Tại Tọa đàm "Phát triển kinh tế tư nhân thành động lực: Rào cản và giải pháp" diễn ra sáng hôm nay (5/10) tại Hà Nội, do Nhadautu.vn tổ chức, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã nhận định, không ít doanh nghiệp (DN) không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”.

Toàn cảnh Tọa đàm

DN tư nhân đang... lớn dần

Phát biểu tại Toạ đàm GS,TKSH. Nguyễn Mại nhìn nhận cho đến nay, kinh tế tư nhân đã dần trở thành một trụ cột của nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khả quan.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, GS, TSkH. Nguyễn Mại cho hay 8 tháng đầu năm 2018 có 87.448 DN được thành lập với tổng số vốn đăng ký và tăng thêm là 2,56 triệu tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là một trong những dấu chỉ cho thấy rằng, cùng với cải cách để có hiệu quả hơn đối với DN nhà nước, thu hút nhiều hơn, có chất lượng hơn DN FDI, thì kinh tế tư nhân với số lượng ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn đóng vai trò quan trọng đối với gia tăng tốc độ tăng trưởng theo hướng bền vững.

Giáo sư Nguyễn Mại nhận định phát triển kinh tế tư nhân đã xuất hiện những tín hiệu mới, đặc biệt về phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin. Số liệu mới đây của Bộ Thông tin Truyền thông cho biết số tỉnh, thành phố làm công nghiệp công nghệ thông tin đã tăng từ con số 50 năm 2016 lên 57 năm 2017.

Cụ thể, năm 2017, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin đạt 91.592 triệu USD, tăng hơn 35%, kim ngạch xuất khẩu công nghệ thông tin đạt 83.364 triệu USD, tăng trên 28,7%; tổng số nhân lực công nghệ thông tin là 928.103 người, tăng hơn 21,1%; và nộp thuế trên 23.600 tỷ đồng, tăng hơn 26% năm 201

Một tín hiệu mới là nhiều tập đoàn kinh tế sau thời gian tích lũy vốn, nâng cao trình độ công nghệ, nguồn nhân lực đã chuyển hướng kinh doanh sang ngành công nghiệp tương lai thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhưng, không thể mạnh trong một môi trường nhiều rủi ro

TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, dù DN tư nhân đã có những bước chuyển mạnh trong những năm gần đây nhưng vẫn rất nhỏ so với thị trường.

“Tính từ năm 1991 khu Luật DN tư nhân ra đời đánh dấu mốc lịch sử cho sự phát triển kinh tế tư nhân, thì đến nay cả Việt Nam mới có 4 tỷ phú. Các tỷ phú này cũng còn rất nhỏ so với thế giới, chưa có “ông” nào ngấp nghé top đầu thế giới. Vậy vì sao DN Việt Nam không lớn được?”, Viện trưởng Cung đặt vấn đề.

DN rời khỏi thị trường nhiều, phần lớn DN không lớn nổi, ngược lại có những DN rất có khả năng “lớn”, nhưng lại “không muốn lớn” bởi họ luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, bởi họ luôn thấy bất định, luôn thấy không an toàn, không an tâm.

TS. Nguyễn Đình Cung thẳng thắn chỉ rõ: “Mặc dù ta có tự do kinh doanh ở mức độ nào đó nhưng lại không bảo đảm được sự an toàn. Đáng lẽ chỉ phải đối diện với rủi ro thương trường thì DN, doanh nhân Việt phải đối diện với môi trường kinh doanh đầy rủi ro về thể chế, rủi ro pháp lý.

Ông cho rằng, sự không an toàn, không an tâm cũng bởi hệ thống pháp luật của Việt Nam là một hệ thống 8 không”. Đó là không cụ thể, không rõ ràng, không minh bạch, không hiệu quả, không hiệu lực và áp dụng tùy tiện.

Đã vậy DN càng chính thức thì càng gặp nhiều cuộc kiểm tra thanh tra…

Với những rủi ro này DN dễ rơi vào cảnh “sáng đúng chiều thành sai” và doanh nhân không tính toán được chiến lược lâu dài. Một môi trường như thế khiến nhiều DN không muốn phát triển.

Còn theo ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, không ít DN không mấy hứng thú với cách thức phát triển bền vững, chủ yếu phát triển theo hướng “mì ăn liền”. Nghĩa là họ muốn có tiền tươi thóc thật ngay, chưa phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

"Dù Chính phủ có tạo điều kiện nhiều đi nữa nhưng bản thân các doanh nhân, DN không tự làm mới mình thì cũng rất khó để chúng ta chứng kiến bước đột phá trong ngắn và trung hạn", ông nhận xét.

1.000 DN nộp thuế lớn hầu hết là ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản

Dưới góc độ thuế, ông Nguyn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn (Bộ Tài chính) cho hay, hiện nay, chi phí vốn rất cao, lãi suất điều hành của Chính phủ rất thấp nhưng DN phải đi vay rất cao. Đây là nghịch lý rất lớn!.

Điều đáng lưu ý là1.000 DN nộp thuế lớn hầu hết là ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản. Như vậy, “Câu chuyện phân phối thu nhập của nền kinh tế rõ ràng đang có sự lệch lạc. Đáng lẽ nên dồn cho sản xuất, nhưng hiện nay lại chủ yếu dành cho các ngành dịch vụ như ngân hàng, du lịch…”, ông Phụng chỉ rõ.

Nhiều DN đăng ký vốn điều lệ rất lớn, nhưng con số thực góp lại rất nhỏ. Điều này tạo sự mất an ninh tài chính. Hiện nay có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, song chỉ có khoảng 1,7 triệu hộ đóng thuế, ngoài ra thu nhập chưa phải đóng thuế.

Một vấn đề khác, theo ông Nguyễn Đức Kiên, không kém phần bức xúc là hiện dư luận xã hội vẫn có cái nhìn không mấy thiện cảm với đội ngũ doanh nhân và đặc biệt là khối DN tư nhân, dẫn tới sự phân biệt trong đối xử giữa kinh tế tư nhân và các thành phần khác.

Vấn đề xử lý mối quan hệ giữa DN và các vấn đề xã hội không được đặt thành chiến lược lâu dài của đội ngũ doanh nhân, mà chỉ coi đó là các tình huống xử lý điểm nóng, sự vụ. Nhiều DN chưa đặt vấn đề bảo vệ môi trường, bảo đảm quyền lợi cho người lao động là những yếu tố cấu thành quan trọng giúp cho DN phát triển bền vững.

Để DN tư nhân lớn mạnh

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, giải pháp ở đây là ở cả Nhà nước, văn hóa và nỗ lực của DN. Dù là công nghiệp 4.0 hay 5.0 thì trước hết chúng ta phải cải thiện nền tảng DN và cần thúc đẩy để DN tư nhân phát triển.

Cho nên Luật Đầu tư sắp tới cần thận trọng, trò chơi phải có nền tảng, cam kết hội nhập, kết nối DN với các tập đoàn FDI và sáng tạo không phân biệt DN lớn nhỏ. Đồng thời, các chính sách điều tiết phải phù hợp với cuộc cách mạng nghệ tại Việt Nam.

Trong đó, quyền sở hữu trí tuệ khó mấy cũng phải làm. Hệ sinh thái DNVVN và Startup đã nói nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là startup. Bản chất vấn đề là kỹ năng quản trị cho đội ngũ, cần có cố vấn đã có kinh nghiệm va chạm và các quỹ đầu tư.

Hiện nay, các “ông lớn” cũng đã dần chuyển sang xu hướng mới. Tuy nhiên, việc hỗ trợ chưa cao và nếu muốn phát triển tốt thì Nhà nước phải biết đặt công nghệ lên hàng đầu.

Còn để giải quyết tốt mối quan hệ của tam giác phát triển gồm tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, và bảo vệ môi trường, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cần cả từ 2 phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nhân tư nhân phải có tư duy đột phá để vừa thực hiện tốt việc phát triển kinh tế, đảm bảo lợi nhuận cho đồng vốn đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải thực hiện trách nhiệm xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững.

Rất cập nhật, GS,TKSH. Nguyễn Mại lưu ý rằng, trong xu hướng thời đại số, DN là đối tượng chịu tác động trực tiếp của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong tương lai gần có ngành phải thu hẹp kinh doanh, nhiều lao động của con người được thay thế bằng robot; đồng thời có ngành mới ra đời tạo ra nhiều việc làm đòi hỏi kỷ năng cao. Nhiệt điện than, thủy điện, điện tử, công nghiệp chế tạo, dệt may, giày dép phải điều chỉnh trong ngắn hạn và trung hạn để thay đổi kịp với xu thế của thế giới. Du lịch, thương mại, công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, xây dựng được hưởng lợi từ nền tảng số hóa, kết nối dữ liệu lớn (Big Data).

Vì thế, DN nắm bắt được cơ hội, đổi mới nhanh công nghệ và mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường thì tăng trưởng nhanh và có hiệu quả cao. Ngược lại nếu “lạc nhịp” sẽ kinh doanh thua lỗ, thậm chi phá sản.

Về góc độ quản lý nhà nước, GS, TSHK Nguyễn Mại cũng cho rằng, phải đẩy mạnh hơn nữa Chính phủ điện tử: Để phát triển kinh tế tư nhân thì xây dựng Chính phủ điện tử là đòi hỏi của đổi mới quản lý nhà nước trong thời đại kỷ thuật số.

"DN đánh giá cao việc thực hiện chính phủ điện tử ở tất cả các cấp chính quyền từ xã phường, quận huyện, tỉnh thành phố và các cơ quan trung ương đã giảm bớt nhiều chi phí và thời gian khi thực hiện các dịch vụ công; đồng thời hy vọng sẽ có đột phá theo hướng chính phủ điện tử ứng dụng các công nghệ và nguyên tắc dựa trên nguồn mở và hợp tác; thông tin minh bạch công khai được truy cập rộng rãi, quyền DN có thể sử dụng lại, tài bản, thay đổi mục đích và thêm giá trị đối với thông tin khu vực công. Để đáp ứng đòi hỏi của quy mô từng loại DN, cùng với việc hoàn thiện luật pháp như sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật DN năm 2014 đang được tiến hành, cần có quy định riêng cho DNVVN và Tập đoàn kinh tế, bởi vì không thể dùng một chiếc áo cho nhiều người có kích cỡ khác nhau", vị chuyên gia này đề xuất./.