Với sự điều phối của TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà khoa học cùng chia sẻ nhiều góc nhìn sâu sắc về vấn đề hiện tại và tương lai thị trường

Phản ứng chính sách chậm, nghẽn lệnh sẽ còn dài

GS.TSKH. Nguyễn Mại cho biết, quan sát vấn đề nghẽn lệnh trên TTCK Việt Nam, ông rất ngạc nhiên khi thấy nguyên nhân “lặp đi, lặp lại” giống như ở nhiều bộ, ngành, địa phương khác, đó là phản ứng chính sách quá chậm. Từ cuối tháng 12/2020, khi TTCK Việt Nam mới xảy ra tình trạng nghẽn lệnh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã lập đoàn khảo sát năng lực hệ thống tại HOSE và đề xuất giải pháp xử lý. “Như vậy, 3 tháng đã trôi qua, vẫn chưa có một giải pháp căn cơ nào được quyết để xử lý”, GS. Nguyễn Mại nói.

Trong góc nhìn của GS. Nguyễn Mại, giải pháp mà Bộ Tài chính đang chờ FPT, đó là mua mới phần cứng cho HOSE và mang phần mềm tại HNX vào vận hành, cũng chỉ là… chắp vá. Chắp vá mà chưa biết bao giờ mới xong. Nếu được quyết ngay hôm nay, thì tối thiểu cuối tháng 6/2021, TTCK mới có thể chạy trên nền hệ thống mới. Trong khi đó, tác động tiêu cực của tình trạng nghẽn lệnh là rất lớn, không đong đếm được, khi TTCK Việt Nam đã có quy mô lớn (vốn hóa 200 tỷ USD) và là hàn thử biểu trong nền kinh tế Việt Nam.

GS.TSKH Nguyễn Mại: Nếu cứ để tình trạng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không có quyền gì trong phản ứng chính sách, kể cả vấn đề rất kỹ thuật là công nghệ, thì TTCK còn nghẽn

“Nếu cứ để tình trạng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không có quyền gì trong phản ứng chính sách, kể cả vấn đề rất kỹ thuật là công nghệ, thì TTCK còn nghẽn”, người đứng đầu VAFIE nói. Một quyết sách, một giải pháp muốn được thực thi phải trải qua quá nhiều cấp trình xin ý kiến đã bóp nghẽn nhiều cơ hội xử lý vấn đề phát sinh cũng như mở rộng phát triển. Đây là vấn đề chung ở nhiều bộ, ngành, lĩnh vực, nhưng đến TTCK thì quá nhiều người bị ảnh hưởng trực tiếp. Điều đáng nói là, sau 3 tháng, quyết sách xử lý nghẽn lệnh vẫn ở tình trạng chưa biết bao giờ Bộ Tài chính mới trình Thủ tướng để… chốt làm.

GS. Nguyễn Mại cho rằng, tương lai dài hạn phụ thuộc vào hôm nay, chúng ta thay đổi điều gì. Nếu cơ chế không thay đổi theo hướng trao quyền, tức là, nợi nào có đủ thông tin, nơi đó phải có đủ quyền quyết xử lý, thì trông mong sự phát triển mạnh mẽ, bền vững chỉ là… viển vông. Ông cũng chia sẻ một quan sát rằng, nền kinh tế đã chứng kiến rất nhiều dự án thất bại, do phụ thuộc vào công nghệ ngoại, cứ lỗi xảy ra là chỉ có cách gọi họ đến xử lý. GS. Nguyễn Mại kêu gọi tư duy đổi mới trong cải cách hành chính. Theo đó, hãy trao quyền cho cơ quan quản lý trực tiếp ngành và trao nhiều niềm tin hơn cho doanh nghiệp Việt. Cơ chế phải mở và phù hợp mới thúc đẩy được sự phát triển của hôm nay và dài hạn.

Nhiều tháng nay, dư luận dồn lời chỉ trích về tình trạng nghẽn lệnh, nhưng các chuyên gia thấu hiểu hệ thống thì cho rằng, lỗi không đến từ cá nhân. Cái gốc là cơ chế không trao quyền cho chủ thể trực tiếp tổ chức vận hành cũng như quản lý TTCK. Ngay cả sang năm 2021, khi Luật Chứng khoán có hiệu lực thi hành, thì ở đó vẫn có nguyên quy định: “Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan thuộc Bộ Tài chính thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán, tổ chức thực thi pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính”. Luật Chứng khoán cũng quy định nghĩa vụ của UBCK là báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tình hình hoạt động của thị trường chứng khoán. “Trường hợp có biến động lớn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm kịp thời báo cáo Bộ Tài chính, đồng thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường và các giải pháp để ổn định thị trường và bảo đảm an ninh, an toàn tài chính”.

TS. Vũ Bằng gợi mở, cách tốt nhất lúc này là tách dự án KRX ra thành từng phần một, tập trung xử lý một phần trong đó, đó là hệ thống giao dịch cho HOSE

Ở góc nhìn của người 20 năm xây dựng TTCK Việt Nam, TS. Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ, ông thấm nỗi khổ của người làm chính sách, nhất là với ngành mới như chứng khoán. Làm chính sách nhiều khi như đi… xin chính sách, phải trình bày nhiều nơi, nhiều cấp mới may chăng thông được. TS. Vũ Bằng cho rằng, phải tháo gỡ rào cản hành chính để chính sách ra nhanh hơn, đi vào cuộc sống kịp thời hơn, mới có thể đáp ứng được sự vận hành nhanh chóng, với quy mô ngày càng lớn của TTCK Việt Nam.

Chia sẻ về câu chuyện nghẽn lênh, ông Bằng cho biết, từ nhiều tháng trước, trong ngành, đã bàn về ý tưởng sử dụng phần mềm của HNX để cải thiện năng lực nhận lệnh tại HOSE. Bàn thì ra sáng kiến, nhưng ai quyết, ai làm lại là câu chuyện khác. Trong phương án khả thi nhất lúc này, dùng phần mềm từ HNX, thì phần cứng vẫn phải chi tiền mua mới có. Việc đầu tư phần cứng, nếu phải trải qua quá trình thủ tục đấu thầu, qua các cấp có thẩm quyền phê duyệt thì chắc chắn không thể 3-4 tháng như dân tình kỳ vọng, mà là hàng năm mới hy vọng xong.

TS. Vũ Bằng gợi mở, bối cảnh hiện nay cần nhiều cách giải. Chẳng hạn, với dự án công nghệ Hàn Quốc (KRX), cũng cần thay đổi cách làm. Dự án KRX bị kéo dài nhiều năm do yêu cầu tích hợp toàn bộ công nghệ của HNX, VSD vào cùng hệ thống tại HOSE. Chủ đầu tư (HOSE - PV) không được trao quyền nhiều hơn 2 thành viên còn lại, khiến quá trình trao đổi để thống nhất và quyết một hướng làm bị kéo dài. Ông Vũ Bằng lý giải và gợi mở, cách tốt nhất lúc này là tách dự án KRX ra thành từng phần một. Hiện tại, tập trung xử lý một phần trong đó, đó là hệ thống giao dịch cho HOSE, sau khi chạy ổn định rồi mới làm tiếp việc tích hợp các nền tảng khác từ HNX, VSD.

Dự phòng cho tương lai không biết chắc

Trong đánh giá về tương lai dài hạn của nền kinh tế và TTCK Việt Nam, GS. Nguyễn Mại cho rằng, có 3 yếu tố đáng quan sát. Thứ nhất, việc định hình một Chính phủ mới sẽ quyết định mục tiêu và tính khả thi của các kế hoạch dài hạn. Thứ hai, quá trình cải cách hành chính tại Việt Nam tiếp tục ra sao, có thực chất không? Thứ ba, Nhà nước hỗ trợ như thế nào đến cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn đại dịch? Rất nhiều quốc gia chi nhiều tỷ USD hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trụ vững trong thời đại dịch, nhưng tại Việt Nam, chính sách mới chủ yếu ở việc… giãn và hoãn thuế. Chủ tịch VAFIE giữ quan điểm lạc quan khi quan sát kinh tế quý I/2021. Tăng trưởng GDP đã cao hơn năm 2020, nhưng thấp hơn nhiều các năm trước đó. “Dư địa cho tăng trưởng còn nhiều, nhưng phụ thuộc vào cải cách có mạnh và có thông hay không”, ông nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, hỗn loạn đã trở thành chuẩn mực trong giai đoạn bình thường mới

Trong góc nhìn khác, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, nền kinh tế toàn cầu ngày càng rơi vào tình trạng hỗn loạn chưa từng có, mà cái gốc đến từ cuộc chiến giành giật tài nguyên thiên nhiên khốc liệt giữa các quốc gia đứng đầu. TS. Lê Xuân Nghĩa đưa ra con số cho thấy, nguồn tài nguyên đang ở tình trạng suy giảm trầm trọng khi từ năm 1957 đến nay, suy giảm bằng 11.000 năm cộng lại. Một diễn biến mới khác là 80 quỹ đầu tư quốc gia ra đời gần đây, đang góp sức tạo nên sự hỗn loạn trên thị trường tài chính. Chưa ai đánh giá được nguy cơ và mức độ các quỹ này sẽ hành động như thế nào và ảnh hưởng ra sao đến thị trường tài chính toàn cầu.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, hỗn loạn đã trở thành chuẩn mực trong giai đoạn bình thường mới. Vì thế, việc chúng ta kỳ vọng thị trường ổn định, bền vững trong dài hạn chỉ là kỳ vọng, thậm chí là kỳ vọng không thực tiễn khi dòng tiền đầu tư ngày một liên thông và nhạy cảm theo các vấn đề toàn cầu. Ông Nghĩa không đánh giá cao triển vọng hồi phục của TTCK Việt Nam, bởi quan điểm, doanh nghiệp không thực sự nhận được sự trợ giúp nào để bật dậy sau đại dịch. Tại Mỹ, ngân sách hỗ trợ lên đến 22% GDP thì tại Việt Nam, nếu tính kỹ, tổng giá trị hỗ trợ chưa tới 1% GDP. “Khi không có các nguồn lực ở dạng thế năng trợ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế, nhà đầu tư cần lường trước một thực tế là nền kinh tế Việt Nam sẽ có sức bật yếu ớt so với các nền kinh tế khác”, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.

TS. Đặng Văn Thanh cho rằng, đồng tiền kỹ thuật số đang dần hiện diện như một yếu tố mới, thách thức các quan điểm về giá trị của tiền tại Việt Nam

TS. Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính thì cho rằng, tương lai TTCK rất khó đoán định, khi các dòng vốn luân chuyển nhanh hơn và chưa có một phân tích nào chỉ ra tính cạnh tranh giữa các kênh thu hút vốn (bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, đầu tư…). Chưa kể, đồng tiền kỹ thuật số đang dần hiện diện như một yếu tố mới, thách thức các quan điểm về giá trị của tiền như những gì đã cũ tại Việt Nam. Trong bối cảnh này, cần nhất là giữ cho TTCK hoạt động minh bạch và xây dựng tư duy điều hành thúc đẩy tính thị trường càng nhiều càng tốt. Đây là cách tạo sự chủ động ứng phó, phòng vệ rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường vốn Việt Nam./.