Giai đoạn 2021-2025, trồng mới 11.000 ha rừng để ứng phó với biến đổi khí hậu
Việt Nam đặt mục tiêu trồng mới 11.000 ha rừng giai đoạn 2021-2025 |
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1662/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”.
Mục tiêu của Đề án nhằm quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2030. Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Đề án gồm ba nhiệm vụ chính, trước hết là quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có, đặc biệt là đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển.
Bên cạnh đó, khôi phục và phát triển rừng. Cụ thể, trồng mới 20.000 ha rừng, gồm: 9.800 ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 10.200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay (trên lập địa đất, cát). Trong đó, giai đoạn 2021-2025, trồng mới 11.000 ha. Trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng 15.000 ha, gồm: 6.800 ha rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn); 8.200 ha rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát (trên lập địa đất, cát). Trong đó, giai đoạn 2021-2025, trồng bổ sung phục hồi rừng và làm giàu rừng đối với 9.000 ha.
Một nhiệm vụ quan trọng khách là tăng cường năng lực và phát triển sinh kế cho cộng đồng, người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển.
Đề án cũng đưa ra các giải pháp thực hiện, trong đó có tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức về vai trò, giá trị của rừng vùng ven biển. Cụ thể là tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò của rừng vùng ven biển trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa, chống suy thoái đất, cung cấp giá trị kinh tế, xm hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng, xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng. Xây dựng các tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ, trồng và phục hồi rừng vùng ven biển. Tổ chức tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các chủ rừng và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển.
Mặt khác, thực hiện nhóm các nhiệm vụ ưu tiên, bao gồm: xây dựng rừng giống, vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng vùng ven biển; bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, chống sạt lở bờ biển, đặc biệt ưu tiên vùng đồng bằng sông Cửu Long; trồng rừng phòng hộ chắn gió bão, chắn cát bay, bảo vệ môi trường, phòng chống sa mạc hóa, vùng ven biển, đặc biệt là các tỉnh miền Trung; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại các khu rừng đặc dụng, các khu rừng có tính đa dạng sinh học cao tại vùng ven biển…
Kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành và các nguồn vốn hợp pháp khác. Căn cứ vào nhiệm vụ được giao trong Đề án, các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch hoạt động hằng năm và lập dự toán nhu cầu kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật./.
Bình luận