Giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại 6 bộ
Để chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu tại Phiên họp tháng 8/2022 và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 sắp tới, theo Văn phòng Quốc hội, từ ngày 1-3/8, Đoàn giám sát của Quốc hội bắt đầu làm việc với 6 bộ, ngành, gồm: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Y tế về thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Nội dung giám sát nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn trình bày báo cáo việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại đơn vị giai đoạn 2016-2021 (ảnh: Quốc hội) |
Trong sáng nay (ngày 1/8), Đoàn giám sát đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông. Báo cáo với Đoàn giám sát, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết, giai đoạn 2016-2021, Bộ đã tổ chức xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 230 văn bản quy phạm pháp luật góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, chỉ đạo về tiết kiệm của Quốc hội, Chính phủ; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được thực hiện nghiêm túc; đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước. Nhờ vậy, giai đoạn 2016-2021, công tác quản lý tiết kiệm được 2.547 tỷ đồng…
Đối với công tác quản lý, khai thác kho số viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng ban hành các nghị định, thông tư, nhằm tổ chức quản lý và khai thác hiệu quả kho số viễn thông theo tình hình thực tiễn tại Việt Nam và thông lệ thế giới, góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, như: chưa có các tiêu chí kiểm tra, giám sát thực hiện các chỉ tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các tiêu chí thưởng phạt kịp thời; một số văn bản chưa đồng bộ với các văn bản chuyên ngành khác; công tác xây dựng và ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật một số lĩnh vực còn chậm...
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, hoàn thiện báo cáo bổ sung gửi Đoàn giám sát (ảnh: Quốc hội) |
Phát biểu kết luận buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 cho biết, đây là chuyên đề giám sát khó, phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực then chốt và xương sống của nền kinh tế, đến mọi mặt của đời sống xã hội…
“Đề nghị sau buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, hoàn thiện báo cáo bổ sung gửi Đoàn giám sát. Trong đó, tiếp tục cập nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu đánh giá theo đề xuất của các thành viên Đoàn giám sát; đánh giá ưu điểm, tồn tại, từ đó, đề xuất giải pháp khắc phục...”, ông Phương lưu ý./.
Bình luận