Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá tra sụt giảm ở hầu hết những thị trường lớn, như: Mỹ, EU, nhưng tăng mạnh tại thị trường Trung Quốc.

Theo VASEP, xuất khẩu cá tra sang Mỹ sụt giảm là bởi thuế chống bán phá giá cá tra cao (gần 1 USD/kg) gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam và các nhà nhập khẩu Mỹ. Bên cạnh đó, nhu cầu cá rô phi, sản phẩm cạnh tranh với cá tra tại thị trường này vẫn tăng.

Còn tại thị trường EU, cuối năm 2014, giá đồng Euro hạ xuống mức thấp kỷ lục trong vòng hơn một thập niên qua so với đồng USD. Chính sách hạn chế nhập khẩu và tăng xuất khẩu khiến cho các nhà nhập khẩu tại thị trường này hạn chế nhập khẩu hoặc tìm cách giảm giá mua.

ASEAN là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ 4 của Việt Nam sau: Mỹ, EU và Trung Quốc. Tuy nhiên, giá xuất khẩu sang một số nước trong khu vực ASEAN không tăng, tiêu thụ chậm.

Xuất khẩu khó khăn tại các thị trường lớn, như: Mỹ, EU, ASEAN, Mexico, Brazil buộc các doanh nghiệp quan tâm chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc mặc dù còn nhiều rủi ro.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ cá tra của Trung Quốc đang ngày càng tăng. Sự tham gia thị trường của một số nhà nhập khẩu theo hướng mua bán trực tuyến, nhập khẩu vào các địa phương phía Bắc Trung Quốc cũng có tác động rất lớn, làm cho thị trường Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn.

VASEP cũng nhận định, để thúc đẩy xuất khẩu cá tra, điều quan trọng là phải lấy lại hình ảnh cho sản phẩm cá tra; đẩy mạnh cung cấp những thông tin minh bạch về sản phẩm cá tra và quá trình sản xuất đến người tiêu dùng; xây dựng hình ảnh cho sản phẩm cá tra dựa trên các ưu điểm: cá thịt trắng, giá hợp lý, không có mùi tanh…/.