Đề nghị rà soát thêm nội dung về hệ thống thông tin thị trường bất động sản
“Đề nghị rà soát thêm nội dung về hệ thống thông tin nhà ở và thị trường bất động sản trong dự thảo Luật, để quy định đảm bảo đầy đủ, đáp ứng yêu cầu phải có hệ thống thông tin thị trường…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự thảo Luật mới đang quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng không có quy định về trách nhiệm của UBND cấp dưới như cấp huyện, cấp xã |
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong các thành phần của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, chỉ có duy nhất nội dung về cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được quy định cụ thể. Còn về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và phần mềm phục vụ quản lý, vận hành, khai thác thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản chưa được thể hiện rõ. Do đó, phải bổ sung những vấn đề về tính nguyên tắc của hai nội dung này vào dự thảo Luật, để bảo đảm quá trình xây dựng và vận hành hệ thống thông tin được hiệu quả sau khi Luật ban hành.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản, ông Vương Đình Huệ nhận thấy, dự thảo Luật mới đang quy định trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhưng không có quy định về trách nhiệm của UBND cấp dưới như cấp huyện, cấp xã. Do đó, đề nghị các cơ quan hữu quan phối hợp tiếp tục rà soát kỹ lưỡng nội dung này, có quy định trách nhiệm của cấp khác hay không, hoặc ủy quyền có được không?
Cho ý kiến về điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, đây là vấn đề phức tạp, còn băn khoăn trong phương án quy định thời điểm chuyển nhượng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là vấn đề phức tạp |
Theo ông Tùng, cần quy định theo phương án 2 như đã nêu trong báo cáo, chủ đầu tư là bên chuyển nhượng chưa hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính về đất của dự án. Phần dự án chuyển nhượng với Nhà nước, thì bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng có thể thỏa thuận để bên nhận chuyển nhượng dự án hoặc phần dự án đó tiếp tục thực hiện nghĩa vụ còn lại chưa hoàn thành, nếu có thỏa thuận được.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định như vậy linh hoạt hơn và cho phép những trường hợp chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án vì lý do khách quan gặp vướng mắc về tài chính có phương án để tiếp tục thực hiện dự án. Đồng thời, đây cũng là một giải pháp để khơi thông, tránh những ách tắc của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, cần quy định điều kiện hết sức chặt chẽ đối với vấn đề này.
Liên quan đến đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, một số ý kiến bày tỏ tán thành với Phương án 2 là chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh bất động sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, trong thực tế triển khai, kể cả có quy định tỷ lệ đặt cọc ở mức độ nhất định, nhưng trên thị trường, các nhà phát triển bất động sản vẫn luôn sử dụng việc đặt cọc như là một kênh để thu lợi vốn. Nếu cho phép đặt cọc khi chưa đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh, có thể sẽ lặp lại hiện trạng là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sử dụng tiền đặt cọc như một kênh huy động vốn thay cho việc dùng tiền của chủ sở hữu để phát triển kinh doanh bất động sản.
Quan ngại trước tình trạng trên, ông Mạnh nhất trí với Phương án 2 như đã nêu trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đặc biệt là với các dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và các luật về xây dựng, quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, thương mại, công chứng, Bộ luật Dân sự; đồng thời phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
“Giao Ủy ban Kinh tế phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp và ý kiến đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới; lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, cơ quan, để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6…”, ông Hải lưu ý./.
Bình luận