Giá cả vật liệu xây dựng tăng đột biến, nhiều nhà thầu có nguy cơ lỗ nặng
Bộ Công thương đề nghị Tổng cục Thống kê cung cấp tình hình sản xuất và tiêu thụ thép hàng tháng, qua đó điều tiết kịp thời được cung - cầu thép xây dựng.
Nguyên nhiên liệu đầu vào sản xuất đều tăng
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tháng 4/2021 tăng 0,37% so với tháng trước và tăng 4,47% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,89% và tăng 7,82%; dùng cho sản xuất công nghiệp tăng 0,32% và tăng 4,49%; dùng cho xây dựng tăng 0,18% và tăng 2,06%.
Nhóm hàng nguyên vật liệu xây dựng tăng giá mạnh
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất tăng 4,64% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu dùng cho sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 6,77%; dùng cho sản xuất công nghiệp tăng 4,95%; dùng cho xây dựng tăng 1,95%.
Trong đó đáng lưu ý giá nhóm sản phẩm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng do nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm; chi phí vận chuyển nguyên liệu nhập khẩu tăng cao từ việc thiếu tàu biển và container ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; biến đổi khí hậu làm mất mùa. Trong khi đó, ở Việt Nam, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chủ yếu từ nhập khẩu (chiếm khoảng 80%-85%), giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi 4 tháng đầu năm 2021 tăng 6,66% so với cùng kỳ năm 2020 nên ảnh hưởng đến giá thức ăn chăn nuôi trong nước. Cụ thể, giá nhóm sản phẩm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho ngành công nghiệp chế biến tháng 4/2021 tăng 2,48% so với tháng trước và tăng 13,49% so với cùng kỳ năm 2020, tính chung 4 tháng đầu năm nay tăng 8,79%; giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp tăng 1,26% và tăng 5,09%, tính chung 4 tháng tăng 3,6%.
Nhiều nhà thầu nguy cơ lỗ nặng
Đặc biệt, đối với nhóm ngành hàng vật liệu xây dựng, trong quý 1 và 4 tháng đầu năm đã có hiện tượng giá cả tăng mạnh, riêng mặt hàng sắt thép giá đặc biệt tăng phi mã từ cuối tháng 4 khiến chỉ số giá các nhóm mặt hàng này cũng ở mức cao.
Số liệu khảo sát thị trường của các công ty xây dựng cho thấy, từ cuối năm 2020, nhiều DN sản xuất thép như: Thép Thái Nguyên, Thép miền Nam, Pomina, Việt Đức, Tungho, Kyoei... đã bắt đầu tăng giá bán thép các loại. Đặc biệt, từ đầu tháng 4 đến nay, giá thép liên tục điều chỉnh báo giá theo chiều hướng tăng mạnh với biên đổ điều chỉnh rất lownsm thậm chí trong 1 tuần thay đổi vài lần giá bán.
Không chỉ riêng mặt hàng sắt thép, hầu hết các loại vật liệu khác như: cát, sỏi, xi măng cũng đồng loạt tăng giá tỷ lệ thuận với nhu cầu sử dụng tăng mạnh. Số liệu của Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho thấy, trong quý 1 năm nay, khu vực Đông Nam bộ tiêu thụ xi măng lớn nhất cả nước. Đặc biệt nhu cầu tiêu thụ trong tháng 3 tăng mạnh khiến sản lượng tiêu thụ mặt hàng này tăng vọt gấp 2,3 lần. Tại khu vực phía Bắc, tiêu thụ mặt hàng này ước tính cũng tăng gần 40% so với tháng 2.
Cùng với nhu cầu tiêu thụ tặng mạnh, giá bán các loại xi măng cũng liên tục điều chỉnh, chẳng hạn, Xi măng Hoàng Long tăng 40 ngàn đồng/tấn, xi măng Xuân Thành tăng 40 ngàn đồng/tấn đối với sản phẩm bao rời, xi măng Bỉm Sơn tăng 30 ngàn đồng/tấn từ ngày 21-4… Cát sỏi xây dựng cũng tăng giá mạnh ở hầu khắp các tỉnh, thành. Đáng chú ý, măt hàng cát xây dựng ngày càng khan hiếm, việc khai thác gặp nhiều khó khăn, DN muốn mua số lượng lớn hay ít đều phải đặt hàng trước cả tháng.
Doanh nghiệp rất lo ngại trước diễn biến tăng giá mạnh của vật liệu xây dựng
Trước tình hình giá cả vật liệu xây dựng leo thang chóng mặt, cuối tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị về giá thép xây dựng. Hầu hết các doanh nghiệp thầu xây dựng đang hết sức lo ngại diễn biến tăng giá mạnh của vật liệu xây dựng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến việc bỏ thầu xây dựng, thậm chí khiến nhiều nhà thầu thua lỗ nặng nề, đứng trước nguy cơ phá sản do đã bỏ giá cao từ trước đó, theo đó ảnh hưởng dây chuyền đến tiến độ triển khai các dự án.
"Giá thép tăng cao sẽ đẩy nhiều nhà thầu vào tình huống hết sức khó khăn do hầu hết các chủ đầu tư vốn tư nhân thường sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định, không điều chỉnh ở thời điểm ký. Với chủ đầu tư vốn nhà nước, đơn giá phải áp dụng theo thông báo của các Sở Xây dựng, trong khi các thông báo này thường không cập nhật biến động giá kịp thời. Nếu chủ đầu tư không ứng kịp thời, cả công trình có thể bị ngưng trệ. Trong bối cảnh này, hầu hết các nhà thầu xây dựng đều đang đối mặt với thách thức rất lớn lớn sau khi giá thép tăng đột biến trong quý I, đặc biệt là vào tháng 4 được coi là đợt tăng giá nhanh và mạnh nhất của thép xây dựng trong nhiều năm qua. Nếu cơ quan quản lý không có giải pháp kịp thời nhiều nhà thầu có thể rơi vào tình trạng phá sản", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam lo lắng nhận định.
Các chuyên gia cũng lo ngại xu hướng tăng giá nhóm hàng nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là nguyên liệu sắt thép có thể kéo dài đến giữa năm, thậm chí có thể tới cuối năm mới có thể giảm và ổn định trở lại do tác động của dịch Covid 19 khiến hoạt động logistic ngưng trệ làm gián đoạn cung ứng nguyên liệu, trong khi ngành sản xuất thép của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu nguyên liệu phôi thép. Do đó, hệ lụy có thể tác động rất lớn tới tiến độ triển khai giải ngân vốn đầu tư công do các nhà thầu xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt tăng giá này. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khuyến cáo, trong điều kiện giá cả leo thang như hiện nay, bản thân các doanh nghiệp xây dựng cũng như các nhà thầu cần theo sát diễn biến giá cả trong nước và thế giới cũng như cần có dự báo dài hạn hơn để bỏ thầu nhằm đảm bảo khả năng thi công cho công trình. Đặc biệt cần lưu ý thận trọng trong việc đàm phán các dự án thầu trọn gói trong các điều khoản về cam kết trách nhiệm 2 bên trong trường hợp giá cả nguyên vật liêu tăng mạnh, tránh bị rủi ro khi giá nguyên vật liệu tăng cao dẫn tới thua lỗ nặng nề, thậm chí là phá sản.
Nhằm đưa ra giải pháp sớm ổn định thị trường ngành hàng vật liệu xây dựng nói chung và sắt theo nói riêng, trong báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Công thương đã kiến nghị cần có chính sách điều tiết thuế thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá. Ngoài ra, Bộ đề nghị Tổng cục Thống kê cung cấp tình hình sản xuất và tiêu thụ thép hàng tháng, qua đó điều tiết kịp thời được cung - cầu thép xây dựng, tránh để dẫn tới tình trạng cung tăng mạnh dẫn tới cầu không đáp ứng kịp thời khiến giá cả leo thang, ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp và các công trình./.
Bình luận