Đưa Mũi Né trở thành điểm đến hàng đầu của khu vực
Đó là một trong những mục tiêu tại Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1772/QĐ-TTg, ngày 18/12/2018.
Xây dựng Mũi Né thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao
Mục tiêu chung của Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật du lịch, đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia; thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển Khu du lịch Mũi Né trở thành một điểm đến hấp dẫn, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước. Phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mũi Né phấn đấu năm 2025 đón khoảng 9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 1,5 triệu lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 14 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt trên 2,5 triệu lượt.
Mũi Né phấn đấu năm 2025 đón khoảng 9 triệu lượt khách
Về phát triển thị trường khách du lịch, từ nay đến 2025 tiếp tục duy trì và mở rộng thị phần tại các thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống như Nga và các nước Đông Âu, châu Âu, Bắc Mỹ, Bắc Âu và khu vực Đông Nam Á. Từng bước tiếp cận và chiếm lĩnh phân khúc thị trường cao cấp đến từ Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đối với thị trường khách du lịch trong nước, tập trung ưu tiên thu hút phân khúc có mức chi tiêu cao đến từ các đô thị lớn và ưa thích các sản phẩm du lịch biển như nghỉ dưỡng biển, sinh thái biển, thể thao biển.
Về phát triển sản phẩm du lịch, Quy hoạch xác định các sản phẩm chủ đạo của Khu du lịch quốc gia Mũi Né gồm các sản phẩm du lịch biển (tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển và thể thao biển); các sản phẩm du lịch sinh thái chuyên đề khai thác đặc trưng cảnh quan và địa hình “Cát” (du lịch tham quan, khám phá cảnh quan và hệ sinh thái đồi cát, thể thao trên địa hình cát).
Ngoài ra, Mũi Né cũng sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch quan trọng như: Các sản phẩm du lịch khai thác đặc trưng văn hóa địa phương (tham quan các di tích lịch sử văn hóa, trải nghiệm, nghiên cứu văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa Chăm và lễ hội cổ truyền của cư dân bản địa); các sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng (du lịch nghỉ dưỡng tại nhà dân, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch làng chài); các sản phẩm du lịch gắn với đô thị (các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch; các hoạt động nghệ thuật đường phố).
Phấn đấu đến năm 2030, Đankia - Suối Vàng trở thành Khu du lịch quốc gia
Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 1771/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Đankia - Suối Vàng trở thành Khu du lịch quốc gia, là một trung tâm du lịch của vùng Tây Nguyên và cả nước với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hình thành được thương hiệu và sản phẩm du lịch đặc trưng, có đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; gắn kết chặt chẽ với Khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm, thành phố Đà Lạt và các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh, trở thành điểm đến quan trọng trên hành trình tham quan du lịch vùng Tây Nguyên.
Quy hoạch nêu rõ, đến năm 2025 đón khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 56 nghìn lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 100 nghìn lượt. Bên cạnh đó, tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 3.700 lao động vào năm 2025 và khoảng 7.000 lao động vào năm 2030.
Theo Quy hoạch, sản phẩm du lịch chủ đạo của Khu du lịch Đankia - Suối Vàng gồm: sản phẩm du lịch văn hóa (phát huy các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, nhất là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để phát triển thành các sản phẩm du lịch tham quan buôn làng, du lịch tìm hiểu và trải nghiệm văn hoá, du lịch cộng đồng). Song song với đó là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng (khai thác các đặc thù về điều kiện khí hậu, cảnh quan để phát triển các sản phẩm nghỉ dưỡng ven hồ, nghỉ dưỡng gắn với thể thao golf, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp); sản phẩm du lịch thể thao, vui chơi giải trí (thúc đẩy phát triển các hoạt động thể thao trên mặt nước như bơi, chèo thuyền kayak; thể thao ngoài trời như đua xe địa hình, việt dã, golf)./.
Bình luận