Dự án sân bay Long Thành đã có sự đồng thuận từ Chính phủ
Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Phiên họp thường kỳ tháng 9 diễn ra trong 2 ngày 29 – 30/9, Chính phủ đã nghe tờ trình của Bộ Giao thông vận tải về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Bên cạnh đó Chính phủ cũng nghe báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước về Dự án này.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nhất trí về chủ trương đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành từng bước đạt cấp 4F (theo phân cấp của Tổ chức hàng không quốc tế - ICAO); giữ vai trò là Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ và quan trọng của quốc gia, dự kiến trong tương lai sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á.
Quy mô đầu tư nâng công suất khai thác đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm (đến năm 2030); trong giai đoạn 1 (đến năm 2025), hình thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển, công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, nhằm hỗ trợ việc quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được đầu tư xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với diện tích giải phóng mặt bằng là 5.000 ha. Khái toán tổng mức đầu tư toàn bộ giai đoạn 1 khoảng 7,837 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội khóa XIII xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2014.
Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Đồng thời Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đồng Nai và các địa phương liên quan rà soát, hoàn thiện các quy hoạch, dự án hạ tầng giao thông theo quy định, tạo tính kết nối đồng bộ, nâng cao hiệu quả sử dụng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
UBND tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm tổ chức lập dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư và tổ chức triển khai thực hiện dự án theo quy định.
Trước đó tại Văn bản kiến nghị lên Thủ tướng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng bác bỏ giả thiết sử dụng các cảng hàng không ở miền Nam và Tây Nguyên để hỗ trợ Tân Sơn Nhất khi nói rằng, sân bay Cần Thơ cách TP. Hồ Chí Minh đến 175 km còn sân bay Liên Khương càng xã hơn, cách 290 km nên sự hỗ trợ là không lớn.
Để tăng tính thuyết phục về hiệu quả kinh tế của dự án, tờ trình cũng đưa ra kết quả phân tích cho thấy tỷ suất nội hoàn kinh tế (EIRR) 22,1%.
“Tỷ suất này được đánh giá cao hơn tiêu chuẩn trung bình của các công trình công cộng tại Việt Nam, thường ở mức 10-12%; do đó việc thực hiện dự án là khả thi”, báo cáo nhấn mạnh.
Về phương án huy động vốn, Bộ trưởng Thăng cho biết, trong số 164.000 tỷ đồng cần cho giai đoạn 1, thì vốn nhà nước (ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA) dự kiến bỏ ra 84.600 tỷ, trong đó giai đoạn 1a khoảng 57.800 tỷ (tương đương 48,6%). Còn lại gần 80.000 tỷ sẽ huy động từ nguồn của doanh nghiệp thông qua cổ phần hóa, liên doanh liên kết, hợp tác công tư. Trước mắt ở giai đoạn đầu (1a) con số ngoài ngân sách cần huy động là trên 61.000 tỷ đồng (chiếm 51,3%).
Bình luận