Giới thiệu Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 17 (553)
Được khởi động từ cuối năm 2011 theo chủ trương của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa XI (10/10/2011). Đến ngày 1/3/2012, Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 254/QĐ-TTg. Quyết định này đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để xử lý các ngân hàng yếu kém với một lộ trình đến năm 2015. Ngay sau đó, ngày 18/4/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký Quyết định số 734/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án. Tuy nhiên, đã gần hai năm trôi qua mà việc triển khai cơ cấu lại hệ thống ngân hàng vẫn chưa đạt nhiều tiến bộ đáng kể trước sự sốt ruột của dư luận xã hội và nhu cầu của nền kinh tế. Vậy, tại sao tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra và nguyên nhân do đâu và làm gì để thúc đẩy nhanh quá trình này? Những nội dung này được đề cập trong bài viết “Cơ cấu lại ngân hàng: Nỗ lực nhưng vẫn chậm” của tác giả Trần Tiềm trong chuyên mục Nghiên cứu trao đổi số ra tạp chí kỳ này.
Trong thời gian qua, hoạt động M&A đối với doanh nghiệp nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Đây cũng là một trong những giải pháp chính để tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng hiện nay. Thực tế cho thấy, các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng đang diễn ra rất sôi nổi và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều những vướng mắc trong hoạt động này. Bởi, không chỉ các ngân hàng yếu kém cần phải cơ cấu lại mà ngay cả những ngân hàng hoạt động hiệu quả cũng cần cơ cấu lại thông qua M&A, hay điều gì sẽ xảy ra khi hoạt động M&A kết thúc? Bài viết “Hoạt động M&A trong quá trình cơ cấu lại các ngân hàng thương mại” sẽ giải đáp phần nào những nguyên nhân này? Mời bạn đọc đón đọc.
Hạn mức tín dụng là một trong những công cụ can thiệp một cách trực tiếp mang tính hành chính của Ngân hàng Trung ương để khống chế mức tăng khối lượng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng cung ứng cho nền kinh tế, đảm bảo mức tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán theo mục tiêu đề ra trong điều hành chính sách tiền tệ hàng năm. Công cụ này được ngân hàng nhà nước thực hiện trở lại sau một thời gian ngừng áp dụng? Tại sao một công cụ lại được áp dụng trở lại? và liệu công cụ này có thực sự cần thiết cho hệ thống ngân hàng hay không? Mời bạn đọc đón đọc bài viết “Khống chế hạn mức tín dụng: Nên hay không?” của tác giả Nguyễn Văn Hà.
Cung liên quan đến vấn đề ngân hàng, tạp chí gửi đến bạn đọc một số nội dung như: Làm thế nào để phát triển thị trường thẻ ngân hàng và dịch vụ phi tín dụng tại các ngân hàng thương mại.. Mời bạn đọc đón đọc.
Bên cạnh đó, trong chuyên mục Nghiên cứu trao đổi, Tạp chí sẽ cung cấp cho bạn đọc một số nội dung hẫn dẫn khác, như: giải pháp về vốn cho nông nghiệp, nông thôn; giải pháp về thủ tục hành chính, môi trường... Mời bạn đọc đón đọc.
Chúng ta hay nói nhiều đến vấn đề dự báo tăng trưởng, nhưng thực tế sử dụng phương pháp nào để dự báo vấn đề này không phải ai cũng biết. Trong số ra kỳ này, tạp chí giới thiệu đến bạn đọc một phương pháp dự báo tăng trưởng, đồng thời áp dụng phương pháp này để dự báo tăng trưởng trong năm 2014. Phương pháp đó là gì và thực hiện như thế nào? Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm tới là bao nhiêu? Nội dung này sẽ được đề cập trong bài viết “Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2014” và được đăng tải trong chuyên mục Định hướng triển vọng, mời bạn đọc đón đọc. Cũng trong chuyên mục này, tạp chí mang đến bạn đọc một bức tranh tổng thể nền kinh tế trong 8 tháng qua. Những đánh giá, nhìn nhận từ nhiều phía về những kết quả đạt được trong những tháng vưa qua.
Nguồn nhân lực chất lượng cao luôn đóng một vai trò quan trọng đối với bất kỳ một chiến lược nào từ trung ương đến địa phượng hay đối với bất kỳ một thành phần kinh tế nào. Làm thế nào để phát triển và duy trì nguồn nhân lực này? Trong chuyên mục Kinh tế ngành địa phương số ra kỳ này, tạp chí giới thiệu một số nội dung liên quan đến vấn đề này. Ngoài ra, tạp chí cũng gửi đến bạn đọc một số nội dung về vận tải biển, vận tải ô tô..Mời bạn đọc đón đọc.
Thẻ điểm cân bằng (BSC) là một công cụ quản trị chiến lược, đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi trên thế giới, cho thấy hiệu quả và có thể áp dụng rộng rãi. Trên thực tế, nhiều tổ chức, doanh nghiệp ở Việt Nam đã nỗ lực xây dựng những công cụ quản lý riêng về tài chính, nhân sự, quy trình... Tuy nhiên, phần lớn các công cụ này chưa có sự liên kết, cũng như chưa kết nối được các mục tiêu, nguồn lực.... Để hiểu rõ hơn những tính năng của công cụ này, trong chuyên mục Phổ biến kiến thức số ra kỳ này, Tạp chí sẽ giới thiệu công cụ này một cách chi tiết qua bài viết nghiên cứu “Áp dụng BSC tại trường trung học kinh tế Khánh Hòa” của tác giả Trần Thị Xuân Viên và Nguyễn Văn Ngọc. Cũng trong chuyên mục này, Tạp chí cũng sẽ mang đến cho bạn đọc những nghiên cứu xung quang vấn đề dự báo nhu cầu nhân lực dài hạn cho doanh nghiệp mỏ. Mời bạn đọc đón đọc.
Trong những thập niên gần đây, hệ thống giáo dục đại học ở các nước trên thế giới đã và đang có những biến đổi sâu sắc với xu hướng đa dạng hoá, chuyển từ giáo dục tinh hoa (cho số ít) sang nền giáo dục đại học đại chúng. Vậy, đây có phải là xu hướng tất yếu của hệ thống giáo dục hay không? và nếu đúng thì Việt Nam cần rút ra được những kinh nghiệm gì cho nền giáo dục nước ta? Chi tiết nội dung này sẽ được phản ánh thông qua bài viết “Xu hướng giáo dục đại học toàn cầu và gợi ý cho Việt Nam” trong chuyên mục Nhìn ra thế giới. Mời bạn đọc đón đọc.
Bình luận