Vì thế, cần chủ động giải quyết các vấn đề để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, ít carbon hơn và tuần hoàn nhưng đảm bảo tính bao trùm, toàn diện, hướng tới “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển này.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, nhưng cần đảm bảo tính bao trùm
Thứ trưởng Trần Duy Đông chỉ rõ, quá trình chuyển dịch xanh song hành với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong việc đảm bảo tính bao trùm, toàn diện và hướng tới con người là trung tâm của sự phát triển.

Ngày 30/11/2023, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức “Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững Việt Nam 2023” với chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam”.

Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu và mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia đều hướng tới. Năm 2015, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp Quốc, 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Năm 2023, thông qua báo cáo Quốc gia tự nguyện lần thứ 2, Việt Nam một lần nữa cam kết tiếp tục phát huy vai trò là thành viên có trách nhiệm, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế.

Được nhận định như chìa khóa đạt được Phát triển bền vững, tăng trưởng xanh (TTX) hướng tới sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội không chỉ là lựa chọn tất yếu, mà còn là cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực, bắt kịp xu thế phát triển của thế giới, hướng tới mục tiêu hiện thực hóa cam kết lịch sử mang tính bước ngoặt của Việt Nam về đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.

Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, được hỗ trợ bởi khung khổ pháp lý, dẫn dắt bởi chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia. Gần đây nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về TTX, đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, nhưng cần đảm bảo tính bao trùm
Sự kiện có sự tham gia của đông đảo khách quốc tế

Như vậy, phát triển bền vững lấy TTX làm chìa khóa then chốt đã trở thành yêu cầu cấp bách, được Đảng và Nhà nước định hướng đẩy mạnh nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và bảo vệ, giữ gìn môi trường.

"Đây là lựa chọn dài hạn để đảm bảo cân đối, hài hòa mục tiêu giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính với sự phát triển và quy mô ngày càng tăng của nền kinh tế; là quá trình chuyển biến về tư duy, nhận thức trong sản xuất, tiêu dùng và lối sống, trong tư duy hoạch định và thực thi chính sách", Thứ trưởng nói.

Tuy nhiên, thực tiễn tại nhiều quốc gia trên thế giới chỉ ra rằng quá trình chuyển dịch xanh song hành với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong việc đảm bảo tính bao trùm, toàn diện và hướng tới con người là trung tâm của sự phát triển.

"Trong khi các số liệu vĩ mô chỉ ra bức tranh tươi sáng của tương lai xanh, thì một số nhóm cộng đồng có nguy cơ đối mặt với tác động tiêu cực của quá trình chuyển dịch và trở thành những đối tượng bị bỏ lại phía sau", Thứ trưởng nói

Cụ thể, theo Thứ trưởng Đông, quá trình chuyển dịch xanh diễn ra trong bối cảnh nhiều xu hướng lớn xuất hiện như tự động hóa, đổi mới sáng tạo hay sự già hóa nhanh chóng của dân số. Quá trình này dẫn tới sự tái phân bổ lao động giữa các khu vực, lĩnh vực, từ đó đòi hỏi chuyển đổi kỹ năng của người lao động – một vấn đề không đơn giản đối với người già, người lao động có trình độ thấp, người lao động ở các khu vực khó khăn.

Về doanh nghiệp, các DNNVV được coi là động lực quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm đối tượng đối mặt với nhiều rào cản trong chuyển dịch, khi khả năng đầu tư vào công nghệ xanh hạn chế, nhận thức với các vấn đề về môi trường, tài nguyên chưa cao, khả năng tiếp cận kiến thức và tài chính còn thấp…

Về phía địa phương, sự khác biệt về đặc điểm tự nhiên cố hữu, dân số, xã hội dẫn tới sự chênh lệch trong phát triển kinh tế, trình độ lao động, khả năng chuyển dịch trong bối cảnh xanh hóa nền kinh tế.

Đây đều là những vấn đề vừa cơ bản, dài hạn, vừa mang tính thời sự, cấp bách, đòi hỏi chúng ta cần chủ động giải quyết nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, ít carbon hơn và tuần hoàn nhưng đảm bảo tính bao trùm, toàn diện, hướng tới “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển này.

Trong bối cảnh đó, Học viện Chính sách và Phát triển và Tạp chí Kinh tế và Dự báo cùng đồng hành tổ chức Diễn đàn Phát triển Bền vững Việt Nam 2023, với chủ đề “Thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm ở Việt Nam”.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, nhưng cần đảm bảo tính bao trùm
Thứ trưởng Trần Duy Đông cùng lãnh đạo, cán bộ Tạp chí Kinh tế và Dự báo tại Diễn đàn

"Với tinh thần khoa học và trách nhiệm, tôi mong rằng, các bài nghiên cứu, các tham luận về chuyển dịch xanh bao trùm từ các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, địa phương sẽ cùng đóng góp tiếng nói chia sẻ quan điểm, kiến thức và đề xuất những biện pháp mới, có tính đột phá và thúc đẩy cao, đưa quá trình chuyển dịch xanh bao trùm Việt Nam vững vàng vượt qua mọi thách thức, giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu về Phát triển bền vững như cam kết tại Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thứ trưởng cũng chỉ đạo, với vai trò là cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, có chức năng tư vấn và phản biện chính sách và đề nghị Học viện Chính sách và Phát triển lắng nghe và ghi nhận ý kiến tại Diễn đàn để hoàn thiện hơn các nghiên cứu hiện tại.

"Trong tương lai, đề nghị Học viện tiếp tục tích cực phối hợp với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước, nghiên cứu các vấn đề về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm, đóng góp thiết thực vào việc thực hiện thành công Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia và các cam kết của Việt Nam về thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc", Thứ trưởng đề nghị./.