Đầu tư chiến lược cho tuyên truyền để xây dựng thương hiệu quốc gia
Phát triển thương hiệu quốc gia còn nhiều bất cập, khó khăn
Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, giới thiệu tới các cơ quan, tổ chức hữu quan, hiệp hội về tầm quan trọng của Chương trình thương hiệu quốc gia, sáng ngày 20/04/2016, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức “Diễn đàn Thương hiệu quốc gia với truyền thông và cộng đồng”.
Toàn cảnh Diễn đàn thương hiệu quốc gia với truyền thông và cộng đồng ngày 20/04/2016
Thông tin tại Diễn đàn, ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình Thương hiệu quốc gia, giai đoạn 7-8 năm đầu đưa ra nội dung, định hướng phù hợp mới tham gia tiến trình xây dựng Thương hiệu quốc gia. Kết thúc 2003-2010 sau đó Bộ Công Thương được phép thực hiện chương trình vô thời hạn.
“Mục đích đầu tiên của chương trình là xây dựng Việt
Mục đích thứ 2, theo Phó Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, là nâng cao chất lượng hàng hoá, dịch vụ thị trường trong nước và khuyến khích xuất khẩu công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất thô.
Thứ 3, tăng cường nhận biết của người tiêu dùng về hàng Việt
Theo thống kê từ Cục Xúc tiến thương mại, đến nay chương trình đã tiến hành 4 đợt lựa chọn các Doanh nghiệp và sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam đạt đủ các tiêu chí được mang biểu trưng Thương hiệu quốc gia.
Cụ thể, năm 2008 là 30 doanh nghiệp, 2010 là 43 doanh nghiệp, 2012 là 54 doanh nghiệp, năm 2014 là 63 doanh nghiệp trong đó có 14 doanh nghiệp lần thứ 2 liên tiếp, 11 doanh nghiệp lần thứ 3 liên tiếp và 23 doanh nghiệp lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu quốc gia.
Có vai trò quan trọng, song, đến nay, công tác phát triển hình ảnh và thương hiệu quốc gia ở nước ta còn nhiều khó khăn, bất cập
Chia sẻ về vấn đề này, TS. Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: "Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có hàng xuất khẩu đã phải chịu thiệt đơn, thiệt kép do không hiểu biết pháp luật, không có ý thức về xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Nhiều người nước ngoài không biết đến hoặc biết không đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt
“Thương hiệu hàng hóa Việt Nam đang bộc lộ những bất cập lớn, như: bị lép vế trước các thương hiệu nước ngoài trên chính thị trường nội địa; vẫn tiếp tục phải vào thị trường thế giới thông qua trung gian hoặc dưới dạng gia công cho các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài; bị đối thủ cạnh tranh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, khai thác một cách bất lợi trên thị trường thế giới", TS. Bùi Thế Đức nói.
Cũng theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trong chuỗi quá trình tạo giá trị gia tăng trên toàn cầu (nghiên cứu và phát triển – sở hữu trí tuệ; sản xuất, xây dựng thương hiệu, phát triển thương mại/dịch vụ), ở 2 phân khúc đầu, Việt Nam không có nhiều lợi thế, nhưng có thể đua tranh ở 2 phân khúc sau.
Việc không chỉ của doanh nghiệp
Đứng vai trò cơ quan thường trực của Chương trình thương hiệu quốc gia, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong điều kiện nguồn lực thực hiện “Chương trình thương hiệu quốc gia” hạn chế, Bộ Công Thương đã nỗ lực xây dựng và đổi mới các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút sự đồng hành tích cực của doanh nghiệp trong nhiều hoạt động.
Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn
Tuy ở vai trò cơ quan thường trực, nhưng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để những nội dung, mục đích và ý nghĩa của “Chương trình thương hiệu quốc gia” đến được với doanh nghiệp với người dân cần có sự đồng hành, hợp tác chặt chẽ của các cơ quan thông tấn báo chí.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, thời gian qua, với tư duy thời sự nhạy bén, nhận định sắc sảo, báo chí đã nêu những tồn tại, hạn chế trong thực trạng xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam.
“Qua đó giúp cơ quan chức năng điều chỉnh chính sách phù hợp, có ý kiến phản biện xã hội cần thiết khi xây dựng các chính sách mới đồng thời giúp doanh nghiệp có thông tin định hướng để xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh và thương hiệu bền vững hơn đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Thứ trưởng Hải cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan truyền thông trong thời gian tới tiếp tục đồng hành, tuyên truyền vai trò “Chương trình thương hiệu quốc gia” trong tình hình đất nước hội nhập sâu rộng hiện nay.
Cùng quan điểm, TS. Bùi Thế Đức nhấn mạnh: Xây dựng thương hiệu quốc gia không chỉ việc của doanh nghiệp mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó có vai trò của báo chí.
Theo ông Đức, để có thể tham gia tích cực hơn nữa vào việc xây dựng, phát triển hình ảnh và thương hiệu quốc gia, công tác thông tin tuyên truyền thời gian tới cần được các cấp, ngành, doanh nghiệp nhận thức đầy đủ hơn.
“Bên cạnh đó, cần đầu tư chiến lược hơn cho công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có lợi thế so sánh. Và cần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và phối hợp tốt hơn giữa doanh nghiệp với các cơ quan truyền thông. Công tác thông tin tuyên truyền giúp cho người Việt Nam nhận thức được những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức để chủ động tham gia và gắn kết vào chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ toàn cầu", TS. Bùi Thế Đức nói.
Cụ thể: TS. Bùi Thế Đức đề xuất 4 nhiệm vụ cấp bách của các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác tuyên truyền cho Chương trình thương hiệu quốc gia gồm:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các cấp lãnh đạo, doanh nghiệp về sự cần thiết phải phát triển hình ảnh và thương hiệu quốc gia trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thứ hai, công tác tuyên truyền phải nhấn mạnh giáo dục ý thức tự tôn, lòng tự hào, tự trọng của dân tộc, xây dựng đạo đức, văn hóa, trách nhiệm xã hội và sự tự tin cho doanh nghiệp.
Thứ ba, đấu tranh chống tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh, bảo vệ hàng Việt
Thứ tư, cung cấp kiến thức về Chương trình thương hiệu quốc gia, xây dựng và bảo vệ thương hiệu quốc gia.
Nêu các yếu tố xây dựng thương hiệu quốc gia, PGS, TS. Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia về thương hiệu từ Trường Đại học Thương mại cho biết, để xây dựng thương hiệu quốc gia cần sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, vai trò của thương hiệu mạnh, bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa, thể chế và thu hút đầu tư, hợp tác hội nhập, cộng đồng truyền thông….
Theo PGS, TS. Nguyễn Quốc Thịnh, thương hiệu quốc gia như một thương hiệu tập thể, đại diện cho hình ảnh, uy tín giá trị cảm nhận về quốc gia.
Ngoài ra các sản phẩm được công nhận thương hiệu quốc gia còn là một chứng nhận về nguồn gốc sản phẩm, về uy tín, chất lượng đồng thời mang những giá trị văn hóa, bản sắc của quốc gia.
Được biết, ở các ngành hàng trên thị trường đều có doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia, đây là những doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước và có uy tín trên thị trường. Ví dụ như: ngành Tài chính - Ngân hàng có VietinBank, BIDV, Vietcombank, Techcombank; Ngành Thực phẩm đồ uống có Habeco, Vinamilk, Trung Nguyên; Ngành Nông nghiệp có Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau; Ngành Thương mại – Dịch vụ có Hapro, Viettel post.../.
Chương trình Thương hiệu Quốc gia được Chính phủ phê duyệt từ năm 2003, giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhằm xây dựng và quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua hàng hóa, dịch vụ gắn với giá trị : “Chất lượng – đổi mới, sáng tạo – Năng lực tiên phong”. Đồng thời, Chương trình cũng tạo uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt |
Bình luận