giá quy mô nợ công, được tính bằng tỷ lệ giữa tổng số nợ công/GDP của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định.
“Ngưỡng nợ công tối ưu” là ngưỡng nợ mà tại đó quy mô nợ công được xem như mức nợ thận trọng, đảm bảo tính bền vững của chính sách tài khóa và tối ưu hóa tăng trưởng kinh tế. Khi vượt ngưỡng này, thì phần lớn sản lượng tạo ra được dùng để trả nợ và do đó, không tạo ra động lực cho đầu tư phát triển. Tổng nợ càng lớn thì khả năng trả nợ càng giảm.
Ngưỡng nợ công tối ưu là một chỉ tiêu quan trọng để quản lý, kiểm soát nợ công ở mức tối ưu của nền kinh tế và là cơ sở tham khảo để tính toán chỉ tiêu trần nợ.
“Trần nợ công” là giới hạn tổng số dư nợ công (tổng số tiền) tối đa mà chính phủ được phép vay nợ, trong một thời kỳ nhất định và được quyết định bởi cơ quan lập pháp cao nhất của quốc gia.
Trần nợ công an toàn là mức nợ thận trọng và bền vững, nằm dưới đường cong biểu diễn sự tăng trưởng giả định của một quốc gia, được xác định căn cứ vào ngưỡng nợ công tối ưu của quốc gia, phù hợp với năng lực phát triển của nền kinh tế.
Quản lý nợ công bằng trần nợ công và ngưỡng nợ công là một xu hướng ngày càng phổ biến ở nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, PGS. TS. Đào Văn Hùng cũng chỉ rõ, không tồn tại một ngưỡng nợ công tối ưu, trần nợ công an toàn hay tiêu chuẩn về ngưỡng an toàn nợ công chung cho tất cả các nước trên thế giới.
Mỗi quốc gia có một ngưỡng nợ công tối ưu và trần nợ công riêng phù hợp với điều kiện của quốc gia đó
Ngưỡng nợ công tối ưu và trần nợ công an toàn chỉ là điều kiện cần để đảm bảo an toàn của nợ công, chất lượng nợ là điều kiện đủ để đảm bảo mức độ an toàn của nợ công.
Phù hợp với các định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội và các chính sách kinh tế vĩ mô trung và dài hạn của đất nước.
Cần phải chủ động dự phòng đối với các khoản nợ bất khả kháng, bao gồm nợ ngầm định và nợ bất thường nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và an toàn nợ công.
2 kịch bản nợ công 2014-2020
Kết quả nghiên cứu và kiểm định bằng mô hình kinh tế lượng về mối quan hệ giữa nợ công và tăng trưởng kinh tế Việt Nam với chuỗi số liệu từ 1995 – 2013:
Khi tỷ lệ nợ công/GDP ≤ 68% thì nợ công có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và tính bền vững của chính sách tài khóa.
Khi tỷ lệ này lớn hơn 68% thì nợ công sẽ làm giảm động lực đầu tư phát triển, kìm hãm tăng trưởng kinh tế và làm suy giảm khả năng trả nợ và mức độ an toàn của nợ công.
Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất ngưỡng nợ công tối ưu bình quân giai đoạn 2014 – 2020 là 68% GDP (thấp hơn ngưỡng nợ công 75,8% theo công trình nghiên cứu về ngưỡng nợ công của của PGS. TS. Sử Đình Thành (2012)).
Nhóm nghiên cứu đề xuất 2 kịch bản nợ công trong giai đoạn 2014-2020: Kịch bản 1: không phát hành trái phiếu 2017-2020; Kịch bản 2: tăng phát hành trái phiếu 2016 – 2020
Dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho 2 kịch bản như sau:
Tăng trưởng kinh tế: 5,95% (2014); 6,3% (2015); bình quân 7%/năm (2016 – 2020);
Bội chi: 5,6% (2014); 6% (2015); bình quân 4,8%/năm (2016 – 2020); 3,9% (2020).
Ngưỡng nợ và trần nợ theo đề xuất của nhóm nghiên cứu chọn kịch bản 2:
Ngưỡng nợ công 2014- 2020 tính theo Luật Quản lý Nợ công là: bình quân 2014 – 2020: 62,7%; đỉnh là 64,3% (2016); thấp nhất là 59,9% (2014).
Ngưỡng nợ công 2014- 2020 tính theo đề xuất của nhóm nghiên cứu về phạm vi xác định nợ công: bình quân 2014- 2020 là 67,9%; đỉnh là 69,2% (2016); thấp nhất là 65,2% (2014).
Trần nợ công 2014-2020 được xác định căn cứ vào ngưỡng nợ công nói trên. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ rõ, điều kiện để kịch bản khả thi: tốc độ tăng trưởng kinh tế và bội chi phải đảm bảo các chỉ tiêu theo dự báo nói trên. Nếu tốc độ tăng trưởng không đạt chỉ tiêu dự báo, thì ngưỡng nợ công sẽ tăng vọt lên cao hơn 70% GDP và ảnh hưởng đến sự an toàn của nợ công.
Chính phủ cần ban hành cơ chế đặc biệt giải quyết các vướng mắc pháp lý và tài chính trong việc bán nợ xấu nhằm xử lý nhanh nợ xấu để ngân hàng đủ điều kiện mở rộng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao. Đây là điều kiện cốt lõi để đảm bảo an toàn nợ công.
Hiện nay, đa số các ngân hàng có nợ xấu và nợ tái cơ cấu lớn hơn vốn chủ sở hữu nên không thể mở rộng cho vay nền kinh tế.
“Nếu để cho hệ thống ngân hàng thương mại tự xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro thì phải mất từ 5-6 năm(đến 2020) mới sạch nợ xấu và không thể mở rộng cho vay đối với nền kinh tế”, TS. Hoát cảnh báo.
Nếu kinh tế tăng trưởng <6%/năm trong giai đoạn 2015-2020 thì nợ công sẽ tăng rất cao và ảnh hưởng đến mức độ an toàn nợ công.
Cần nâng cao chất lượng nợ và hiệu quả sử dụng vốn vay
Đây được nhìn nhận là giải pháp tiên quyết để đảm bảo an toàn nợ công và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Theo đó, cần bổ sung, hoàn thiện quy chế về điều kiện sử dụng vốn, cho vay lại, bảo lãnh từ nguồn vốn nợ công theo hướng nâng cao các điều kiện trong việc phân bổ, quản lý nợ công nếu dự án đầu tư kém hiệu quả do nguyên nhân chủ quan.
Đổi mới cơ chế tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo hướng xóa bỏ cơ chế Nhà nước khoanh nợ, xóa nợ cho các khoản vay vốn đầu tư và xuất khẩu.
“Nhà nước chỉ ưu đãi về lãi suất và cân đối nguồn vốn trung dài hạn, còn các điều kiện khác phải đảm bảo nguyên tắc hoàn trả như đối với các khoản cho vay thương mại; Ngân hàng Phát triển Việt Nam phải chịu trách nhiệm từ khâu thẩm định tín dụng đến thu hồi nợ và trích lập dự phòng rủi ro”, thay mặt nhóm nghiên cứu TS. Hoát đề xuất.
Không thực hiện bảo lãnh Chính phủ và cho vay đầu tư phát triển từ nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với các dự án của doanh nghiệp với mục đích sản xuất, kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận.
Thoái vốn NSNN từ lĩnh vực cấp vốn cho mục tiêu sản xuất, kinh doanh của DNNN để chuyển thành nguồn vốn đầu tư phát triển của Nhà nước, để giảm áp lực tăng nợ công và nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn NSNN.
Hiện nay, tỷ lệ lãi suất bình quân của tổng nợ công 4,7%/năm; Tổng số lãi và phí phải trả 1 năm là gần 88.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của Nhà nước trong các DNNN là 1.116.000 tỷ đồng (tương đương với 57,46 % tổng nợ công 2013)với hiệu quả rất thấp. Khu vực này còn vay nợ khoảng 1.600.000 tỷ đồng và tiềm ẩn nhiều rủi ro chuyển thành nợ công.
Trong 2015 – 2017, cần thoái 50% vốn trong DNNN (khoảng 560 ngàn tỷ). Với tỷ lệ vốn hóa trên thị trường chứng khoán bình quân bằng tỷ lệ vốn hóa hiện nay của các DNNN (2,55lần mệnh giá) thì Nhà nước sẽ thu về được khoảng 1,43 triệu tỷ đồng.
“Số tiền thu về sẽ sử dụng mục đích cho ĐTPT thay vì vay nợ, bình quân 238 ngàn tỷ/năm (2015-2020); Giảm chi phí trả lãi vay nếu vay nợ khoảng 67 ngàn tỷ/năm và duy trì được tính bền vững của nợ công với tỷ lệ nợ công < 65%/GDP”, nhóm nghiên cứu cho hay.
Thời gian tới, nhóm nghiên cứu đề xuất, thành lập các cơ quan chuyên trách quản lý nợ công ở cấp Chính phủ và Bộ Tài chính để tập trung các chức năng quản lý, giám sát và thống kê nợ công vào một tổ chức độc lập để nâng cao trách nhiệm giải trình và hiệu quả quản lý giám sát nợ công. Đồng thời, thành lập Hội đồng chính sách nợ công cấp quốc gia để nâng cao chất lượng giám sát và quản lý nợ công.
TS. Nguyễn Thạc Hoát cũng chỉ rõ, ngưỡng nợ công tối ưu và trần nợ công an toàn chỉ là điều kiện cần để đảm bảo an toàn của nợ công, chất lượng nợ là điều kiện đủ để đảm bao mức độ an toàn của nợ công.
Đồng tình với nhóm nghiên cứu, TS. Lê Hải Mơ (Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính) nhìn nhận, các chỉ số chỉ đóng vai trò tham khảo, điểm cốt lõi chính là chất lượng nợ, hiệu quả sử dụng nợ công và chất lượng tăng trưởng nền kinh tế.
Cần đảm bảo sử dụng nợ công hiệu quả để phát huy vai trò đòn bẩy tài chính cho tăng trưởng, hạn chế được gánh nặng nợ công trong những năm tiếp theo.
Cần phải chủ động dự phòng đối với các khoản nợ bất khả kháng, bao gồm nợ ngầm định và nợ bất thường nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và an toàn nợ công./.
Bình luận