Điểm yếu nhất của Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông là “người thầy”?
Hết thời người thầy là “diễn viên” truyền giảng kiến thức
Tổng quan về Đề án Chương trình Giáo dục phổ thông, PGS, TS. Đỗ Ngọc Thống – Bộ phận Thường trực Đổi mới chương trình (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay: Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này nhận được sự quan tâm rất lớn của xã hội. Nếu như hạn chế của các lần thay đổi chương trình trước là cách làm cắt khúc, làm từng cấp học tách rời, thì lần này cần thiết phải xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể xuyên suốt, liên thông, liền mạch cả 3 cấp học.
“Mặc dù đã qua nhiều lần hội thảo, nhiều nội dung đã được thảo luận cân nhắc khá kỹ. Tuy nhiên do cách tiếp cận mới, với những định hướng và yêu cầu mới nên Chương trình vẫn tiếp tục được đưa ra xin ý kiến của các chuyên gia, các nhà giáo dục và dư luận” – PGS. Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.
Khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông đang đi đúng hướng, là nền móng tốt cho việc cải cách giáo dục thời gian tới, TS. Phạm Thị Ly - Giám đốc Viện Đào tạo Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, chương trình mới coi trọng trải nghiệm của học sinh, thay cho lối tiếp thu “thầy đọc - trò chép”. Người thầy không còn là một “diễn viên” truyền giảng kiến thức, mà là người tổ chức các hoạt động để học sinh tự tìm kiếm tri thức và đạt đến hiểu biết thông qua trải nghiệm cá nhân của chính họ.
Việc kết hợp giữa tích hợp ở các lớp dưới và phân hóa ở các lớp trên là phù hợp với xu hướng quốc tế, nhằm nhấn mạnh khả năng lựa chọn và trao quyền lựa chọn cho học sinh gắn với những nỗ lực hướng nghiệp. Tích hợp không chỉ nhằm giảm tải, mà còn là giúp học sinh vận dụng kiến thức của những lĩnh vực khác nhau vào việc hiểu biết hay xử lý một vấn đề.
Ở một góc độ khác, thầy giáo trong cách nhìn sáng tạo, nhà báo Nguyễn Huy Cường đưa ra 5 khái niệm về người thầy:
(i) Thầy là người thực hiện công nghệ dạy học, hưởng lương, có bổn phận dạy hết những kiến thức nhà trường quy định
(ii) Thầy là người làm nghề với cơ hội có được những người bạn tốt mà hôm nay là học trò, sẽ có mặt trong chiều dài cuộc đời mình, có thể sẽ là thầy mình ở một hoàn cảnh khác. Có thể là bạn tốt hoặc đối tác tốt với mình trong tương lai.
(iii) Thầy giáo là người có vinh hạnh được tạo dựng đời sống tinh thần, phong thái, kiến thức của mình trong hàng vạn con người khác.
(iv) Thầy giáo là người lao động vừa được trả lương, vừa được xã hội tôn trọng
(v) Thầy là một chuyên gia tâm lý học, thầy có điều kiện để làm thay đổi tâm trạng, thái độ sống, số phận của hàng vạn người trong đời dạy học của mình theo hướng tích cực.
“Nếu người thầy xuất phát từ những ý nghĩa đó, chất lượng giảng dạy, chất lượng giao tiếp sẽ thay đổi. Và ở phía đối diện, nếu được nghe thầy giảng với nhận bết đó là xúc cảm của thầy thì việc tiếp thu chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều” – Nhà báo Cường nói thêm.
Nếu được nghe thầy giảng với nhận bết đó là xúc cảm của thầy thì việc tiếp thu chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều
Giáo viên đã sẵn sàng thay đổi?
Phân tích về phần triển khai, PGS, TS. Đỗ Ngọc Thống khẳng định, trong đổi mới căn bản toàn diện này nếu chỉ đổi mới chương trình sách giáo khoa thì chưa được, vai trò giáo viên là rất quan trọng. Sách hay chương trình hay, mà thầy không giỏi thì không được, sách không hay có ông thầy giỏi cũng sẽ xử lý được.
Đồng tình với quan điểm đó, TS. Ly bày tỏ băn khoăn “điều dư luận lo ngại và đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay được đào tạo để dạy theo chương trình cũ (hiện tại). Họ sẽ xoay xở như thế nào với chương trình mới? Vấn đề giáo viên và thiết chế chính là “điều kiện đủ” để thực hiện những ý tưởng của chương trình mới”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định, đội ngũ giáo viên phổ thông gần 100% đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, chúng tôi e rằng chữ “chuẩn” ở đây chỉ có nghĩa là bằng cấp. Chúng ta chưa có bất cứ nghiên cứu nào được thực hiện một cách độc lập, có hệ thống, và dựa trên những phương pháp đáng tin cậy để đánh giá mức độ hài lòng của phụ huynh đối với chất lượng giáo dục ở phổ thông hiện nay trong đó có chất lượng người thầy.
Thay đổi một cách nghĩ đã ăn sâu không chỉ một vài chục năm, mà là hàng nghìn năm theo lối thầy đọc trò chép, không phải chuyện dễ dàng, chưa nói tới việc thực hiện cách dạy mới, cách đánh giá mới. Vì vậy, thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của đội ngũ nhà giáo.
Khá thẳng thắn, ông Cường cho rằng “Điểm yếu nhất trong Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông lần này chính là sự đầu tư ít ở góc độ này (giáo viên – pv), mà nặng về những nội dung khác”.
"Để cải cách , đổi mới giáo dục, dứt khoát phải đổi mới thành công trục thầy giáo. Nội dung này nên đặt vào ngay chương trình đào tạo của trường sư phạm. Phải “chuyển sang chiều khác” ngay từ vị trí, cách làm, tư tưởng, tình cảm của người thầy. Thầy giáo chính là “đầu vào” đầu tiên của giáo dục. Nếu nó tốt, guồng máy sẽ tốt theo", ông Cường chỉ rõ./.
Bình luận